BÀI LIÊN QUAN
Nếu như bạn bất chợt hỏi thử một người trẻ nào đó trên đường, xem thử một trong số những thứ quan trọng mà họ luôn mang theo bên mình là gì, thì có lẽ đáp án hầu như sẽ là chiếc điện thoại di động của họ. Đã bao giờ tìm kiếm trong chiếc cặp chứa đựng cả thế giới của mình để rồi bất chợt nhận ra bàn tay ta không tìm được đến cái điện thoại yêu dấu, hẳn đó sẽ là một trải nghiệm vô cùng kinh hoàng mà không ai trong chúng ta muốn gặp phải. Từ bao giờ rồi, điện thoại di động đã trở thành cả thế giới trong ta, chúng ta dùng nó cho tất tần tật mọi thứ quoanh mình, từ order thức ăn, giải trí hay làm việc.
Phải công nhận rằng, kể từ ngày vũ trụ chào đón những chiếc điện thoại thông minh, cuộc sống của chúng ta đã trở nên thư thái và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chính cách thức mà con người ngày nay sử dụng (hoặc là lạm dụng) những chiếc điện thoại công nghệ đó đã khiến chúng ta tự đặt mình vào vòng nguy hiểm với những căn bệnh và thương tổn bị gây ra khi chúng ta cứ suốt ngày dán mắt vào cái điện thoại.
Hôm nay, mời bạn đọc cùng ELLE lướt qua một số mối nguy hiểm có thể xảy đến với cơ thể và sức khỏe của mình khi chúng ta quá lạm dụng việc sử dụng điện thoại nhé.
Nhức mỏi mắt
Đôi mắt được xem là bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất khi chúng ta có thói quen sử dụng điện thoại không lành mạnh
Hàng ngày, chúng ta luôn dành nhiều giờ đồng hồ nhìn chăm chăm trên màn hình của ti vi hoặc máy tính. Do đó, nếu bạn thêm điện thoại vào list danh sách này thì sớm muộn gì, bạn cũng sẽ gặp các vấn đề liên quan đến mắt thôi. Bác sĩ chuyên khoa mắt đồng thời cũng là thành viên của Học viện chuyên khoa mắt Mỹ, Howard Purcell cho biết rằng: “Việc sử dụng các thiết bị điện tử hoặc nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại quá lâu có thể khiến mắt mắc Hội chứng thị lực kỹ thuật số. Các chiệu trứng có thể xảy ra bao gồm việc tầm nhìn bị mờ hoặc hạn chế, gặp khó khắn trong việc tập trung nhìn vào một điểm, mắt trở nên đỏ, nhức mỏi hoặc khô và cuối cùng là cảm thấy đau đầu”.
Bác sĩ cũng chỉ ra thêm rằng, chính những tia sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử này đã làm thay đổi cách mà đồng tử của chúng ta tương tác với ánh sáng khiến cho mắt chúng ta trở nên nhạy cảm với chúng và trở nên nhức mỏi, thậm chí ở khu vực quoanh mắt. Ông nói rằng: “Hãy tưởng tượng mắt là các cơ trong cơ thể. Bạn có 6 cơ di chuyển ở mỗi mắt và một cơ dùng để tập trung. Sử dụng các bó cơ này quá nhiều có thể khiến măt của bạn trở nên yếu đi”.
Còn nếu như công việc bắt buộc bạn phải ngồi trước các loại màn hình điện tử suốt một thời gian dài, thì bác sĩ Purcell cũng gợi ý cho bạn nguyên tắc 20/20/20: “Mục đích của nguyên tắc này là mắt của bạn cần được nghỉ ngơi mỗi 20 phút, trong 20 giây và khi đó mắt bạn cần tập trung nhìn một thứ gì đó ở cách bạn 20 m”.
