Lifestyle / Bí quyết sống

8 điều không nên nói với đối phương trong một cuộc tranh cãi để tình yêu luôn hạnh phúc

Ngôn từ luôn ẩn chứa những sức mạnh kỳ diệu. Sự giao tiếp và thấu hiểu cũng là những điều kiện không thể thiếu để đảm bảo mối quan hệ trong cuộc sống có thể phát triển bền vững và trọn vẹn nhất.

Trong tình yêu, những bất đồng nhỏ nhặt bị tích lũy lâu dài cũng có thể trở thành ngòi nổ cho những cuộc tranh cãi và mâu thuẫn to lớn về sau. Vậy nên trong những cuộc hội thoại giữa hai người trong mối quan hệ tình cảm, ngôn ngữ giao tiếp luôn cần được chú ý và chọn lọc để đảm bảo sự tôn trọng và chân thành. Hãy cùng ELLE điểm qua những điều bạn không nên nói khi tranh cãi với đối phương để giữ tình yêu luôn hạnh phục và bền chặt nhé!

1. “Cho anh/em một ví dụ đi”

giao tiếp trong tình yêu
Ảnh: Unsplash/ Etienne Boulanger

Theo các nhà tâm lý, yêu cầu đối phương cung cấp dẫn chứng chứng minh trong các cuộc tranh luận có thể được xem như đang thách thức và nghi ngờ lẫn nhau. Điều này hoàn toàn không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ khiến tâm trạng của hai người thêm tồi tệ. Vậy nên thay vì đưa ra lời yêu cầu, bạn có thể điều chỉnh thành câu hỏi như “Anh/em có thể đưa ra ví dụ giúp em/anh hiểu vấn đề hơn không?”. Một cuộc tranh cãi sẽ chỉ kết thúc êm đẹp khi mục đích của cả hai người là cùng trao đổi quan điểm để thấu hiểu, chấp nhận và rút ra bài học cho những lần sau.

2. “Anh/em hiểu rồi, nhưng mà…”

Đây là một câu nói đầy mâu thuẫn và chỉ khiến đối phương hiểu rằng bạn chỉ đang biện hộ. Thay vào đó, hãy giải thích quan điểm của bạn một cách rõ ràng hơn. Chẳng hạn như bạn có thể nói: “Anh/em hiểu em/anh đang cảm thấy buồn phiền và khó chịu. Em/anh có muốn nghe thử quan điểm khác của anh/em lúc này không?”. Đôi khi chỉ cần thay đổi cách nói một chút, bạn đã có thể thể hiện được thành ý và sự tôn trọng của bạn dành cho đối phương, từ đó khiến cuộc tranh luận trở nên tích cực và mang tính xây dựng hơn.

3. “Lại nữa à?”

những điều không nên nói trong tình yêu
Ảnh: Unsplash/ Priscilla Du Preez

Nếu đối phương đề cập một vấn đề với bạn nhiều lần, rất có thể họ đã phải suy nghĩ và lo lắng về điều ấy thường xuyên. Vậy nên việc bạn đáp lại bằng câu nói “Lại nữa à?” sẽ chỉ khiến đối phương cảm thấy thất vọng và chán nản. Họ sẽ nghĩ rằng bạn đã quá mệt mỏi về chủ đề này và không còn hứng thú để tìm ra cách giải quyết vấn đề với họ. Ngoài ra, họ cũng có thể nghĩ rằng bạn cảm thấy vấn đề này không đáng quan trọng và bạn cũng đang dần mất kiên nhẫn trong việc xây dựng tình cảm cùng nhau. Một câu nói đơn giản như vậy cũng có thể khiến người đối diện cảm thấy bạn đang ưu tiên những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân hơn là việc duy trì mối quan hệ chung của hai người. Rõ ràng, câu nói này hoàn toàn không thích hợp khi bạn và đối phương đang trao đổi hoặc tranh luận, và nó có thể khiến họ cân nhắc lại mối quan hệ của cả hai. 

4. “Nếu em/anh cảm thấy như vậy thì anh/em xin lỗi”

Theo các nhà tâm lý học, đây là một câu nói mang hàm ý đổ lỗi cho đối phương. Việc bạn nói câu “Nếu em/anh cảm thấy như vậy thì anh/em xin lỗi” sau khi đã nói hoặc làm điều gì đó khiến đối phương cảm thấy không vui, sẽ khiến cho đối phương nghĩ rằng bạn không thực sự cảm thấy có lỗi. Thay vì thẳng thắn nhận lỗi và chấp nhận rằng bản thân đã khiến người khác tổn thương, bạn chỉ đang xin lỗi vì đối phương không thích điều đó. Mặt khác, câu nói này cũng đổ hoàn toàn trách nhiệm lên vai đối phương khi hàm ý rằng việc cảm thấy không vui là lỗi của họ, không phải của bạn. Vậy nên để khiến tình huống trở nên dễ chịu hơn, bạn có thể thay câu nói đó thành “Anh/em xin lỗi vì đã khiến em/anh cảm thấy như vậy” hoặc “Anh/em xin lỗi vì đã nói/ làm điều đó và khiến em/anh buồn”…

5. “Đó không phải chuyện đáng để em/anh buồn như vậy!”

