Lifestyle / Bí quyết sống

10 đặc điểm của người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao

Trong môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao ngày nay, hiểu rõ và rèn luyện trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence - EQ) của mình là một trong những cách thức hiệu quả nhất giúp bạn thành công trong cuộc sống.

Trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence – EQ) đã và đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong môi trường làm việc chuyên nghiệp ngày nay. Nhiều người thắc mắc vì sao trong thời gian gần đây trí tuệ cảm xúc lại được xem trọng và chú ý nhiều đến như thế. Thực chất, trí tuệ cảm xúc và những vấn đề liên quan không phải là một hiện tượng mới nổi. Nhiều doanh nghiệp lớn đã thực hiện một số khảo sát chứng minh rằng trí tuệ cảm xúc của nguồn nhân lực có ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những công ty với những nhân viên có trí tuệ cảm xúc cao thường có lợi nhuận và năng suất làm việc cao hơn. 

Dưới đây là 10 đặc điểm của người có trí tuệ cảm xúc/EQ cao bạn có thể học hỏi và thực hành ngay hôm nay để cải thiện trí tuệ cảm xúc của bản thân:

Quyết đoán trong cách giao tiếp 

người có trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh: Pexels/Yaroslava Borz

Giao tiếp một cách quyết đoán sẽ giúp bạn có được sự tôn trọng của mọi người xung quanh. Hiển nhiên, chúng ta không nên tỏ ra quá  sôi nổi hay quá thụ động trong khi giao tiếp , nhưng sự quyết đoán trong giao tiếp cho thấy phong thái tự tin, dạn dĩ trong bạn. Người có trí tuệ cảm xúc cao là người biết cách bạn bày tỏ quan điểm của mình rõ ràng, mạch lạc nhưng vẫn thể hiện thái độ cầu thị, tôn trọng những người xung quanh. 

Phản biện thay vì phản ứng 

Trong quá trình tiếp nhận thông tin từ người đối diện, đôi khi, xung đột sẽ xảy ra dẫn đến những cảm xúc tiêu cực chẳng hạn như giận dữ. Người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc của mình trước những tình huống căng thẳng. Họ sẽ không đưa ra những quyết định bốc đồng có thể khiến tình huống tệ đi. Họ hiểu rõ rằng trong những tình huống căng thẳng như thế, điều người trong cuộc cần là một giải pháp hay một phản hồi hợp lý cho vấn đề hiện hữu chứ không phải một sự đáp trả vô nghĩa chỉ để thỏa mãn nhất thời cảm xúc tiêu cực. 

Chủ động lắng nghe

cô gái trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh: Unsplash/Kade Beasley

Trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào, người có trí tuệ cảm xúc cao luôn chăm chú  lắng nghe để nắm rõ ý kiến của đối phương chứ không giữ thái độ “chờ đến lượt để phát biểu”. Bên cạnh đó, họ cũng luôn suy nghĩ thật kỹ điều mình nên nói trước khi chính thức phát ngôn. Người có trí tuệ cảm xúc cao cũng chú ý đến ngôn ngữ hình thể của đối phương trong lúc trò chuyện. Sự thấu đáo trong cách trò chuyện như thế giúp hạn chế sự hiểu lầm, giúp người đối diện có thể thoải mái bày tỏ cũng như dành sự tôn trọng nhất định cho người đang trò chuyện cùng mình. 

Khả năng tạo và truyền động lực

Người có trí tuệ cảm xúc cao có khả năng tự tạo động lực cho chính mình cũng như lan toả nguồn năng lượng đó đến cho những người xung quanh. Trước mọi việc trong cuộc sống, họ có xu hướng đặt ra các mục tiêu cụ thể, từng bước thực hiện chúng. Họ cũng là kiểu người luôn trong trạng thái sẵn sàng đối diện với những thử thách có thể xảy đến. 


Xem thêm

8 kiểu nụ cười cơ bản và ý nghĩa thực sự của chúng

19 điều bạn không bao giờ nên khoan dung trong một mối quan hệ

9 yếu tố khiến một người trở nên đặc biệt


duy trì thái độ tích cực

Đừng xem nhẹ sức ảnh hưởng từ thái độ của bạn đối với mọi việc trong cuộc sống. Thái độ tiêu cực thực chất ảnh hưởng rất nhiều đến người khác dù bạn có cố ý lan toả nguồn năng lượng đó hay không. Người có trí tuệ cảm xúc cao có khả năng nhận thức rõ bầu không khí đang bao quanh mình để điều hướng cảm xúc, sao cho không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ngoài ra, họ cũng biết cách làm thế nào để ít nhất không trầm trọng hoá một ngày của mình, điều đó đồng nghĩa với việc họ biết cách đặt ra những phương châm sống tích cực cho bản thân. 

Người có trí tuệ cảm xúc cao biết cách tìm kiếm sự hạnh phúc nhằm “nạp” thêm năng lượng cho bản thân bước tiếp trong cuộc sống. Một số gợi ý bạn có thể thực hành để duy trì sự tích cực cho bản thân bao gồm: tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon, thiền, cầu nguyện, ghi nhớ hoặc ghi chú câu nói truyền động lực và gắn nó tại các vị trí dễ thấy như bàn làm việc hoặc văn phòng… 

Thực hành tự nhận thức

cô gái có trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh: Unsplash/Alex Shaw

Người có trí tuệ cảm xúc cao thường có khả năng nhận thức khá tốt nhiều mặt trong cuộc sống, đặc biệt là về bản thân họ. Vì lẽ đó, họ thường không để cảm xúc cá nhân của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh. Không những thế, họ cũng có khả năng nhận diện cảm xúc của người đối diện thông qua cách cư xử và ngôn ngữ hình thể của họ, và dùng những thông tin đó để khuyến khích đối phương giao tiếp hiệu quả hơn. 

Bình tĩnh trước lời chỉ trích

Có thể nói, chỉ trích là một phần tất yếu của cuộc sống. Người có trí tuệ cảm xúc cao là những người có khả năng dung nạp và “xử lý” những lời chỉ trích, họ sẽ không để chúng dập tắt động lực mà ngược lại, họ xem chúng như một công cụ để họ điều chỉnh bản thân và tiếp tục làm việc, cống hiến cho cuộc sống. Trước những lời chỉ trích, người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ xác định nguyên nhân và suy ngẫm liệu những lời chỉ trích đó có thật sự mang tính xây dựng hay không, từ đó họ có thể đưa ra những giải pháp cho chính mình. 

Đồng cảm với người khác 

cô gái có trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh: Unsplash/Manh Van Lai

Người có trí tuệ cảm xúc cao là người dễ đồng cảm với người khác. Có thể nói, sự đồng cảm là một đặc điểm thường thấy ở một người mạnh mẽ chứ không phải là biểu hiện của sự yếu đuối. Sự thấu cảm cho phép con người kết nối và thấu hiểu nhau, giúp chúng ta cởi mở với những quan điểm mới mẻ và tôn trọng những sự khác biệt.

Phát triển khả năng lãnh đạo

Một đặc điểm khác đáng học hỏi của người có trí tuệ cảm xúc cao là khả năng lãnh đạo nổi bật. Bản thân những người có trí tuệ cảm xúc cao luôn đặt ra những kỷ luật và tiêu chuẩn nhất định cho bản thân. Từ đó, họ trở thành hình mẫu lý tưởng cho người khác noi theo. Ngoài khả năng nắm bắt và giải quyết tình huống, người có trí tuệ cảm xúc cao cũng có khả năng đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng. Điều này giúp họ hoàn thành việc được giao dễ dàng và năng suất hơn.


Xem thêm

7 hình thức nghỉ ngơi có thể bạn chưa biết

9 cách để nạp thêm năng lượng ngoài việc ngủ

Cách tạo dáng khi chụp ảnh selfie nói lên điều gì về tính cách của bạn?


Hòa nhã và thân thiện

cô gái có trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh; Pexels/Cottonbro

Những người có trí tuệ cảm xúc cao thường là những người rất dễ gần. Họ thường tỏa ra năng lượng tích cực và tươi sáng, mang đến sự thoải mái cho người đối diện. Họ cũng rất linh hoạt và biết cách vận dụng những kỹ năng mà mình có được để giao tiếp hiệu quả với bất kỳ đối tượng nào, dù là người mới gặp hay đã quen biết trước đó. Vì lẽ đó, có thể nói những người có trí tuệ cảm xúc cao là những nhà ngoại giao điêu luyện, dù là giao tiếp bằng lời nói hay ngôn ngữ hình thể. 

Nhìn chung, hầu hết những đặc điểm này thường xuất hiện ở những người có hiểu biết căn bản về tâm lý học. Vì thế, trí tuệ cảm xúc (EQ) – dù có là một yếu tố bẩm sinh hay không – đều có thể học hỏi và phát triển được. Nếu bạn đang quan ngại về trí tuệ cảm xúc của mình, bạn có thể thử thực hành những cách thức trên, lưu tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bản thân và cả người khác. Bạn cũng nên dành thời gian quan sát cách mọi người tương tác với môi trường xung quanh để tự đúc rút cho mình những cách thức luyện tập phù hợp.

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Tham khảo: INC 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)