Lifestyle / Bí quyết sống

4 dấu hiệu của một người vô cảm và cách đối phó

Năng lượng tiêu cực và sự vô cảm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của chúng ta. Đặc biệt, là trong xã hội ngày nay, việc sống vội và sự phát triển của công nghệ đôi lúc làm lu mờ các giá trị nhân văn và nhu cầu thiết yếu của một con người.

Con người là một sinh vật xã hội, vì vậy, đa số chúng ta đều có lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Chúng ta đều hiểu được làm thế nào để kết nối với cộng đồng và thấu hiểu cảm xúc qua giao tiếp và chia sẻ. Thế nhưng, đôi khi, vì một số lý do, có người bị tổn thương và mất kết nối với bản thân họ. Họ dừng việc quan tâm, chia sẻ cảm xúc với mọi người xung quanh và trở nên vô cảm.

Người vô cảm là người ít bộc lộ cảm xúc và không mấy quan tâm đến trạng thái của đối phương. Họ thường xuyên sống trong thế giới riêng và chìm đắm trong những suy nghĩ, nhu cầu và mong muốn của bản thân họ. Họ thiếu đi sự hứng thú với thế giới và đôi khi xuất hiện với bộ dạng kiêu căng. Nghiêm trọng hơn, một số người còn có xu hướng bạo lực. Việc tiếp xúc với người vô cảm mà không có phương pháp phòng vệ hoặc thiết lập ranh giới rõ ràng có thể khiến chúng ta bị tổn thương tinh thần, thậm chí bị hạ thấp lòng tự trọng và mất đi niềm tin vào bản thân. 

Những kiến thức sau sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi những hành vi bộc phát và sự vô cảm một cách dễ dàng và khôn khéo nhất.

Những biểu hiện của người vô cảm

vo-cam-co-gai-mau-den-750x900
Ảnh: Unsplash/Sule Makaroglu

1. Tê liệt cảm xúc

Khi đối mặt với một chuyện đau buồn hay một chuyện đáng giận dữ, người vô cảm không bộc lộ cảm xúc nhiều mà chỉ giữ thái độ thờ ơ và dửng dưng. Cảm xúc của họ như bị tê liệt, không thể bộc lộ sự đồng cảm, cảm thương, ngay cả với người thân nhất. Phản ứng này chắc chắn sẽ làm những người xung quanh cảm thấy không thoải mái. 

2. Liên tục đưa ra nhận xét và chỉ trích

Nhận xét nhằm hạ thấp người khác là một trong những biểu hiện phổ biến nhất ở người vô cảm. Người mang năng lượng tiêu cực, vô cảm thường sử dụng những lời chỉ trích thay vì đóng góp để làm giảm sự tự tin của bạn. Họ sẽ bác bỏ và dập tắt các ước mơ, ý tưởng độc đáo của bạn. Đôi khi, những lời nói ấy còn có chút thô lỗ. Điều này trực tiếp làm giảm sự tự tin, tự hào vào bản thân bạn.

3. Liên tục công kích và xúc phạm người khác 

Người vô cảm thường không hiểu được cảm xúc của họ nên họ cũng không thể hiểu được cảm xúc của người khác. Họ lấy những chủ đề nhạy cảm, mang tính cá nhân của mọi người để cười cợt, chế giễu và công kích như một một hình thức giải trí. Những câu bông đùa những tưởng vô hại nhưng nó lại có tác động lớn đến tinh thần của bạn.

Ngoài ra, sử dụng từ ngữ không chuẩn mực và xúc phạm đối phương là cách để những người tiêu cực cảm thấy an toàn hơn và bảo toàn giá trị bản thân. Họ vượt qua ranh giới của sự tôn trọng để khiến đối phương thấy tồi tệ hơn. Vì cảm thấy bản thân không ổn và người khác không giống mình nên họ mới dùng những từ ngữ như vậy để chỉ trích. 

vo-cam-co-gai-ao-trang-mau-xanh-duong-750x900
Ảnh: Unsplash/ Ali Pazani

4. Hành động loại trừ

Cảm xúc có muôn hình vạn trạng. Chúng ta có thể cảm nhận được từng thay đổi của cảm xúc, gạt bỏ tiêu cực và đón nhận nguồn năng lượng mới một cách dễ dàng. Thế nhưng, những người vô cảm lại không như vậy. Những cảm xúc phức tạp và suy nghĩ rối bời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trí. Họ sẽ lập tức ngăn chặn những người mà họ cho rằng gây ảnh hưởng đến tiến độ công việc và dọn sạch môi trường làm việc một cách lạnh lùng.

Những cách để đối phó với sự vô cảm

Sự vô cảm có mặt ở khắp mọi nơi. Thay vì để ý và phản ứng với những hành động khiến cho sự tự tin của bạn mất đi, hãy trở nên khoan dung và chọn góc nhìn mới. Bạn sẽ thấy bản thân mình còn nhiều điểm đáng trân trọng và có những mối quan tâm khác cần giải quyết. Vì vậy, việc đối diện với những năng lượng tiêu cực và sự vô cảm sẽ dễ dàng hơn với bạn. 

1. Xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng 

Như đã đề cập ở trên, những người vô cảm luôn đào bới điểm yếu để công kích, chỉ trích đối phương. Họ khiến ta tổn thương rất nhiều về mặt tâm lý, tinh thần. Để bảo vệ bản thân khỏi những hành động đó, chúng ta nên thiết lập “bức tường tự tin“. Bức tường này được xây dựng dựa trên cách bạn nhìn nhận về bản thân, tương lai bạn muốn hướng đến chứ không phải dựa trên góc nhìn phiến diện từ người khác. 

