Đa nhân cách – Cuộc chiến đơn độc của những bản ngã

Đăng ngày:

Đa nhân cách không đơn thuần là một chứng bệnh tâm lý hiếm gặp mà còn là một cuộc chiến đơn độc của những bản ngã khác nhau. Mỗi người bệnh là một chiến binh, đấu tranh với quá khứ và hiện tại của chính họ để được sống một cuộc đời tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Thời gian gần đây, người quan tâm điện ảnh xôn xao trước sự trở lại của bộ phim bom tấn Glass – phần tiếp nối của Split, một bộ phim về căn bệnh đa nhân cách. Có thể nói Glass (2019) do đạo diễn M. Night Shyamalan cầm trịch đã giúp khán giả thế giới biết nhiều hơn về căn bệnh tâm lý đặc biệt này.

ELLE Việt Nam đa nhân cách 1

Bộ phim Glass nổi tiếng thời gian gần đây

Rối loạn đa nhân cách (Multiple Personality Disorder – MPD) hay còn gọi là rối loạn tách rời nhận thức (Dissociative Identity Disorder – DID) là căn bệnh miêu tả tình trạng rối loạn tính cách mà ở đó người bệnh sở hữu nhiều tính cách đối lập và khác biệt. Căn bệnh tưởng như chỉ có trong những bộ phim viễn tưởng này lại hoàn toàn có thật. Thế giới ghi nhận khoảng 1 – 3% dân số toàn cầu mắc chứng bệnh này.

Mặc dù phim ảnh thường miêu tả bệnh nhân đa nhân cách bằng những hình ảnh lập dị, thậm chí là tàn độc, nhưng chứng bệnh đa nhân cách trong thực tế lại có nhiều khía cạnh khác nhau.

Đa nhân cách không đơn thuần là một chứng bệnh tâm lý hiếm gặp mà còn là một cuộc chiến đơn độc của những bản ngã khác nhau. Mỗi người bệnh là một chiến binh, đấu tranh với quá khứ và hiện tại của chính họ để được sống một cuộc đời tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Nguyên nhân của căn bệnh đa nhân cách

Nguyên nhân gây nên chứng bệnh đa nhân cách không (hoặc chưa) được xác định rõ ràng. Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh việc đa nhân cách hình thành như một phản ứng tự nhiên trước những chấn thương tâm lý khi bệnh nhân còn bé. Bệnh nhân tạo ra một vỏ bọc bảo vệ bản thân trước những kí ức không tốt đẹp.

Thực tế, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều nhân cách khác nhau. Thông thường, sẽ chỉ có một nhân cách chính phát triển dựa trên điều kiện và hoàn cảnh sống phù hợp nhất. Tuy nhiên, những nhân cách còn lại không mất đi mà luôn tồn tại trong tiềm thức mỗi người.

Khi người bệnh trải qua một cú sốc lớn vượt quá khả năng chịu đựng của nhân cách chính, các nhân cách còn lại sẽ trỗi dậy, thay thế nhân cách chính để đối mặt với cú sốc đó. Khách thể không tồn tại liên tục mà thường chỉ xuất hiện khi tâm lý người bệnh bị dao động. Tùy vào mức độ tổn hại về tâm lý mà các nhân cách sẽ phát triển ở mức độ khác nhau.

Ảnh: Unsplash

Những trường hợp rối loạn đa nhân cách nổi tiếng

Trong số ít những câu chuyện về chứng bệnh đa nhân cách được ghi chép lại, có hai trường hợp nổi tiếng.

Câu chuyện thứ nhất là của cựu vận động viên NFL (National Football League) nước Mỹ – Herschel Walker.

ELLE Việt Nam đa nhân cách

Cầu thủ Herschel Walker – Ảnh: Daniel Shirey/USA TODAY Sports

Anh đã kể về những ngày tháng phải đối chọi với căn bệnh đa nhân cách trong cuốn Breaking Free. Trong cuốn tự truyện này, anh chia sẻ về tuổi thơ từng chịu nhiều tổn thương tâm lý và căn bệnh rối loạn nhân cách bắt đầu xuất hiện giống như một cơ chế tự vệ.

