Lifestyle / Bí quyết sống

7 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị tê liệt về mặt cảm xúc

Nếu được chọn lựa, bạn sẽ muốn nếm trải mọi cung bậc hỉ nộ ái ố của cuộc đời, những nốt thăng trầm, kỷ niệm buồn vui cùng nhiều thử thách bất ngờ, hay sẽ lựa chọn tồn tại như một mặt hồ phẳng lặng, mọi thứ diễn ra theo một vòng lặp đã được định sẵn và bạn chẳng cảm thấy buồn cũng chẳng cảm thấy vui?

Có thể ví cảm xúc như một chất liệu quan trọng biến cuộc sống của mỗi người thành một bức tranh muôn màu muôn vẻ. Thế nhưng, có lẽ đã trải qua nhiều tổn thương, nhiều người chọn cách lãng tránh, che giấu đi cảm nhận của bản thân sau lớp vỏ bọc mạnh mẽ. Để rồi, họ dần trở nên chai sạn trước mọi sự vật, không còn cảm thấy đau khổ, cũng chẳng thể đón nhận niềm vui. Hiện tượng này được gọi là hội chứng tê liệt cảm xúc.

Hiểu thế nào về tê liệt cảm xúc (Emotional Numbness)?

Tê liệt cảm xúc đôi khi còn được gọi là hiện tượng cảm xúc bị cùn mòn, là khi một người tìm cách lảng tránh, tự xây dựng hàng rào bảo vệ bản thân khỏi những tâm lý tiêu cực như: sợ hãi, thù hận, ganh tị và đau buồn. Nhưng đồng thời họ cũng khiến bản thân mất đi khả năng cảm nhận niềm vui hoặc những tương tác có ý nghĩa.

Khi cảm xúc bị tê liệt, bạn sẽ không còn khả năng trải nghiệm cũng như khơi dậy những cảm xúc của bản thân. Thay vào đó sẽ là cảm giác trống rỗng, vô vị, chán nản và tự cô lập mình. Bạn trở nên hời hợt với mọi thứ, như một chiếc thuyền đang trôi dạt, bạn mất khả năng kết nối với thế giới xung quanh.

tê liệt cảm xúc
Ảnh: Unsplash/Yana Hurska

Tê liệt cảm xúc không phải bệnh lý và thường là một trải nghiệm tạm thời. Nhưng nếu kéo dài, hiện tượng này có thể khiến bạn mắc phải những hội chứng rối loạn tâm thần phức tạp hơn.

Tê liệt cảm xúc có thể là kết quả của một nỗi đau về thể xác hoặc tinh thần. Trầm cảm, biến cố và những tổn thương từ thời thơ ấu được xem là thủ phạm chính của hội chứng này. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, phần lớn những người từng là nạn nhân của bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục đều sẽ có biểu hiện của tê liệt cảm xúc.

Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng, rối loạn lo âu, tác dụng phụ của thuốc điều trị trầm cảm và việc lạm dụng chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Những dấu hiệu của tê liệt cảm xúc

1. Bạn không cảm thấy hạnh phúc dù ở trong bầu không khí vui vẻ

Một dấu hiệu mà có lẽ những ai mắc chứng tê liệt cảm xúc đều sẽ trải qua, chính là sự thờ ơ của tâm trí đối với một số tình huống nhất định nào đó. Bạn cảm thấy không còn hào hứng với những sự kiện mà bản thân từng cho là quan trọng. Chẳng hạn như khi tham dự tiệc cưới, tiệc sinh nhật, lễ tốt nghiệp hay các kỳ nghỉ lễ, dù bầu không khí vô cùng náo nhiệt, nhưng đối với bạn, mọi thứ trước mắt đều nhạt nhẽo và vô nghĩa. Bạn cảm thấy xa cách, không thể kết nối với mọi người xung quanh và thậm chí mong đợi buổi tiệc mau chóng kết thúc.

cô gái bị tê liệt cảm xúc
Ảnh: Unsplash/Jasmin Chew

2. Bạn cảm thấy cảm xúc của mình không phù hợp với hoàn cảnh

Tê liệt cảm xúc khiến bạn gặp khó khăn trong việc bộc lộ những cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Có thể bạn sẽ cảm thấy cơ thể này dường như không còn thuộc về bạn và thay vào đó, bạn trở thành người quan sát thụ động những thước phim đang diễn ra trong cuộc đời mình. Khi đối mặt với những biến cố hay nỗi đau mất mát, dù biết bản thân nên bày tỏ nỗi buồn, nhưng bạn lại chẳng thể khóc và cũng không cảm nhận được sự đau đớn. Mọi cảm xúc trong bạn đều như mặt hồ phẳng lặng, không chút gợn sóng.

3. Bạn dễ cáu gắt

Tâm trạng u uất cùng những cảm xúc bị dồn nén, không thể bộc lộ ra ngoài lâu dần sẽ tích tụ thành ngọn lửa lớn có thể thiêu đốt mọi thứ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chán ghét, khó chịu và dễ cáu gắt với mọi người xung quanh. Khi mắc phải hội chứng tê liệt cảm xúc, bạn thường sẽ có hai thái cực rõ rệt, hoặc sẽ vô cùng nóng giận, hoặc sẽ không cảm nhận được gì.