CÁC CƠN ĐAU TỪ CỔ VÀ VAI
Cho dù bạn có đang trò chuyện với một nhóm bạn qua phòng chat nhóm hay xem phim trên kênh Youtube thì việc sử dụng điện thoại thường xuyên vẫn dẫn đến hệ quả là cơ thể bạn uốn cong quá mức, và rõ ràng là điều này có thể gây hại cho vai và cổ của bạn.
Bác sĩ chuyên nghiên cứu các liệu pháp thiên nhiên và là tác giả cuốn sách Unzip Your Genes (tạm dịch là: Giải mã gens)- Jennifer Stagg từng nói rằng: “Sử dụng điện thoại quá thường xuyên có thể khiến cơ thể bạn chịu những thương tổn mà các bác sĩ thường gọi là thương tổn do sự lạm dụng (thường xảy ra khi bạn sử dụng một bộ phận nào của cơ thể quá lâu và quá nhiều). Từ việc nhướng người lên trước hoặc có những tư thế kỳ lạ khi sử dụng điện thoại trong thời gian dài đều dẫn đến các cơn đau ở vai và cổ ”.
Các cơn đau ở vai và cổ liên quan đến việc sử dụng điện thoại phổ biến đến mức các bác sĩ thậm chí đã đặt cho chúng một cái tên, gọi là “text neck”. Chuyên gia nghiên cứu về các cơn đau, bác sĩ Robert Bolash cũng nói thêm rằng: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi cơ thể và đầu bạn hướng về trước thì nghĩa là bạn đang tăng gấp đôi sức nặng ở các cơ vai và cổ. Hành động nhìn xuống điện thoại với cằm hướng về phía ngực có thể khiến cổ bạn chịu một sức nặng tương đương 27 kg”.
Cổ tay dần thoái hóa
Nếu như nhắn tin là cách thức yêu thích mà bạn dùng để giữ liên lạc với thế giới thì có lẽ bạn cần cẩn thận hơn trong lần sau, khi chuông báo tin nhắn điện thoại reo lên. Bác sĩ Stagg từng nói rằng cơn đau từ cổ tay của các bệnh nhân mà cô điều trị thường có liên quan đến việc sử dụng điện thoại thường xuyên: “Từ việc cầm điện thoại trong nhiều giờ liền các khớp cổ tay của bạn sẽ bị nén lại và từ đó gây ra chứng viêm gân cổ tay”.
Rắc rối với những ngón tay
Bạn sẽ dễ dàng mắc căn bệnh “text thumb” nếu sử dụng điện thoại liên tục
Kimberly Hershenson một bác sĩ chuyên khoa tại New York có nhiệm vụ giúp đỡ điều trị các cá nhân mắc hội chứng nghiện sử dụng đồ công nghệ và mạng xã hội cho biết, “text thumb” (tổn thương ngón cái) cũng là một chấn thương phổ biến khác của các bệnh nhân mà cô đang điều trị. Cô chia sẻ rằng: “Sự đau đớn, khó chịu và tình trạng tê liệt ngón tay cái là những chấn thương có thể xảy ra khi một người liên tục sử dụng điện thoại.”
Những giấc ngủ không tròn
Đã bao giờ bạn nhủ thầm rằng mình chỉ kiểm tra các thông báo trên Facebook một cách nhanh chóng trước khi đi ngủ để rồi khi giật mình nhận ra thì đã hơn 2 giờ sáng rồi? Sự việc tương tự vẫn thường xảy ra với chúng ta, đặc biệt đối với những người nghiện mang xã hội. Và thật ra thì việc bạn thỉnh thoảng thức quá khuya (qua giấc ngủ sinh học của cơ thể) có thể không gây ra tổn hại nghiêm trọng nào cho cơ thể nhưng nếu sự việc như vậy lập lại thường xuyên thì chắc chắn, cơ thể của bạn sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Sử dụng điện thoại trước khi ngủ được xem là cách “nhanh nhất” để phá hỏng giấc ngủ ngon
Nhà sáng lập ra Chicago Dance Errica Hornthal từng nói rằng: “Việc liên tục nhìn vào màn hình điện thoại không chỉ khiến cho não bộ của bạn luôn ở trạng thái tỉnh táo mà nó còn ảnh hưởng tiêu cực và đè nén sự sản sinh ra melatonin (một loại hormone tiết ra giúp cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ)”. Hershenson cũng đồng ý với ý kiến trên khi nói rằng: “Việc bạn sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ sẽ khiến đầu óc bạn trở nên tỉnh táo hoặc thậm chí là hưng phấn, do đó khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ”.
