5 dấu hiệu cho thấy bạn nên học cách nói “Không”
Khi giúp đỡ người khác, chúng ta đang củng cố mối quan hệ và xây dựng những kết nối tích cực. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ thời gian và khả năng thực hiện tất cả những đề nghị ấy chỉ để duy trì những lợi ích với họ. Vì thế, việc học cách nói “không” trong giao tiếp là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Bạn nên hiểu rằng, đôi khi việc từ chối ai đó không phải vì bạn ích kỷ hay có tính vụ lợi. Trên hành trình trưởng thành, bạn cần xác định rõ ranh giới cá nhân để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho chính mình, tránh để người khác xâm lấn hay vượt quá giới hạn. Hãy cùng ELLE khám phá 5 dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên học cách nói “không” với những lời nhờ vả độc hại nhé!
1. Bạn cảm thấy kiệt sức
Bạn có thể dễ dàng phủ nhận những cảm xúc trong lòng mình, nhưng cơ thể của bạn thì luôn thành thật. Cơ thể bạn sẽ lên tiếng ngay khi bạn cố gắng thực hiện quá nhiều thứ mà không lên kế hoạch hay có sự chọn lọc hợp lý. Ví dụ, bạn vừa phải hoàn thành khối lượng lớn công việc, vừa giúp việc vặt cho đồng nghiệp, hay bất đắc dĩ tham gia một bữa tiệc khiến bạn không thoải mái chỉ để làm vừa lòng cấp trên, mặc cho bạn đang thiếu ngủ trầm trọng. Vì vậy, hãy chú tâm đến những dấu hiệu sức khỏe và học cách từ chối trước khi cơ thể bạn “đình công”.
2. Chất lượng công việc của bạn giảm sút
Khi không thể từ chối những lời đề nghị, bạn sẽ phải hoàn thành rất nhiều đầu việc cùng một lúc và khó có thể ưu tiên, tập trung hoàn thành tốt công việc chính của mình. Điều này dễ dẫn đến việc chất lượng công việc của bạn giảm sút nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu chứng tỏ đã đến lúc bạn nên bình tĩnh hơn và cân nhắc thật kỹ mọi yêu cầu giúp đỡ. Bạn nên đặt ra giới hạn cho bản thân, để lòng tốt và sự chăm chỉ của mình không bị lợi dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và cuộc sống.
Xem thêm
• 7 thói quen tốt của những người thường xuyên thu hút những điều may mắn
• 10 ý tưởng ngọt ngào cho dịp kỷ niệm ngày cưới của bạn thêm lãng mạn
3. Bạn không còn thời gian cho những việc quan trọng
Mỗi ngày chúng ta chỉ có vỏn vẹn 24 giờ để làm việc, chăm lo cho cuộc sống cá nhân, dành thời gian bên gia đình và bạn bè. Vì thế, bạn cần phải quản lý, sắp xếp và ưu tiên thực hiện những việc quan trọng sao cho hợp lý. Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta có xu hướng bỏ lỡ những cơ hội thực sự quan trọng vì phải dành thời gian hoàn thành những yêu cầu đã không thể nói lời chối từ.
Khi chúng ta cố gắng ôm việc của người khác vào người, điều này chỉ để lại cho chúng ta niềm an ủi độc hại cùng cảm giác tội lỗi, hối hận và tiếc nuối vì đã không lựa chọn thông minh hơn. Nếu gặp phải tình huống này nhiều lần, đó là dấu hiệu cho thấy bạn nên đặt ra ranh giới cá nhân và học cách nói “không” để cuộc sống của mình không bị lợi dụng, xâm phạm.
4. Bạn dần mất đi động lực
Đồng ý với quá nhiều lời đề nghị đồng nghĩa với việc bạn phải ngủ ít hơn, làm việc nhiều hơn và cắt giảm thời gian thư giãn, nghỉ ngơi để chăm sóc bản thân. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng cơ thể kiệt sức, căng thẳng kéo dài mà còn khiến bạn dần mất đi động lực tích cực để làm việc. Vì khi không thể dừng lại để nạp năng lượng cho bản thân, bạn sẽ rất dễ quên đi mục tiêu đích thực, quên đi lý do vì sao bạn chọn bắt đầu một công việc giờ đây chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và đánh mất cảm giác hứng thú, tinh thần hăng say gặt hái thành công. Đã đến lúc bạn cần dừng lại, khéo léo từ chối để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình.
5. Bạn đánh mất chính mình
Đôi khi, chúng ta giúp đỡ một ai đó không chỉ xuất phát từ lòng tốt, mà còn đến nghĩa vụ và trách nhiệm. Chẳng hạn, trong một tập thể nơi công sở, thi thoảng bạn cần giúp đỡ đồng nghiệp để đảm bảo công việc đúng tiến độ và thời hạn chung. Tuy nhiên, bạn nên đặt giới hạn cho mọi sự đồng ý giúp đỡ trong bất kỳ tình huống nào đi nữa: hãy nói không với những đề nghị phi đạo đức, trái pháp luật và nằm ngoài khả năng của chúng ta. Một khi bạn quá cả nể với người khác, điều ấy sẽ vô tình khiến bạn rơi vào những cạm bẫy không thể lường trước. Bạn nên nhớ rằng, không có một cơ hội hay mối quan hệ nào xứng đáng để bạn đánh đổi giá trị và nhân cách của mình. Vậy nên, hãy dũng cảm nói “không” để bảo vệ chính mình trước tiên, bạn nhé!
Bài: Khánh Hà
Tham khảo: Psych2Go