Doanh nhân Hà Linh: “Chia nhiều khoản để chi đúng chỗ”
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 8/2018] Đối với doanh nhân Hà Linh, cô luôn chia nhỏ các khoản tiền để có thể quản lý tài chính hiệu quả nhất.
Theo chị, phụ nữ độc thân và phụ nữ đã kết hôn, nhu cầu chi tiêu có thay đổi không?
Tôi nghĩ nhu cầu sẽ khác nhau – vì phụ nữ độc thân chưa có sự vướng bận nhiều về gia đình, con cái – nên quản lý tài chính sẽ được thoải mái hơn. Còn khi đã có gia đình rồi, mọi thứ mình sẽ tính nhiều hơn đến việc đầu tư sinh lời, như con cái, học hành của con, quản lý tài chính của gia đình, hai bên gia đình nội ngoại.
Quản lý tài chính cá nhân và quản lý tài chính gia đình có những điểm khác biệt như thế nào, làm sao để chúng ta có thể “rạch ròi” và cân bằng hai việc ấy?
Với tôi, là một người làm kinh doanh, quản lý tài chính cá nhân cũng sẽ là quản lý chi tiêu riêng gồm mua sắm, học tập, du lịch, đầu tư kinh doanh. Còn với gia đình sẽ liên quan đến việc chi tiêu như biếu bố mẹ hai bên, du lịch gia đình, tích lũy cho con cái về sau trong giai đoạn nuôi con. Khi đã xác định rõ từ đầu việc cần chi, tự bản thân quản lý tài chính sẽ được “rạch ròi”. Còn để cân bằng thì sẽ căn cứ vào ngân sách của mỗi gia đình, cũng như sự “tinh tế” của người phụ nữ để biết việc gì cần dành mức chi tiêu thế nào cho phù hợp. Quan trọng là cần nằm trong kế hoạch tài chính hay kế hoạch tài chính dự phòng.
Khi đã lập gia đình, giống như chúng ta “góp gạo thổi cơm chung” thì quỹ tiền cũng nên quy về một mối. Tuy nhiên, chị nghĩ sao khi có những quan điểm khác cho rằng phụ nữ nên độc lập về tài chính?
Với gia đình tôi, vợ chồng đều làm kinh doanh. Hai vợ chồng tôi độc lập tài chính, nhưng đều thống nhất sẽ cùng góp vào một khoản cố định gọi là quỹ chung của gia đình, còn mỗi người vẫn có khoản tiền riêng của mình để tự chủ chi tiêu, kinh doanh…
Có một nguyên tắc nào trong việc quản lý tài chính mà chị đang thực hiện không? Chị có thể chia sẻ cho mọi người chứ?
Có một nguyên tắc là mình không đầu tư hết hay đi vay để đầu tư vào một việc làm ăn. Thay vào đó, mình luôn chia thành nhiều khoản: khoản cho đầu tư kinh doanh; khoản cho đầu tư tích lũy như mua nhà, khoản cho sức khỏe y tế (bảo hiểm hàng năm) và khoản cho du lịch hưởng thụ, mua sắm.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
—
Xem thêm:
Khám phá 50 bí quyết làm đẹp giúp bạn tiết kiệm tiền bạc và thời gian (phần 2)
Thực hiện phỏng vấn: Nana Phạm
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE