Thông thường, những người có tính cách độc hại thường có thói quen chỉ trích, phê phán hoặc coi thường cảm xúc, ý kiến của bạn. Khi liên tục tiếp xúc với những người này, bạn sẽ dần đánh mất sự tự tin, lòng tự trọng và các giá trị cá nhân của mình. Cùng ELLE khám phá ngay 6 dấu hiệu ban đầu giúp bạn nhận biết một người có tính cách độc hại nhé!
1. Hiếm khi nhận lỗi về mình
Nếu bạn có xu hướng đổ mọi rắc rối trong mối quan hệ lên đối phương, rất có thể bạn đang bỏ qua vai trò của chính mình trong vấn đề đó. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của một người sở hữu tính cách độc hại là hiếm khi nhận lỗi về mình. Thay vì thừa nhận thiếu sót, người có tính cách độc hại thường tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc quy trách nhiệm cho những người xung quanh. Họ có xu hướng biện minh, tránh đối mặt với lỗi sai hoặc nói dối để bảo vệ bản thân.
Về mặt tâm lý, người hay đổ lỗi thường lòng tự trọng thấp hoặc cảm giác tự ti sâu sắc. Việc nhận lỗi có thể khiến họ cảm thấy mình yếu kém, thất bại. Vì vậy, họ thường tìm cách đổ lỗi cho người khác – hành vi thể hiện sự thiếu trách nhiệm và tạo ra một mối quan hệ không lành mạnh. Lâu dần, bạn sẽ liên tục chịu tổn thương, cảm thấy mệt mỏi, bất an vì cảm thấy bản thân thiếu sót khi ở bên cạnh người hiếm khi thừa nhận lỗi lầm.
BÀI LIÊN QUAN
2. Thường xuyên mất kiểm soát trong lời nói
Người sở hữu tính cách độc hại thường hiếm khi để ý đến cảm xúc của đối phương và không quan tâm đến tác động tiêu cực của lời nói, hành động. Với họ, thể hiện quyền lực qua lời nói sẽ là cách để khẳng định giá trị của mình.
Trong giao tiếp, người có tính cách độc hại thường xuyên tạo ra bầu không khí căng thẳng và nặng nề. Họ không biết cách kiểm soát cảm xúc và thường xuyên dùng những lời lẽ gay gắt, khiến người khác không dám bày tỏ ý kiến cá nhân vì sợ bị chỉ trích hay bị công kích.
Chẳng hạn, họ có thể nói những câu mang hàm ý châm chọc, giễu cợt hoặc xúc phạm người khác một cách công khai, khiến người bị chỉ trích cảm thấy bị hạ thấp giá trị và mất mặt. Dần dần, khi tiếp xúc với người có tính cách độc hại, những người xung quanh sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức về mặt cảm xúc. Mọi người sẽ phải luôn sống trong trạng thái căng thẳng, lo sợ và tự hỏi liệu bản thân có thể nói ra suy nghĩ của mình hay không.
3. Thích áp đặt quan điểm lên người khác
Dấu hiệu tiếp theo giúp bạn nhận biết một người có tính cách độc hại là cảm giác bị áp đặt khi tiếp xúc với họ. Người sở hữu tính cách độc hại có xu hướng áp đặt ý kiến và quan điểm của mình lên người khác, họ muốn một mình kiểm soát mọi khía cạnh của mối quan hệ.
Với những người này, việc duy trì một mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt là điều không thể. Họ có thể đe dọa hoặc chỉ trích những ai không đồng tình với họ, thường xuyên thể hiện sự không hài lòng một cách công khai. Nếu bạn không làm theo những gì họ muốn, họ có thể sử dụng sự im lặng, thái độ lạnh nhạt hoặc thậm chí là công kích cá nhân để khiến bạn cảm thấy tội lỗi, khiến bạn phải thay đổi ý kiến hoặc hành động theo họ. Bên cạnh đó, những người này có thể gây sức ép bằng cách chỉ trích bạn một cách công khai hoặc hạ thấp giá trị cá nhân, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến tâm lý của bạn.
Xem thêm
•5 tư duy độc hại bạn cần loại bỏ để có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn
•11 kiểu người độc hại bạn nên loại bỏ khỏi cuộc sống của mình
•5 cách giúp bạn chấm dứt tính nữ độc hại chốn công sở
4. Không yêu bản thân
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao có một số người dường như luôn mang năng lượng tiêu cực và họ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng, dù trên thực tế họ chưa làm điều gì ảnh hưởng đến bạn? Câu trả lời có thể nằm ở việc họ không yêu bản thân mình và vô tình “lây lan” cảm xúc bất an, tự ti, căng thẳng đến người khác.
Ví dụ, bạn có một người bạn hay một người đồng nghiệp thường xuyên phàn nàn và trách móc cuộc sống của họ, và mặc dù họ chưa hề có hành động hay lời nói trực tiếp nhắm vào bạn, nhưng mỗi khi ở gần họ, bạn lại cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Họ luôn nói về những khó khăn, sự bất công trong công việc hay gia đình và dường như không bao giờ tìm thấy sự hài lòng hay niềm vui trong cuộc sống. Khi một người không chú ý nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe tinh thần, và họ vô tình kéo theo những người khác vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực mà họ không nhận thức được.
