Nếu như bạn thuộc nhóm những người theo chủ nghĩa cầu toàn và nhạy cảm với suy nghĩ của người khác thì cũng đừng quá băn khoăn, bởi vì sống cầu toàn sẽ giúp bạn có nhiều động lực để học tập và làm việc. Vậy, làm sao để biết bạn có phải là một người cầu toàn hay không? Hãy cùng ELLE điểm qua 6 dấu hiệu sau đây.
1. Bạn quá ám ảnh về sai lầm và thất bại
Những người theo chủ nghĩa cầu toàn thường khao khát nhận được sự kỳ vọng của mọi người vì họ muốn thể hiện bản thân là người có năng lực. Tuy nhiên, họ cũng mắc chứng nhạy cảm và có nỗi sợ cực độ với những đánh giá tiêu cực từ người khác. Khi có vấn đề không hay xảy ra trong cuộc sống, người cầu toàn thường bị ám ảnh nặng nề hơn so với người bình thường. Vì thế, họ rất dễ bị stress khi liên tục nghiêm trọng hóa lỗi lầm của bản thân.
2. Người cầu toàn Đặt ra những kỳ vọng không thực tế
Người theo chủ nghĩa cầu toàn thường tự đặt ra cho mình rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe và quá sức với năng lực hiện tại, do đó họ có nhiều áp lực để bản thân hoàn thành mọi thứ tốt nhất. Đây vừa là ưu điểm nhưng cũng là khuyết điểm lớn đối với người cầu toàn, bởi vì nếu liên tục ở trong trạng thái căng thẳng, họ sẽ dễ mắc các chứng bệnh như rối loạn cảm xúc, trầm cảm…
BÀI LIÊN QUAN
3. Luôn đặt ra kế hoạch trước khi bắt đầu
Bạn là người biết cách quản lý công việc và luôn vạch ra lộ trình cụ thể trước khi thực hiện bất kỳ điều gì. Nhưng chính vì luôn bám theo kế hoạch cá nhân nên khi có sự thay đổi bất ngờ, bạn dễ rơi vào trạng thái thụ động và khó hòa nhập với mọi người. Vì thế, những người theo chủ nghĩa cầu toàn nên bỏ qua những chi tiết không đáng có và học cách phản ứng nhanh để có thể làm việc linh động hơn.
BÀI LIÊN QUAN
4. bạn có xu hướng thường xuyên trì hoãn
Điều này có vẻ rất lạ, nhưng nó thật sự tồn tại – sự trì hoãn và cầu toàn song hành với nhau. Theo Huffington Post, chủ nghĩa cầu toàn có liên quan đến hành vi tự đánh bại bản thân bằng cách trì hoãn thực hiện nhiệm vụ quan trọng.
Một nghiên cứu từ tạp chí Social Behavior and Personality cho thấy, thói quen chần chừ chủ yếu đến từ sự dự đoán kết quả xảy ra sẽ không như ước muốn của người cầu toàn. Vì thế, họ nên học cách kiểm soát suy nghĩ của bản thân và chấp nhận rủi ro để vượt qua những nỗi sợ bị chỉ trích từ người khác.
5. Cảm thấy nên làm rất nhiều việc để đạt được sự hoàn hảo
Khi giải quyết vấn đề, người cầu toàn thường chọn cách làm tất cả các phương án sau đó mới chọn ra phương án tối ưu nhất. Đối với bạn, kết quả là trên hết, bạn không quan tâm đến việc bản thân phải bỏ ra quá nhiều thời gian và công sức để hoàn thành. Bạn cũng rất dễ rơi vào trạng thái khó chịu nếu như nhìn thấy đồng nghiệp hoặc người xung quanh làm việc hờ hợt, có thể vì vậy mà nhiều người sẽ nhận xét bạn là người tiểu tiết và có xu hướng tránh xa bạn để không bị đánh giá.
6.Người cầu toàn dễ Bị tác động từ bên ngoài
Sự thật là, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường không tự tin vào bản thân mình. Sự tự tin của bạn phụ thuộc vào những gì bạn đạt được và cách những người khác phản ứng với thành quả của bạn. Bạn phấn đấu để thành công, nhưng chỉ tin vào điều đó khi được mọi người xác nhận hoặc tán dương.
—
“Những người cầu toàn sẽ không bao giờ hài lòng với bản thân. Họ luôn cố gắng trở thành những người thông minh nhất, giỏi giang nhất, xuất sắc nhất”.
Nhóm thực hiện
Bài: My Phan Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE