9 dấu hiệu của người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ

Đăng ngày:

Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) là một vấn đề sức khỏe tâm thần được chẩn đoán bởi các chuyên gia tâm lý. Nó thuộc nhóm Rối loạn Nhân cách Nhóm B, cùng với Rối loạn Nhân cách ranh giới (BPD), Rối loạn Nhân cách chống đối xã hội (APD) và Rối loạn Nhân cách kịch tính (HPD).

Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường có những khuynh hướng suy nghĩ, cảm nhận và tương tác với người khác không phù hợp, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ không tự nhận thức được điều này. Chẩn đoán chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cần được thực hiện bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần dựa trên các tiêu chuẩn cụ thể trong DSM-5 (Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ 5). Quá trình đánh giá sẽ bao gồm đánh giá các đặc điểm của hội chứng này và phân biệt với các rối loạn khác để đảm bảo chẩn đoán chính xác. Để giúp bạn hiểu rõ hơn cách xử lý với hội chứng này, sau đây là 9 dấu hiệu của người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.

cô gái ái kỷ mặc váy đen

Ảnh: Unsplash/Tony Frost

1. Cảm giác tự tôn quá mức

Một số người mặc dù sở hữu cả danh sách dài những thành tích nổi bật trong cuộc sống, nhưng họ vẫn giữ được sự khiêm tốn, hòa nhã với xã hội và cộng đồng. Ngược lại, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường có xu hướng khoe khoang về bản thân, những gì họ có và những điều họ đã đạt được.

Một người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể bịa ra hoặc phóng đại thành tích của họ. Họ thậm chí có thể mong đợi được người khác coi là đặc biệt mà không cần làm bất cứ điều gì để chứng tỏ bản thân.

Một đặc điểm ít được biết đến của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là họ tự đặt ra những tiêu chuẩn cao đến vô lý. Chuyên gia tâm lý lâm sàng, tiến sĩ Brianne Markley hiện đang công tác tại Cleveland State University chia sẻ rằng điều đó xảy ra một phần là do những người mắc Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của mình. Nói cách khác, người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường không nhận ra mục tiêu của họ không thực tế vì họ nghĩ mình giỏi hơn người khác.

 

2. Ảo tưởng về sự thành công

Theo cách nói chính xác của DSM-5, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường có “một mối bận tâm với những ảo tưởng về thành công, quyền lực, tài năng, sắc đẹp hoặc tình yêu lý tưởng”. Hầu hết chúng ta có lẽ đều đã từng mơ mộng về sự giàu có, nổi tiếng, quyền lực, tài năng hay được yêu thương. Nhưng đối với những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, những ảo tưởng này là cơ chế phòng vệ của họ.

cô gái ái kỷ cầm lá che mắt

Ảnh: Pexels/Denner Trindade

Tiến sĩ Markley giải thích, chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có hai mặt: Mặt vĩ đại và mặt dễ tổn thương. Và cả hai mặt này luôn tồn tại song song. Bên dưới lớp khoác hào nhoáng, những người mắc Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường có lòng tự trọng rất thấp. Việc ảo tưởng về việc có được và xứng đáng nhận được những điều đó hoạt động như một tấm khiên bảo vệ sự tự ti thẳm sâu bên trong họ. Việc mơ mộng, “giữ đầu óc trên mây” giúp họ dễ dàng hòa hợp hai phiên bản cùng tồn tại bên trong họ: một phiên bản họ hào nhoáng mà họ luôn ảo tưởng và cố thể hiện ra bên ngoài, phiên bản còn lại là bản chất thật sự của họ. 

3. Cảm giác thượng đẳng

Từ khi còn nhỏ, chúng ta đều học được rằng mỗi người đều đặc biệt theo cách riêng của mình. Điều đó không sai, nhưng đối với những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, ý tưởng đó trở nên khá lệch lạc.

Theo DSM-5, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có xu hướng tin rằng họ quá độc đáo và đặc biệt đến mức hầu hết mọi người không thể hiểu được họ. Điều đó tác động đến cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của họ vì những người này cảm thấy chỉ những người hoặc tổ chức thực sự xuất sắc mới xứng đáng kết giao với họ. Nói cách khác, người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cho rằng họ “thượng đẳng” và chỉ muốn giao lưu với những người họ coi là ngang hàng (hoặc cao hơn) về mặt xã hội.


Xem thêm

• Top 10 bộ phim về rối loạn đa nhân cách khiến người xem ám ảnh

• Nếu có những dấu hiệu này, có thể bạn đang gặp vấn đề rối loạn tâm lý

• 10 lầm tưởng về chứng rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm


4. Nhu cầu được ngưỡng mộ quá mức

Thỉnh thoảng, hầu hết chúng ta đều mong muốn được nhận những lời khen ngợi hay sự công nhận cho những nỗ lực của bản thân hay những đặc điểm nổi trội mà mình sở hữu. Thế nhưng, đối với những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, nhu cầu được công nhận còn lớn hơn nhiều.

