Dấu hiệu của một người cực kỳ nhạy cảm
Nếu bạn cảm thấy mình có nhận thức sâu sắc về những gì đang diễn ra xung quanh và dễ bị chi phối bởi cảm xúc, lời nói, hành động của người khác, có thể bạn là một người cực kỳ nhạy cảm (HSP).
Khái niệm “người cực kỳ nhạy cảm” (HSP) đã được biết đến rộng rãi nhờ Tiến sĩ tâm lý học Elaine Aron, người tiên phong nghiên cứu hiện tượng này vào những năm 90. Cô ước tính rằng 15% đến 20% dân số là HSP.
Vậy HSP là gì? Đâu là dấu hiệu nhận biết một người có tính nhạy cảm cao? Dưới đây là một vài dấu hiệu cho thấy bạn là một người cực kỳ nhạy cảm và cách vượt qua những cảm xúc khó khăn khi bạn thuộc nhóm người này.
Khái niệm người cực kỳ nhạy cảm (HSP)
Theo Katie Fracalanza, một nhà tâm lý học lâm sàng và trợ lý giáo sư tại Đại học Stanford, cho biết: “Một người nhạy cảm cao là người có xu hướng cảm nhận cảm xúc, cảm giác và nhận thức về thế giới mạnh mẽ hơn người bình thường. Có nghĩa là, điều này có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn hoặc kích thích dễ chịu hoặc tiêu cực mạnh hơn so với những người khác”.
Tính nhạy cảm cao không được coi là một loại bệnh hay triệu chứng liên quan đến tâm lý, nó chỉ đơn giản là khái niệm dùng để mô tả các đặc điểm mà một người có thể có. Thông qua khái niệm này, HSP sẽ có nhiều cơ hội để bày tỏ cảm xúc, quản lý sự nhạy cảm và có những trải nghiệm tốt hơn trong cuộc sống.
Chia sẻ về mức độ nhạy cảm của mỗi người, Fracalanza cho rằng sự khác nhau này vô cùng bình thường: “Mọi người đều có mức độ nhạy cảm khác nhau. Có thể hiểu nôm na nó giống như chiều cao của chúng ta. Giống như sẽ có một số người cao hơn mức trung bình, và một số người lại nhạy cảm hơn mức trung bình“, Fracalanza nói.
Dấu hiệu của người cực kỳ nhạy cảm
1. Bạn có những cảm xúc sâu sắc
Cách bạn nhận biết và bày tỏ cảm xúc cá nhân (bao gồm tích cực và tiêu cực) có thể mãnh liệt hơn những người khác. Bạn luôn cảm nhận mọi sự vật, sự việc theo cách trọn vẹn nhất. Chẳng hạn như, bạn dễ dàng rơi nước mắt khi xem một bộ phim cảm động, phấn khích khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, hay có sự đồng cảm nhất định với các tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc…
2. Bạn có các trải nghiệm cảm giác thể chất một cách mãnh liệt
Bạn có thể có nhận thức rõ ràng hơn so với người khác về các cảm giác thể chất như: cảm nhận được rõ hơn các âm thanh lớn hay nhạy cảm hơn với ánh sáng cường độ mạnh… và nó làm bạn cảm thấy không thoải mái ở những nơi ồn ào, đông đúc hoặc tràn ngập ánh đèn công suất lớn. Ngoài ra, nếu bạn cảm nhận được rõ rệt chất liệu, chi tiết của từng sự vật, bạn thường yêu thích những quần áo mềm mại, thoải mái hơn những vật có chất liệu thô cứng và khó thấm mồ hôi.
3. Bạn suy nghĩ vô cùng sâu sắc
Những người cực kỳ nhạy cảm được coi là người tiếp nhận nhiều thông tin hơn và xem xét thông tin chi tiết hơn so với người bình thường. Điều này là yếu tố khiến họ mất nhiều thời gian hơn để có thể đưa ra quyết định hoặc thích làm từng việc một cách cẩn thận hơn là làm việc đa nhiệm.
Xem thêm
• 7 đặc điểm chung các cặp đôi nên có để duy trì mối quan hệ bền vững
• 8 dấu hiệu “cờ xanh” chứng minh anh ấy có hình mẫu của một người cha
• Các chứng rối loạn tâm lý phổ biến liên quan đến tình yêu
4. Bạn dễ đồng cảm với người khác
Những người vô cùng nhạy cảm có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác một cách nhanh chóng và dễ dàng. Lý giải cho điều này, Fracalanza cho rằng những người nhạy cảm sẽ có các tế bào thần kinh chi phối sự đồng cảm sẽ hoạt động nhiều hơn so với người khác.
5. Bạn thích làm mọi việc một cách chậm rãi
Vì bạn – người cực kỳ nhạy cảm – có thể tiếp nhận và xử lý thông tin một cách sâu sắc, nên bạn muốn xử lý công việc theo tiến độ làm việc của riêng mình và không muốn bị thúc giục để có thể hiểu rõ mọi thứ một cách kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng công việc.
6. Cần nhiều thời gian để nạp lại năng lượng
Vì bạn có khả năng cảm nhận cảm xúc nhiều hơn so với người khác, nên bạn thường dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi và kiệt sức vì phải tiếp nhận quá nhiều thông tin và cảm xúc từ người khác. Cảm giác quá tải này buộc bạn phải có những khoảng nghỉ nhất định để không rơi vào các trạng thái tinh thần tiêu cực. Do đó, bạn cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ở một mình sau khi tham gia các hoạt động xã hội sôi động.
Cách chữa lành khi bị những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm dành cho người cực kỳ nhạy cảm
1. Cho bản thân khoảng thời gian nghỉ ngơi
Dành cho bản thân khoảng thời gian nghỉ ngơi là rất quan trọng khi bạn cảm thấy những yếu tố bên ngoài kích thích bạn quá mức. Tùy vào tính cách và công việc của mỗi người, thời gian nghỉ ngơi của các bạn có thể khác nhau, chẳng như nghỉ giải lao khi cảm thấy mệt mỏi trong một buổi làm việc, hội họp, giao lưu… hoặc một khoảng thời gian dài để cân bằng lại cảm xúc cá nhân.
Không có gì là lãng phí nếu bạn dành thời gian để chữa lành cho bản thân. Bạn không nên đợi đến lúc cảm thấy cực kỳ choáng ngợp, mệt mỏi mới nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Thay vào đó, hãy làm điều này trước khi sức chịu đựng của bạn đạt đến giới hạn. Bạn có thể thử một vài hoạt động đơn giản như: ở một mình, tránh xa những nơi đông đúc và ồn ào, tự xoa dịu bản thân bằng những bộ phim hay…
2. Nâng cao chất lượng sống
Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có quyền lựa chọn môi trường xung quanh, nhưng bạn vẫn có thể nâng cao không gian sống và sinh hoạt tại nhà riêng, nơi làm việc để mang lại sự thoải mái và năng suất cho bản thân bằng những hoạt động cực kỳ đơn giản như: thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lắp rèm chắn sáng, trồng cây…
3. Tập thở theo nhịp độ
Hít thở theo nhịp có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác choáng ngợp trong trạng thái căng thẳng. Để luyện tập thở theo nhịp độ, chuyên gia tâm lý Fracalanza đã đề xuất các bước sau:
- Hít vào trong năm giây
- Giữ hơi thở lại trong hai giây
- Thở ra trong tám giây
- Giữ lại trong hai giây
- Lặp lại quá trình trong khoảng thời gian từ hai đến mười phút hoặc đến khi bạn bắt đầu cảm thấy bình tĩnh hơn
4. Kiểm soát căng thẳng
Do những người cực kỳ nhạy cảm cao thường dễ rơi vào cảm giác căng thẳng cực độ, vì vậy bạn nên tìm hiểu những hoạt động kiểm soát tâm trạng của bản thân để tránh mắc phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Một số hoạt động mà bạn có thể tham khảo là:
- Thường xuyên tập thể dục
- Thực hành thiền định
- Ngủ đủ giấc
- Chế độ ăn uống lành mạnh
- Học cách chia sẻ với những người thân yêu, đáng tin cậy
- Viết nhật ký
5. Điều chỉnh cảm xúc
Người có tính nhạy cảm cao thường dễ bị cuốn vào những cơn bão cảm xúc, vì vậy dưới đây là một vài phương pháp giúp bạn thực hành điều chỉnh cảm xúc của mình.
- Chánh niệm (Mindfulness): Phương pháp này đặt một khoảng đệm nhỏ giữa những suy nghĩ và cách nhìn nhận của chúng ta, cho phép chúng ta xem xét liệu những suy nghĩ, cảm giác hoặc hành vi ban đầu có hợp lý hay không. Từ đó, nó cung cấp cho chúng ta một góc nhìn đầy đủ về vấn đề đang phải đối mặt. Khi thực hành thường xuyên, phương pháp này cho phép chúng ta phản ứng khôn ngoan hơn so với việc suy nghĩ theo cảm xúc, phản xạ tự nhiên như trước đây. Điều này đòi hỏi bạn phải tập trung sâu hơn vào những khoảnh khắc hiện tại. Chánh niệm cho chúng ta một khoảng dừng giữa những suy nghĩ và cách nhìn nhận mọi thứ xung quanh, từ đó giúp chúng ta suy xét kỹ hơn liệu những suy nghĩ ban đầu, những cảm xúc và hành vi của mình về những gì đang diễn ra có thật sự đúng hay chưa, hay ta cần phải điều chỉnh tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi đó bằng cách quan sát tình huống một cách khách quan hơn. Điều này giúp chúng ta phản ứng với mọi vấn đề một cách khôn ngoan hơn và ít bồng bột hơn.
- Thực hành lòng trắc ẩn với bản thân (Self-compassion): Phương pháp này giúp bạn đối xử một cách tử tế hơn với chính mình. Khi bạn trải qua những xúc cảm tiêu cực như buồn bã, chán ghét bản thân hay tuyệt vọng, hãy nhắc nhở bản thân rằng không có gì đáng xấu hổ khi phải đối diện với những cảm xúc như thế. Thay vì tự chỉ trích bản thân khi gặp vấn đề, bạn có thể thử đặt mình vào một người vô cùng thân cận với bạn và suy nghĩ họ sẽ phản ứng về điều này như thế nào trong tình huống bạn đang phải đối mặt.
- Đánh giá nhận thức (Cognitive appraisal): Việc đánh giá nhận thức yêu cầu bạn phải xem xét mức độ hợp lý về cách bạn nhìn nhận các vấn đề xung quanh mình. Điều này giúp bạn lùi lại một bước và có thể nhìn nhận lại suy nghĩ, cảm xúc của mình theo hướng lý trí hơn thay vì để cảm xúc chi phối.
Xem thêm
• Lý giải 7 giấc mơ báo hiệu mức độ căng thẳng của bạn
• 7 hình thức nghỉ ngơi ngoài giấc ngủ giúp nâng cao chất lượng sống mà chúng ta hay phớt lờ
• 8 kiểu nụ cười cơ bản và ý nghĩa thực sự của chúng
6. Đặt ranh giới
Mặc dù bạn có thể cảm thấy tội lỗi khi nói “không” với người khác vì bạn rất nhạy cảm với nhu cầu của mọi người, nhưng nếu không biết đặt ranh giới, điều này sẽ khiến bạn trở nên kiệt sức.
Vì thế, bạn cần phải học cách từ chối khi bạn không cảm thấy sẵn sàng. Ví dụ, bạn có thể từ chối những lời mời tiệc tùng khi bạn cảm thấy quá căng thẳng và cạn kiệt năng lượng, hoặc nói với đối phương rằng bạn chỉ có thể tham dự trong một khoảng thời gian nhất định.
7. Tự xoa dịu bản thân
Không có ai hiểu bạn hơn chính bản thân mình. Vì vậy, thay vì trông chờ vào sự thấu hiểu của người khác, bạn nên tự học cách xoa dịu các giác quan của mình bằng cách cho tránh xa tiêu cực và thực hiện những điều khiến bạn dễ chịu như:
- Cuộn tròn trong một chiếc chăn mềm mại
- Uống trà ấm
- Ngắm nhìn những hình ảnh đẹp
- Ăn những món ăn bạn yêu thích
Bài: Như Quỳnh
Tham khảo: Insider