Lifestyle / Bí quyết sống

8 điều bạn cần buông bỏ để thảnh thơi bước tiếp trong cuộc sống

Jean-Jacques Rousseau, một triết gia người Pháp lỗi lạc thời kỳ Khai sáng từng nói: "Một người biết cách buông tay là người hạnh phúc nhất”. Khái niệm “buông bỏ” đã được đề cập trong nhiều triết lý sống, tôn giáo khác nhau bởi việc thực hành nó cần thiết cho giải phóng tâm trí, giúp con người có thể vượt qua những rào cản về mặt tâm thức và tập trung vào những tích cực ở hiện tại. Vậy bạn đã bao giờ tò mò chúng ta cần học cách chấp nhận và buông bỏ gì trong cuộc sống?

Trong cuộc sống, buông bỏ những thứ tưởng chừng là quan trọng và gắn bó với bản thân cả đời rất khó khăn, nhưng lại vô cùng cần thiết để bạn có thể tiến về tương lai tốt đẹp hơn. Nếu bạn luôn sống trong quá khứ, điều đó chỉ dẫn đến sự đau khổ và bất hạnh. Bạn nên nhận thức được rằng cuộc sống của mỗi người hoàn toàn chính họ tự quyết định, và chưa bao giờ là quá trễ để làm lại từ đầu. Đã đến lúc bạn nên ngừng nhìn về quá khứ và giải phóng tâm trí khỏi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đang kìm hãm bạn. Hãy cùng ELLE điểm qua 8 yếu tố bạn cần học cách buông bỏ để cảm thấy nhẹ nhàng và an yên hơn.

1. Những lỗi lầm trong quá khứ 

Những sai lầm trong quá khứ là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống của chúng ta. Tuy điều ấy làm bạn hối hận và khó vượt qua trong một khoảng thời gian, nhưng đồng thời là bài học quý giá để bạn phát triển và trưởng thành hơn. Chẳng hạn, bạn vô tình làm tổn thương một người thân yêu bằng lời nói hoặc hành động vô ý, khiến mối quan hệ giữa họ và bạn dần có khoảng cách. Chắc chắn rằng bạn không thể thu lại lời đã nói ra hay thay đổi được tình huống, và điều bạn nên làm lúc này là suy nghĩ tại sao bản thân đã hành xử như vậy, học cách kiểm soát cảm xúc, lời nói, bày tỏ chân thành với đối phương hơn và rút kinh nghiệm để không mắc lỗi sai thêm lần nữa. Việc mãi vướng bận, mắc kẹt trong quá khứ chỉ khiến bạn thêm đau khổ và không thể tập trung vào những mục tiêu hiện tại. Thay vì rơi vào tình trạng luẩn quẩn, chúng ta cần học cách chấp nhận và tiếp tục tiến về phía trước. Điều quan trọng là bạn đã rút ra được gì từ những sai lầm, sử dụng chúng làm động lực để tiến bước mạnh mẽ hơn.

cuộc sống hạnh phúc
Ảnh: Unsplash/Laura Marques

2. Nỗi Sợ thay đổi

Khi ở trong vùng an toàn quá lâu, rời khỏi “cái kén” của mình và đổi mới theo thời đại đôi khi làm chúng ta e dè và đầy sợ hãi. Thế nhưng, cuộc sống không ngừng biến chuyển và việc chuyển mình, học hỏi kỹ năng mới là vô cùng cần thiết để chúng ta không lạc hậu và dậm chân tại chỗ. Bản chất của thay đổi hành vi là chống lại những thói quen đã bám rễ trong chế độ vô thức và tự động của não. Chính vì thế, sợ thay đổi có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố: lo lắng về những điều chưa biết, sợ thất bại hoặc luyến tiếc quá khứ. Để vượt qua tình trạng này, bạn nên nhìn nhận nó như một cơ hội để bạn phát huy năng lực của chính mình và mọi kết quả nhận được đều là trải nghiệm, bài học đáng giá. Khi bạn tiến về phía trước, bạn sẽ khám phá ra những khả năng tiềm ẩn bên trong bản thân, từ đó phát triển bản thân một cách tích cực hơn và có thể gặt hái thành công vang dội. 

3. Ám ảnh với giá trị vật chất 

Trên các nền tảng mạng xã hội, hành động khoe khoang tiền bạc, thành công có thể được xem là một phần xu hướng xã hội, khi mọi người luôn muốn đưa ra những gì tốt đẹp của mình cho công chúng nhìn thấy. Mặt khác, có thể lý giải hiện tượng này xuất phát từ tác động của truyền thông và quảng cáo, bởi các nội dung do nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội đăng tải sẽ tác động đến tâm lý người theo dõi và một phần nhỏ sẽ cố gắng mô phỏng hay tái hiện lại phong cách sống xa hoa như thần tượng.

Nếu bạn mải mê chạy theo các trend tiêu dùng như đổi điện thoại đời mới nhất, mua các sản phẩm đang hot trên sàn thương mại điện tử…, điều này sẽ khiến bạn đối mặt với nhiều hậu quả không mong muốn. Áp lực về tài chính, căng thẳng xã hội và mất đi thời gian, năng lượng là những điều thường gặp khi chúng ta cố gắng trở nên giống người khác và quên mất giá trị đích thực của chính mình. 

Để giải thoát bản thân khỏi những ám ảnh vật chất, bạn cần hiểu được rằng những món đồ kia sẽ có lúc lỗi thời hay không còn tính ứng dụng cao, thay vào đó phẩm chất đạo đức, tư duy, lòng nhân ái… mới là thứ bền vững với thời gian, để người khác nhớ về bạn nhiều nhất. Quá trình “detox” này đòi hỏi tính kiên nhẫn cao và bỏ ngoài tai những thông điệp mời gọi tiêu dùng từ bên ngoài, bạn có thể thực hành lòng biết ơn, xuất phát từ những điều bình dị, giản đơn nhất. Hãy nhớ rằng, hạnh phúc đích thực luôn xuất phát từ bên trong tâm hồn mỗi người. 

cô gái ngửi hoa trên cánh đồng buông bỏ điều tiêu cực trong cuộc sống
Ảnh: Pexels

4. Sự Chờ đợi được người khác công nhận

Hầu hết mọi người đều mong muốn nhận được lời khen, bởi sự công nhận không chỉ là nguồn động viên mà còn là động lực khiến họ phát triển và tự hào hơn về bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn quá kỳ vọng vào ý kiến của người khác, có lẽ bạn sẽ đánh mất giá trị thực của chính mình và dễ rơi vào trạng thái tinh thần suy sụp, bất an. 

Do vậy, thay vì chờ người khác mở lời khen, bạn nên dành thời gian tìm hiểu chính mình để nhận ra đâu là điểm ưu khuyết của bản thân, từ bỏ thói quen so sánh và cảm giác cần được chấp nhận. Mỗi cá nhân đều sở hữu những giá trị vô cùng riêng biệt và độc đáo, vì vậy bạn không nên tự đặt mình lên bàn cân đánh giá. Việc rũ bỏ lối sống ám ảnh bởi ý kiến số đông sẽ là hành trình hướng đến sự tự do nội tâm, từ đó bạn có thể tự tin được là chính mình trong mọi môi trường.

5. Cái tôi cá nhân cao

Cái tôi cá nhân là một phần thiết yếu trong con người mỗi chúng ta, là yếu tố định hình tính cách, niềm tin cùng giá trị của mỗi con người. Đứng trước các tình huống khác nhau, cái tôi sẽ giúp bạn phân biệt đâu là điều nên làm, bảo vệ quan điểm của mình và giải quyết tình huống hợp lý để bản thân không bị chèn ép, thua thiệt. 

Tuy vậy, dù trong công việc hay cuộc sống, nếu chúng ta mãi khăng khăng cho rằng mình đúng và tỏ thái độ cố chấp với mọi người, điều đó có thể dẫn đến những mâu thuẫn và rạn nứt trong các mối quan hệ, khiến bạn tự mãn và ngưng học tập, cải thiện bản thân mỗi ngày. Chính vì vậy, khi bạn cảm thấy bản thân mất quá nhiều năng lượng để tranh cãi và bảo toàn cái tôi của mình, bạn nên dừng lại một chút để lắng nghe, thảo luận và mở lòng trước ý kiến của người khác. Thái độ này không đồng nghĩa rằng bạn hạ thấp danh dự, mà là hành động khiêm nhường, tiếp thu mở rộng kiến thức và nâng cao thế giới quan. Hơn nữa, bạn có thể tạo hòa khí trong các mối quan hệ, giúp bạn và đối phương thấu hiểu nhau hơn. Hãy nhớ rằng, sự linh hoạt và tinh thần sẵn lòng học hỏi chính là chìa khóa để vượt qua trở ngại và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

cô gái ngồi bên cửa sổ buông bỏ những điều tiêu cực
Ảnh: Pexels/Laura Oliveira

Xem thêm

Ngừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người khiến bạn sống hạnh phúc hơn 

Bạn đã trải qua 8 loại hạnh phúc này chưa?

Đi tìm sự khác biệt giữa thông minh và khôn ngoan


6. Sự oán hận, thù ghét 

Sư Minh Niệm từng chia sẻ trong quyển sách Hiểu về trái tim rằng: “Nếu bạn chưa đủ khôn ngoan thì hãy chọn thêm vào những điều, những thứ mà giúp nuôi dưỡng cuộc sống của bạn hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Và quan trọng hơn, bạn phải biết bớt đi những thứ không cần thiết thì bạn mới cảm thấy thanh thản được”. Trong cuộc sống, đôi có lúc chúng ta sẽ đối diện với những cuộc tranh cãi không đáng và điều này có thể dẫn đến sự thù hận về sau. Đây là cảm xúc tiêu cực, gặm nhấm hạnh phúc theo thời gian. Do vậy, chấp nhặt từng chuyện nhỏ, thù ghét một ai đó đồng nghĩa với bạn đang ôm lấy khổ đau. Buông bỏ thù hận không chỉ là tha thứ cho người khác, mà còn là hành trình bắt đầu tìm lại bình yên và cân bằng trong cuộc sống. Khi bạn trút được gánh nặng này, tâm hồn sẽ nhẹ nhàng hơn và sức khỏe tinh thần sẽ phần nào được cải thiện theo chiều hướng tích cực. 

7. Nỗi sợ thất bại 

Cuộc sống vốn không phải là con đường rải đầy hoa hồng, vì vậy hành trình chinh phục ước mơ hoài bão của bạn đôi lúc sẽ không tránh khỏi những thất bại, sơ suất. Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống và sự xuất hiện của nó có thể khiến bạn cảm thấy ngờ vực về năng lực chính mình, từ đó trở nên khép kín và tinh thần bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Thế nhưng, thất bại không phải là dấu chấm hết, nó sẽ là một dấu phẩy đánh dấu cột mốc cuộc đời bạn và để lại bài học quý giá trên đường đến với thành công. Đừng để một lần vấp ngã khiến bạn từ bỏ ước mơ và khát vọng. Bạn nên nhớ rằng những doanh nhân thành đạt nhất trên thế giới đều đã từng trải qua muôn vàn thất bại trước khi họ ở đỉnh cao sự nghiệp, chẳng hạn như Walt Disney đã từng bị sa thải nhiều lần mới thành lập đế chế hoạt hình khổng lồ Disney danh tiếng. Hay tác giả J.K.Rowling đã từng bị hàng loạt nhà xuất bản từ chối bản thảo quyển sách Harry Potter đầu tiên cho đến khi nhận được cái gật đầu từ nhà xuất bản Bloomsbury, vụt sáng trở thành một trong những nhà văn nổi bật của thế kỷ 21. 

Một khi bạn học cách buông bỏ nỗi sợ thất bại, can đảm bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ dễ dàng khám phá tiềm năng vô hạn của bản thân, từ đó trở nên mạnh mẽ hơn và tiến gần hơn với mục tiêu của mình. Một lời khuyên khác dành cho bạn chính là hãy bắt đầu từ những mục tiêu đơn giản nhất, từ đó xây dựng những chiến lược thông minh để tiếp cận các mục tiêu lớn một cách dễ dàng. 

cô gái đứng trên cánh đồng thảnh thơi buông bỏ mọi thứ trong cuộc sống
Ảnh: Pexels/Dashamak

8. Khát khao theo đuổi sự hoàn hảo 

Nếu trong cuộc sống, bạn thường nhận được những lời khuyên như: “Đừng để mắc sai lầm”, “Nếu thất bại, bạn là người không có năng lực, nhưng vì bạn rất giỏi nên tôi luôn tin tưởng bạn”, “Lạc quan lên, đó là vấn đề nhỏ thôi mà”… đây chắc chắn là sự tích cực độc hại và khi bạn bị chúng ảnh hưởng, bạn sẽ có áp lực đi tìm kiếm sự hoàn hảo và ép buộc bản thân phải nỗ lực hơn nữa.

Thông thường, những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo có khuynh hướng sống để nhận lời tán dương từ mọi người xung quanh, do vậy khi phải đón nhận lời chê bai trách móc, họ sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm với chính mình. Vì vậy, họ thường làm việc đến kiệt sức, bỏ qua những yếu tố quan trọng khác chỉ để đạt được sự công nhận từ người khác. Theo thời gian, lối sống này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Thay vì đặt ra những mục tiêu quá cao và xa vời, hãy chia nhỏ mục tiêu thành những bước nhỏ, dễ dàng đạt được hơn. Hoàn thành công việc theo từng bước nhỏ sẽ giúp bạn có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục tiến về phía trước. Đừng quá lo lắng về tương lai hay hối tiếc quá khứ, bạn nên dành sự tập trung vào hiện tại, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và trân trọng những gì bạn đang có.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thư

Tham khảo: Hackspirit

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)