Herschel nhận ra anh có thêm hai nhân cách mới – nhân cách “chiến binh” và “người hùng” – theo như cái tên anh đặt trong cuốn tự truyện Breaking Free. Hai nhân cách này lần lượt xuất hiện, mang lại cho anh ý chí và sức mạnh thể chất đáng kinh ngạc, giúp anh đạt được những thành tựu trong thể thao. Sau khi Herschel Walker giải nghệ, những nhân cách của anh bắt đầu trở nên hỗn loạn, đẩy anh vào căn bệnh trầm cảm. Các bác sĩ sau này cũng đã kết luận những gì anh đã trải qua chính là một phần của bệnh đa nhân cách.

Trường hợp nổi tiếng thứ hai là câu chuyện về 14 nhân cách khác nhau sống trong nữ họa sĩ Kim Noble.

ELLE Việt Nam đa nhân cách 2

Nữ hoạ sĩ Kim Noble bên cuốn tự truyện All of me – Ảnh: oxleas

Kim Noble là một trong những họa sĩ nổi tiếng tại Anh Quốc, sở hữu 60 buổi triển lãm với nhiều tác phẩm từng được giới thiệu trên khắp châu Âu.

ELLE Việt Nam Đa nhân cách

Một số bức tranh mang phong cách hoàn toàn khác biệt của Kim Noble.

ELLE việt nam Đa nhân cách

Nhân cách “Anon” – một nữ tu với những bức hoạ miêu tả cuộc sống phụng sự cho đấng Cứu thế

Câu chuyện nghệ thuật của Kim bắt đầu năm 14 tuổi, khi bác sĩ trị liệu của cô chuẩn đoán cô mắc chứng bệnh đa nhân cách. Sau nhiều đợt điều trị, bác sĩ đã khuyên Kim Noble thử dùng cách vẽ tranh để khắc họa lại những nhân vật khác nhau trong cơ thể cô. Từ giây phút cầm cọ vẽ, cô gần như không thể dừng lại được và liên tục vẽ nhiều bức tranh với những phong cách hoàn toàn khác khác nhau. Mỗi phong cách tranh là hiện thân cho một nhân cách hoàn toàn độc lập bên trong cô.

Cô cũng từng chia sẻ trên chương trình truyền hình nổi tiếng Oprah Winfrey Show và cuốn tự truyện All of me rằng chứng bệnh đa nhân cách mà cô gặp phải là một cách vô cùng đặc biệt giúp cô chống chọi với những vết thương tâm lý.

Các bác sĩ từng khuyên Kim Noble điều trị để lựa chọn cho mình một nhân cách duy nhất, nhưng Kim đã từ chối. Với cô, 14 nhân cách cùng chung sống trong một cơ thể không hẳn là một căn bệnh, đó là món quà mà tạo hóa đã ban cho cô để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đồng thời cho phép cô bước đến những ranh giới của nghệ thuật mà không phải họa sĩ nào cũng may mắn có được.

Cuộc chiến lớn nhất là cuộc chiến với chính bản thân mình

ELLE Viet Nam da nhan cach

Ảnh: Unsplash

Cả hai trường hợp trên đều là câu chuyện về những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh đa nhân cách và hành trình biến những thiệt thòi tâm lý của bản thân thành sức mạnh. Cả Herschel và Kim đều là có những người tuổi thơ đau buồn mà họ muốn trốn chạy. Những nhân cách mới cho phép họ được sống một cuộc đời khác – một cuộc đời mới hoàn toàn tách biệt với quá khứ nhiều thương tổn.

Kim Noble, Herschel Walker hay những người mắc phải căn bệnh tâm lý này là những chiến binh dũng cảm nhất. Họ đơn độc trong cuộc đấu tranh với những bản ngã của mình. Khi một nhân cách xuất hiện nghĩa là một phần con người họ khát khao có được cuộc sống như vậy.

Có lẽ bài học lớn nhất mà chúng ta rút ra được từ những câu chuyện trên chính là cách họ biến đau thương thành sức mạnh để vượt qua thử thách cuộc đời. Trong hành trình của mỗi cá nhân, cuộc chiến với chính bản thân mình là cuộc chiến can trường nhất và người chiến thắng chính là người vượt lên chính bản thân mình để trở thành con người hoàn thiện và tốt đẹp hơn.

Xem Thêm

Chuyên gia tâm lý Dr Pepper: “Phụ nữ ơi, hãy thay đổi vì những giá trị mình xứng đáng nhận được.”

“Bánh xe hạnh phúc” và 8 yếu tố cần thiết cho sức khỏe tinh thần của bạn

Nhóm thực hiện

Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Bài: Thanh Nhã

Hình ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more