Chị đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch? Chúng ta sẽ còn tiếp tục đối mặt với những khó khăn nào? Bên cạnh đó, có những thuận lợi nào chúng ta có thể tận dụng để phát triển kinh tế?
Khi đánh giá thị trường, tôi sẽ nhìn cả hai hướng tích cực và tiêu cực.
Có khá nhiều điểm tích cực để nói về thị trường Việt Nam. Sau đại dịch, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường tiêu dùng nội địa khá tốt, các hoạt động kinh tế trong nước vẫn diễn ra tấp nập. Điều này đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được duy trì. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% và 5,74% của cùng kỳ năm 2020 và 2021, gần quay trở lại với tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019 (theo Tổng cục Thống kê). Nhìn về 6 tháng cuối năm cũng rất khả quan. Du lịch dần khôi phục, các đường bay nội địa và quốc tế mở lại, tạo điều kiện để ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, nghỉ dưỡng… hồi phục và phát triển, gián tiếp thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Ở khía cạnh vĩ mô hơn, dòng tiền FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Trong khi Trung Quốc vẫn đang đóng cửa, Việt Nam và một số nước khác trong khu vực sẽ là điểm đến ưu tiên của những nhà đầu tư, các quỹ lớn, nhà máy sản xuất và khu công nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.
Về thị trường chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư Việt Nam tăng kỷ lục trong năm vừa rồi (4 triệu tài khoản) và năm nay. Đồng thời, nhà nước cũng có kế hoạch thúc đẩy để đến năm 2030, có 8% dân số cả nước tham gia vào thị trường chứng khoán. Chưa kể, các nhà đầu tư còn tham gia vào những loại tài sản mới như crypto và số lượng tài khoản giao dịch đồng tiền điện tử này còn nhiều hơn số tài khoản chứng khoán. Năm 2021, có đến 6 triệu tài khoản giao dịch crypto.
Về mặt tiêu cực, không khó để chúng ta tìm thấy tin tức về lạm phát trên thế giới hay căng thẳng chính trị giữa các nước như Nga – Ukraine, Trung Quốc – Mỹ. Tình hình bất ổn chung cũng ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, đồng thời tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
Trong khi đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt, gần đây, chúng ta còn nghe nhiều tin xấu về những lãnh đạo vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Điều này cũng gây bối rối cho thị trường và các nhà đầu tư. Bên cạnh giá xăng dầu tăng dẫn đến các mặt hàng khác cũng tăng giá theo, các ngân hàng còn siết tín dụng, hạn chế cho vay, khiến những người muốn vay vốn để đầu tư bất động sản cũng khá chật vật. Một điểm tiêu cực khác là chứng khoán lao dốc từ tháng 4 đến nay. Những ai đã đầu tư vào chứng khoán có thể mất một khoản tiền đầu tư, thậm chí là một nửa tài sản.
Dựa trên hai góc nhìn tích cực và tiêu cực này, mỗi người có thể tự đánh giá, xem đây là thời điểm chốt lỗ hay cơ hội mua rẻ để từ đó đưa ra quyết định đầu tư hay lập kế hoạch quản lý tài chính cho riêng mình.
Xem thêm
• 6 lời khuyên tài chính hữu ích không phải ai cũng biết
• 6 bài học về tài chính cá nhân chúng ta rút ra được từ đại dịch
• Bỏ túi ngay 5 bí kíp quản lý tài chính sau đại dịch
Đây là thời điểm nên đẩy mạnh tiết kiệm hay đầu tư? Vì sao? Đâu là những kênh phù hợp nhất để đầu tư vào lúc này?
Thật sự thì “tiết kiệm” với “đầu tư” luôn đi đôi cùng với nhau. Nó chỉ khác nhau ở chỗ một hướng là đầu tư thụ động, một hướng là đầu tư chủ động, và thường thì bạn phải tiết kiệm được rồi mới đi đầu tư. Bạn có tiết kiệm thì tốt, nhưng nếu đem tiền đi đầu tư thì bạn còn có cơ hội tăng trưởng tài sản để nhanh đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Để lựa chọn kênh đầu tư phù hợp, trước tiên, bạn phải xác định mục tiêu tài chính và lập kế hoạch cụ thể. Để tránh đi theo tâm lý đám đông hay nghe lời khuyên của một chuyên gia nào đó mà không thực sự hiểu mình và hiểu họ, tôi khuyên các bạn nên chậm lại một bước, phải có sự chuẩn bị, tìm hiểu cặn kẽ, từ đó, bạn sẽ chọn được kênh phù hợp với mục tiêu và khả năng của mình.
Trước mắt, bạn cần trả lời rằng bạn muốn đầu tư để có dòng thu hay có lãi vốn? Để dễ hiểu hơn, dòng thu là một khoản doanh thu đều đặn mỗi tháng hoặc mỗi năm, còn lãi vốn nghĩa là bạn bỏ vốn và chỉ thu lãi một lần, không đều đặn. Ví dụ, trong đầu tư bất động sản, nếu mua bất động sản rồi cho thuê thì bạn có dòng thu hằng tháng, còn mua bất động sản rồi bán để lấy giá trị chênh lệch thì bạn có lãi vốn. Bất động sản là một kênh có thể đầu tư bao gồm đầu tư đất, căn hộ, cửa hàng, condotel, nghỉ dưỡng hay những nền tảng mua chung với nhà đầu tư khác như proptech, fintech nếu vốn ít.
