Lifestyle / Bí quyết sống

10 điều nhỏ bé trong cuộc sống có thể tiết lộ tính cách của bạn

Để hiểu rõ về một người, bạn không nên chỉ suy xét qua lời nói mà còn cần quan sát từ những hành động thường nhật của họ, dù là nhỏ nhất. Những hành vi vô thức của ai đó trong cuộc sống đôi khi lại là tấm gương phản chiếu rõ nhất về bản thân họ.

Thật khó để biết được tính cách của một người chỉ thông qua giao tiếp hay cảm nhận cá nhân, nhưng thông qua mỗi hành động nhỏ – vốn là một phần của ngôn ngữ tính cách, bạn sẽ phần nào hiểu được bản chất thật sự của đối phương… Dưới đây 10 điều nhỏ nhặt tiết lộ tính cách thật của một người.

1. Cách đối xử với nhân viên phục vụ

Theo Tiến sĩ tâm lý Elinor Greenberg, huấn luyện viên trị liệu nổi tiếng tại Mỹ, cho rằng những người thô lỗ và ái kỷ thường xem những người làm ngành dịch vụ (nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên quán cà phê…) có “địa vị thấp hơn”. Vì vậy, khi họ không hài lòng với dịch vụ hoặc bất mãn với điều gì đó, những người này tự cho mình quyền xúc phạm và tấn công các nhân viên phục vụ.

Trong đời sống, cách bạn đối xử với nhân viên phục vụ không đơn giản là một hành động giao tiếp lịch thiệp, chúng còn biểu hiện cho tính cách của bạn. Ví dụ, những ai nhẹ nhàng khi gọi món, thường nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi khi có sơ suất, không chỉ giúp người phục vụ cảm thấy được tôn trọng, mà còn cho thấy họ là người tử tế và có lòng vị tha. Ngược lại, nếu một người thường phàn nàn hay tỏ thái độ gay gắt lại có xu hướng khó gần, thiếu kiên nhẫn.

cô gái tính cách đang ngồi
Ảnh: Unsplash/Janis Dzenis

Mặt khác, nếu bạn sử dụng dịch vụ cùng bạn bè, người yêu hoặc đối tác công việc, điều này còn là một yếu tố quan trọng, góp phần tạo dựng hoặc phá hủy hình ảnh cá nhân của bạn trong mắt họ. Vì vậy, tôn trọng người khác luôn là chuẩn mực tối thiểu trong giao tiếp với các mối quan hệ xã hội. Dù ở bất cứ ngành nghề nào, mỗi người đều xứng đáng nhận được những điều tích cực. Khi bạn biết đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ tỏa ra năng lượng tích cực và ghi điểm trong mắt những người xung quanh.

2. Phản ứng trong tình huống căng thẳng

Hãy thử tưởng tượng, bạn sẽ phản ứng như thế nào khi bất ngờ bị mất việc hoặc gặp trục trặc trong vấn đề tình cảm? Nếu bạn giữ được bình tĩnh, tìm cách giải quyết thay vì hoảng sợ hay đổ lỗi, bạn sẽ là người có khả năng quản lý cảm xúc rất tốt và có tinh thần trách nhiệm cao. Ngược lại, những người nhanh chóng mất bình tĩnh lại xử lý vấn đề kém hơn và dễ gặp phải kết quả không mong muốn. 

cô gái tính cách bình tĩnh
Ảnh: Pexels/Ruxandra Scutelnic

Cuộc sống là một hành trình dài và không phải lúc nào cũng “bằng phẳng”. Thế nhưng, nghịch cảnh xuất hiện vừa là thách thức, vừa là cơ hội quý giá để bạn học hỏi và trưởng thành. Khi bạn dám đón nhận khó khăn, nó sẽ giúp bạn thay đổi trở thành một phiên bản tốt hơn, từng bước tiến gần hơn đến thành công. Do đó thay vì né tránh, bạn hãy cố gắng vượt qua nỗi sợ, dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận thất bại để nhìn thấy những thiếu sót của mình và thay đổi theo hướng tích cực hơn. Về sau, trong một khoảnh khắc bạn nhìn lại những điều đã cản đường bản thân trước đây, có thể bạn sẽ cảm thấy rằng đó không còn là một trở ngại với bạn hiện tại vì bản thân đã trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn rất nhiều.

