Red flag (cờ đỏ) là thuật ngữ dùng để chỉ những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần hay thể chất trong một mối quan hệ. Trong tình yêu, việc nhận diện sớm những red flag giúp bạn tránh rơi vào một mối quan hệ độc hại, bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương không đáng có.
Đôi khi, sự phấn khích trong buổi hẹn hò đầu tiên có thể khiến bạn bỏ qua những dấu hiệu quan trọng nói lên tính cách, thái độ và cách ứng xử thật của đối phương. Dưới đây là 7 dấu hiệu bạn nên chú ý ngay từ để có cái nhìn khách quan hơn về người ấy và có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn cho mối quan hệ của mình.
1. Họ né tránh những câu hỏi của bạn hoặc trả lời lấp lửng làm bạn cảm thấy có lỗi khi đặt vấn đề
Trong buổi hẹn hò đầu tiên, nếu đối phương liên tục né tránh câu hỏi của bạn, trả lời mập mờ hoặc cố gắng khiến bạn cảm thấy khó chịu vì đã đặt câu hỏi, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo họ đang che giấu điều gì đó.
Chẳng hạn, khi bạn hỏi họ đang tìm kiếm điều gì trong một mối quan hệ, nhưng họ chỉ trả lời vòng vo hoặc có những phản ứng mạnh mẽ như: “Sao em lại hỏi những chuyện này sớm thế?” hoặc “Anh/Em hỏi làm gì vậy?”, có thể bạn đang bị họ thao túng cảm xúc. Thay vì đưa ra câu trả lời rõ ràng, họ đã thể hiện bản thân chưa thực sự có ý định nghiêm túc đối với bạn.
Trong tình huống như vậy, bạn nên lắng nghe trực giác của mình. Nếu một người không sẵn sàng chia sẻ hoặc cố tình khiến bạn cảm thấy có lỗi khi đặt những câu hỏi cần thiết khi tìm hiểu nhau, điều này cho thấy mối quan hệ đó đang không đi theo hướng lành mạnh. Một người chân thành và nghiêm túc sẽ cởi mở khi nói về quan điểm cá nhân, giao tiếp một cách thẳng thắn thay vì né tránh hoặc đẩy trách nhiệm lên bạn và khiến bạn tự nghi ngờ chính mình.
2. Họ không tôn trọng ranh giới cá nhân
Tôn trọng ranh giới cá nhân là yếu tố quan trọng giúp bạn cảm thấy thoải mái và an toàn khi bước vào một mối quan hệ. Ngay từ buổi hẹn đầu tiên, bạn hãy quan sát cách đối phương phản ứng khi mọi thứ không diễn ra theo ý họ hoặc khi bạn có quan điểm khác biệt. Một người biết tôn trọng sẽ lắng nghe và chấp nhận những điều mới mẻ so với suy nghĩ của họ, trong khi người có dấu hiệu “cờ đỏ” có thể tỏ ra khó chịu, ép buộc hoặc khiến bạn thay đổi sao cho giống họ. Những phản ứng này sẽ là cơ sở để bạn đánh giá liệu đây có phải là người phù hợp để tiếp tục tìm hiểu hay không.
Nếu đối phương khăng khăng cố tình rủ đi dạo ở những nơi vắng vẻ vào ban đêm dù bạn đã từ chối lịch sự, hoặc ép bạn gặp mặt ở một địa điểm bất tiện mặc cho bạn không thoải mái, đây sẽ là những vấn đề bạn nên lưu tâm. Khi cảm thấy không an toàn với một lời đề nghị, đừng ngần ngại từ chối dứt khoát. Bạn không có trách nhiệm phải làm hài lòng đối phương hay đưa ra quá nhiều lời giải thích chỉ để biện minh cho họ hiểu cảm xúc của mình. Việc bảo vệ sự an toàn và cảm xúc cá nhân không bao giờ là điều sai trái, và một người xứng đáng sẽ hiểu, tôn trọng quyết định của bạn thay vì ép buộc hay khiến bạn cảm thấy có lỗi.
Mặt khác, nếu đối phương tiếp tục gây áp lực hoặc tỏ ra khó chịu khi bạn không làm theo mong muốn của họ, hãy cân nhắc việc kết thúc buổi hẹn sớm. Không có lý do gì để tiếp tục ở lại trong một tình huống khiến bạn cảm thấy bất an hoặc khó chịu. Bạn có toàn quyền quyết định rời đi khi cảm thấy không được tôn trọng, ngay cả khi buổi hẹn chỉ mới bắt đầu.
BÀI LIÊN QUAN
3. Họ hành xử thô lỗ với người phục vụ
Một người trưởng thành và có phẩm chất tốt sẽ không chỉ đối xử tử tế với bạn mà còn tôn trọng tất cả mọi người, bất kể nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Dù có gặp phải những tình huống không như ý, họ vẫn sẽ giải quyết vấn đề một cách điềm tĩnh, thể hiện sự kiên nhẫn và hiểu biết thay vì trút giận lên người khác. Đây không chỉ là cách họ đối diện với những thử thách nhỏ trong cuộc sống mà còn phản ánh cách người này sẽ hành xử trong những tình huống căng thẳng trong tương lai, bao gồm cả những mâu thuẫn có thể xảy ra trong mối quan hệ.
Bạn hãy chú ý đến những dấu hiệu nhỏ trong cách họ cư xử với nhân viên phục vụ, tài xế, người bán hàng hay bất kỳ ai tình cờ xuất hiện trong buổi hẹn của hai người. Nếu họ dễ dàng tỏ thái độ cáu gắt, thiếu kiên nhẫn hoặc có xu hướng coi thường, hạ thấp người khác, điều đó cho thấy họ có thể không thực sự tử tế như họ thể hiện. Việc liên tục phàn nàn về dịch vụ, tỏ ra thượng đẳng hoặc đổ lỗi cho người khác thay vì đối mặt với tình huống một cách bình tĩnh có thể là dấu hiệu của tính cách nóng nảy, khó kiểm soát cảm xúc hoặc thiếu lòng trắc ẩn. Đây đồng thời là dấu hiệu “cờ đỏ” cho thấy bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng khi tìm hiểu người này.
4. Họ không tập trung vào cuộc hẹn
Buổi hẹn đầu tiên sẽ là cơ hội để hai người tìm hiểu những điểm mới về nhau và tạo dựng sự kết nối tốt đẹp ban đầu. Nhưng nếu đối tượng hẹn hò của bạn thường xuyên kiểm tra điện thoại, trả lời tin nhắn hoặc nhận những cuộc gọi không có lý do cụ thể, bạn nên xem xét lại mối quan hệ này bởi điều này cho thấy họ không thực sự quan tâm hoặc đang nhàm chán với những gì bạn đang chia sẻ.
Một người biết cách xây dựng một mối quan hệ lành mạnh nhận thức được tầm quan trọng của việc tập trung tối đa vào đối phương, vì đó vừa là phép lịch sự hiển nhiên vừa thể hiện sự tôn trọng đối với người đang chia sẻ. Hơn nữa, thông qua việc đối phương tập trung vào những gì bạn nói, bạn sẽ nhận biết mức độ lắng nghe và thấu hiểu của đối phương trong trường hợp cả hai có xảy ra mâu thuẫn.
Nếu đối phương liên tục bị phân tâm, bạn có thể thử khéo léo hỏi: “Anh/em có đang bận việc gì không? Nếu có, chúng ta có thể chọn một thời điểm khác khi anh/em có thể tập trung hơn”. Nếu họ thực sự tôn trọng bạn, họ sẽ nhận ra vấn đề và điều chỉnh hành vi. Nhưng nếu họ tiếp tục thờ ơ, đây có thể là dấu hiệu bạn nên suy nghĩ lại về đối tượng này.
5. Họ liên tục tự nói và không lắng nghe bạn
Giao tiếp là yếu tố cốt lõi giúp một mối quan hệ phát triển bền vững. Trong buổi hẹn đầu tiên, việc cả hai có thể trò chuyện thoải mái, cởi mở và lắng nghe lẫn nhau là dấu hiệu cho thấy sự tương tác tích cực. Tuy nhiên, nếu đối phương chỉ tập trung nói về bản thân, không cho bạn cơ hội thể hiện quan điểm hoặc tỏ ra không quan tâm đến những gì bạn chia sẻ, đây có thể là dấu hiệu của một “cờ đỏ”. Điều này cho thấy họ có xu hướng đặt bản thân lên trên và thiếu sự quan tâm đối phương, khiến cuộc trò chuyện trở nên một chiều và mất đi sự kết nối.
