Với những nhịp điệu biến chuyển không ngừng của thời gian, một năm trôi qua có thể mang đến vô vàn những đổi thay đầy bất ngờ. Trong khoảng thời gian này, sẽ có những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng đồng thời cũng tồn tại vô vàn cơ hội và khả năng mà ta hoàn toàn có thể nắm bắt để kiến tạo nên sự đổi thay tích cực. Nếu bạn đang lạc lối giữa những suy tư về bản thân và những định hướng tương lai còn bỏ ngỏ, hay những trăn trở về tài chính, sự nghiệp, tình yêu, 14 thay đổi dưới dưới đây là những bước tiến nhỏ nhưng vững chãi giúp bạn tiếp tục hành trình kiến tạo phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình trong 2025.
1. Duy trì thói quen chăm sóc bản thân thường xuyên
Trong nhịp sống hiện đại với guồng quay không ngừng nghỉ của công việc, trách nhiệm và các mối quan hệ xã hội, chúng ta thường vô tình lãng quên việc yêu thương và chăm sóc bản thân. Yêu bản thân (self – love) là cả một hành trình của việc lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của chính mình.
Thực hành yêu thương bản thân không đồng nghĩa với việc theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, chiều chuộng bản thân vào những ham muốn không lành mạnh. Thay vào đó, đó là nghệ thuật của việc trân trọng và nuôi dưỡng tâm hồn một cách có ý thức. Khi ta biết lắng nghe và thấu hiểu chính mình, ta sẽ nhận ra rằng không có hành trình nào ý nghĩa hơn việc tự chăm sóc và yêu thương bản thân mỗi ngày.
Để thực hành self-love một cách hiệu quả trong năm 2025, bạn cần quan tâm đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Hãy cho phép bản thân được cảm nhận và bày tỏ cảm xúc một cách chân thật, thay vì kìm nén những nỗi lo âu và áp lực. Khi cảm thấy tâm trạng không ổn định, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để tháo gỡ những rào cản cảm xúc và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Đừng quên rằng bạn hoàn toàn có thể dựa vào những người mình tin tưởng, yêu thương vào những thời điểm khó khăn. Hãy chia sẻ những khó khăn mà bạn đối diện, những cảm xúc mà bạn đang dồn nén. Có những người thật sự yêu thương và tin tưởng vào bạn trong hành trình cuộc sống đầy chông chênh là động lực giúp bạn tiếp tục vững bước tiến về phía trước.
Song song với việc chăm sóc tinh thần, một chế độ dinh dưỡng cân bằng cùng với việc duy trì vận động thể chất đều đặn sẽ góp phần tạo nên một lối sống lành mạnh toàn diện. Hãy nhớ rằng, việc chăm sóc bản thân không phải là một giải pháp tạm thời khi bạn cảm thấy kiệt sức, mà cần được thực hiện như một thói quen thường ngày. Đó chính là cách bạn thể hiện sự tôn trọng và cam kết với chính mình để xây dựng một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
BÀI LIÊN QUAN
2. Tìm kiếm những nội dung tích cực trên mạng xã hội
Không thể phủ nhận những lợi ích mạng xã hội mang lại cho cuộc sống, từ việc kết nối giữa người với người, mở rộng cơ hội học tập, tiếp nhận thông tin… Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích hiển hiện ấy là những tác động tiêu cực âm thầm len lỏi vào sức khỏe tinh thần của mỗi người. Khi liên tục đắm chìm trong dòng chảy thông tin không ngừng nghỉ, từ những tranh cãi vô bổ đến những tin tức tiêu cực, tâm trí chúng ta dần trở nên mệt mỏi và dễ bị tổn thương, cảm giác tự ti và căng thẳng có thể len lỏi vào cuộc sống một cách âm thầm.
Để khởi đầu năm 2025 với một tinh thần tích cực hơn, việc xây dựng một không gian mạng xã hội lành mạnh là điều cần thiết. Thay vì để mình trôi theo dòng thông tin vô định, hãy chủ động lựa chọn những nội dung mang tính giá trị và truyền cảm hứng. Như một người làm vườn khéo léo, bạn cần biết cách sàng lọc và vun đắp những hạt giống tích cực cho khu vườn số của riêng mình.