3. Khả năng quản lý thời gian

Nếu bạn từng ước bản thân có nhiều thời gian hơn 24 tiếng/ngày, có thể bạn cần tham khảo cách quản lý hiệu quả hơn. Chúng ta không thể kéo dài thời gian trong một ngày, nhưng lại có thể sắp xếp và sử dụng nó một cách thông minh bằng cách tối ưu hóa các nhiệm vụ và phân chia công việc hợp lý. 

cô gái tính cách chụp hình
Ảnh: Unsplash/Paige Cody

Khi bạn quản lý thời gian tốt, bạn sẽ hoàn thành mọi việc đúng hạn mà không làm ảnh hưởng đến thời gian của người khác hay tiến độ chung của tập thể. Trong khi đó, những người có xu hướng trì hoãn công việc, đến muộn và bỏ qua các nhiệm vụ mà họ cho là nhàm chán lại thể hiện họ ít có trách nhiệm với công việc của bản thân. Duy trì tính kỷ luật sẽ giúp bạn có một ngày năng suất hơn và không xao nhãng, phân tâm với những tác nhân bên ngoài. Thói quen này còn giúp bạn tạo dựng được lòng tin, trở thành người đáng tin cậy với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình – yếu tố có giá trị lớn cho những cơ hội trong tương lai.

4. Khả năng lắng nghe

Trong giao tiếp, đôi khi lắng nghe một cách chủ động lại đóng vai trò quan trọng hơn cả lời nói, là cách để bạn thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu dành cho đối phương. Chẳng hạn, khi một người bạn chia sẻ khó khăn với bạn, có thể họ không cần một lời khuyên xác đáng mà chỉ cần trút nỗi lòng với những ai họ tin tưởng. Vì vậy, đôi khi chỉ cần lắng nghe một cách chân thành, bạn đã mang lại cảm giác an ủi và kết nối sâu sắc hơn với các mối quan hệ xung quanh. Điều này còn cho thấy bạn là người nhạy bén, tinh tế và dễ dàng đồng cảm với người khác.

cô gái tính cách lắng nghe
Ảnh: Pexels/Koolshooters

Lắng nghe chính là chìa khóa cho những mối quan hệ bền vững. Người biết lắng nghe thường có tính cách cởi mở, quan tâm đến người khác và luôn ham học hỏi. Khả năng lắng nghe không chỉ giúp họ gia tăng kiến thức nền, mở rộng vốn từ và cải thiện kỹ năng đọc hiểu, mà còn nâng cao sự nhạy bén trong giao tiếp. Điều này có thể được giải thích rằng khi bạn thu nhận thông tin từ nhiều chủ đề, hoàn cảnh khác nhau và nghe cách người khác diễn đạt sẽ hỗ trợ kỹ năng đọc hiểu và giao tiếp hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, cảm giác được thấu hiểu và đồng cảm sẽ phần nào xoa dịu nỗi lo lắng, đau khổ của người cần chia sẻ, ngay cả khi bạn không thể đưa ra giải pháp hay lời khuyên cụ thể. Bạn có thể để câu chuyện diễn ra tự nhiên với các cử chỉ như gật đầu, gợi mở thêm câu chuyện, hỏi những thông tin cần thiết và tránh ngắt lời hay phán xét.

5. Khả năng tôn trọng ranh giới cá nhân

Ranh giới cá nhân rõ ràng là yếu tố thiết yếu để bảo vệ thời gian, sức khỏe thể chất và tinh thần và xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Bằng cách xác định rõ giới hạn của bản thân và đặt ra những ranh giới cần thiết, bạn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ưu tiên những điều thực sự quan trọng và mạnh dạn từ chối những điều không phù hợp. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn bảo vệ sức khỏe và giữ gìn năng lượng để tập trung xây dựng cuộc sống hạnh phúc, thành công. Đồng thời, khi tôn trọng ranh giới của người khác, chúng ta không chỉ nhận thức rõ giới hạn khi giao tiếp mà còn có thể điều chỉnh hành vi của mình sao cho cả hai đều thoải mái khi ở cạnh nhau.

