Không chỉ đơn giản là một trạng thái tâm lý, trầm cảm còn là nguyên nhân làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tự hủy hoại bản thân. Thông thường, các triệu chứng thường gặp của bệnh trầm cảm là mệt mỏi, buồn bã, mất hứng thú làm việc, rối loạn giấc ngủ… Tuy nhiên, còn có nhiều dấu hiệu tiềm ẩn khác mà chúng ta cần chú ý để kịp thời chẩn đoán và điều trị, hướng đến xây dựng một lối sống lành mạnh, tốt đẹp hơn. Dưới đây là một vài trong số nhiều dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh trầm cảm mà có thể bạn chưa biết.
1. Thay đổi trong thói quen chăm sóc cá nhân
Ngoài những dấu hiệu dễ nhận thấy như phải vật lộn để thức dậy mỗi sáng hay không còn năng lượng để chuẩn bị bắt đầu ngày mới, nhiều triệu chứng khác của bệnh trầm cảm liên quan đến thói quen chăm sóc cơ thể và vệ sinh cá nhân lại khó nhận biết hơn. Chẳng hạn như bạn không còn hứng thú đến việc trau chuốt vẻ bề ngoài để chuẩn bị những sự kiện quan trọng như trước; bạn có thể ít đầu tư vào trang phục đi làm, không thường xuyên thay quần áo, mặc lại đồ ngủ từ hôm qua; bạn cũng không còn quan tâm đến việc trang điểm thật đẹp như trước đây, hay có thể để mặc lớp mascara bị lem và cứ thế đi ra ngoài.
Nếu bạn bắt đầu có những thay đổi trong phong cách sống như trên, vốn là những việc bạn luôn để tâm, thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tâm thần của bạn đang không ổn định. Tất nhiên, sẽ là điều bình thường nếu thỉnh thoảng, chúng ta muốn bắt đầu ngày mới một cách đơn giản và ít trau chuốt cho bản thân, nhưng nếu những thói quen này kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tháng, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý.
2. Đau đớn không rõ nguyên nhân
Một dấu hiệu tiềm ẩn khác của bệnh trầm cảm là cảm giác đau đớn không rõ nguyên nhân. Các cơn đau có thể hình thành trên khắp cơ thể, từ đau đầu, đau bụng đến đau cơ xương ở vùng thắt lưng, cổ và các khớp. Các chuyên gia cho biết hơn một nửa số người bị trầm cảm đều trải qua triệu chứng này. Vậy nên nếu cơ thể bạn bắt đầu xuất hiện những cơn đau không rõ, cũng như không có dấu hiệu cải thiện hoặc thuyên giảm dù đã được điều trị, thì trầm cảm có thể chính là nguyên nhân. Đây cũng là lý do trong các đơn thuốc được kê cho bệnh nhân trầm cảm thường xuất hiện các loại thuốc giảm đau.
3. Sức khỏe thể chất suy giảm
Y học ngày nay đã chứng minh mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và sự suy giảm hoạt động các chức năng trong cơ thể. Trầm cảm là nguyên nhân gây ra các chứng rối loạn tiêu hóa, tim mạch, miễn dịch và trao đổi chất. Mặt khác, sự suy giảm về mặt thể chất cũng có thể biểu hiện dưới dạng không ổn định về mặt tâm lý, như lo lắng thái quá hoặc dễ bị hoảng loạn, khiến tim đập nhanh liên tục và không thể ngừng run rẩy. Trong những trường hợp như vậy, điều trị triệt để bệnh trầm cảm sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tạo điều kiện để cơ thể hồi phục chức năng và hoạt động tốt hơn.
BÀI LIÊN QUAN
4. Tự cô lập bản thân
Mỗi người có nhu cầu khác nhau về không gian riêng tư. Nếu một người vốn khá sôi nổi và hòa đồng đột nhiên tự cô lập bản thân thì có thể phần nào kết luận người đó đang gặp vấn đề về tâm lý. Còn đối với những người vốn thích sống cô độc và không có nhiều bạn, dấu hiệu này thường khó nhận ra hơn. Tuy nhiên, nếu cẩn thận để ý, ta vẫn có thể phát hiện sự thay đổi của bản thân trong cách đối xử với mọi người xung quanh. Bạn có thể đang có dấu hiệu bất ổn về mặt tâm lý nếu bạn bắt đầu cảm thấy không còn năng lượng để trả lời các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ bạn bè. Bạn cũng luôn tránh né và không muốn tình cờ gặp người quen, không còn hứng thú khi dành thời gian với người khác và chỉ muốn ở nhà một mình. Cũng giống như các dấu hiệu tiềm ẩn khác, xu hướng tự cô lập có thể xuất hiện đột ngột, nhưng thường nó sẽ dần bào mòn cảm xúc, bó hẹp vòng tròn xã hội và khiến bạn ngày càng tách biệt với thế giới.
