6 dấu hiệu của người hướng ngoại bị rối loạn lo âu xã hội
Chúng ta thường nghĩ rối loạn lo âu là căn bệnh chỉ có ở người hướng nội bởi họ có xu hướng thích ở một mình và không ưu tiên các mối quan hệ xã hội. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều người hướng ngoại cũng đang khổ sở với căn bệnh này và thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với người hướng nội.
Hướng nội và rối loạn lo âu hoàn toàn không giống nhau. Hướng nội là đặc điểm tính cách của một người, trong khi đó rối loạn lo âu là căn bệnh tâm lý. Dưới đây là 6 dấu hiệu giúp bạn nhận biết liệu mình là người hướng nội hay là người hướng ngoại bị rối loạn lo âu xã hội.
1. cảm thấy hào hứng nhưng cũng lo sợ trong các sự kiện xã hội
Người hướng nội thường lấy năng lượng khi ở một mình. Đó là lý do họ ít tham gia các bữa tiệc hay những cuộc tụ tập đông người bởi họ sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức.
Ngược lại, người hướng ngoại rất thoải mái khi tham gia các sự kiện xã hội bởi họ được tiếp thêm năng lượng từ hoạt động bên ngoài. Nếu họ vừa cảm thấy hào hứng, phấn khởi nhưng cũng bồn chồn, lo sợ thì có khả năng đó là người hướng ngoại mắc chứng rối loạn lo âu xã hội. Những người mắc phải căn bệnh này vẫn thấy vui vẻ khi ở nơi đông người nhưng cảm xúc lo lắng khiến họ không thể hoàn toàn tận hưởng cuộc vui cùng người khác.
2. mong muốn mở rộng mối quan hệ nhưng gặp khó khăn khi kết bạn
Đối với người hướng nội, việc phải tốn năng lượng cho nhiều mối quan hệ xã hội là điều không cần thiết. Không phải vì họ ghét bỏ người khác hay thích sống ẩn dật mà họ chỉ muốn giữ mối quan hệ với những người quan trọng và thích dành thời gian với bạn bè thân thiết.
Người hướng ngoại bị rối loạn lo âu vẫn muốn mở rộng mối quan hệ xã hội của mình, hoặc ít nhất là mơ ước điều đó nhưng cảm giác không thoải mái mỗi khi giao tiếp với người khác khiến họ gặp khó khăn trong việc kết giao thêm bạn mới.
3. cảm giác lo lắng xuất phát từ nỗi sợ bị từ chối
Mong muốn được mọi người công nhận và tôn trọng là nhu cầu tự nhiên của con người, đặc biệt, đối với người hướng ngoại, điều đó lại càng quan trọng hơn. Do vậy, họ dễ có khả năng trở thành nạn nhân của nỗi sợ bị từ chối, và nếu những người này còn bị chấn thương tâm lý từ bé hoặc có tiền sử bị lạm dụng, bỏ rơi, việc mắc phải hội chứng rối loạn lo âu xã hội là khó tránh khỏi. Họ luôn bị bao vây bởi nỗi sợ dai dẳng về những điều xấu hổ có thể xảy ra trong các bữa tiệc hoặc các buổi tụ tập. Họ lo lắng sẽ làm điều gì đó sai sót hay mắc phải những lỗi ngớ ngẩn khiến bản thân trở nên ngu ngốc, lập dị trước mặt mọi người. Mặc dù những nỗi sợ đó rất vô lý và có phần hơi thái quá nhưng họ không thể gạt bỏ chúng ra khỏi tâm trí mình.
4. thiếu tự tin trong môi trường xã hội
Có những lúc chúng ta không tự tin vào bản thân bởi xã hội khiến ta cảm thấy mình vẫn còn nhiều thiếu sót và cần phải thay đổi. Thế nhưng, đối với người hướng ngoại bị rối loạn lo âu, thiếu tự tin là một điều tồi tệ vì kiểu người này rất muốn hòa nhập vào xã hội nhưng lại gặp khó khăn trong giao tiếp. Họ mong muốn được là một phần của tập thể, kết bạn mới, chia sẻ suy nghĩ của mình, trở nên hài hước hơn, là linh hồn của một bữa tiệc nhưng chứng lo âu xã hội không cho phép họ làm điều đó. Đối với họ, sẽ thật tuyệt khi được là chính mình trước mặt mọi người. Thế nhưng, cố gắng gạt đi nỗi sợ hãi để cảm thấy thoải mái trong các bữa tiệc khi mà nỗi lo lắng đang bủa vây trong tâm trí là một điều không dễ dàng.
Ngược lại, điều này lại không ảnh hưởng đến người hướng nội bởi họ thường không quan tâm nhiều đến việc thu hút sự chú ý hay trở nên nổi bật trong đám đông. Họ hoàn toàn thoải mái với việc ngồi im lặng và thỉnh thoảng tham gia vào vài cuộc trò chuyện.
5. lo sợ bị mọi người đánh giá
Người hướng ngoại có khuynh hướng quan tâm nhiều đến việc tạo ấn tượng với mọi người. Đó là lý do những người bị rối loạn lo âu sẽ cảm thấy lo lắng trước cái nhìn của người khác về mình. Họ thường phân tích quá mức những tình huống đã xảy ra: Tại sao anh chàng đó lại nhìn mình một cách thất vọng? Câu hỏi vừa rồi của cô ấy có ẩn ý gì?… Họ cũng hay tự chất vấn về những gì bản thân đã nói: Tại sao tôi lại nói như vậy? Đáng lẽ tôi không nên làm như vậy. Những suy nghĩ đó cứ liên tục hiện lên trong đầu và rồi họ lại tự trách bản thân vì đã cư xử không đúng. Họ luôn cảm thấy người khác không thích họ và sẽ đánh giá bất kì việc gì họ làm. Cảm giác này ám ảnh những người sợ xã hội nhưng đặc biệt khó khăn với người hướng ngoại vì họ cần có được sự yêu mến và đánh giá cao từ người khác.
6. muốn được chú ý nhưng lại cảm thấy lo sợ
Đặc điểm của người bị rối loạn lo âu là sợ gây sự chú ý dù dưới bất kỳ hình thức nào, ngay cả theo hướng tích cực. Đối với họ, phát biểu hay biểu diễn trước đám đông thực sự là một cơn ác mộng. Người hướng ngoại bị rối loạn lo âu chắc chắn cũng sợ gây sự chú ý nhưng họ vẫn âm thầm khao khát nó và cảm thấy thích thú khi được là tâm điểm trong đám đông. Có thể họ sẽ mơ về khoảnh khắc bản thân trở nên tự tin, quyết đoán hơn, đạt được thành công, nhận được sự tán dương và tôn trọng từ mọi người. Những người thuộc kiểu tính cách này sẽ cảm thấy hài lòng khi nhận được lời khen và sự công nhận của người khác.
Bị rối loạn lo âu là điều tồi tệ nhất đối với người hướng ngoại bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gây nhiều trở ngại trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn nhận thấy mình có những dấu hiệu của căn bệnh này, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ và từ những người thân thiết quanh mình nhé.
Bài: Hải Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Learning Mind