cô gái tính cách ngồi bãi biển
Ảnh: Unsplash/Anna Shadricheva

Xem thêm

• 6 thói quen nhỏ giúp bạn gây thiện cảm với những người xung quanh

• 7 điều phụ nữ thanh lịch không chia sẻ lên mạng xã hội

• 7 đặc điểm tính cách khiến bạn trở nên hấp dẫn mà không cần cố gắng


6. Mức độ tự nhận thức

Tự nhận thức là khả năng tập trung vào bản thân để hiểu rõ những hành động, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Người có khả năng tự nhận thức cao thường đánh giá bản thân một cách khách quan, quản lý cảm xúc hiệu quả, điều chỉnh hành vi phù hợp với giá trị cá nhân và không quá bận tâm về cách người khác nhìn nhận về mình. 

cô gái tính cách ngồi gốc cây
Ảnh: Pexels/Megan Ruth

Họ không chỉ am hiểu sâu sắc nội tâm của bản thân, mà còn nhận thức được tác động của những hành vi, lời nói của bản thân lên cảm xúc của người khác. Điều này giúp họ sống có trách nhiệm, biết suy nghĩ cho người xung quanh và dễ nhận ra yếu tố có thể gây tổn thương. Thậm chí trong những tình huống căng thẳng hay xung đột, họ vẫn có thể giữ bình tĩnh và xử lý vấn đề một cách khéo léo, làm dịu bầu không khí căng thẳng và tìm ra giải pháp hợp lý cho vấn đề. Vì vậy, những người này thường trở thành những nhà lãnh đạo tốt, biết cách động viên và dẫn dắt đội ngũ vô cùng hiệu quả.

7. Cách bạn nói và hành xử sau lưng người khác

Không ai thích trở thành chủ đề của một cuộc trò chuyện tiêu cực. Vì vậy, khi bạn không thích một người nào đó, nếu không thể nói những điều tốt đẹp về họ, hãy giữ im lặng. 

cô gái tính cách đang đứng
Ảnh: Pexels/Nina Hill

Cách bạn hành xử trước và sau lưng một người thể hiện mức độ tích cực và sự tử tế của bạn. Trong các mối quan hệ xã hội, nếu có thể, hãy chỉ nói về một người bằng những điều tích cực. Nếu không thể khen ngợi, hãy giữ lập trường trung lập và chỉ đề cập đến những điều khách quan, tránh đưa ra phán xét hay so sánh vì điều này giúp duy trì một không khí giao tiếp tích cực và tôn trọng. Chẳng hạn, nếu trong công ty của bạn có một nhóm thường xuyên “buôn chuyện” về năng lực làm việc hoặc cuộc sống riêng tư của một đồng nghiệp, khi bị cuốn vào cuộc trò chuyện này, bạn nên duy trì thái độ khách quan. Điều này không chỉ giúp bạn tránh những rắc rối về sau mà còn bảo vệ lòng tự trọng của chính mình. Mọi người đều có thể mắc sai lầm và việc đưa ra những nhận xét tiêu cực có thể gây tổn thương sâu sắc cho người khác.

8. Cách bạn đối xử với động vật

Theo nhiều quan niệm phổ biến, một số loài động vật có giác quan nhạy bén và khả năng cảm nhận những rung động, do đó chúng có thể kết nối với thế giới tâm linh một cách sâu sắc hơn so với con người. Ví dụ như chó và mèo thường cảm thấy an toàn, thoải mái khi ở gần những người có năng lượng tích cực, lành tính. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) thường đề cập đến các chủ đề liên quan đến mối quan hệ giữa con người và động vật, trong đó có đề cập những người yêu thương động vật thường có tấm lòng nhân ái, lòng trắc ẩn và khả năng đồng cảm mạnh mẽ. 

cô gái có tính cách yêu thương động vật
Ảnh: Unsplash/Chewy

Ngược lại, những người hành hạ động vật như một thú vui thường có xu hướng liên quan đến các hành vi bạo lực và các vấn đề tiêu cực khác trong cuộc sống. Một số tôn giáo lớn trên thế giới luôn khuyến khích con người yêu thương những loài nhỏ bé hơn và tôn trọng tất cả sự sống. Ví dụ, giáo lý nhà Phật răn dạy các Phật tử về báo ứng (karma) và sự luân hồi – tất cả các sinh vật sau khi mất đi đều có thể được tái sinh trong nhiều hình thức khác nhau. Do đó, cách hành động và cư xử của một người có thể ảnh hưởng đến kiếp sống tiếp theo của họ. Trong đó, việc đối xử tàn nhẫn với động vật là một trong những nguyên nhân lớn khiến báo ứng ngày một chồng chất.