Cặp đôi cãi nhau trong mối quan hệ tình cảm
Ảnh: Pexels/Cottonbro Studio

Mọi người đều có những cách phản ứng khác nhau khi đứng trước khó khăn và thử thách trong cuộc sống, và họ cũng luôn có quyền thể hiện cảm xúc chân thật của mình trước những gì mà họ gặp phải. Việc bạn thể hiện sự cảm thán bằng câu nói “Đó không phải chuyện đáng để em/anh buồn như vậy!” đồng nghĩa với việc bạn cho rằng phản ứng của đối phương là sai trái, khoa trương hoặc phóng đại vấn đề. Đối phương tìm đến bạn để giải tỏa nghĩa là họ mong muốn được bạn lắng nghe, nhưng cách đáp trả như vậy sẽ thể hiện rằng bạn không thật sự cảm thông và thấu hiểu. Dần dần, người ấy thường sẽ cảm thấy cô đơn trong mối quan hệ và không thể thoải mái bộc lộ cảm xúc chân thật của họ. Thay vào đó, để khiến mối quan hệ trở nên gắn kết hơn, hãy thay bằng câu hỏi: “Điều gì về vấn đề này khiến em/anh cảm thấy buồn như vậy?” hay “Em/anh hãy nói rõ hơn và anh/em sẽ giúp đỡ trong khả năng của mình”.


Xem thêm:

• 9 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong mối quan hệ hời hợt

• Làm thế nào để quên đi một mối quan hệ đầy tổn thương và bước tiếp

• 6 dấu hiệu “red flag” nhưng thật ra là “green flag” trong tình yêu


6. “Người yêu của bạn thân em/anh đâu có vậy!”

cặp đôi đi bên nhau trong mối quan hệ
Ảnh: Unsplash/Amy Humphries

So sánh đối phương với người yêu của bạn bè mình chắc chắn không phải là một quyết định đúng đắn bởi mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Hơn nữa, những điều bạn nhìn thấy ở người yêu của bạn bè thường chỉ là bề nổi. Việc đem thế mạnh của người khác để so sánh với hạn chế của người yêu mình là một sự so sánh ích kỷ, đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với đối phương và mối quan hệ của hai người. Vì vậy, thay vì so sánh một cách phiến diện và chủ quan như vậy, hãy thay bằng những câu hỏi giúp hiểu rõ nhau hơn, như “Em/anh có thể giúp anh/em hiểu được điều gì khiến em/anh hành động như vậy không?”

7. “Tại sao anh/em không thể bỏ qua điều này vậy?”

Trong khoảng thời gian yêu đương, đôi lúc sẽ xảy ra một số vấn đề cần nhiều thời gian và công sức để giải quyết triệt để. Việc bạn quyết định hỏi đối phương “Tại sao em/anh không thể bỏ qua điều này vậy?” đồng nghĩa với việc bạn đang chỉ trích và không thể kiên nhẫn với đối phương. Có thể bạn sử dụng mẫu câu này với mong muốn giải quyết vấn đề, nhưng sự thật, câu hỏi này sẽ chỉ khiến đối phương cảm thấy bạn không quan tâm và tôn trọng cảm xúc của người ấy. Nếu bạn thực sự muốn đối phương bỏ qua một điều gì đó, thì một lời đề nghị về một cuộc trò chuyện nghiêm túc có thể sẽ hữu ích hơn. Lời đề nghị có thể là: “Anh/em nhận thấy rằng điều này xuất hiện thường xuyên trong mối quan hệ của chúng ta và anh/em chưa hiểu tại sao vấn đề này lại quan trọng với em/anh như vậy. Em/anh có thể chia sẻ để giúp anh/em hiểu được không?”. Sau đó, việc bạn cần làm là lắng nghe một cách chân thành, nói lời xin lỗi khi cần thiết, và cùng họ giải quyết cốt lõi của vấn đề.

8. “Nếu mà em/anh có thể bình tĩnh hơn thì mọi chuyện đã ổn rồi”

không nên nói trong tình yêu
Ảnh; Unsplash/ Ali Karimiboroujeni

Đôi khi, việc yêu cầu đối phương trở nên bình tĩnh hơn bằng cách nói: “Nếu mà em/anh có thể bình tĩnh hơn thì mọi chuyện đã ổn rồi” sẽ mang đến những tác dụng trái ngược. Câu nói này thường chỉ khiến họ nghĩ rằng bản thân đã và đang hành xử quá đáng và về lâu dài họ sẽ quyết định không chia sẻ cảm xúc thật sự với bạn nữa. Thậm chí việc tệ nhất có thể xảy ra là đối phương sẽ dần rút lui ra khỏi mối quan hệ của cả hai do e ngại việc thể hiện cảm xúc và cố gắng kiềm chế cho đến khi cảm xúc bùng nổ đến mức không thể tha thứ cho bạn được nữa. Vậy nên thay vì dùng những lời nói đó, hãy thể hiện với đối phương rằng bạn có thể cảm nhận được sự thay đổi trong cảm xúc của họ và hỏi xem liệu bạn có thể làm được điều gì cho đối phương hay không. Việc thay đổi cách nói sẽ thúc đẩy sự kết nối của cả hai, khiến cho đối phương cảm thấy bớt cô đơn và giảm đi những cảm xúc tiêu cực, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ trở nên gắn bó và sâu sắc hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Đan Thanh

Tham khảo: Best Life

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)