Black carbon thường được gọi là carbon đen hay muội than đen, có kích thước tương đương bụi mịn. Đây là phụ phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn như khí đốt nhiên liệu, khí thải xe cộ, các nguồn đun nấu dân dụng, hoạt động đốt chất thải nông nghiệp như rơm rạ, cỏ rác… và đặc biệt là cháy rừng. Ngoài ra, muội than cũng được sử dụng làm chất độn gia cố trong lốp xe và các sản phẩm cao su khác, đồng thời là chất tạo màu trong nhựa, sơn và mực.
Carbon đen là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ấm lên của khí quyển, dẫn đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), muội than có khả năng gây ung thư phổi cho con người và được phân loại là chất gây ung thư nhóm 2B. Tiếp xúc ngắn hạn với nồng độ cao của bụi muội than có thể gây khó chịu cho đường hô hấp thông qua kích ứng cơ học.
Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy các hạt ô nhiễm do người mẹ hít vào có thể xuyên qua lớp màng bảo vệ tự nhiên của nhau thai. Nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Hasselt ở Bỉ đã tìm thấy hạt carbon đen trong nhau thai của cả 28 bà mẹ tham gia nghiên cứu, tỷ lệ 100%. Số lượng hạt tìm thấy tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm không khí mà các bà mẹ phải tiếp xúc thường xuyên. Có trung bình 20.000 hạt/mm3 trong nhau thai của những bà mẹ sống gần trục đường chính và 10.000 hạt/mm3 ở những người sống xa hơn. Các hạt ô nhiễm còn được tìm thấy trong cả những tử thai chỉ khoảng 12 tuần tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật quét mới để tìm các hạt carbon tích lũy ở phía thai nhi của nhau thai, gần với nơi dây rốn bắt đầu. Việc phát hiện carbon đen tích tụ ở phía thai nhi của nhau thai cho thấy các hạt ô nhiễm này có xu hướng được vận chuyển về phía thai nhi và là một trong những nguyên nhân gây ra sinh sớm, thai lưu và làm suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh. Nguyên nhân của các bệnh ở tuổi trưởng thành có thể có nguồn gốc từ thời kỳ thai nhi và được quy cho các tác động bất lợi của sự phơi nhiễm ở môi trường tử cung.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hít phải các hạt ô nhiễm dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn là chỉ xoay quanh các bệnh về phổi. Ví dụ, nghiên cứu ở các khu vực khác nhau trên thế giới có chỉ số bụi mịn cao, trung bình và thấp cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí làm cản trở hoạt động nhận thức. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự hiện diện của các hạt nano bắt nguồn từ ô nhiễm không khí ở vỏ não trước của các mẫu não khám nghiệm tử thi, nghĩa là chúng đã xuyên qua lớp màng bảo vệ của não. Số lượng lớn hạt ô nhiễm tương tự cũng được tìm thấy trong tim của người trẻ sinh sống tại thành phố.
Một nghiên cứu khác lại cung cấp bằng chứng về sự dịch chuyển vi hạt ở người. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt carbon đen từ ô nhiễm không khí xung quanh trong nước tiểu của 289 trẻ em khỏe mạnh từ 9 đến 12 tuổi, với con số trung bình là 10 triệu hạt/ml nước tiểu. Tương tự với các bà mẹ, trẻ em sống ở những trục đường lớn có tải lượng carbon đen trong nước tiểu cao hơn số còn lại. Như vậy, các hạt ô nhiễm có thể tiếp cận các cơ quan khác nhau trong cơ thể con người.
Điều này càng củng cố khả năng carbon đen đã di chuyển từ phổi của mẹ sang con. Nhau thai là cơ quan tạm thời, vừa đóng vai trò cầu nối để thai nhi nhận dinh dưỡng từ mẹ, vừa là rào cản tự nhiên để ngăn chặn các tác nhân nguy hiểm trong toàn bộ thai kỳ. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã được tiến hành để điều tra xem liệu hạt nano có thể vượt qua hàng rào nhau thai hay không. Nghiên cứu mới nhất này đã cung cấp bằng chứng cho sự hiện diện của các hạt carbon đen có nguồn gốc từ ô nhiễm không khí ở nhau thai và có khả năng tiếp xúc trực tiếp với thai nhi trong giai đoạn dễ bị tổn thương nhất của cuộc sống.
Các nghiên cứu sâu hơn sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi thai nhi đủ tháng. Tuy nhiên, đây hẳn đã là một lời đe dọa dành cho thế hệ tương lai. Từ việc hạt vi nhựa được tìm thấy trong nước mưa cho đến hạt carbon đen xuất hiện trong nhau thai, chúng ta đang phải đối mặt với thời kỳ suy thoái môi trường sống tồi tệ nhất và “đợt tuyệt chủng thứ 6” có lẽ không còn xa nữa.
Những ngày gần đây, các thành phố lớn của Việt Nam chìm trong lớp “sương mù” đục ngầu, gây khó thở, đau rát cổ họng và nhiều triệu chứng liên quan đến hô hấp. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ảnh hưởng của vụ cháy rừng ở Indonesia. Bạn thấy đó, vụ cháy rừng cách chúng ta một eo biển cũng có thể gây nên tác động ở nơi chúng ta sống. Ai biết được có bao nhiêu bà mẹ và đứa trẻ đang hít phải hàng triệu triệu hạt carbon đen trong đám “sương mù” ấy.
Và nếu như ngay cả hàng rào chắc chắn của nhau thai cũng không thể ngăn cản carbon đen tiếp cận với các thiên thần bé bỏng, chúng ta sẽ phải làm gì bây giờ?
BÀI LIÊN QUAN
Để giảm lượng carbon đen, bụi mịn và các hạt ô nhiễm trong không khí, cần nỗ lực bảo vệ môi trường toàn diện và đồng bộ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu những hành động nhỏ ngay từ lúc này:
– Giảm di chuyển bằng phương tiện giao thông lớn, ưu tiên đi bộ, xe đạp và phương tiện công cộng.
– Trồng nhiều cây xanh quanh nhà và bất cứ nơi đâu có thể trồng cây xanh
– Giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần
– Ủng hộ các tổ chức trồng rừng
– Ủng hộ thực phẩm địa phương, quy mô nhỏ, thuận tự nhiên
– Hạn chế nấu nướng bằng nhiên liệu sinh học truyền thống, ưu tiên sử dụng năng lượng bền vững
Và rất nhiều cách thức đơn giản khác mà bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng xã hội và internet. Điều quan trọng là bạn có muốn hành động hay không.
Bạn sẽ hành động chứ?
Nhóm thực hiện
Bài: Đ.T Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Nguồn: Nature Communications