Vì thời tiết Hà Nội chẳng ngày nào giống ngày nào. Và đường Hà Nội ngày nào cũng tắc. Cần mẫn, đều đặn, ngày hai lượt vào “giờ cao điểm”, không cần hẹn, những điểm tắc đường của Hà Nội lại đồng loạt tắc.
Nếu bạn sinh sống ở Hà Nội, đương nhiên bạn sợ tắc đường vì có vẻ như số tử vi của bạn như thế nào thì cả cuộc đời bạn cũng không thoát khỏi chuyện tắc đường. Nếu bạn sinh ra ở Hà Nội, nhưng đang sống ở nơi khác, thì khi về Hà Nội, bạn càng sợ tắc đường (vì sức đề kháng của thần kinh bạn với căn bệnh tắc đường đã bị yếu đi). Nếu bạn không sinh ra, không sống ở Hà Nội, thì khi đến Hà Nội, bạn sẽ càng kinh hãi tắc đường (vì thần kinh bạn không có khả năng đề kháng với tắc đường).
Đã ở Hà Nội, dù là người không biết sợ gì, thì cũng phải sợ tắc đường. Tắc đường, sợ nhất cái gì? Bị mắc kẹt giữa một biển người, xe, khói xăng, bụi… không biết bao giờ mới được giải cứu. Nhưng tắc đường Hà Nội còn có “đặc sản” là tiếng còi xe inh ỏi, và không hiếm khi là chửi bới, đánh lộn. Tôi cũng không lý giải được khi đường tắc đến nỗi cả tiếng đồng hồ không nhích nổi một mét, xe cộ ken đặc, mà người sau vẫn bấm còi quàu quạu thì người đằng trước biết nhích đi đâu. Tôi đi nhiều nơi cả trong nước và nước ngoài, nhưng chưa thấy ở đâu người tham gia giao thông “giàu tinh thần chiến đấu” như ở Hà Nội. Một va chạm nhỏ, nhiều khi là vô tình, “chiến”. Nhẹ nhàng thì: “Giẫm mẹ vào chân người ta rồi. Đứng kiểu gì thế?”. Nặng hơn thì: “Mù à? Đường thế này chen lên mắt mà chen?”. Nặng hơn nữa thì tiếng bấc quăng đi tiếng chì quăng lại, và kết thúc bằng một đám đánh nhau. Thế là đường vừa thông lại bị tắc. Dù những người không có tinh thần chiến đấu kiểu này, thì tắc đường cũng khó thấy hòa bình trong lòng lắm. Sốt ruột vì sợ muộn giờ. Oán than “ông” giao thông công chính làm gì mà đường sửa hoài rồi tắc hoài năm này sang năm khác.
Đường về nhà bố mẹ tôi phải qua đoạn phố Đội Cấn – Đội Nhân. Quãng phố này xấu, nhà cửa hàng quán chợ búa lộn xộn, nhếch nhác, không ra quê, không ra tỉnh, cũng không ra nửa quê nửa tỉnh. Đường nhỏ, người đông, lại gần nhà tang lễ của viện 354, hay có đám tang nên đường đã hay tắc lại càng hay tắc. Mỗi lần bị tắc đường ở đây, tôi lại có cảm giác như bị ép tiếp chuyện một người vừa xấu người vừa xấu nết, vừa vô duyên. Hôm ấy, cũng như mọi lần có việc phải ra khỏi nhà vào giờ cao điểm, tôi lại “dính chưởng” tắc đường. Cả gần tiếng đồng hồ ôm xe chôn chân một chỗ, bất đắc dĩ tôi ngó nghiêng xung quanh.