Đôi khi, việc tạm gác lại thế giới ảo để trở về với những trải nghiệm thực tế lại là liều thuốc chữa lành cho tâm hồn. Những trang sách giấy thơm mùi mực in, những dòng nhật ký viết tay, hay đơn giản là những phút giây tận hưởng thiên nhiên có thể mang lại cảm giác bình yên và cân bằng mà không màn hình điện tử nào có thể thay thế. Qua đó, bạn không chỉ tránh được những cảm xúc tiêu cực mà còn có cơ hội nuôi dưỡng một tâm hồn lạc quan, hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống.
3. Tham gia vào tổ chức tình nguyện
Để đón nhận những thay đổi trong năm 2025, bạn có thể bắt đầu bằng việc tham gia vào tổ chức thiện nguyện ý nghĩa hay tổ chức mà bạn cảm thấy hứng thú để nuôi dưỡng thái độ tích cực. Khi tham gia vào các tổ chức thiện nguyện mà bạn tâm đắc, bạn không chỉ đang góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn mà còn mở ra cơ hội quý giá để phát triển bản thân và cộng đồng.
Trên thực tế, triết lý “cho đi là nhận lại” trong hoạt động thiện nguyện mang lại cho bạn những lợi ích to lớn về sức khỏe tinh thần và thể chất. Khoa học đã chứng minh rằng những người tham gia công tác tình nguyện thường có sức khỏe tinh thần tốt hơn, ít căng thẳng và trầm cảm hơn. Họ luôn tràn đầy năng lượng tích cực và cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Khi bạn đóng góp cho một mục đích cao cả, niềm tự hào và hạnh phúc sẽ tự nhiên đong đầy trong tâm hồn, như một phần thưởng vô giá cho những nỗ lực của bạn trong việc kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Một bài đánh giá của các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard nhấn mạnh rằng việc chi tiền cho người khác có thể nâng cao hạnh phúc, đặc biệt khi cá nhân cảm thấy họ có quyền kiểm soát quyết định của mình trong việc cho đi. Sự tham gia tích cực vào các hành động từ thiện thường mang lại lợi ích cảm xúc lớn hơn so với việc chỉ nhớ lại những hành động hào phóng trong quá khứ.
4. Từ bỏ những mối quan hệ độc hại
Bước vào năm 2025, một trong những quyết định quan trọng nhất để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn chính là việc nhận diện và dứt khoát buông bỏ những mối quan hệ độc hại để lại những dấu hiệu tiêu cực rõ ràng trong cảm xúc và tinh thần. Đó là khi bạn liên tục cảm thấy kiệt quệ sau mỗi lần tương tác, khi những cuộc trò chuyện luôn kết thúc trong căng thẳng và khi sự hiện diện của đối phương không còn mang lại cảm giác an toàn và thoải mái như trước. Những tổn thương từ các mối quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn lan tỏa, tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn.
Đừng để nỗi sợ cô đơn hay áp lực từ xã hội ngăn cản bạn rời xa những mối quan hệ không lành mạnh. Thay vào đó, hãy can đảm chọn lựa những mối quan hệ tích cực – nơi bạn được tôn trọng, được là chính mình và được khuyến khích phát triển. Bởi một cuộc sống trọn vẹn chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của những mối quan hệ chân thành và lành mạnh.
5. Nhìn nhận thực tế về vấn đề tài chính
Theo Robert Kiyosaki – nhà đầu tư, doanh nhân người Mỹ – từng chia sẻ “Không quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu tiền, làm thế nào để tiền phục vụ bạn và để tiền có thể sinh thêm tiền”. Nhận định này nhấn mạnh đến vai trò của việc quản lý tài chính cá nhân. Bên cạnh việc kiếm tiền bạn cũng cần học cách giữ tiền, đầu tư và phát triển sinh lời để đồng tiền ấy có thể phục vụ và đáp ứng cho hầu hết các nhu cầu thiết yếu mà bạn cần. Để làm được việc này, trước hết, bạn cần nhìn nhận và lập một kế hoạch tài chính khoa học hơn. Hãy tự đặt ra những câu hỏi: Tôi có thể tạo ra thu nhập từ những nguồn nào? Thói quen chi tiêu của tôi như thế nào?… Việc hiểu rõ tình hình tài chính sẽ giúp bạn định hình số tiền còn lại và tự kiểm điểm bản thân nếu tiêu xài quá mức cho phép. Từ đó, bạn có thể đặt ra những mục tiêu cụ thể để chi trả những khoản cần thiết, những khoản dành cho cá nhân hay tiết kiệm phù hợp với tình hình tài chính thực tế.
