Chuyên gia Đoàn Đức Minh: Trong tiết kiệm và quản lý tài chính, thái độ và tư duy là quan trọng nhất

Đăng ngày:

Với mong muốn kết nối, chia sẻ và truyền năng lượng tích cực đến bạn đọc, các biên tập viên của ELLE sẽ có những buổi trò chuyện cùng nhiều nhân vật đến từ nhiều lĩnh vực trong chuỗi chương trình ELLE & SHARE, được phát trực tiếp vào 20h tối thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần tại Instagram @ellevietnam. Ngày 2/7 vừa qua, tập 4 của chương trình đã lên sóng với chủ đề quản lý tài chính cá nhân.

Quản lý tài chính vốn là một thử thách đối với nhiều người. Đại dịch COVID-19 kéo dài lại tạo ra thêm nhiều khó khăn về kinh tế. Chính vì thế, việc tìm ra đáp án cho câu hỏi “Làm thế nào để chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư một cách hiệu quả?” càng trở nên cấp thiết. Hiểu được nỗi lo lắng ấy, vào tối thứ Sáu ngày 2/7, chị Liên Chi – Giám đốc Nội dung của ELLE – đã mang đến cho độc giả một buổi trò chuyện cùng với chuyên gia tài chính Đoàn Đức Minh. 

quản lý tài chính cá nhân

Anh Đức Minh – cố vấn chuyên môn của nền tảng The New Savvy – là một người bạn thân thiết từng đồng hành cùng ELLE trong nhiều sự kiện về tài chính. Trong lần gặp gỡ này với bạn đọc của ELLE, anh đã có nhiều chia sẻ hữu ích xoay quanh chủ đề tài chính cá nhân.

Tài chính cá nhân là gì?

Anh Đức Minh định nghĩa một cách đơn giản: “Tài chính cá nhân là phần tiền mà mỗi người tự quản lý và chịu trách nhiệm”. Theo anh, cuộc sống của mỗi người có 4 bước cơ bản liên quan đến tiền bạc. Đó là kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Chúng ta cần học cách thực hiện các bước kể trên sao cho hiệu quả nhất, và nên học bất cứ khi nào có thể.

quản lý tài chính cá nhân

Ảnh: Pexels / Gustavo Fring

Phân bổ chi tiêu thế nào cho hợp lý?

Trong buổi trò chuyện, chị Liên Chi đã đề cập đến một quy tắc quản lý tài chính cá nhân gọi là 50/30/20. Trong đó, 50% thu nhập hàng tháng sẽ được chi tiêu cho các khoản phí cố định, 30% dành cho sở thích và nhu cầu cá nhân, 20% còn lại dành cho tiết kiệm và đầu tư. Đây là một phương pháp quản lý tài chính phổ biến, nhưng không phải là “đáp số chung”. Bởi lẽ, mỗi người sẽ có thu nhập và những khoản chi phí khác nhau. Tuy nhiên, anh Đức Minh gợi ý bạn có thể dựa vào đó để viết ra một công thức phù hợp nhất. Bản thân anh thường sử dụng quy tắc 5 chiếc chảo do anh tự “chế biến”.

quản lý tài chính cá nhân

Ảnh: Pexels / Helena Lopes

Trong quy tắc này, hai chiếc chảo dành cho chi phí cố định và sinh hoạt sẽ được ưu tiên hàng đầu. Chiếc chảo đầu tiên là chi tiêu cần thiết để duy trì cuộc sống như tiền nhà, tiền điện, tiền nước… Số tiền dành cho chiếc chảo thứ hai sẽ phụ thuộc vào lối sống cũng như sở thích ăn – uống – mặc của mỗi người. Nói chung, chúng ta cần “đầu tư cho bản thân mình trước”.

Ưu tiên thứ ba là chiếc chảo dành cho giải trí, tức là những hoạt động giúp giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh nỗ lực thì một tinh thần vui vẻ cũng giúp chúng ta tăng hiệu quả công việc. Chiếc chảo thứ tư sẽ dùng để duy trì những mối quan hệ xã hội, như tiệc tùng hay đám cỗ. Và chiếc chảo cuối cùng là khoản tiền dự phòng và tích lũy.