Thực chất, một cuộc hẹn lý tưởng sẽ tựa như một trận đấu bóng bàn — bạn đặt câu hỏi, họ trả lời và gửi lại câu hỏi cho bạn, và điều này tạo ra sự tương tác qua lại giúp buổi hẹn trở nên không nhàm chán và thú vị hơn. Việc tương tác giữa hai bên còn giúp bạn hiểu được quan điểm của đối phương trong tình yêu và những dự định của họ nếu cả hai phát triển tình cảm. Trái lại nếu họ chỉ chú trọng đến bản thân ngay từ đầu, mối quan hệ sau này của bạn có thể thiếu tính cân bằng và khó để phát triển thành một mối quan hệ sâu sắc, bền vững.
Xem thêm
•9 bài học đắt giá về việc hẹn hò trước khi bước vào một mối quan hệ
•Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị “dội bom tình yêu” khi hẹn hò
•Trắc nghiệm: Chiếc bánh cưới yêu thích tiết lộ mong muốn của bạn về buổi hẹn hò lý tưởng
6. Họ liên tục nói xấu người yêu cũ ngay cả khi không có chủ đề liên quan
Hãy thử tưởng tượng bạn đang tận hưởng một buổi hẹn hò đầu tiên lãng mạn và háo hức tìm hiểu về đối phương. Nhưng thay vì trò chuyện về sở thích, quan điểm sống hay những điều thú vị khác, cuộc hẹn lại xoay quanh chủ đề duy nhất: người yêu cũ của họ. Dù muốn hay không, bạn bỗng dưng trở thành “khán giả bất đắc dĩ” trong câu chuyện về một mối quan hệ đã qua. Liệu lúc đó bạn có còn cảm thấy thích thú?
Một người trưởng thành có thể đề cập đến quá khứ một cách chừng mực, chẳng hạn như chia sẻ về những bài học họ đã rút ra từ mối quan hệ cũ. Tuy nhiên, nếu họ liên tục nhắc đến người yêu cũ với thái độ cay cú, trách móc, so sánh bạn với người đó, hoặc tỏ ra tiếc nuối… đây sẽ là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ chưa sẵn sàng bước vào một mối quan hệ mới. Bởi khi ai đó vẫn còn quá bận tâm đến chuyện cũ, họ khó có thể toàn tâm toàn ý với bạn.
Ngoài ra, có thể họ không xem bạn là đối tượng hẹn hò lý tưởng mà chỉ gán cho bạn vai trò là “bạn tâm sự” – người họ tìm đến để trút bỏ cảm xúc. Điều này đặt bạn vào tình huống khó xử khi bạn phải lắng nghe và an ủi họ thay vì cùng nhau xây dựng một kết nối mới.
Đồng thời, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về người này vì có thể họ đang biến bạn thành rebound — mối quan hệ được bắt đầu ngay sau khi một người vừa kết thúc cuộc tình trước đó, thường với mục đích lấp đầy khoảng trống cảm xúc, quên đi người cũ hoặc tránh cảm giác cô đơn.
7. Họ liên tục khen ngợi và tâng bốc bạn
Một lời khen chân thành có thể phá vỡ bầu không khí ngượng ngùng của buổi hẹn đầu. Tuy nhiên, nếu đối phương liên tục tâng bốc bạn một cách thái quá bằng những câu nói như: “Em thật hoàn hảo! Chưa bao giờ anh gặp ai tuyệt vời như em!” hoặc cố gắng tạo sự thân mật một cách vội vàng, chẳng hạn như nói “Anh yêu em” ngay trong buổi hẹn đầu tiên, đây có thể là dấu hiệu họ đang “dội bom tình yêu” (love bombing) – một hành vi thao túng tâm lý bằng cách thể hiện tình cảm một cách dồn dập để nhanh chóng chiếm lấy sự tin tưởng của bạn.
Một mối quan hệ lành mạnh cần được xây dựng dựa trên sự chân thành và thời gian, thay vì vội vã đưa ra những lời hứa hẹn. Khi bạn đã say đắm tin tưởng vào những lời “mật ngọt”, họ có thể dễ dàng tỏ thái độ lạnh nhạt hoặc chuyển sang hành vi kiểm soát, thao túng trong tương lai. Mặt khác, những người có xu hướng “dội bom tình yêu” thường muốn nhanh chóng chiếm được lòng tin của bạn để dễ dàng kiểm soát mối quan hệ. Họ có thể cố gắng khai thác những điểm yếu, tổn thương hoặc mong muốn tình cảm của bạn để tạo ra sự gắn kết quá nhanh. Vì vậy, bạn nên giữ một khoảng cách an toàn và tránh chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân ngay từ đầu để không rơi vào những tình huống không mong muốn trong tương lai.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Vi
Tham khảo: Your Tango