6. Dám bước ra khỏi vùng an toàn
Vùng an toàn để mang lại cho bạn cảm giác thoải mái khi bạn ít phải đối mặt với bất kỳ thử thách hay rủi ro nào. Tưởng chừng là nơi trú ẩn êm ái, vùng an toàn thực chất lại có thể trở thành xiềng xích vô hình kìm hãm sự phát triển của bạn. Giống như một con bướm cần phá vỡ kén để có thể dang rộng đôi cánh, bước tiến trong cuộc sống cũng đòi hỏi ta phải dũng cảm bước ra khỏi những giới hạn quen thuộc của bản thân.
Thay đổi bắt đầu từ tư duy – từ việc nhìn nhận thử thách không phải như rào cản đáng sợ mà là những cơ hội quý giá để trưởng thành. Mỗi kinh nghiệm mới, mỗi kỹ năng được học hỏi đều là những viên gạch đắp đầy vào kho tàng tri thức của bạn. Có thể đó là việc đọc một cuốn sách về lĩnh vực hoàn toàn mới, tham gia một khóa học trực tuyến về kỹ năng mới, lên kế hoạch kỹ lưỡng cho một chuyến du lịch một mình, hay đơn giản là thử thách bản thân với những phương pháp làm việc khác biệt.
Nỗi sợ hãi khi đối mặt với những điều chưa biết là hoàn toàn tự nhiên, nhưng đừng để nó ngăn cản bước chân của bạn. Bởi chính trong những khoảnh khắc ta dám đương đầu với nỗi sợ, ta mới khám phá ra những tiềm năng chưa được khai phá của bản thân. Như một nhà thám hiểm dũng cảm, mỗi bước chân ra khỏi vùng an toàn sẽ mở ra những chân trời mới, những khả năng mới mà có thể bạn chưa từng nghĩ mình có thể đạt được.
Xem thêm
•Ngành kinh doanh âm nhạc ở Việt Nam: Phát triển nhưng vẫn còn một chặng đường dài
•5 cung hoàng đạo không dễ chinh phục trong tình yêu
•10 cặp đôi nổi bật nhất trên màn ảnh Hàn 2024
7. Dành thời gian ở một mình với mục đích rõ ràng
Thời gian ở một mình, khi được sử dụng một cách có chủ đích, có thể trở thành nguồn năng lượng quý giá để nuôi dưỡng tâm hồn và thúc đẩy sự sáng tạo. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa việc đơn thuần “ở một mình” và “dành thời gian chất lượng cho bản thân” nằm ở cách chúng ta sử dụng những khoảng thời gian riêng tư đó.
Thay vì để tâm trí lang thang trong những ước mơ mơ hồ hoặc chìm đắm trong những kế hoạch chưa thành hình, hãy biến những giờ phút ở một mình thành cơ hội để phát triển bản thân một cách thực tế và có ý nghĩa. Đó có thể là việc học một kỹ năng mới, là những dòng nhật ký chân thành giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của chính mình, hay là những phút giây lắng đọng khi thưởng thức những podcast về những chủ đề bạn yêu thích. Quan trọng hơn cả, những khoảng lặng một mình chính là cơ hội để bạn xây dựng mối quan hệ sâu sắc với chính mình.
Khi bạn học được cách tận hưởng và sử dụng hiệu quả thời gian một mình, những khoảng khắc cô độc không còn là nỗi sợ hãi mà trở thành nguồn sức mạnh, giúp bạn trưởng thành và phát triển theo cách riêng.