Xem thêm

• 7 bí quyết quản lý tài chính của những người phụ nữ thành công

• Nhận diện 4 kiểu trầm cảm phổ biến trong cuộc sống

• 10 điều khiến người hướng nội cảm thấy hạnh phúc 


4. Bạn không thể đánh giá cảm xúc của chính mình

Không chỉ mất kết nối với thế giới bên ngoài, dường như bạn cũng không thể duy trì sợi dây liên kết với thế giới nội tâm bên trong mình. Khi đã quen với sự chai sạn và trạng thái không buồn không vui, bạn dần không còn để tâm đến diễn biến cảm xúc của bản thân và việc tự xác định, đánh giá chúng sẽ là điều vô cùng khó khăn đối với bạn.

5. Tự vấn bản thân

Có thể sau khi quan sát bản thân ở một vài tình huống, bạn sẽ có xu hướng tự hỏi mình những câu hỏi như: Tại sao bản thân lại không cảm nhận được gì? Mọi người đang khóc vì họ buồn hay vui? Vì sao mình không thể khóc giống họ?

6. Bạn cảm thấy cuộc sống trôi qua theo một vòng lặp

Bạn sẽ có cảm tưởng mọi hoạt động trong ngày đang diễn ra như một cỗ máy được lập trình sẵn. Mọi việc cứ thế lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, bạn vẫn tiến về phía trước và cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhưng sau cùng vẫn là cảm giác trống rỗng cùng sự không trọn vẹn. Có lẽ, cuộc sống của bạn đang thiếu đi hương vị của những cung bậc hỉ-nộ-ái-ố, thương-nhớ-giận-hờn.

cô gái nằm trên bãi cỏ không cảm xúc
Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

7. Tự cô lập bản thân

Không chỉ từ chối quyền được cảm nhận những cung bậc thăng trầm của cuộc sống, những người bị tê liệt cảm xúc còn dựng nên hàng rào ngăn cách mình với thế giới bên ngoài để bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực mà người khác mang đến. Họ dễ cảm thấy sợ hãi, hoang mang và có tâm lý trốn tránh khi ai đó thể hiện sự giận dữ, oán trách, khiêu khích hay đau buồn.

Cần làm gì để vượt qua hội chứng tê liệt cảm xúc?

Hiện tượng tê liệt cảm xúc sẽ không kéo dài mãi mãi và những cảm xúc của bạn cũng không hề mất đi. Chúng vẫn đang tồn tại và chờ đợi ngày được bạn đánh thức. Sau đây là một vài lời khuyên hữu ích mà bạn có thể tham khảo để mau chóng vượt qua hội chứng này.

1. Gặp chuyên gia tâm lý

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ đưa ra lời khuyên cùng một số phương pháp trị liệu giúp bạn tìm lại cảm xúc của bản thân và dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.

2. Tâm sự với người thân

Bạn hãy cố gắng sắp xếp thời gian ở cạnh những người mà mình tin tưởng và tâm sự với họ về những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Dù có thể đang gặp khó khăn trong việc kết nối, nhưng việc nói ra sẽ giúp bạn nhẹ lòng hơn và không còn cảm thấy đơn độc khi xung quanh có rất nhiều người yêu thương, quan tâm đến bạn.

chữa lành tâm lý
Ảnh: Unsplash/Den Trushtin

3. Tập thể dục

Chạy bộ, đạp xe, bơi lội, kickboxing hay yoga đều là những bộ môn vô cùng hữu hiệu trong việc giảm căng thẳng và tăng cường hormone hạnh phúc cho não bộ. Vận động thể chất kết hợp cùng phương pháp thở sâu sẽ giúp bạn dần tìm lại sự kết nối với thân tâm và khơi dậy những cảm xúc bấy lâu nay vẫn còn ngủ quên bên trong bạn. Bạn nên dành ra 15-30 phút tập luyện đều đặn mỗi ngày để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

4. Tự chữa lành

Bạn có thể thực hành chánh niệm, ngồi thiền và tập viết nhật ký mỗi ngày để thanh lọc tâm trí, quan sát bản thân, nhận diện nỗi đau và từ đó chữa lành những tổn thương vẫn còn âm ỉ. Tê liệt cảm xúc bắt nguồn từ những nỗi đau. Cuộc sống của bạn sẽ lại ngập tràn niềm vui khi bản thân đã vượt qua được mọi giông bão trong lòng.

cô gái ngồi dưới ánh nắng tê liệt cảm xúc
Ảnh: Unsplash/Mohsen Ameri

5. Duy trì lối sống lành mạnh

Nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống khoa học là chiếc chìa khóa quan trọng giúp bạn duy trì nguồn năng lượng tích cực, bảo vệ sức khỏe và cải thiện cảm xúc. Vì vậy, hãy cố gắng ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày và duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết gồm: đạm, tinh bột, chất béo và vitamin để chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Tuy có vẻ đơn giản nhưng nếu áp dụng một cách nghiêm túc, bạn sẽ dần cảm nhận được những cải thiện đáng kể mà lối sống lành mạnh này mang lại.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Tham khảo: Your Tango, Healthline

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)