5. Tê liệt cảm xúc
Trầm cảm có thể bóp nghẹt và làm tê liệt cảm xúc con người. Người mắc bệnh trầm cảm thường sẽ không cảm thấy hạnh phúc, đau buồn, tò mò hay hứng thú đến bất cứ điều gì. Họ cũng có xu hướng đánh mất cảm giác yêu thương sâu sắc với mọi người xung quanh. Cũng như dấu hiệu tự cô lập bản thân, điều này có thể khiến họ ngày càng thu hẹp bản thân và tách mình ra khỏi các mối quan hệ quan trọng trong đời.
Xem thêm:
• 8 loại thực phẩm giúp cải thiện chứng trầm cảm
• Nhận diện 4 kiểu trầm cảm phổ biến trong cuộc sống
• 10 lầm tưởng về chứng rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm
6. Cảm giác tội lỗi
Tuy đánh mất những cảm xúc khác, những bệnh nhân trầm cảm thường vẫn phải chịu đựng sự dày vò của cảm giác tội lỗi. Ý thức trách nhiệm và sự thất vọng bản thân có thể trở nên nghiêm trọng đến mức khiến họ cảm thấy tội lỗi với gia đình và xã hội. Ở mức cực đoan nhất, cảm giác tội lỗi còn có thể dẫn đến cảm giác hối hận vì đã được sinh ra và mong muốn kết thúc cuộc đời mình. Nếu bạn đang có những suy nghĩ tiêu cực như trên, khả năng cao là bạn đang mắc bệnh trầm cảm và cần sự giúp đỡ từ chuyên gia.
7. Trở nên hướng nội hơn
Trong khi một số người mắc bệnh trầm cảm thường tự cô lập và trốn tránh xã hội, một số ít khác vẫn tiếp tục tương tác với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp như bình thường. Tuy nhiên, sự tương tác này thường không còn thân mật và gắn kết như trước. Đây là một dấu hiệu khó nhận ra của bệnh trầm cảm. Vậy nên nếu bạn vốn có tính cách vui vẻ và hòa đồng (ví dụ các nhân viên ở quán cà phê có thể biết tên bạn, hoặc bạn thường xuyên là người đề nghị các buổi tụ tập bạn bè) bỗng nhiên trở nên trầm lặng, ít nói và ít chia sẻ với mọi người hơn, thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm.
BÀI LIÊN QUAN
8. Cáu kỉnh và khó chịu
Mọi người thường lầm tưởng bệnh trầm cảm luôn đi đôi với nỗi buồn và cảm xúc đau khổ tột cùng. Thực tế, những người mắc bệnh hầu hết đều bị tê liệt cảm xúc và không thường cảm thấy buồn bã. Ngoài tội lỗi, phần lớn cảm xúc chi phối họ là cảm giác cáu kỉnh và bực tức với mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, ta thường đổ lỗi cho các yếu tố ngoại cảnh như công việc, tình cảm và áp lực cuộc sống là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng và khó chịu. Nhưng các chuyên gia cho rằng nếu tình trạng cáu kỉnh kéo dài và không rõ lý do, rất có thể chúng ta đang mắc bệnh trầm cảm và cần được điều trị.
9. Khó khăn trong công việc
Một dấu hiệu đáng quan tâm khác của bệnh trầm cảm là chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD). Các triệu chứng có thể bao gồm cảm giác bồn chồn, mất tập trung, hay quên và choáng ngợp với cuộc sống. Trong giai đoạn bị trầm cảm, người bệnh thường cảm thấy áp lực khi phải đi làm mỗi ngày và việc tương tác xã giao với đồng nghiệp cũng trở nên khó khăn. Nếu làm việc tại nhà, người bệnh cũng khó kiểm soát tiến độ làm việc do thường xuyên mất tập trung và không thể tự kỷ luật của bản thân.
10. Thay đổi sở thích
Tâm trạng cũng ảnh hưởng đến các chương trình giải trí chúng ta hay xem, từ âm nhạc, phim ảnh, podcast đến show truyền hình… Nếu trước đây bạn thường nghe nhiều loại nhạc nhẹ nhàng, nâng cao tinh thần hoặc xem các bộ phim hài vui vẻ, rồi bỗng chuyển sang nghe các bài hát u buồn và não nề hay xem các bộ phim tài liệu sâu sắc hơn thì có thể tâm lý của bạn đang bất ổn. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể bị nhầm lẫn bởi việc thay đổi sở thích thông thường, nên bạn cần kết hợp xem xét các dấu hiệu khác hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia mới có thể hiểu chính xác tình trạng mà mình đang gặp phải.
Trên đây là 10 dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh trầm cảm mà ta thường vô tình bỏ qua nhưng lại báo hiệu nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Nếu bạn đang có vài dấu hiệu được nhắc đến ở trên, hãy cân nhắc đến việc tìm đến các chuyên gia để được nhận sự giúp đỡ và phương pháp trị liệu hợp lý. Bên cạnh đó, hãy cố gắng duy trì lối sống và sinh hoạt lành mạnh, đồng thời học cách suy nghĩ tích cực, thực hành biết ơn và tìm kiếm những điều nhỏ nhặt xung quanh khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
Nhóm thực hiện
Bài: Đan Thanh
Tham khảo: Hope To Cope