8. Đọc nhiều hơn
Trong thời đại số hóa, nhiều người thường viện ra đủ lý do để tránh xa những cuốn sách – có thể là vì quá bận rộn với công việc, chưa tìm được thể loại phù hợp với sở thích, hay đơn giản là chưa nhận ra giá trị đích thực của việc đọc. Tuy nhiên, đọc một quyển sách không phải một thử thách quá lớn lao nếu chúng ta thật sự lập kế hoạch cho việc đọc và duy trì thói quen đọc trong một khoảng thời gian. Chẳng hạn, bạn có thể giảm thời gian lướt web, xem video ngắn trên nền tảng TikTok… và dành 10 phút một ngày để đọc 10 trang sách, và trong vòng 1 tháng, bạn có thể đọc được một quyển sách 300 trang.
Khi bạn đang tìm kiếm một khởi đầu mới cho hành trình thay đổi bản thân nhưng còn đang lạc lối, việc xây dựng thói quen đọc sách có thể trở thành chiếc la bàn đáng tin cậy. Hãy bắt đầu từ những cuốn sách gần gũi với tâm hồn bạn – có thể là những câu chuyện truyền cảm hứng, những trang sách về phát triển bản thân, hay những tác phẩm mang đến năng lượng chữa lành nhẹ nhàng. Mỗi cuốn sách là một cánh cửa mở ra thế giới tri thức mênh mông, nơi bạn không chỉ thu nhận kiến thức mà còn được trải nghiệm cuộc sống qua muôn vàn góc nhìn mới mẻ. Qua từng trang sách, bạn sẽ dần khám phá ra những điều mới mẻ về bản thân và thế giới xung quanh, như một người lữ khách kiên nhẫn khám phá những vùng đất mới đầy bí ẩn.
BÀI LIÊN QUAN
9. Thực hành chánh niệm
Chánh niệm là thuật ngữ xuất phát từ quan điểm của Phật Giáo, là một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo. Khái niệm này được nhiều tín đồ hành thiền sau này sử dụng với ý nghĩa là quá trình tự quán chiếu, tự soi xét bản thân. Việc thực hành chánh niệm giúp bạn nhận thức sâu sắc về bản thân và thế giới xung quanh, biết rõ những gì đang xảy ra trong mỗi thời khắc của hiện tại, bây giờ và ở đây. Nhờ đó, bạn sống và trân trọng từng giây phút của hiện tại, buông bỏ những lo âu phiền muộn, tập trung vào những việc bạn đang làm.
Hơn thế, chánh niệm còn mở ra cánh cửa giúp ta nhận ra vẻ đẹp trong những điều giản dị của cuộc sống thường nhật. Từ hơi thở nhẹ nhàng buổi sáng sớm đến tiếng chim hót trong vườn, mỗi khoảnh khắc đều trở nên đáng trân trọng khi ta thực sự hiện diện trong giây phút ấy. Đây không chỉ là phương pháp tự chăm sóc bản thân, mà còn là con đường dẫn đến sự tự tin, lòng từ bi và sự thấu hiểu đối với chính mình cũng như những người xung quanh.
10. Đặt ra ranh giới với công nghệ
Trong thời đại số hóa, mối quan hệ giữa con người và công nghệ đang trở nên ngày càng phức tạp. Mặc dù công nghệ mang lại nhiều tiện ích không thể phủ nhận, việc phụ thuộc quá mức vào các thiết bị điện tử có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Trong bối cảnh thông tin dư thừa và nhiễu loạn như hiện nay, khả năng phân định và chọn lọc thông tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, chúng ta cần giữ sự tỉnh táo để không bị cuốn trôi trong dòng chảy không ngừng của thông tin, tránh rơi vào tình trạng hoang mang hay mất phương hướng.
Bên cạnh đó, việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua bức xạ điện từ, mà còn tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống. Thay vì để ánh sáng xanh từ màn hình chiếm lĩnh thời gian và không gian sống, ta có thể chọn cách hòa mình vào thiên nhiên – nơi có thể tìm thấy nguồn năng lượng tích cực và sự cân bằng cho tâm hồn.
Một buổi dạo bộ trong công viên, cảm nhận làn gió mát và không khí trong lành, có thể trở thành liều thuốc giải độc hiệu quả cho tâm trí mệt mỏi. Khi ta học cách kết nối lại với thiên nhiên, ta không chỉ làm dịu những căng thẳng tích tụ mà còn khôi phục nguồn năng lượng tự nhiên, giúp nâng cao hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống.
