4 đặc điểm khác nhau giữa người Ambivert (Hướng trung) và người Omnivert
Nếu quan tâm đến những tính cách đặc biệt của con người, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến nhóm người sở hữu những nét tính cách là sự cân bằng giữa hai thế cực hướng nội (introversion) và hướng ngoại (extroversion) mang tên ambivert (hướng trung). Thế nhưng, liệu bạn có biết đến sự tồn tại của một nhóm tính cách khác cũng sở hữu cả hai thế cực trong cùng một cá thể mang tên “omnivert”?
Thoạt nhìn, những người thuộc nhóm omnivert có khá nhiều điểm tương đồng với hội người ambivert nên nhiều người dễ nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phân biệt hai nhóm tính cách kể trên?
Thế nào là “Ambivert” và “Ombivert”?
Ambivert (người hướng trung) là từ đặc tả những người vừa hướng ngoại vừa hướng nội. Ambivert là sự dung hòa đặc biệt giữa hai kiểu tính cách đối nghịch nhau và cho phép những người thuộc nhóm tính cách này thể hiện linh hoạt các đặc điểm hướng ngoại và hướng nội trong cùng một thời điểm. Nhờ vào đặc điểm cân bằng trong tính cách, ambivert có thể thích nghi tốt với nhiều tình huống khác nhau.
Trái ngược với ambivert, những người thuộc nhóm omnivert không phải người hướng ngoại hay hướng nội hoàn toàn, thậm chí họ còn chẳng phải sự kết hợp giữa hai nhóm tính cách kể trên. Omnivert có thể là người hướng nội trong một số hoàn cảnh và trở thành người hướng ngoại trong một số tình huống. Tuy nhiên, cả hai nhóm tính cách không bao giờ xuất hiện linh hoạt cùng một thời điểm như ambivert. Tính cách của omnivert thay đổi thất thường từ hướng ngoại sang hướng nội dựa vào tình huống hiện tại và tâm trạng đang chi phối bản thể. Omnivert có thể phản ứng với mọi thứ bằng cảm nhận của một introvert thực thụ và thể hiện ra ngoài bằng cách hành xử của extrovert.
4 đặc điểm khác nhau giữa Ambivert và Omnivert
1. Tính cách cá nhân
Những người thuộc nhóm ambivert thường là người sở hữu tính cách ổn định. Cảm xúc của ambivert cố định trong mọi hoàn cảnh. Cá nhân họ là những người biết lắng nghe và có sự nhất quán trong hành động. Những người ambivert thường sở hữu năng lực giao tiếp tốt giúp họ thích ứng nhanh chóng với môi trường xung quanh. Những người ambivert thường tận dụng khả năng lắng nghe của người hướng nội và kỹ năng ứng xử thân thiện của người hướng ngoại để cuộc hội thoại được kéo dài.
Với hội người omnivert, thật khó để họ quyết định hôm nay mình sẽ là ai khi tính cách của họ luôn bị chi phối bởi các tác nhân bên ngoài và cảm xúc bên trong. Hôm nay, các omnivert có thể là người vui vẻ hòa đồng, thoải mái bông đùa với mọi người bằng nguồn năng lượng dồi dào của hội người hướng ngoại nhưng ngay ngày hôm sau, omnivert lại trở thành người lặng lẽ trầm tư giống hệt tính cách đặc trưng của những người hướng nội thông thường.
2. Cách ứng xử trong các bữa tiệc
Ambivert có khả năng thích ứng nhanh với những cuộc gặp gỡ. Trong những cuộc gặp mặt hay những buổi tiệc, ambivert không có thói quen tìm kiếm sự chú ý hoặc cố gắng trở thành tâm điểm của mọi người. Những người thuộc nhóm ambivert chỉ muốn những cuộc trò chuyện thân tình như một cách để họ thể hiện bản thân với người khác. Có thể nói, ambivert là kiểu khách mời được yêu thích nhất vì họ chẳng ngần ngại chia sẻ bản thân và thể hiện cảm xúc, cảm nhận đến những người xung quanh. Ambivert biết cách tận hưởng buổi tiệc theo cách riêng của mình.
Trái ngược với ambivert, những người thuộc nhóm tính cách omnivert có cách ứng xử hoàn toàn khác biệt trong các tình huống khác nhau. Họ cho phép tác động ngoại cảnh và cảm xúc cá nhân quyết định họ sẽ là người hướng nội hay hướng ngoại trong buổi tiệc hôm nay. Nếu omnivert trong trạng thái hướng ngoại, họ sẽ lăn xả hết mình vì bữa tiệc. Ngược lại, nếu rơi vào trạng thái trầm lặng của người hướng nội, họ sẽ thu mình hết cỡ hoặc thậm chí từ chối lời mời tham gia.
Xem thêm:
• 8 dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp tình trạng “burnout”
• 6 dấu hiệu “green flags” chứng tỏ bạn đang trở nên tốt hơn mỗi ngày
• 5 yếu tố quan trọng tạo nên sự cách biệt giữa thất bại và thành công
3. Mối quan hệ bạn bè
Những người ambivert thuộc típ người dễ làm quen và kết bạn với mọi người. Nhờ vào khả năng linh hoạt trong giao tiếp, ambivert dễ dàng bắt chuyện và chiếm được tình cảm của những người xung quanh. Họ cũng thường kết bạn với những người có cùng sở thích và mối quan tâm. Đồng thời, các mối quan hệ của ambivert đều kéo dài rất lâu nhờ vào tính cách ổn định, ít thay đổi cảm xúc.
Mặt khác, những người omnivert thường gặp nhiều khó khăn trong việc quảng giao, kết bạn với mọi người. Do tính cách thất thường của mình, những người omnivert luôn cảm thấy lúng túng trong việc bắt đầu xây dựng một mối quan hệ với người khác và cảm thấy khó khăn trong việc duy trì một tình bạn lâu dài. Trái ngược với nhóm bạn cố định của hội ambivert, những người thuộc omivert thường sở hữu nhiều nhóm bạn khác nhau phù hợp với tính cách của mình. Họ sẽ có một nhóm bạn chỉ dành cho những bữa tiệc vui vẻ và một nhóm bạn để cùng chia sẻ những tâm sự riêng tư.
4. Năng lượng
Là sự dung hòa đồng đều giữa đặc điểm hướng ngoại và hướng nội, những người ambivert biết cách bảo toàn năng lượng của mình ở trạng thái ổn định nhất. Ambivert không tiêu tốn quá sức lực cho các hoạt động xã hội, thay vào đó, những hoạt động giao tiếp còn tiếp thêm năng lượng giúp ambivert không bao giờ kiệt sức ở chỗ đông người. Bên cạnh đó, những người thuộc nhóm tính cách ambivert cũng thích tận hưởng thời gian một mình. Tương tự người hướng nội, ambivert cũng biết cách phục hồi bản thân từ những khoảnh khắc tĩnh lặng một mình.
Về bản chất, omnivert có thể là hướng nội hoặc hướng ngoại hoàn toàn tùy vào tình huống. Trong trạng thái là người hướng ngoại, omnivert sẽ cảm thấy thoải mái và tràn trề năng lượng khi được “bay nhảy” và tiếp xúc với mọi người. Song, khi trạng thái hướng nội được khởi động, những người thuộc nhóm tính cách omnivert chỉ muốn chìm đắm trong sự đơn độc để phục hồi năng lượng của mình. Tùy vào tình huống cụ thể, omnivert sẽ có cách riêng để bảo vệ và duy trì nguồn năng lượng của mình.
Bài: Phương Thảo
Nguồn: Learning Mind