Bên cạnh đó, bạn có thể đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, crypto, NFT, hợp đồng phái sinh hay hàng hóa toàn cầu. Tôi khuyên bạn chỉ đầu tư những gì mình biết rõ. Crypto, NFT là những tài sản chưa có quy định pháp luật của nhà nước nên rủi ro rất cao.
Đối với kinh doanh khởi nghiệp, bạn có thể là người sáng lập start-up hoặc góp vốn đầu tư vào các mô hình kinh doanh. Bạn có thể giữ vị trí điều hành hoặc chỉ là nhà đầu tư thụ động vào các mô hình này.
Khi đã xác định được kênh đầu tư phù hợp, lời khuyên cuối là bạn nên chọn kênh mà mình yêu thích. Vì khi mình yêu thích, mình sẽ gắn bó lâu dài với khoản đầu tư của mình cho đến khi đạt mục tiêu.
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán liên tục xuống dốc trong thời gian gần đây, chị dự đoán tình hình này sẽ còn kéo dài trong bao lâu và người đầu tư cần làm gì tiếp theo?
Khi đầu tư, tôi thường nhìn vào chu kỳ. Khi nói tới chu kỳ, chúng ta lại phải nhìn vào lịch sử. Trong quá khứ, bất động sản có chu kỳ lên xuống 7 – 10 năm, còn chứng khoán có thể là 10 – 15 năm. Khi nhìn vào chiều dài lịch sử vài trăm năm của thị trường chứng khoán ở Mỹ, ta sẽ thấy rằng dù qua nhiều khủng hoảng kinh tế và suy thoái toàn cầu, xu hướng chung của cổ phiếu vẫn là đi lên. Thế nên, khi đầu tư chứng khoán, chúng ta nên có tầm nhìn lâu dài, đối với tôi là 5 – 10 năm. Điều này đã tạo cho tôi tâm lý vững chãi và tập trung đầu tư hiệu quả nhất, cho dù thị trường có điều chỉnh trong thời gian ngắn.
Đối với những người mới, liệu đây có phải là thời điểm phù hợp để tham gia thị trường này?
Như đã nói ở trên, bạn phải xác định được mục tiêu trước khi đầu tư. Nhiều bạn chỉ nói họ muốn tự do tài chính, nhưng lại không biết có bao nhiêu tiền thì mới gọi là tự do tài chính. Đó là câu trả lời bạn phải tự định ra cho bản thân. Tôi muốn chia sẻ là nếu không đầu tư, bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu tài chính của mình. Tiết kiệm kiểu bỏ heo truyền thống không bao giờ giúp bạn đạt được mục tiêu. Những kiến thức căn bản như lạm phát, lãi kép, đa dạng hóa danh mục đầu tư… khá đơn giản để bắt đầu tìm hiểu, từ đó, bạn có thể áp dụng vào trong hành trình đầu tư và giúp tiền của mình tăng vọt qua thời gian. Nên để trả lời rằng đâu là thời điểm phù hợp, tôi sẽ nói rằng lẽ ra các bạn đã phải đầu tư từ hôm qua rồi. Nghĩa là hôm nay còn ngồi đây hỏi rằng có nên đầu tư hay không thì bạn đã bất lợi một ngày trong dòng tiền của mình. Bạn càng trẻ, càng tham gia thị trường sớm thì càng tốt, vì bạn sẽ tận dụng được đường băng thời gian dài hơi để tăng trưởng dòng tiền và tài sản của mình.
Xem thêm
• Cách cân bằng tài chính của cả hai trong một mối quan hệ
• 10 câu hỏi về quản lý tài chính giúp bạn sống một cuộc đời như ý
• Phụ nữ và cẩm nang quản lý tài chính hiệu quả và bền vững
Sau khi đối diện với những mất mát từ đại dịch, chúng ta đều cảm nhận rõ hơn sự vô thường của cuộc sống. Điều này vô tình khắc sâu sự khác biệt giữa hai cách sống. Một bên có xu hướng lập kế hoạch tài chính kỹ lưỡng hơn, đặc biệt chú trọng vào đầu tư sức khỏe, bảo hiểm và các quỹ khẩn cấp để đề phòng bất trắc. Một bên lại cho rằng đời sống ngắn ngủi, phải tranh thủ tận hưởng, kiếm tiền được thì cứ dùng vì chẳng biết ngày mai thế nào. Chị có nhận định gì về hai quan điểm này? Chúng ta nên có thái độ và ứng xử như thế nào với kế hoạch tài chính của mình?
Đại dịch hay những trải nghiệm khó khăn, thử thách đều là bài học để bạn nhận ra rằng “phòng” còn hơn “chống”. Trong cuộc sống, sức khỏe hay tài chính cũng thế. Nếu bạn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì bạn sẽ luôn giữ một trạng thái an tâm hơn dù có những khủng hoảng sắp tới.
Câu hỏi của bạn khiến tôi liên tưởng đến 2 nhóm: YOLO (nhóm tận hưởng) và FIRE (nhóm đầu tư để độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm). Thế nhưng, dù là YOLO hay FIRE, bạn đều cần có tài chính trước đã. YOLO muốn trải nghiệm cũng cần có tiền vì không có một số tiền nhất định thì bạn khó tận hưởng cuộc sống được. Chúng ta không thể ngồi đây và đoán được mình sẽ sống tới 85 hay 100 tuổi và số tiền có đủ trang trải từ đây đến cuối đời hay không. Nhưng dù ở mốc thời gian nào của cuộc đời, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình, bắt nguồn từ việc quản lý tài chính cá nhân.
Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.
Nhóm thực hiện
Bài: Q.M
Hình ảnh: Lộc Võ
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE