Lifestyle / Bí quyết sống

Bạn có bao nhiêu dấu hiệu của người nghiện công việc?

Chúng ta luôn được khuyến khích hãy làm việc thật tâm huyết, trách nhiệm và đầy đam mê. Thế nhưng, cái gì “quá” cũng không tốt, kể cả lòng chăm chỉ và tận tâm. Cầu tiến là chuyện thường tình, nhưng bị ám ảnh bởi công việc đang làm lại là điều tai hại. Nếu thấy mình đang dành phần lớn thời gian trong ngày quần quật làm việc, tăng ca và bị thôi thúc phải làm nhiều hơn nữa một cách mất kiểm soát, có khả năng cao bạn chính là người nghiện công việc.

Chứng nghiện công việc gây nhiều tổn thương không đáng có đến sự nghiệp của một người, dù họ có nhận ra triệu chứng mình mắc phải hay không. Bạn không thể làm việc năng suất trong tình trạng thiếu ngủ, sống lay lắt bằng dinh dưỡng ít ỏi từ thức ăn nhanh và liên tục gặp căng thẳng, lo âu do áp lực từ bản thân và công việc. Thế là, trước khi kịp nhận ra, bạn đã rơi vào trạng thái kiệt sức, “tắt ngóm” động lực từ bao giờ.

Dưới đây, ELLE liệt kê 15 dấu hiệu phổ biến của một người nghiện công việc để bạn đối chiếu, điều chỉnh lối sống của mình kịp thời. Cùng xem bạn đang có thói quen làm việc đáng lo ngại nào không nhé!

1. Đi làm sớm nhất và ra về cuối cùng

nghiện công việc feature
Ảnh: Unsplash

Không chỉ đi làm sớm để có thêm thời gian yên ổn làm việc, bạn có xu hướng ở lại cơ quan đến tối muộn mới về, tình nguyện tăng ca thường xuyên. Nếu bạn thấy mình là người về cuối cùng suốt nhiều đêm liền, có lẽ đã đến lúc điều chỉnh lịch làm việc rồi đấy.

Làm việc 12 tiếng/ngày không giúp bạn trở nên năng suất mà chỉ ảnh hưởng xấu đến tiêu chuẩn công việc và sức khỏe mà thôi. Lựa chọn tối ưu nhất là hãy làm việc đủ số giờ quy định hàng ngày và tập trung toàn lực trong thời gian đó.

2. Liên tục kiểm tra điện thoại

Bạn luôn dán mắt vào điện thoại, kiểm tra email 5 phút/lần bất kể thời gian, nơi chốn? Bạn thấy cần phải trả lời mọi email công việc ngay lập tức khi vừa nhận được? Nếu thế, chứng nghiện công việc của bạn đang bắt bộ não phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ ngay cả khi đã hết giờ làm việc. Trong thời gian nghỉ ngơi, hãy mạnh dạn tắt thông báo hoặc tắt hẳn nguồn điện thoại, máy tính nhé.

3. Luôn thấy suy yếu, mệt mỏi

Uể oải, mệt mỏi kéo dài là triệu chứng điển hình ở những người nghiện công việc. Nghiện công việc có thể gây ra một loạt các bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu, tiểu đường loại 2, một số bệnh tim mạch, huyết áp… Đừng để hệ miễn dịch trả giá cho thói quen làm việc tai hại của mình.

4. Xác định giá trị cá nhân bằng thành tựu công việc

Người nghiện công việc có thói quen xác định giá trị và lòng tự tôn cá nhân thông qua những thành tựu sự nghiệp. Nếu bạn chỉ thấy hạnh phúc khi nhận được lời khen từ cấp trên và luôn thất vọng tràn trề trước bất kỳ hình thức phê bình nào, bạn đang cho công việc quyền kiểm soát toàn bộ ý nghĩa, niềm vui sống của mình. Nghĩa là, bạn đang dựa dẫm thái quá vào sự công nhận của những yếu tố bên ngoài mà quên mất ý nghĩa của giá trị cốt lõi bên trong.

5. Không có sở thích

điện thoại đặt trên quyển sách
Ảnh: Unsplash

Tương tự như trên, bạn phải đánh giá và sắp xếp lại ưu tiên của mình nếu thấy những mục tiêu liên quan đến công việc đang là động lực sống duy nhất. Hãy bắt đầu theo đuổi các hoạt động giải trí khác để giảm phần tập trung vào công việc, như chơi thể thao, học nhảy, đọc sách, đi với bạn bè…

6. Không bao giờ thấy mình đủ tốt

Người nghiện công việc không bao giờ biết khi nào là đủ. Họ luôn cố gắng làm nhiều hơn, tìm cách tối đa hóa mọi thứ vì không thực sự rõ thành công có ý nghĩa gì. Bạn có thể dành hàng giờ cố hoàn thiện một báo cáo đơn giản vì nghĩ nó vẫn chưa đạt yêu cầu, dù trên thực tế bạn luôn là nhân viên xuất sắc.

7. Không biết cách nói “Không” với sếp

Bạn sẵn sàng nói “Có” với mọi nhiệm vụ bổ sung cấp trên giao phó, dù chúng vô lý đến đâu? Bạn cũng cam tâm tình nguyện nhận thực hiện bất kỳ dự án nào, kể cả khi chúng nằm ngoài trách nhiệm công việc? Bạn có dấu hiệu nghiện công việc nếu liên tục đảm nhận thêm những trách nhiệm nằm ngoài bộ kỹ năng của mình, hoặc không phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp đã đặt ra.