Chứng trầm cảm
BÀI LIÊN QUAN
Trị liệu tâm lý vượt qua cơn bão trầm cảm
Việc sử dụng điện thoại nhiều giờ liền, đặc biệt là dùng để truy cập các trang mạng xã hội còn khiến bạn cảm thấy buồn bã và cô đơn. Kersting giải thích rằng: “Có thể bạn không nhận ra, nhưng những hành động mà bạn đang làm thực ra chính là hành động lấp đầy lòng tự trọng bằng những cái like và sự công nhận của người khác ”.
Hershenson cũng cho rằng chứng nghiện điện thoại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng của mỗi người. “Chúng cho phép chúng ta ẩn núp đằng sau những màn hình điện thoại để xây dựng đời sống và tính cách mà ta muốn mọi người nghĩ ta đang sỡ hữu. Vì vậy nên chúng ta thường thấy những tấm hình du lịch hoặc những hoạt động vui chơi và những tấm hình chỉnh sửa hình ảnh cơ thể được đăng tải liên tục trên mạng xã hội”. Cô cũng lý giải rằng hành động này thường dẫn đến sự so sánh và các suy nghĩ vẩn vơ vì rõ một điều là chúng ta thường không biết những miêu tả về đời sống mà họ đăng tải trên mạng có thật hay không.
KÉO DÀI THỜI GIAN CHO SỰ XA CÁCH
Nếu như bạn cảm thấy bản thân thực sự đã phụ thuộc vào điện thoại di động quá nhiều thì có lẽ bạn nên thay đổi lại thói quen này của mình. Kersting giải thích: “Chúng ta cần tự ý thức và kiểm soát cách chúng ta sử dụng điệnt thoại di động chứ không phải để chúng kiểm soát chúng ta”. Để làm được như vậy, ông đề nghị rằng chúng ta nên để điện thoại trong xe khi đang dùng bữa tối, làm việc hoặc đi mua sắm. “Mặc dù ban đầu có thể cảm thấy rất khó chịu khi bạn luôn có cảm giác thiếu vắng thứ gì đó nhưng rồi bạn sẽ quen với điều này. Hãy quên hết và đừng để tâm đến những gì mọi người đang làm. Sử dụng liều thuốc detox bản thân khỏi mạng xã hội trong một tháng và rồi bạn sẽ hiểu được tại sao cần làm như vậy”.
Còn trong trường hợp việc cắt đứt mọi thứ với công nghệ và mạng xã hội trở nên quá khó khăn với bạn thì Hershenson cũng gợi ý rằng, bạn có thể tắt chế độ thông báo trên điện thoại và chỉ kiểm tra điện thoại vào những giờ cố định. Còn nếu như bạn đang cảm thấy buồn chán và phải vật lộn với stress, căng thẳng và lo âu thì công nghệ lúc này cũng có thể giúp bạn làm dịu tâm trạng. Tuy nhiên, Hershenson cũng khuyên bạn rằng thay vì tìm đến điện thoại và mạng xã hội bạn nên điều tiết tâm trạng bằng một cách khác có ích cho sức khỏe hơn ví dụ như hít thở sâu, ngồi thiền, hoặc gặp gỡ bạn bè.
Nhóm thực hiện
Trang Nguyễn (Tạp chí phái đẹp ELLE, lược dịch thelist.com)