8 điều khiến bạn lo lắng trong cuộc sống nhưng có thể sẽ không còn quan trọng sau một năm nữa
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải đối mặt những suy nghĩ tiêu cực, nỗi trăn trở khiến bản thân cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, có thể nhiều nỗi lo bạn đang trải qua hôm nay sẽ trở nên vô nghĩa chỉ sau một năm.
Nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã từng viết trong cuốn sách Thinking, Fast and Slow (Tư Duy Nhanh và Chậm) rằng con người thường phóng đại tầm quan trọng của các sự kiện hiện tại và quên rằng nhiều điều sẽ không còn quan trọng trong tương lai. Từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng cuốn vào những cảm xúc tiêu cực và cho rằng mọi thứ đang sụp đổ. Thế nhưng, dưới đây là 8 điều phổ biến trong cuộc sống thường bị nghiêm trọng hóa trong tâm thức của mỗi người.
Lỗi lầm đã mắc phải
Khi mắc phải sai lầm, chúng ta thường có xu hướng cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ về hành động của mình và dằn vặt trong một thời gian dài. Nhưng thật ra, bạn không hề cô độc trong những khoảnh khắc khó khăn ấy. Ai cũng từng vấp ngã, và chính từ những thất bại ấy chúng ta mới có thể học hỏi và trưởng thành hơn. Đôi khi, chúng ta thường quá tập trung vào kết quả đến nỗi quên mất rằng quá trình mới là điều quan trọng nhất.
Mỗi người đều có những khoảnh khắc yếu đuối trong đời và đó là điều cần thiết để chúng ta có thể phát triển góc nhìn, tư duy của mình. Những lỗi lầm không hề làm giảm giá trị của bạn, ngược lại khi bạn đủ dũng khí vượt qua chúng, điều đó chứng minh rằng bản thân bạn vô cùng mạnh mẽ và ngoan cường. Sau một năm, bạn sẽ nhận ra rằng lần vấp ngã ấy không chỉ làm bạn nhận thức rõ hơn về bản thân mà còn trở thành hành trang quý báu, giúp bạn tránh mắc lại một sai lầm nhiều lần.
Không kiểm soát được mọi thứ
Theo thời gian, chúng ta có xu hướng thay đổi cách nhìn nhận về mọi thứ xảy ra xung quanh. Một mối quan hệ lâu năm kết thúc; bị sa thải; không tìm được công việc như ý… tất cả những điều không may ấy chỉ còn là những ký ức mơ hồ của quá khứ khi bạn tìm được những điều phù hợp hơn với bản thân tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Nếu hôm nay bạn đang đau buồn vì chia tay người tình, hãy nghĩ rằng bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cho đến khi một người tuyệt vời hơn bước vào cuộc đời bạn, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì những nỗi đau bạn trải qua đã đưa bạn đến đích đến hạnh phúc của hiện tại. Chúng ta thường mong muốn mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng thực tế không phải lúc nào đều giống như chúng ta mong đợi. Khi cố gắng kiểm soát mọi thứ, chúng ta sẽ vô tình tạo thêm áp lực cho bản thân và gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu. Cuộc sống luôn vận động và thay đổi nhanh chóng, vì vậy bạn nên lắng nghe tiếng nói bên trong của bản thân, suy nghĩ và đánh giá lại những gì đã qua. Từ đó, bạn có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn và nhận ra rằng đôi khi việc vuột mất một điều gì đó không đồng nghĩa với bạn đã thất bại. Có lẽ, vũ trụ đang chuẩn bị cho bạn một kế hoạch phù hợp hơn, và điều bạn cần làm chỉ là cố gắng hết mình vì những mục tiêu bản thân đã đề ra.
Những gì người khác nghĩ về bạn
Bạn đã bao giờ nghe qua cụm từ “Truman Show”? Nó xuất phát từ một bộ phim nổi tiếng cùng tên do tài tử Jim Carrey đảm nhận vai chính, và có sức ảnh hưởng sâu rộng ngay từ thời điểm ra mắt. Bộ phim thành công đến mức tạo ra khái niệm “Truman Show” nhằm mô tả cảm giác bị theo dõi và lo lắng cách người khác đánh giá về bản thân. Đây là một trạng thái tương đương với Spotlight Effect (tạm dịch: hiệu ứng ánh đèn sân khấu), xảy ra khi bạn quá tập trung vào bản thân và nghĩ rằng mọi người đang đổ dồn sự chú ý về mình. Từ đó, bạn luôn áp lực bản thân phải làm tốt mọi thứ, không được sai sót và dễ nảy sinh ra cảm giác tội lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người xung quanh.
Để vượt qua rào cản tâm lý này, bạn cần nhận thức được rằng ai cũng có những vấn đề riêng để bận tâm đến mức không có quá nhiều thời gian để tập trung và đánh giá cuộc sống của bạn. Một ví dụ thú vị bạn có thể tự nhắc nhở bản thân là những bài đăng hay story ngắn trên mạng xã hội thường được xem lại nhiều nhất bởi chính người đăng tải chúng. Điều này giúp bạn nhận ra rằng, phần lớn sự chú ý bạn nghĩ người khác dành cho mình đôi khi chỉ nằm ở cảm nhận chủ quan.
Vì vậy, những điều người khác nói về bạn hôm nay có lẽ sẽ trôi vào quên lãng trong vòng vài tháng hay nhiều năm tới. Thời gian qua đi, những mối quan tâm cũng theo đó mà thay đổi. Ai cũng có những mục tiêu và những điều đáng lưu tâm của riêng mình, và sẽ chẳng ai còn để ý đến những điều bạn đã làm. Vậy nên hãy tự tin làm những điều khiến bản thân hạnh phúc, dù đó là một điều ngớ ngẩn hay bị cho là viển vông, chỉ cần điều đó không gây ra bất cứ thiệt hại gì. Bởi bạn chỉ sống một lần, hãy sống một cuộc đời rực rỡ nhất.
Những điều nhỏ nhặt
Đôi khi, những phiền toái nhỏ trong cuộc sống dồn nén khiến bạn cảm thấy mọi thứ đều như đang chống lại bản thân. Nhưng chính trong khoảnh khắc ấy, bạn có thể tìm thấy sức mạnh tiềm ẩn và động lực để bứt phá. Bạn có thể tưởng tượng rằng điều đó như bạn đang đi trên một con đường mòn trong rừng. Trên con đường ấy sẽ có những viên sỏi nhỏ dưới chân. Khi bạn chỉ tập trung vào những viên sỏi ấy, bạn sẽ cảm thấy bước đi thật nặng nề và khó khăn. Nhưng nếu bạn không quá tập trung vào nỗi đau kia, bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh con đường dài tuyệt đẹp trước mặt đang chờ đón bạn phía trước.
Buông bỏ điều khiến chúng ta bận lòng sẽ là cách giải phóng bản thân khỏi những lo âu không cần thiết. Khi bạn liên tục tiến về phía trước, các lỗi lầm vụn vặt và cảm giác tội lỗi sẽ được nhường chỗ cho những thành tựu quan trọng và đáng tự hào hơn. .
Những cơ hội đã mất
Một hạt giống không nảy mầm không có nghĩa là toàn bộ vùng đất sẽ khô cằn và bị bỏ hoang. Tương tự, những cơ hội đã qua có thể khiến ta tiếc nuối, nhưng đó không nên là rào cản ngăn chúng ta đến những điều tốt hơn đang đợi phía trước. Nếu bạn mãi mắc kẹt trong quá khứ, trong tương lai bạn sẽ chỉ tiếp tục tiếc nuối về hiện tại hôm nay, và suy nghĩ bị lấp đầy bởi những cụm từ “giá mà,” “nếu như,” và “ước gì.” Điều này có thể dẫn đến việc bạn khó lòng tận hưởng khoảnh khắc hiện tại hoặc nhận ra cơ hội mới xuất hiện xung quanh mình.
Không phải mọi thứ ta bỏ lỡ đều là điều đáng tiếc nhất. Trên thực tế chúng ta khó lòng có thể biết trước đâu là cơ hội tốt nhất vì không có quy chuẩn cụ thể nào để xác định điều đó. Việc bỏ lỡ một thứ như công việc hoặc một mối quan hệ có thể chỉ là bước đệm để bạn đến với bước ngoặt phù hợp hơn. Hãy tận dụng những gì mình đang có và mở lòng đón nhận điều mới mẻ. Bạn nên nhớ rằng đôi khi chúng ta không thể cưỡng cầu những gì mình muốn vì có thể vũ trụ đang bảo vệ bạn, và chính những mất mát lại là một phần của kế hoạch đó.