Anh Đức Minh không đưa ra một tỷ lệ cụ thể nào cho những chiếc chảo này. Anh khuyên bạn đọc tự đưa ra con số phù hợp với thu nhập của bản thân dựa trên tiêu chí: 

“Cố định là phải hàng đầu,

Sinh hoạt, giải trí, tiếp giao, dự phòng”.

Làm sao tránh được cám dỗ mua sắm?

Trong mùa dịch này, bất kỳ ai cũng đều cảm nhận được sự bấp bênh trong thu nhập. Vì thế, điều trước tiên chúng ta cần làm là thay đổi mức chi tiêu. Anh Minh cho rằng giai đoạn này là cơ hội để bạn nhìn lại và điều chỉnh kế hoạch tài chính, ví dụ như cắt giảm những khoản chi không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lên kế hoạch cho những tình huống xấu nhất trong thời gian sắp tới.

quản lý tài chính cá nhân

Ảnh: Pexels / Mikhail Nilov

Quản lý và điều chỉnh chi tiêu không phải là một việc dễ dàng. Trong thời gian này, chúng ta rất dễ rơi vào “cái bẫy” khuyến mãi của các sàn thương mại điện tử, khiến chi tiêu không những không giảm xuống mà còn tăng cao. Anh Đức Minh đã chia sẻ một chuỗi quy tắc để giúp bạn tránh khỏi chiếc bẫy này.

Quy tắc đầu tiên gọi là 2F, bao gồm function (chức năng) và fashion (xu hướng). Trước khi mua hàng, bạn hãy xác định bản thân đang mua sản phẩm vì lý do nào. Nếu là vì chức năng, bạn có thể tiếp tục thanh toán. Khi bạn chỉ mua vì thấy thích, hãy tự đặt ra câu hỏi không có có không, tức là “Không có thì có sao không?”. Sau câu hỏi ấy, nếu vẫn còn phân vân, bạn có thể áp dụng thêm quy tắc 72 giờ. Hãy để sản phẩm muốn mua vào giỏ hàng và chờ trong ba ngày. Sau thời gian chờ đợi, nếu bạn vẫn muốn có sản phẩm ấy thì hãy mua nó. Theo anh Đức Minh, việc thực hiện lần lượt ba bước kể trên sẽ giúp ham muốn mua sắm nhất thời vơi đi rất nhiều.

Nhìn chung, anh Đức Minh quan niệm kỷ luật bản thân là tiêu chí hàng đầu trong quản lý tài chính cá nhân. Bản thân anh không ủng hộ việc tham gia các khóa học “làm giàu”. Anh khuyên chúng ta đọc sách, soi chiếu mình trong đó và rút ra những bài học về thái độ và tư duy. Anh khẳng định: “Đối với vấn đề tài chính, thái độ và tư duy là quan trọng nhất”. 

Đâu là kênh tiết kiệm phù hợp nhất?

Tiết kiệm là một vấn đề tài chính nhận được rất nhiều sự quan tâm. Chia sẻ về cách tiết kiệm hiệu quả, anh Đức Minh khuyên bạn tự đặt ra nguyên tắc với bản thân. Nếu bạn có ý định tích lũy 10% thu nhập hàng tháng, hãy bỏ ngay phần tiền ấy sang một bên sau khi nhận lương và chi tiêu trong phần còn lại. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ tiết kiệm khoản tiền dư sau khi chi trả mọi chi phí. Tuy nhiên, theo anh Đức Minh, cách làm này rất khó thành công.

quản lý tài chính cá nhân

Ảnh: Pexels / Vlada Karpovich

Trong buổi trò chuyện, chị Liên Chi cũng chia sẻ một thắc mắc chung của nhiều bạn đọc là “Làm thế nào để lựa chọn được cách tiết kiệm tốt nhất cho mình?”. Theo anh Đoàn Đức Minh, để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần phải biết mình là ai. Thông qua kiểm tra tâm lý, các chuyên gia tài chính sẽ giúp bạn xác định mình là người thích rủi ro, ngại rủi ro hay trung tính với rủi ro. Bạn có thể thử tìm kiếm và thực hiện các bài kiểm tra khẩu vị rủi ro trên mạng. Sau đó, chúng ta mới tiến hành lựa chọn kênh tiết kiệm phù hợp.