11. Lập danh sách những việc cần thiết để thay đổi bản thân
Lập danh sách những việc nên làm để thay đổi cuộc sống trong năm 2025 là một bước quan trọng để xây dựng một tương lai rõ ràng và có định hướng. Khi những mục tiêu được cụ thể hóa, bạn sẽ dễ dàng theo dõi hành trình phát triển của mình. Điều này không chỉ giúp bạn đánh giá tiến độ một cách khách quan mà còn cho phép bạn linh hoạt điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Đồng thời, những thành tựu nhỏ đạt được trong quá trình thực hiện mục tiêu sẽ trở thành nguồn động lực thúc đẩy bạn tiếp tục tiến về phía trước. Chẳng hạn, bạn muốn đạt được một chứng chỉ ngoại ngữ ở mức độ trung cấp trong vòng 6 tháng, hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn như số lượng từ vựng bạn cần học trong ngày hay những điểm ngữ pháp bạn cần nắm vững trong vòng 1 tuần, 1 tháng. Hoặc nếu bạn muốn giảm cân, hãy cụ thể hóa mục tiêu này thành mục tiêu giảm bao nhiêu cân trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó tham khảo ý kiến chuyên gia để xây dựng kế hoạch tập luyện, dinh dưỡng trong ngày, trong tuần để có được vóc dáng bạn muốn.
Danh sách mục tiêu đóng vai trò như một la bàn, giúp bạn định vị được những ưu tiên trong cuộc sống. Thay vì cảm thấy lạc lối và hoang mang về tương lai, bạn sẽ có được sự tự tin và chủ động trong việc định hình con đường phát triển của mình. Qua đó, tinh thần kỷ luật và sự cam kết với mục tiêu cũng được củng cố vững chắc hơn, tạo nền tảng cho những bước tiến xa hơn trong tương lai.
12. Sống như thể bạn đã là người mà bạn muốn trở thành
Mỗi người khi sinh ra đều mang trong mình một bản thiết kế riêng biệt của số phận. Những khác biệt này không phải để giới hạn chúng ta, mà là để định hướng cho sự phát triển của mỗi người theo một lộ trình độc đáo riêng. Những câu hỏi về bản ngã và ý nghĩa cuộc sống luôn thôi thúc chúng ta tìm kiếm câu trả lời: “Ta muốn trở thành người như thế nào?” hay “Cuộc đời ta sẽ được định hình ra sao?”. Dù không dễ dàng để định nghĩa bản thân và giá trị cốt lõi của mình, chính hành trình tìm kiếm câu trả lời đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển. Với nhiều người, quá trình thay đổi bản thân không đơn thuần là việc cải thiện vẻ ngoài hay trau dồi kỹ năng, mà sâu xa hơn, đó là cuộc cách mạng trong tư duy và thái độ sống.
Mỗi người đều có trong tim một hình mẫu lý tưởng – có thể là một nhân vật truyền cảm hứng hay một cuộc đời rạng rỡ mà ta khao khát vươn tới. Để biến ước mơ thành hiện thực trong năm 2025, bạn cần kết hợp giữa việc hình dung rõ ràng về đích đến và những hành động kiên định để tiến về phía trước. Hãy tìm hiểu về hành trình phát triển của người bạn luôn ngưỡng mộ, đâu là những thói quen giúp họ hình thành nên phiên bản của chính mình ngày hôm nay, họ thường tiếp xúc với những mối quan hệ như thế nào, đọc những quyển sách gì hay họ thiết lập lối sống như thế nào để xây dựng cuộc sống mà mình cảm thấy hài lòng.
Để sống một cuộc sống như ý, tự kỷ luật bản thân là một trong những yếu tố cần thiết hàng đầu. Sự khó chịu của kỷ luật chỉ là tạm thời, nhưng nỗi hối tiếc của sự lười biếng có thể theo ta suốt cả cuộc đời. Vì vậy, nếu muốn trở thành mẫu hình mà bạn muốn hướng tới, hãy kiên định với những mục tiêu của bản thân và duy trì những thói quen tích cực giúp bạn thay đổi lối sống và phong cách của mình theo hướng tích cực hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Hồng Nhung
Tham khảo: Thoughtcatalog