Lifestyle / Bí quyết sống

Chân dung của một người có trí tuệ cảm xúc cao

Trí tuệ cảm xúc chi phối cách mỗi người hành động, tương tác xã hội và đưa ra các quyết định cá nhân mang tính tích cực. Chỉ số EQ phản ánh sự kiên trì của cá nhân, cách mỗi người tự nhìn nhận cũng như khả năng kiểm soát bản thân.

Vậy, một người có chỉ số cảm xúc cao sẽ là người như thế nào? Cùng tìm hiểu về người có chỉ số EQ cao qua 7 đặc điểm sau đây. 

1. Họ xác định chính xác cảm nhận của mình 

Những người có chỉ số cảm xúc cao có khả năng kiểm soát tốt cũng như miêu tả chính xác cảm xúc của mình. Thay vì chỉ nói đơn giản là mình đang cảm thấy không tốt, họ có thể xác nhận cụ thể cung bậc cảm xúc như “bực bội”, “bế tắc”, “hồi hộp” hay “ghét bỏ”. Những từ ngữ miêu tả trạng thái cảm xúc càng chi tiết và rõ ràng chứng tỏ một người càng hiểu rõ về bản thân cũng như cách mình cảm nhận về mọi thứ. Quan trọng hơn cả, người đó hiểu được tường tận nguyên nhân, quá trình xây dựng cảm xúc và cách để giải quyết vấn đề. 

cô gái xác nhận được cảm xúc của bản thân
Ảnh: Unsplash/Ali Karimiboroujeni

2. Họ là người quyết đoán

Người sở hữu trí tuệ cảm xúc vượt trội là người biết cân bằng giữa sự tử tế và thấu cảm. Đồng thời, họ cũng có khả năng quyết đoán với những lựa chọn của bản thân và biết thiết lập giới hạn phù hợp. Kết hợp hai khả năng này lại, người trí tuệ xúc cảm cao rất giỏi khi đứng ra làm người hòa giải trong các cuộc xung đột. Thay vì hành động thụ động hay đột nhiên gây hấn, họ lại kiểm soát cảm xúc của mình rất tốt. Bằng cách này, họ có thể làm dịu tình hình, giảng hòa và giải quyết xung đột mà vẫn đảm bảo đôi bên đều thoải mái. 

Hơn nữa, họ còn biết cách lựa chọn tông giọng phù hợp để khiến cho người nghe cảm thấy nhẹ nhàng hơn mỗi khi phải thông báo một tin không hay. Khả năng truyền tín hiệu qua ngôn ngữ cơ thể, khuôn mặt của người có trí tuệ cảm xúc cao cũng giúp đỡ họ thoát khỏi nhiều tình huống “bất đắc dĩ”. 

3. Họ nắm bắt được cảm xúc thật của người khác 

Thấu cảm là một kỹ năng xã hội rất quan trọng và có ích. Người có khả năng dễ cảm thông với người khác thường biết cách đọc ngôn ngữ cơ thể và những “suy nghĩ không thành lời” như tông giọng, giọng điệu khi nói chuyện và biểu cảm khuôn mặt. Người có khả năng thấu cảm cao có thể phân biệt được sự khác biệt giữa lời nói và cử chỉ, ví dụ như khi một người nói “Tôi ổn” nhưng không thực sự cảm thấy như vậy. 

cô gái nắm bắt cảm xúc của người khác
Ảnh: Pexels/анастасия

4. Họ ít khi cảm thấy bị xúc phạm 

Những người sở hữu chỉ số cảm xúc cao thường có nhiều sự tự tin và niềm tin vào bản thân. Chính vì họ luôn giữ lối suy nghĩ mở, họ rất ít khi cảm thấy bị người khác xúc phạm. Khi bạn biết rõ được khả năng và giá trị của bản thân thì ý kiến của người khác chỉ là hạt muối giữa biển cả rộng lớn mà thôi. 

Người kiểm soát cảm xúc giỏi không dễ dàng để người khác làm ảnh hưởng tới niềm vui và sự thanh tịnh trong tâm hồn mình. Họ không có mong muốn so sánh mình với người khác bởi họ hiểu được rằng giá trị của bản thân đến từ chính bản thân mình chứ không đến từ thành kiến của bất kì ai. 


Xem thêm

• Trắc nghiệm: Vật dụng không thể thiếu trên bàn làm việc cho thấy cách bạn xử lý cảm xúc

• Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực để đạt được hạnh phúc

• 8 nhu cầu cảm xúc trong một mối quan hệ lành mạnh


5. Họ nghĩ kĩ trước khi hành động 

Nhiều người hành động theo cảm tính. Phản ứng của họ trước mọi việc phụ thuộc vào hoàn cảnh, thời gian, mức độ căng thẳng và tâm trạng vào thời điểm đó. Ngược lại với họ, người biết kiểm soát cảm xúc luôn biết cách cư xử đúng mực trong mọi trường hợp. Chính vì không bị xúc cảm chi phối hành động, người có chỉ số cảm xúc cao giữ được tâm trạng ổn định để giải quyết vấn đề trong khi căng thẳng tốt và hiệu quả hơn. 

6. Quyết định của họ được điều khiển bởi cả lý trí và tình cảm 

Là người có suy nghĩ mở, sẵn sàng đón nhận nhiều ý kiến và xử lý mọi việc theo logic rõ ràng, người có trí tuệ cảm xúc cao sử dụng cả tình cảm và lý trí khi đưa ra quyết định. Họ hiểu rằng chỉ logic thôi là chưa đủ, cảm xúc cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình giải quyết vấn đề. Nếu ta phớt lờ cảm xúc tiêu cực và không thoải mái, rất có thể ta sẽ đưa ra quyết định sai lầm và không đầy đủ. 

Cô gái cân bằng cảm xúc
Ảnh: Pexels/Nataliya Vaitkevich

7. Họ có khả năng thay đổi tâm trạng tùy theo công việc 

Người có chỉ số cảm xúc cao có thể điều phối tâm trạng của mình sao cho phù hợp với công việc. Ví dụ, khi đang phải đối diện với một khúc mắc cần tìm ra giải pháp mới mẻ hơn, họ sẽ giữ đầu óc thoải mái và tích cực để kích thích sự sáng tạo. Ngược lại, khi công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và suy nghĩ logic thì họ sẽ thay đổi tâm trạng để nghiêm túc, cẩn trọng hơn. 

Để luyện tập cho não bộ tăng khả năng cảm nhận và điều khiển cảm xúc cá nhân, chúng ta nên kiên trì luyện tập cách quan sát mọi người, cũng như xử lý tình huống một cách rành mạch và tích cực hơn. Qua thời gian, bạn có thể gặt hái thành quả từ sự luyện tập chăm chỉ là thói quen đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận cũng như điều phối cảm xúc của bản thân. 

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)