Khi không yêu bản thân và chỉ tập trung vào những khuyết điểm của mình, một người có thể tìm cách đổ lỗi hoặc trút giận lên người khác như một cách để thoát khỏi cảm giác tội lỗi hoặc thất bại. Những hành vi này có thể bao gồm việc chỉ trích quá mức, tìm cách kiểm soát, thao túng cảm xúc, hoặc gây tổn thương tâm lý cho người xung quanh. Đồng thời, có một nhóm người có tính cách độc hại thường cảm thấy không thể chấp nhận chính mình, vì vậy họ có thể xây dựng một hình ảnh giả tạo hoặc sống giả vờ để được người khác yêu quý hoặc chấp nhận. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu chân thật trong các mối quan hệ, làm cho người khác cảm thấy khó tiếp cận và tin tưởng. Chỉ khi họ thật sự học được cách chấp nhận chính mình, tập trung vào những điều tốt đẹp của bản thân và biết ơn những gì mình sở hữu, họ mới có thể thu hút và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh.
5. Thường xuyên sử dụng sự im lặng độc hại
Sự im lặng độc hại (silent treatment), hay còn gọi là “im lặng để trừng phạt” là một chiến thuật tâm lý trong đó một người sẽ cố tình làm ngơ và ngừng, từ chối giao tiếp với người còn lại, khiến đối phương cảm giác như bị “xóa sổ”, bỏ rơi một cách nhanh chóng. Hành động im lặng này còn mang tính chất từ chối hoàn toàn, cô lập hay thậm chí là tẩy chay người kia.
Người có tính cách độc hại thường sử dụng phương pháp này để gây áp lực lên đối phương, mục đích của họ là khiến người khác cảm thấy bất an, tội lỗi và cuối cùng phải làm theo ý mình. Chẳng hạn, họ có thể ngay lập tức im lặng và biến mất khi bạn từ chối đáp ứng yêu cầu của họ, khiến bạn phải hạ mình xin lỗi, “cầu hòa” trước dù thực tế bạn đang không làm gì sai. Vô hình trung, điều này tạo ra một vòng lặp, là công cụ người độc hại có thể lợi dụng nó để giữ vai trò kiểm soát trong một mối quan hệ.
Đi ngược lại với bản năng kết nối và giao tiếp của một cá nhân trong xã hội, im lặng độc hại là một hành động có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc cho người khác. Vì vậy, bạn cần duy trì sự bình tĩnh, nâng cao nhận thức và tập trung vào bản thân khi vô tình rơi vào tình huống này. Bạn nên nhớ rằng, đó là một hành vi tiêu cực, và bạn luôn xứng đáng được đối xử bằng tất cả sự tôn trọng và chân thành từ bất kỳ ai. Nếu cần thiết, hãy chủ động yêu cầu một cuộc trò chuyện để làm rõ vấn đề, nhưng trong trường hợp người kia tiếp tục im lặng hoặc cố tình tránh né, có lẽ đã đến lúc bạn cần cân nhắc về việc duy trì mối quan hệ ấy.
BÀI LIÊN QUAN
6. Có xu hướng bạo lực
Tính cách độc hại thường đi đôi với xu hướng bạo lực tiềm ẩn. Khi cảm thấy tức giận hoặc bị đe dọa, những người này thường không thể kiềm chế cảm xúc và họ có thể bộc lộ sự bạo lực thông qua lời nói hoặc hành vi. Họ có thể sử dụng bạo lực tinh thần bằng những lời lẽ xúc phạm, chửi bới, hoặc tấn công tâm lý khiến đối phương cảm thấy mình vô giá trị, tự ti. Ví dụ, họ có thể nói những câu như “Chẳng ai dám yêu bạn ngoài tôi” hoặc “Nếu không có tôi, bạn sẽ không làm được gì cả”. Nguy hiểm hơn, những người này có thể tác động vật lý lên người khác, gây ra những tổn thương về cơ thể cho đối phương. Với họ, bạo lực không chỉ là phương tiện để giải quyết mâu thuẫn mà còn là cách để khẳng định quyền lực và sự thống trị trong một mối quan hệ.
Do đó, khi gặp phải những người có xu hướng bạo lực, điều quan trọng là bạn cần nhận thức được đó là hành vi sai trái và bảo vệ bản thân một cách mạnh mẽ. Mặt khác, khi bạn cảm thấy nguy hiểm hoặc bị đe dọa về mặt thể chất hoặc tinh thần, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh, như bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia tâm lý, hoặc sự can thiệp của cơ quan chức năng. Cuối cùng, bạn luôn có quyền nói “không” và đặt ra những giới hạn cần thiết với một người có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tâm lý của bạn. Đặc biệt, vấn đề bạo lực, dù dưới hình thức nào, sẽ không bao giờ là yếu tố được chấp nhận được trong một mối quan hệ.
Nhóm thực hiện
Bài: Thiên Thanh
Tham khảo: YourTango