Ask ELLE: Làm sao để đầy lùi cảm xúc tiêu cực?
Công việc và những mối lo lắng xoay quanh đôi khi làm bạn trở nên ngại ngùng với những suy nghĩ, quyết định của mình.
Tôi vừa tròn 24 tuổi tháng trước và đi làm được hơn một năm. Nói thật, mối quan tâm hàng đầu của tôi lúc này là làm quen với công việc, tăng lương, cải thiện kỹ năng để trong tương lai có thể thăng tiến. Nhưng, mỗi khi đi cà phê với bạn bè, tôi lại cảm thấy mình tụt hậu. Cũng bằng tuổi tôi, họ đã làm chủ. Có người thì đầu tư lướt sóng nhà đất, giờ đã có xe hơi, có nhà riêng dù phải trả góp. Có người thì mở spa, kinh doanh tinh dầu. Tôi cảm thấy ước mơ của mình thật thảm hại, cũng muốn làm một cái gì đó riêng như họ. Nhưng tôi nhát gan và cũng không có vốn. Tôi biết kể lể ra thế này nghe thật tội nghiệp, nhưng làm sao để bớt ghen tị đây?
Ghen tị thân mến, tất nhiên rồi, mình đang đi làm công ăn lương mà thấy bạn bè lên làm ông bà chủ cả, đương nhiên sẽ cảm thấy ghen tị thôi. Nhưng thực ra bạn đang ghen tị điều gì? Vì họ làm chủ công việc kinh doanh, hay những gì họ có? Hay cả hai? Nếu bạn ghen tị vì họ sở hữu nhiều của cải vật chất hơn mình, thì hãy mau chóng tỉnh giấc thôi – vì sẽ luôn có người sở hữu nhiều hơn bạn. Nên việc đầu tiên để vượt qua cảm giác ghen tị, so sánh là hãy nhìn xem mình đã có gì và học cách hài lòng với nó. Còn nếu bạn ghen tị vì họ có vẻ chủ động hơn trong công việc và sự nghiệp – thì kiên nhẫn nào, bạn có thể cần nhiều thời gian hơn họ để biết mình thực sự muốn kinh doanh, đầu tư gì, và gom góp đủ vốn nữa. Mỗi người hợp với một đường đi, nên hãy tập trung vào điều mà khi ở một mình, bạn nhận ra là bạn đang quan tâm nhất. Có những chú rùa đi chậm vẫn về đích, thậm chí là về đích trước nhất đó thôi.
Tôi lập gia đình năm 28 tuổi. Khi mới yêu nhau, tôi trân trọng anh vì anh rất quan tâm đến gia đình, không ham nhậu nhẹt, tụ tập bạn bè, cũng không mải mê với trò chơi điện tử. Anh đi làm rồi về với gia đình, có tiền là đầu tư, cho đến giờ vẫn vậy. Nhưng, tôi nhận ra chính điều đó khiến cuộc sống của chúng tôi vô cùng tẻ nhạt. Tôi muốn hai vợ chồng trẻ có thể đi chơi cùng nhau, khám phá những vùng đất lạ, làm những điều mà sau này có con khó có thể làm được. Vậy mà anh hoàn toàn thờ ơ với những việc đó, thậm chí thờ ơ với những thú vui như đi xem phim hay hòa nhạc. Tôi cảm thấy giữa hai chúng tôi gần như chẳng có gì chung ngoài những kế hoạch gia đình. Tôi nghĩ cứ thế này, sớm muộn tình cảm của tôi sẽ nguội lạnh, tôi nên làm gì?
Thất vọng thân mến, đúng là như vậy, vợ chồng cần có sự kết nối về xúc cảm, và xúc cảm có thể được bồi đắp từ những điều chúng ta làm chung với nhau. Thế nên, bạn nên có cuộc trò chuyện chung với chồng để anh được nghe những suy nghĩ của bạn. Có thể anh cũng có những việc muốn bạn làm chung mà bạn lại chẳng hứng thú thì sao? Thử lên một bản giao kèo, trong đó chia thời gian để bạn tham gia vào những việc chồng muốn bạn làm cùng, và ngược lại, khuyến khích anh thử làm cùng bạn những điều bạn thích. Chẳng ai muốn vợ ngày càng rời xa khỏi mình, nên chắc ban đầu dù không hào hứng, anh cũng sẽ cố. Và điều quan trọng là thế này, nếu anh không phấn khích được như bạn, cũng đừng thất vọng. Vì mỗi người chúng ta có một thói quen và sở thích riêng, nên thay vì muốn người khác thay đổi để trở thành giống mình, hãy tìm xem hai bạn giống nhau ở điểm gì, và cùng cố gắng bồi đắp cho tình yêu gia đình nhé.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE