Chuyện công sở: Khi “người mới” xuất hiện
Thử hình dung, một ngày đẹp trời, có một cô, hay một cậu, nhảy chồm vào và chễm chệ ngồi ở chiếc ghế “trên đầu” của ta.
Lúc ấy, “cục diện” của mối quan hệ song phương thay đổi. Nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, bạn sẽ cảm thấy thú vị khi phát hiện ra ở mình và đối tác cũ những tố chất mới, những ngọn lửa mới mà chính người mới đã thắp sáng lên.
Chuyện công sở 1: Khi sự thay đổi gõ cửa
Nhã là chuyên viên thiết kế của một công ty quảng cáo nước ngoài. Cô được nhận vào làm trong thời gian Hoa, một nữ chuyên viên khác nghỉ sinh. Vốn là người năng động và đầy sáng tạo, Nhã nhanh chóng làm quen với công việc mới, thiết kế ra nhiều mẫu mã được khách hàng đánh giá cao. Giám đốc sáng tạo và các đồng nghiệp rất quý mến Nhã.
Mọi việc tưởng như không thể nào tốt hơn, cho đến ngày Hoa quay trở lại với công việc. Vốn là người có bản tính thích ganh đua, thấy Nhã tiếp quản công việc của mình, lại được lòng khách hàng, sếp và đồng nghiệp nên Hoa cảm thấy khó chịu. Cô tìm mọi cách chen vào công việc của Nhã, đưa ra những bình luận gây tranh cãi, ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Bản thân giám đốc sáng tạo cũng không thể hỗ trợ Nhã như trước, do anh luôn phải cố gắng tỏ ra mình khách quan.
Sự việc đẩy lên cao trào khi cả Nhã và Hoa được giao thiết kế bao bì cho một nhóm sản phẩm mới. Hoa đưa ra những thay đổi vào phút chót. Nén giận, Nhã đề nghị cả hai cùng gặp giám đốc. Cô chứng tỏ ý tưởng và kế hoạch sản xuất của mình là phù hợp và mạnh dạn đề nghị anh cho mình quyết định cũng như chịu trách nhiệm về việc này. Thấy Nhã là người dám làm, dám chịu, giám đốc đồng ý. Ý tưởng của Nhã được khách hàng khen ngợi, và không chỉ thế, cô còn được đề bạt làm trưởng nhóm thiết kế.
Sự kiện “người mới” trong công việc không phải là chuyện hiếm. Đó có thể là một đồng nghiệp mới, sếp mới, đối tác mới, có khi đó chính là… bạn. Đó là sự đổi thay đến gõ cửa nhà bạn. Nó mang tới cho bạn sự may mắn, hoặc cũng có thể là sự xui xẻo, tùy theo cách bạn đón tiếp. Chí ít, bạn hãy nên mỉm cười với nó trước, bởi cuộc sống không thể không đổi thay.
Chuyện công sở 2: Đón nhận và lạc quan
Diệu Thu, bạn tôi, chuyên viên đối ngoại đã từng hụt hẫng một thời gian khi sếp trực tiếp của cô chuyển lên vị trí cao hơn, và thay vào đó là một sếp nữ khác. Thời gian đầu, sếp mới quan tâm sát sao công việc của Diệu Thu, kể cả giờ giấc và những mối quan hệ với đối tác. Điều ấy đã khiến cô cảm thấy mình thiếu độc lập, bị bó buộc, trở nên thiếu tự tin hơn trước. Hiệu quả và tinh thần làm việc của cô ngày càng giảm sút. Không thể chịu được tâm trạng này lâu hơn nữa, Thu đã chủ động gặp riêng sếp mới để nói chuyện. Cô thẳng thắn chia sẻ cách làm việc của mình, muốn được biết dự định sắp xếp công việc sắp tới.
Có một thực tế rõ ràng là, con người là giống loài có khả năng sống đơn lẻ kém nhất. (Bạn hãy thử so sánh chúng ta lúc mới chào đời với những vật nuôi trong nhà như chó và mèo sẽ thấy ngay). Ngay cả việc chúng ta phát minh ra các công nghệ truyền thông hiện đại hay các phương tiện giao thông mới, cũng chỉ là để rút hẹp khoảng cách giữa con người với con người. Cuộc sống càng nhiều cạnh tranh, chúng ta lại càng phải xóa nhòa khoảng cách đó. “Người mới” xuất hiện giống như một hồi chuông thức tỉnh những thói quen cũ, những toan tính cũ, rằng đã đến lúc tất cả cùng phải thay đổi cho phù hợp lẫn nhau, không chỉ là giữa con người, mà cả giữa con người với công việc, với quy mô phát triển của công ty…
Vì thế, bạn cũng đừng e ngại, dè chừng nếu một ngày đẹp trời, người mở cánh cửa đón chào bạn mang một gương mặt hoàn toàn mới. Người ấy cũng đang rất muốn tìm hiểu về bạn và công việc bạn đang làm chẳng kém gì bạn đâu! Bạn sẽ đưa đối phương vào “tầm ngắm” của mình, điều đó chẳng có gì lạ, nhưng hãy theo chiều hướng tích cực.
Lúc này, sự chia sẻ và quan tâm, tìm hiểu lẫn nhau là quan trọng nhất, giúp bạn vừa trở nên tự tin trong mắt các đồng nghiệp, vừa là cơ hội để khám phá “đối tượng”. Nếu “người mới” có nguy cơ phá hỏng các mối quan hệ và công việc hiện tại của bạn, đây chính là lúc bạn phát hiện ra và kịp thời điều chỉnh.
Bạn cũng đừng quên củng cố những gì bạn đang có. Hãy quan sát và “lắng nghe” những thay đổi dù là nhỏ nhất đến từ bạn và đối tác cũ. Bạn cần đến cả sự tinh tế, nhạy cảm của người đang yêu đấy, bởi bạn cần phải biết rằng, người mới tác động như thế nào đến công việc cũng như mối quan hệ của bạn và đối tác cũ. Nếu mọi thứ trở nên trôi chảy, càng tuyệt vời hơn.! Nhưng nếu sự việc trở nên tồi tệ nhất, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy mình đang đứng bên cánh cửa rộng mở, bắt đầu một chuyến đi mới. Có sao đâu, bởi bạn đã sẵn sàng rồi mà!
Xem thêm
Phụ nữ và bí quyết ứng xử nơi công sở
Bài: Phương Linh