8. Thường xuyên cho bạn bè “leo cây”

Dù không thể nói “Không” với cấp trên, bạn lại thường xuyên nói “Không” trước lời rủ rê tụ tập, vui chơi của bạn bè vì quá bận rộn hoặc mệt mỏi sau ngày dài làm việc. Với tình hình này, có khả năng danh bạ điện thoại của bạn sẽ chỉ còn số của đồng nghiệp và khách hàng, vì bạn đang bỏ bê những mối quan hệ ngoài công sở – những người thật lòng quan tâm đến bạn.

9. Chỉ có một chủ đề để nói

cô gái nhăn mặt khi nghe nói chuyện
Ảnh: Unsplash

Nếu bằng cách kỳ diệu nào đó, bạn có thời gian rảnh đến tham dự một buổi gặp mặt ngoài công việc, bạn cũng chỉ có đúng một chủ đề để nói. Đoán xem là gì nào? Công việc! Bạn không nghĩ đến công việc thì cũng phải nói về công việc.

Đừng trở thành một người nhàm chán và vô tâm, hãy mở rộng sự quan tâm và hiểu biết về thế giới và mọi người xung quanh nhé.

10. Thiếu kiên nhẫn với người khác

Một trong những biểu hiệu nghiện công việc rõ ràng nhất là bạn dễ cảm thấy khó chịu, bực bội với người khác vì những nguyên nhân nhỏ nhặt. Đồng nghiệp A xin về sớm vì nhà có việc mà không làm bù giờ vào hôm sau, bạn khó chịu. Đồng nghiệp B không lo làm một dự án hai người hợp tác mà đang tán gẫu bên bình nước, bạn cau có.

Điều thực sự quan trọng với các nhà tuyển dụng là chất lượng công việc, năng suất và tinh thần làm việc chung, chứ không phải số giờ làm việc. Những người không làm việc nhiều giờ bằng bạn chưa chắc đã kém cỏi, có khi họ còn hiệu quả và giỏi cân bằng cuộc sống – công việc hơn nhiều.

11. Từ chối ủy thác công việc cho người khác

Bạn cố tự mình hoàn thành mọi việc, kể cả những nhiệm vụ nhỏ, vì bạn biết mình là người làm tốt nhất và nghĩ người khác sẽ chỉ làm hỏng việc. Hãy tập cách giao phó và điều chỉnh khối lượng việc mình chịu trách nhiệm để quản lý, cân bằng thời gian hiệu quả hơn.

12. Vừa ăn trưa, vừa làm việc

cô gái vừa uống trà vừa làm việc
Ảnh: Unsplash

Kể cả khi nhớ ra mình phải ăn trưa, bạn cũng ăn ngay tại bàn làm việc vì nghĩ trước khi hoàn thành dự án cấp bách này, mình làm gì có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng các đầu việc đó có thực sự quan trọng thế không? Bạn cần giải lao đều đặn để cơ thể tái tạo sức lao động, đầu óc tỉnh táo tránh các lỗi bất cẩn. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi thoải mái trong giờ nghỉ trưa, thậm chí rời khỏi văn phòng để tâm trí cách xa công việc nhé.

13. Đi du lịch hệt như đi công tác

Người nghiện công việc giữ khư khư laptop, máy tính bảng, điện thoại bên mình để tiện tay xử lý “vài” việc còn tồn đọng hay kiểm tra tình hình của đồng nghiệp, kể cả trong các chuyến du lịch. Kỳ nghỉ vốn để bạn thư giãn, giải khuây, nạp năng lượng, nay thậm chí còn tiêu tốn nhiều năng lượng hơn bình thường nữa.

ngồi làm việc trên giường
Ảnh: Unsplash

14. Không bao giờ nghỉ ốm

Ốm nặng cách mấy thì bạn cũng gắng sức lê bước đến văn phòng, tưởng mình là siêu nhân có thể hoàn thành tốt công việc không khác gì khi khoẻ mạnh. Không cần nói nhiều, đây là thói quen tai hại mà người nghiện công việc bắt buộc phải bỏ. Làm việc khi cơ thể không khỏe mạnh có nguy cơ mắc sai lầm, và thậm chí vô tình lây bệnh sang cho những đồng nghiệp khác.

15. Không thừa nhận mình là người nghiện công việc

Thái độ cự tuyệt, tự phủ nhận vấn đề mình gặp phải là dấu hiệu đầu tiên của nhiều vấn đề tâm lý. Nếu gia đình và bạn bè liên tục nói rằng bạn là người nghiện công việc, làm việc quá sức thì dù bản thân không cảm thấy như thế, hãy dừng lại một chút để suy ngẫm. Thử ngắm nhìn chính mình trong gương, nghĩ xem điều gì đã khiến người thân rút ra nhận xét như vậy và mình có thể làm gì để khắc phục chúng. 

Dù khó khăn, có rất nhiều phương pháp để từ bỏ thói quen không lành mạnh và nhiều nhóm tư vấn, hỗ trợ có thể đồng hành cùng bạn đấy.

Hãy bắt đầu bằng việc đơn giản nhất: Dành hai ngày cuối tuần sắp tới để nghỉ ngơi và thư giãn, bạn nhé!

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: CareerAddict
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)