Chủ nghĩa hoàn hảo
Khi luôn cố gắng đạt đến sự hoàn hảo, chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy tự đánh giá thấp bản thân, khiến bạn dễ dàng cảm thấy thất bại, tự ti khi không đạt được những mục tiêu quá xa vời, dù bạn hoàn toàn đủ năng lực để đạt được thành công. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, mà còn kìm hãm sự sáng tạo và phát triển của chúng ta.
Trên thực tế, hoàn hảo là một khái niệm trừu tượng, thường bị ảnh hưởng bởi quan điểm cá nhân và các quy chuẩn xã hội và có thể thay đổi theo thời gian. Những gì từng được coi là hoàn hảo trong quá khứ có thể không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Việc cố gắng đáp ứng và theo đuổi “hoàn hảo” có thể tạo nên cảm giác không thỏa mãn và áp lực, vì vậy bạn nên học cách chấp nhận yêu những điều “không hoàn hảo” để bản thân có thể sống tự do, thoải mái và vui vẻ hơn. Điều này không có nghĩa là chúng ta từ bỏ phát triển bản thân. Ngược lại, mở lòng đón nhận mỗi sai lầm hay thất bại đều sẽ mang đến những bài học quý giá, khiến chúng ta trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Xem thêm
• 6 lựa chọn giúp bạn định hình và xây dựng cuộc sống hạnh phúc
• Joie: Bí mật cho cuộc sống hạnh phúc của những cô gái Pháp
• 12 nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống giúp bạn sống hạnh phúc hơn
Những nỗi lo về tương lai
Đã bao giờ bạn lo lắng về tương lai như thể mình đang đứng trước một ngã rẽ lớn và mọi lối đi đều mờ mịt? Thông thường, chúng ta có xu hướng tìm kiếm sự ổn định vì đang ở trong vùng an toàn quen thuộc. Vì vậy, nếu có những điều bất ngờ xảy ra, các kịch bản tiêu cực sẽ bắt đầu phát sinh trong suy nghĩ, khiến chúng ta sợ hãi sai lầm hoặc gặp thất bại.
Điều này có thể được lý giải rằng bạn đang chịu nhiều áp lực, kỳ vọng từ xã hội, gia đình và các tiêu chuẩn khắt khe do bản thân tự đặt ra. Từ đó, bạn bắt đầu cho rằng mọi quyết định đều phải thật hoàn hảo, nếu không bạn sẽ trở nên thất bại và không xứng đáng với những điều mình mong muốn. Tuy nhiên, bạn không hề đơn độc khi trải qua những cảm xúc này. Đôi khi, khoảng thời gian mơ hồ trong cuộc sống lại là một cơ hội quý giá để bạn có thể nghỉ ngơi và nhìn nhận lại mọi thứ thật kỹ lưỡng. Vì vậy, học cách đối xử nhẹ nhàng với chính mình và lắng nghe tiếng nói bên trong sẽ là một cách hiệu quả để bạn thoát ra khỏi trạng thái này. Cuộc sống không phải lúc nào đều như kế hoạch được định sẵn, và có thể một năm sau, những điều bạn lo lắng hôm nay lại trở nên nhỏ bé đến mức không đáng kể.
Suy nghĩ của mọi người về mình
Debbie Sorensen, Tiến sĩ tâm lý học được đào tạo tại Đại học Harvard, đã chỉ ra rằng những người luôn cố gắng làm hài lòng người khác thường dễ rơi vào tình trạng kiệt sức. Điều này xuất phát từ việc họ khó đặt ra ranh giới và thường gánh quá nhiều trách nhiệm về bản thân, từ đó dẫn đến căng thẳng mãn tính.
Đồng thời, cô đưa ra lời khuyên rằng nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên tập trung vào việc bảo vệ năng lượng của chính mình thay vì đảm nhận những việc không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, bạn có thể thay đổi những kỳ vọng hiện tại sao cho phù hợp với thực tế nhằm tránh tình trạng quá tải và căng thẳng. Điều này không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình mà còn khiến bạn thỏa mãn hơn với những thành tựu bản thân đạt được, từ đó dễ dàng cảm nhận niềm vui và từng bước tiến về phía trước
Bài: Minh Huyền
Tham khảo: Hack Spirits