Mặc dù người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể không biểu hiện điều này ra ngoài, nhưng họ thường trải qua những cảm giác mãnh liệt về sự thiếu hụt, nghi ngờ bản thân, trống rỗng và lo lắng về cách người khác nhìn nhận họ. Nỗi lo lắng đó thúc đẩy họ tìm kiếm sự chấp thuận và khen ngợi từ người khác. Để bảo vệ hình ảnh bản thân, họ có thể câu kéo lời khen, thù địch với những lời chỉ trích mang tính xây dựng và có những hành vi thu hút sự chú ý.

cô gái ái kỷ mặc váy trắng

Ảnh: Unsplash/Jayson Hinrichsen

5. Cảm giác được hưởng sự ưu tiên

Một đặc điểm phổ biến khác của những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là họ luôn cho rằng mình xứng đáng được hưởng những quyền lợi đặc biệt trong cuộc sống một cách vô lý. Khi một người có suy nghĩ thường trực rằng họ xứng đáng được hưởng sự ưu tiên, họ thường xuyên cảm thấy thất vọng, bị đối xử bất công và thậm chí tức giận. Ví dụ, khi những nhân viên trong tiệm cà phê không ghi nhớ chính xác đồ uống mà họ thường gọi, người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ cảm thấy thất vọng về phong cách phục vụ của nhân viên. Điều này không chỉ cho thấy họ sở hữu tư duy sai lệch về cách vận hành của cuộc sống hay về chính bản thân họ mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.

6. Lợi dụng người khác

Theo DSM-5, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường lợi dụng người khác vì những lý do ích kỷ. Đôi khi, họ cố tình lợi dụng người khác, nhưng lại cũng có những lúc họ làm điều đó trong vô thức. 

cô gái ái kỷ xoã tóc ôm đầu

Ảnh: Unsplash/Tony Frost

Ví dụ, khi xây dựng mối quan hệ với một ai đó, người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường tiếp cận đối phương để khai thác lợi ích thay vì kết giao vì tính cách hay bản chất của họ. Chẳng hạn, họ có thể kết giao với một người chỉ vì người đó giàu có hay có địa vị xã hội, hoặc sở hữu một điều gì đó mà họ đang tìm kiếm. 

7. Thiếu sự đồng cảm

Nhiều người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ gặp khó khăn trong việc lắng nghe một cách tích cực vì họ không có xu hướng quan tâm đến những người xung quanh. Một số người không thể hoặc không muốn hiểu và phản hồi một cách hợp lý với cảm xúc của người khác.

Thiếu sự đồng cảm có thể khiến người mắc Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ nói và thực hiện những điều gây tổn thương người khác, mà không lường trước được (hoặc thậm chí trong một số trường hợp, họ không quan tâm) đến việc hành động của họ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Họ thậm chí có thể coi việc buồn bã hoặc nhạy cảm là dấu hiệu của sự yếu đuối.

  

8. Thường xuyên đố kỵ

Ai cũng có lúc ghen tị với người khác, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện tại, chúng ta có xu hướng ngưỡng mộ và khao khát khi ai đó đăng tải những hình ảnh hào nhoáng về sự thành công, về cuộc sống lý tưởng. Nhưng đối với những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, lòng đố kỵ của họ còn lớn hơn thế. Họ thường xuyên trong trạng thái khao khát những gì người khác sở hữu,vì họ tin rằng mình xứng đáng nhận được nhiều hơn tất cả mọi người, và họ có thể hạ thấp hoặc chê bai thành công của người khác.

Đồng thời, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường cho rằng người khác ghen tị với họ và thành công của họ – bất kể những thành công đó là thật hay chỉ là ảo tưởng. 

cô gái ái kỷ mặc váy trắng tay chạm tóc

Ảnh: Unsplash/Jayson Hinrichsen

9. Kiêu ngạo

Tiêu chuẩn chẩn đoán thứ chín và cuối cùng của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là thể hiện những “hành vi hoặc thái độ kiêu ngạo”. Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể hành động một cách kiêu căng, hạ thấp người khác, hoặc thậm chí khinh thường những người xung quanh.

Điều quan trọng cần lưu ý là người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể không nhận ra rằng họ khiến những người xung quanh cảm thấy thấp kém. Đối với những người này, ranh giới giữa sự tự tin lành mạnh và kiêu ngạo vô cùng mong manh. 

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Huyền

Nguồn: Cleveland Clinic

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more