Có khi nào đi qua cả dăm ba cuộc tình, người ta vẫn còn tự hỏi “Tình yêu là gì?”. Ây thế mà khi còn trẻ, sao tình yêu có vẻ rõ ràng đến thế, gặp người ấy rồi yêu, cảm thấy như định mệnh! Cách đây không lâu, tôi tình cờ nghe Satellite của Lena Meyer-Landrut. Một bản tình ca kể về tình yêu hết mình của những cô gái nhỏ. Vì yêu, cô ấy sửa sang tóc, chọn lựa quần áo, đánh móng chân mới và chiến đấu cho tình yêu của mình. Em yêu đơn giản và trực tiếp. Em giống như vệ tinh xoay quanh anh vậy. Anh đi đâu em sẽ theo đấy. Không thể sống một phút thiếu anh.
Khi nghe Satellite, tôi nhớ thuở 14 – 15 của mình. Cái thời tôi thích một anh chàng ở lớp trên, tìm hiểu mọi thứ về anh. Có lần còn cùng cô bạn học lén lút đạp xe theo anh về nhà để biết nhà. Tôi say anh như người ta say nắng. Thứ tình yêu điên khùng của tuổi 15 ấy, chẳng hiểu sao tôi thèm có lại cái cảm giác yêu ai đấy một cách hết mình và điên cuồng như thế.
Lớn lên, bỗng thấy tình yêu lí trí và thận trọng. Lại đi qua dăm ba mối tình nữa, nhưng không còn cái cảm giác say nắng của ngày xưa. Đến với nhau không biết vì những lí do gì, nhưng không còn cái chắc chắn, cái say nắng, cái đam mê của ngày xưa thì liệu đấy có phải là tình yêu hay không? Quan hệ của chúng tôi là gì? Hay tình yêu đến một lúc nào đấy là như thế? Hay vẫn tồn tại đâu đấy một người khiến ta yêu hết mình và điên cuồng như thuở 15, chỉ có điều người ấy chưa xuất hiện? Có thực sự tồn tại một người như thế, một tình yêu như thế? Liệu có thể tin vào điều ấy khi người ta đã có tuổi hay không?
Rồi đến một ngày tôi gặp người phụ nữ Đức ấy, người đã đi qua hơn nửa cuộc đời, nhưng vẫn không ngừng yêu. Tôi chợt hỏi phải chăng nhiều người ngộ nhận, lạm dụng từ Yêu? Nên mới gặp nhau có thể dễ dàng nói “Anh yêu em!”, “Em yêu anh!” như thể là định mệnh. Thật ra có lẽ tình cảm ấy chỉ là cảm mến, chỉ là thích, chỉ là say nắng. Người phụ nữ Đức ấy kể rằng một mối quan hệ thường diễn ra như thế này: Tôi và người ấy quen nhau, rồi có hứng thú với nhau, thế nên “date”, thế nên hẹn hò. Hẹn hò chỉ là một kiểu gặp gỡ tìm hiểu nhau, cùng nhau đi ăn, đi xem phim, đi cà phê. Hẹn hò không có bất cứ một thứ ràng buộc gì. Ở Việt Nam có thể tạm dịch là giai đoạn tán tỉnh, cưa cẩm nhau. Nhưng tôi thích hẹn hò hơn, vì hẹn hò thì cả hai bên đều có vẻ ở vị thế ngang bằng. Trong khi đó với cưa cẩm, bao giờ cũng có người đi cưa và người bị cưa, thành ra có một người luôn chủ động, một người bị động, một người có cảm giác mình phải theo đuổi, người kia cảm thấy mình đang được theo đuổi.
Nếu hẹn hò thành công, tôi và người ấy sẽ trở thành một cặp. Nhưng ngay cả khi ấy chúng tôi vẫn luôn ở trong giai đoạn tiếp tục tìm hiểu nhau, khám phá nhau, quen biết nhau. Ở phương Tây, hầu như người ta không nói yêu nhau một cách dễ dàng. Trong giai đoạn ấy, người ta không nói những câu như “Em yêu anh” hay “Anh có yêu em không?”. Người ta tiếp tục tìm hiểu nhau cái đã. Với họ, tình yêu không nằm ở phía trước của con đường mà là thứ hai người phải cùng nhau đi tới để tìm ra. Tình yêu không phải là thứ tình cảm choáng ngợp, hứng khởi có lúc ban đầu. Mà là thứ có được với người ấy theo thời gian. Không phải là một thứ sẵn có, mà là một thứ cần phải bồi dưỡng, vun đắp và phát triển từ hai phía.
Nếu như ở Việt Nam, tôi sẽ nói: “Chúng tôi đang cặp với nhau, tôi thích người ấy. Chỉ đơn giản là thế, nhưng tôi hoàn toàn nghiêm túc với tình cảm của mình”. Nhưng đấy chưa phải là tình yêu, may mắn thay, ở phương Tây, người ta cũng không buộc tôi phải thề thốt đấy là thứ tình yêu vĩnh cửu. Tôi coi điều ấy là một sự thành thật với chính mình và với đối phương. Tôi dễ bị áp lực khi nói ra những câu như “Em yêu anh” nhưng trong lòng lại băn khoăn về điều ấy. Và nếu may mắn, đến một ngày, tôi sẽ yêu người đàn ông mà mình phải lòng. Nếu may mắn, người ấy cũng sẽ nói điều ấy với tôi. Và chúng tôi có thể sung sướng nói “Chúng tôi yêu nhau!”. Ngay cả khi vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn Tình Yêu là gì, ít ra tôi cũng biết mình đang đi trên một con đường để tiến đến điều kỳ diệu này.
Bài: Trang Lys
Phái đẹp – ELLE
ELLE.VN
Nhóm thực hiện