Bên cạnh đó, hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật không chỉ sai trái về mặt đạo đức mà còn có thể gây tổn hại đến danh tiếng và uy tín của một người, dẫn đến cái nhìn tiêu cực từ những người xung quanh. Thực tế, cách chúng ta đối xử với những sinh vật nhỏ bé luôn là một tấm gương phản ánh nhận thức và hành vi của chúng ta trong xã hội.

9. Đạo đức nghề nghiệp

Những đặc điểm trong tính cách của một người như sự trung thực, trách nhiệm, tôn trọng, công bằng… đều góp phần định hình cách họ tiếp cận và xử lý công việc. Điều này đồng thời nói lên được mức độ tận tụy và tinh thần cống hiến của họ. Trong khi, đạo đức nghề nghiệp yêu cầu cá nhân phải đưa ra những quyết định đúng đắn trong các tình huống khó khăn. Những người có phẩm chất tốt sẽ có khả năng đánh giá tình huống một cách khách quan và đưa ra quyết định dựa trên sự công bằng và nhân đạo, thay vì chỉ hành động vì lợi ích cá nhân. 

cô gái tính cách làm việc
Ảnh: Pexels/Aida Cervera

Ngược lại, những người thiếu động lực thường có xu hướng trì hoãn, xao nhãng trong công việc thường khiến người khác cảm thấy khó chịu khi phải làm việc cùng. Ngoài ra, việc không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp còn có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như xung đột trong công việc, mất mát tài chính và thậm chí là hủy hoại sự nghiệp. Để rèn luyện và phát triển các phẩm chất tốt đẹp, bạn có thể thường xuyên tự đánh giá về hành vi và thái độ trong công việc, từ đó cố gắng loại bỏ các thói quen xấu còn tồn tại như: đi muộn, thiếu sự chuẩn bị, trễ deadline… Đồng thời, hãy cố gắng giữ trung thực trong mọi tình huống để tránh những hiểu lầm không đáng có.

10. Phản ứng trước thành công của người khác

Thuyết so sánh xã hội (Social comparison theory) phổ biến của nhà xã hội học Leon Festinger vào năm 1954 cho rằng mọi người thường đánh giá năng lực và thành tựu của mình bằng cách so sánh với người khác. Điều này sẽ dẫn đến cảm giác tự ti và ghen tị khi thấy người khác thành công hơn. Vì vậy, đây có thể là một tình trạng phổ biến nhưng không đồng nghĩa với việc nó không gây hại cho chúng ta. 

cô gái tính cách vui vẻ thành công
Ảnh: Pexels/Yuliia Tretynychenko

Thay vì để cảm xúc tiêu cực xâm chiếm, bạn hãy thử suy nghĩ theo một chiều hướng khác – không có mẫu số chung cho sự thành công. Và nó thường là “quả ngọt” sau nhiều năm nỗ lực, vượt qua vô vàn thử thách. Có thể, thành tựu mà chúng ta thấy được từ người khác chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Đằng sau những kết quả rực rỡ của hiện tại là những thất bại đau đớn, những khó khăn tính bằng tháng năm, những lúc chơi vơi mà không có ai bên cạnh… – những góc khuất mà những người thành công hiếm khi phơi bày. Những người hiểu được bản chất của thành-bại thay vì so sánh với thành tựu của những người xung quanh sẽ không dễ chịu khuất phục. Bởi họ hiểu rằng, mỗi người đều có thời điểm “nở rộ” riêng, không cần so sánh, cũng chẳng cần hổ thẹn trước bất kỳ ai, chỉ cần tập trung vào chính mình, không ngừng học hỏi, hoàn thiện và phát triển bản thân, một ngày nào đó họ có được thứ mà mình mong cầu.  

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Ngân

Tham khảo: Yourtango

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)