Ô, ở ngay ven đường có một cây bàng đang trổ lá đỏ! Đó là một cây bàng non còi cọc, không biết có phải vì hít quá nhiều khói xăng không. Thân cây khẳng khiu, giơ ra mấy cành gầy guộc, không duyên dáng như những cây bàng tôi vẫn thấy. Nhưng những chiếc lá đỏ thì xiết bao rực rỡ, xiết bao vui tươi, làm bừng lên cả một góc phố xám bụi toàn những mặt người cau có vì tắc đường. Trông cây bàng như một cô thôn nữ nghèo đang lớn, lần đầu được mặc một tấm áo mới mua ở chợ quê, và niềm vui ngượng nghịu, hồn nhiên của cô làm lòng người cảm động. Cô đẹp vì chính cái niềm vui ngượng nghịu hồn nhiên ấy, chứ không phải vì thân hình gầy gò thiếu chất hay tấm áo cắt may vụng về.
Đường Hà Nội khá nhiều bàng. Tôi rất yêu bàng. Đi đâu thấy cây bàng dù vội mấy thì mắt cũng không thể không lưu tình. Ấy vậy mà quãng đường này ngày nào tôi cũng đi, nhưng nếu không có trận tắc đường ấy, thì tôi chẳng nhận ra cây bàng này. Sau lần đó, mỗi lần bị kẹt xe ở đâu, thay bằng cáu bẳn, tôi thường hay “tranh thủ” ngắm nghía xung quanh, để rồi lần nào cũng kinh ngạc nhận ra ngày thường, mình đã bỏ qua bao nhiêu chi tiết đáng yêu của cuộc sống tưởng chừng đã rất quen thuộc quanh mình. Một cửa hàng cũ bao năm đã biến mất, thay vào đó là 2 cửa hàng nhỏ bán những thứ hoàn toàn khác. Một ô cửa sổ cũ kỹ tuyệt đẹp nằm lọt thỏm giữa một con phố toàn nhà mới xây, lòe loẹt, rườm rà. Cô bán trứng vịt lộn quần áo lam lũ nhưng lại có một mái tóc đen nhánh, vấn cao rất nữ tính và quý phái. Một cu con đang lững chững tập đi, phát hiện ra con cún tè bậy gốc cây bèn kéo tay bà đứng lại, bi bô ầm lên… Chúng ta hay mơ ước làm được những điều khó khăn, to tát, nhưng lại thường bắt gặp niềm yêu sống mỉm cười với ta từ những điều tưởng chừng nhỏ bé và đơn giản như vậy.
Những năm gần đây người ta hay nói về “sống chậm”. Nhưng tôi nghĩ sống nhanh quá, hay chậm quá đều phá vỡ sự hài hòa. Để cân bằng nhịp sống gấp gáp và bận rộn, không phải ai và lúc nào cũng nhất thiết phải tìm đến những thiền viện trên núi cao hay những khóa yoga, trà đạo. Sống nhanh – sống chậm – hay sống cân bằng là ở tâm thế của bạn, chứ không phải ở chỗ bạn làm công việc gì và làm bao nhiêu việc trong một ngày. Tôi thấy, trong môi trường xã giao người ta thường phô ra sự vui vẻ toại nguyện, nhưng khi “xả” lòng thì dường như ai cũng có nhiều điều để than vãn về sự mỏi mệt, buồn chán, tẻ nhạt của môi trường mình đang sống, về người mình gặp hàng ngày, hoặc về chính bản thân mình. Mỗi lúc rơi vào trạng thái này, tôi lại nhớ tới cây bàng đã “gặp” trên con đường gần nhà hôm ấy. Nó đứng đó, khiêm nhường giữa một quãng phố nhỏ, lộn xộn, nhếch nhác, đầy khói bụi và tắc đường. Nó đứng đó, với những chiếc lá đỏ vụng về và vui tươi, rực rỡ. Như để nhắc nhở tôi rằng, nếu như mình thấy nơi nào, người nào đó nhàm chán, xấu xí, không đáng yêu, thì có lẽ chỉ bởi vì chính mình còn sống “ẩu”, còn vội vã, nóng nảy. Hãy khiêm nhường, hãy đừng để các giác quan của mình biếng lười nhắm mắt, thì ở đâu và khi nào bạn cũng có thể bắt gặp niềm vui sống đang mỉm cười và đợi mình nhận ra.
Bài DẠ THẢO PHƯƠNG
PHÁI ĐẸP – ELLE
Nhóm thực hiện