Gửi ngân hàng là một trong những kênh tiết kiệm được nhiều người tin tưởng nhất. Đây thực chất là một kênh đầu tư thụ động, nghĩa là chúng ta chỉ cần “ngồi yên” mà tiền vẫn sinh lời. Vì vậy, nó rất thích hợp với những ai ngại rủi ro. Ngoài ra, việc mua và trữ vàng cũng là một phương án đầu tư thụ động mà bạn có thể cân nhắc. Tuy nhiên, anh Đức Minh khuyên chúng ta không nên dự trữ ngoại tệ vì dễ phát sinh các vấn đề ngoài ý muốn.

Thế nào là đầu tư thông minh?

Khi nói về đầu tư, chúng ta thường nghĩ đến các sàn chứng khoán. Ở đây, trái phiếu an toàn nhưng mang về ít lợi nhuận hơn cổ phiếu, và ngược lại. Bạn có thể cân nhắc, lựa chọn theo sở thích. Đây là các kênh đầu tư chủ động, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro. Nhìn chung, để đầu tư chứng khoán hiệu quả, bạn cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, đánh giá sáng suốt và tâm lý vững vàng. Bên cạnh đó, một số bạn đọc cũng quan tâm đến đầu tư chứng quyền. Chia sẻ quan điểm cá nhân, anh Đức Minh nhận xét nó sẽ là kênh đầu tư hiệu quả khi bạn có kiến thức vững chắc về thị trường cơ sở. Ngược lại, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Mặt khác, nếu chưa hiểu rõ thị trường hoặc không muốn có quá nhiều rủi ro, bạn nên lựa chọn những phương án đơn giản hơn. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe kết hợp với đầu tư tài chính. Anh Đức Minh cho rằng đây là một kênh đầu tư nên dùng, vì bạn sẽ có sự đảm bảo ở cả hai mặt tài chính và sức khỏe. Loại sản phẩm này cũng phù hợp với những ai có khẩu vị rủi ro ở mức trung bình.

quản lý tài chính cá nhân

Ảnh: Pexels / Mikhail Nilov

Trước đây, người ta thường nghĩ chỉ có người giàu mới “đi đầu tư”. Trái với suy nghĩ đó, nhiều bạn trẻ chưa mạnh về tài chính, đặc biệt là sinh viên, cũng bắt đầu quan tâm đến đầu tư trong thời gian gần đây. Theo anh Đoàn Đức Minh, các bạn sinh viên nên xem đầu tư là một cách tìm hiểu thị trường và tích lũy dài hạn, không phải công cụ kiếm tiền. Bạn nên phân tán thu nhập vào nhiều kênh khác nhau như chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hay cổ phiếu. Ngoài ra, hãy lựa chọn các công ty mà bạn có thể thấy được, sờ được sản phẩm. Thông qua đó, bạn có thể biết dòng tiền của mình đang “chảy” về đâu. Quá trình tự tìm hiểu này sẽ giúp bạn kết luận được đâu là kênh đầu tư hiệu quả nhất, cũng như phù hợp với bản thân bạn nhất. Anh Đức Minh khẳng định: “Hiểu được mình là quan trọng nhất trong đầu tư”.

Gợi ý của chuyên gia Đoàn Đức Minh

Những cuốn sách về tài chính cho người mới bắt đầu

Cha giàu, cha nghèo – Robert Kiyosaki

Suy nghĩ và làm giàu – Napoleon Hill

Nhà đầu tư thông minh – Benjamin Graham

Các ứng dụng quản lý tài chính hiệu quả

Money Lover

Sổ thu chi MISA (MISA Money Keeper)

Microsoft Excel

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Uyên

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more