Việc chỉ trích và ghét bỏ ai đó thực sự rất mệt mỏi. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào phát triển bản thân. Đầu tiên, bạn hãy liệt kê năm điểm mạnh và điểm yếu nổi bật nhất của bản thân và viết lên giấy. Hãy thực hiện nó như bài tập kiểm tra sức khỏe hằng ngày để lắng nghe bản thân mình hiện tại cần cải thiện điều gì nhất.

Bên cạnh đó, khi thức dậy vào buổi sáng, bạn hãy đứng trước gương, vẫy tay chào chính mình và kể tên ba điểm mà bạn thích nhất ở bản thân ngày hôm đó. Việc hiểu rõ được bản thân mình là ai, mình muốn gì và cần gì sẽ giúp bạn tích cực hơn rất nhiều.

2. Thay đổi góc nhìn

Vô cảm là trạng thái cảm xúc tự nhiên của con người và bạn không thể tránh khỏi việc rơi vào trạng thái đó. Thay vì quan tâm đến những điều bạn không thể kiểm soát, bạn hãy thử thay đổi góc nhìn. Biết đâu cách tiếp cận mới sẽ khiến bạn thấy dễ dàng hơn, nhìn nhận mọi việc đúng đắn hơn. 

vo-cam-co-gai-toc-ngan-mau-den-750x900
Ảnh: Unsplash/ Raamin Ka

Cuộc sống là các góc đa hình. Mỗi người khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau về cách sống, về sự vật, sự việc xung quanh. Bạn không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên mọi người và ngược lại. Vì vậy, hãy thử đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác để hiểu được vì sao họ lại hành động như vậy, điều gì đã khiến họ trở nên như vậy. Càng nhận thức rõ hơn về cảm xúc của chính mình, chúng ta sẽ càng hiểu được cảm xúc của người khác. Đây là mấu chốt của lòng trắc ẩn và là cách để vượt qua sự vô cảm.

3. Lòng tốt là một vũ khí 

Người vô cảm thường có những hành động không đúng đắn để gây sự chú ý từ những người xung quanh. Họ muốn kiểm soát và cho mọi người thấy họ mạnh mẽ nhường nào chứ chẳng phải là một kẻ có nhiều tổn thương tâm lý bên trong. Việc tiếp xúc với họ bằng cách nổi nóng theo những cơn thịnh nộ là vô ích. Thậm chí, nó còn khiến mọi việc tồi tệ hơn. Thay vào đó, lòng trắc ẩn, nói năng từ tốn, nhẫn nại sẽ là vũ khí tối tân để cảm hóa “sự non nớt của một đứa trẻ bị tổn thương”. 

Vô cảm là một trạng thái cảm xúc tạm thời. Họ tìm đến các cuộc tranh cãi, chì chiết lẫn nhau như một cách để giải tỏa căng thẳng, nắm thế chủ động và che giấu tổn thương bên trong. Có rất nhiều vấn đề ẩn sâu một cá nhân mà bạn có thể không nhìn thấy. Việc bạn cần làm là đối xử với mọi người bằng trái tim rộng mở và tấm lòng nhân ái. Điều này giúp bạn không phải đắn đo, bứt rứt về cách ứng xử không tốt với mọi người. Khi trao đi những năng lượng tích cực, ắt hẳn bạn sẽ nhận lại thứ gì đó tốt đẹp hơn. 

4. Từ chối hạ thấp giá trị bản thân và đặt ra ranh giới rõ ràng

Một trong những điều không nên làm nhất khi tiếp xúc với một người tiêu cực là trở nên giống họ. Những người vô cảm và mang năng lượng tiêu cực luôn chỉ trích người khác ở những điểm họ ghét ở chính bản thân họ hoặc những điểm họ không làm được. Khi phản kháng lại sự công kích, điều đó đồng nghĩa với việc bạn cho phép bản thân trở nên giống họ. Bạn sẽ là người duy nhất bị thương khi lao vào cuộc chiến vô nghĩa đó. 

vo-cam-co-gai-cai-ghe-mau-xam-750x900
Ảnh: Unsplash/ Raamin Ka

Trong tình huống này, bạn nên lập ra ranh giới rõ ràng cho bản thân. Bạn hãy thử suy nghĩ và xác định đâu là những điều bạn nên phớt lờ và đâu là những điều đúng đắn bạn cần phải bảo vệ. Khi xác định được ranh giới, bạn sẽ dễ dàng bỏ ngoài tai những lời lẽ sáo rỗng, không mang tính xây dựng và tiếp tục hành trình phát triển bản thân. 

Đứng dậy bảo vệ bản thân là đúng và không ai có quyền phá hủy, phán xét cuộc đời bạn. Thế nhưng, trong trường hợp này, bạn sẽ đánh mất chính bạn và lao vào cuộc chiến vô nghĩa với những tổn thương không hồi kết như họ đã từng. Những gì bạn xây dựng bấy lâu nay sẽ sụp đổ và khi nhận ra, bạn đã trở về nơi bắt đầu. Bạn đang trở thành phiên bản tốt hơn so với ngày hôm qua nên đừng vì những tranh cãi không căn cứ mà hạ thấp giá trị bản thân của mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Bich Ngoc Hoang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Medium

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)