Với áp lực của cuộc sống xã hội ngày nay, nhiều căn bệnh tâm lý dần trở nên phổ biến, trong đó có chứng rối loạn lo âu xã hội. Có 5 dấu hiệu thường gặp của bệnh này mà bạn nhất định phải biết để có cách phòng tránh và điều trị kịp thời.
1. Rối loạn lo âu xã hội không chỉ là nỗi sợ nói trước công chúng
Biểu hiện phổ biến nhất của một người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội là hay run rẩy, nói lắp hoặc đổ mồ hôi đầm đìa khi nói chuyện trước đám đông. Ngoài ra, họ còn sợ rất nhiều thứ như nói chuyện nhỏ, nhìn thẳng vào mắt mọi người, viết email, gọi điện thoại, nói chuyện trong lớp, ăn trước mặt người khác… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội có thể không có bất kỳ lo ngại nào về việc nói chuyện trước công chúng, thậm chí còn có thể yêu thích nó. Điều cốt lõi của vấn đề là có khả năng họ đang trải qua nỗi sợ hãi tột cùng về các tình huống xã hội đang can thiệp vào cuộc sống của họ.
2. Nỗi sợ hãi xã hội không chỉ bắt nguồn từ mối quan tâm về việc bị đánh giá tiêu cực
Chúng ta thường hay có nhiều sự lo lắng liên quan đến xã hội như bị xấu hổ khi không sống theo một tiêu chuẩn nhất định hoặc để lộ những thiếu sót. Tuy nhiên, nhiều người cũng mắc chứng này ngay cả khi nhận được phản hồi tích cực và là trung tâm của sự chú ý “tốt”, ví dụ như được khen ngợi vì đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc hay được đề cử cho giải thưởng… Trong nhiều trường hợp, mối lo ngại xã hội được hình thành khi chúng ta lo lắng rằng mình có một số sai lầm, sợ người khác phát hiện và sẽ trở thành kẻ gian lận.
3. lo lắng cả về tương lai lẫn quá khứ
Thông thường, khi lo lắng, chúng ta có xu hướng nghĩ về tương lai. Nhưng người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội cũng thường xuyên bị mắc kẹt trong những trăn trở về quá khứ. Họ lặp đi lặp lại trong đầu nhiều lần các tình huống xã hội đã diễn ra và tự chất vấn mình với những câu như “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc đó người này không thích mình?”, ” Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc đó mình nói sai?”… Sự tự chất vấn này được gọi là quá trình xử lý sau sự kiện. Nó đòi hỏi phải suy nghĩ về quá khứ, trong khi cũng lo lắng về tương lai.
Càng rơi vào quá trình xử lý sau sự kiện, người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội càng tự chất vấn mình nhiều hơn và càng lo lắng hơn về tương lai. Họ bị mắc kẹt trong một vòng lặp tâm lý hối tiếc về quá khứ và lo lắng về những gì sắp tới. Thoát khỏi thói quen này là rất khó, nhưng chúng ta cần phải cố gắng bởi đây là chìa khóa để khắc phục chứng rối loạn lo âu xã hội.
4. Lo lắng xã hội không chỉ xảy đến với những người hướng nội
Chúng ta hay nghĩ rằng chỉ có những người hướng nội mới gặp phải nỗi lo âu xã hội. Đây là một quan niệm sai lầm rất phổ biến, đặc biệt là trên phương tiện truyền thông. Hướng nội là một đặc điểm tính cách và nó trái ngược với hướng ngoại. Cả hai đều đề cập đến lượng tương tác xã hội mà một người muốn hoặc cần có và chúng không liên quan gì đến nỗi sợ hãi hay lo lắng.
Cụ thể, những người không cần giao tiếp xã hội nhiều thường sống nội tâm và những người cần nhiều tương tác xã hội là người hướng ngoại. Vì thế, trong khi một người hướng nội có thể sẵn sàng rời khỏi bữa tiệc sau một giờ thì người hướng ngoại có thể là người cuối cùng rời đi. Một người hướng nội thường đánh mất cảm xúc trong những hoạt động xã hội nhanh hơn người hướng ngoại và họ rất coi trọng thời gian dành riêng cho chính mình.
Nhưng cho dù một người có cần nhiều tương tác xã hội hay không thì điều đó cũng không liên quan gì đến việc họ có lo lắng về những tình huống xã hội hay không. Cả người hướng nội và người hướng ngoại đều có khả năng mắc căn bệnh tâm lý này.
5. Lo lắng xã hội không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra
Có một quan niệm cho rằng những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội thường trốn tránh thế giới và không thích tham gia vào các hoạt động có nhiều người. Nhưng điều này chưa hẳn đã đúng. Có hai lý do cho việc này. Đầu tiên, biểu hiện của căn bệnh này rất không đồng nhất, vì vậy một số người mắc bệnh vẫn tham gia vào các loại tương tác xã hội không có cấu trúc xảy ra tại các bữa tiệc (như nói chuyện nhỏ). Thứ hai, mặc dù những người mắc chứng lo âu xã hội luôn muốn tránh những tình huống khiến họ lo lắng, nhưng sự tránh né không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách chấm dứt tình huống đó ngay lập tức. Thực tế, có rất nhiều kiểu tránh tinh tế mà họ có thể thực hiện. Ví dụ, một người có thể đi đến một bữa tiệc nhưng uống quá nhiều hoặc dành nhiều thời gian cho một chiếc điện thoại… Những hành vi tránh né này thật sự có vấn đề bởi vì chúng có xu hướng tạo ra sự phụ thuộc. Theo thời gian, người đó sẽ tự dựa dẫm vào chính mình nhiều hơn và càng cảm thấy lo lắng. Trong tương lai, họ sẽ lặp lại sự tránh né và mất dần các kết nối xã hội có ý nghĩa.
CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ?
May mắn thay, rối loạn lo âu xã hội không phải là một căn bệnh mạn tính, do vậy mà chúng ta hoàn toàn có thể chữa trị được nó. Bạn nên kiểm soát thời gian biểu của mình bằng cách cân bằng thời gian làm việc và thư giãn để tránh tình trạng căng thẳng quá mức. Cho dù bận rộn đến thế nào, bạn cũng nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày bởi sự thiếu ngủ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi và lo âu. Đi bộ, tập yoga, thiền định, chơi thể thao… cũng là những biện pháp tốt giúp khắc phục chứng rối loạn lo âu xã hội thông qua việc giải phóng endorphin tự nhiên của cơ thể trong quá trình vận động. Ngoài ra, cười nhiều hơn cũng là liều thuốc tốt cho căn bệnh này. Tiếng cười giúp giải tỏa các cảm xúc tiêu cực thông qua việc làm giảm nồng độ cortisol gây căng thẳng và lo lắng. Nếu những cách trên vẫn không có tác dụng, bạn nên đến gặp một bác sĩ hay chuyên viên tư vấn tâm lý để có những biện pháp chữa trị kịp thời, hữu hiệu trước khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Thu Trang Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Psychology Today