Nunchi – Bí quyết đọc vị cảm xúc của người Hàn Quốc
Ngày nay, thấu hiểu suy nghĩ, cảm nhận của người khác là một kỹ năng vô cùng quan trọng và cần thiết. Nắm vững bí quyết nunchi của người Hàn Quốc, bạn có thể nâng cao trí tuệ cảm xúc của mình, từ đó xây dựng sự nghiệp thành công và sống một cuộc đời hạnh phúc.
Nếu bạn đã quen thuộc với phương châm ấm cúng (hygge) của Đan Mạch, triết lý cân bằng (lagom) từ Thụy Điển và nghệ thuật tôn trọng vẻ đẹp không hoàn hảo (wabi-sabi) của Nhật Bản thì nunchi từ Hàn Quốc sẽ là cụm từ yêu thích tiếp theo trong từ điển phong cách sống thú vị của bạn. Hiểu một cách đơn giản, nunchi là chuẩn mực ứng xử thể hiện trí tuệ cảm xúc của người Hàn trong cuộc sống thường ngày.
Khái niệm nunchi của Hàn Quốc
Nunchi phát âm là “noon-chi” với ý nghĩa “thước đo mắt”. Đây là khái niệm độc đáo được tác giả Euny Hong lần đầu giới thiệu trong cuốn Sức mạnh của nunchi: Bí mật hạnh phúc và thành công của Hàn Quốc. Theo cô, nunchi là nghệ thuật đo lường suy nghĩ, cảm xúc của người khác một cách tinh tế và cư xử đúng mực nhằm kiến tạo niềm tin, sự kết nối và hòa hợp.
Khi giao tiếp, người Hàn Quốc tận dụng mọi giác quan trong việc lắng nghe, cảm nhận và đánh giá tâm trạng của người đối diện. Họ sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ để truyền đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình. Trong các cuộc gặp gỡ, những điều ngầm hiểu cũng quan trọng như những lời được nói ra. Người có nunchi tốt thường tin tưởng vào ấn tượng đầu tiên của họ dành cho một người nào đó. Dựa trên trực giác nhạy bén và sự quan sát tinh tường, họ có thể nắm bắt tốt cảm xúc của đối phương, đồng thời biết cách phản ứng linh hoạt.
Nunchi thực chất là một kỹ năng mềm. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và rèn luyện. Người Hàn không nhận xét một người có nunchi tốt hay tệ mà có nunchi nhanh hay chậm. Vì vậy, nunchi không bị giới hạn bởi tuổi tác, giới tính, tiền bạc hay quyền thế. Trên thực tế, đây được xem là “vũ khí bí mật” của những người yếu thế trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt là phụ nữ và các dân tộc thiểu số. Người dân xứ sở kim chi cho rằng, nunchi chính là chìa khóa thành công, mở ra một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Nguồn gốc của triết lý nunchi
Khái niệm này xuất hiện vào khoảng 2.500 năm trước, khi các học thuyết Nho giáo của Trung Quốc được truyền bá rộng rãi tại xứ sở kim chi. Những lời giáo huấn của Khổng Tử về cung cách ứng xử trọng lễ nghĩa, thứ bậc nhanh chóng trở thành giá trị nền tảng của nền văn hóa Hàn Quốc suốt nhiều thế kỷ.
Ngày nay, nunchi là chuẩn mực quan trọng trong đời sống xã hội ở quốc gia này. Để được yêu mến, gặt hái thành công cũng như bảo vệ bản thân khỏi những xung đột không đáng có, mỗi người dân Hàn Quốc đều tôn trọng và thực hành nunchi trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, trong thời đại mà Line, Facebook và LinkedIn phát triển mạnh mẽ như hiện nay, người Hàn vẫn tuân thủ đầy đủ lễ nghĩa khi trao đổi danh thiếp. Họ luôn cúi chào nhau, trao và nhận danh thiếp bằng hai tay một cách lịch sự rồi đọc sơ và nhẹ nhàng cất vào ví. Hành động này cho phép hai bên thể hiện nunchi của mình trong việc tạo lập mối quan hệ.
Thực hành nunchi trong cuộc sống
Nunchi không chỉ phù hợp với một đất nước có nền văn hóa lâu đời như xứ sở kim chi mà còn cực kỳ cần thiết trong cuộc sống hiện đại, bởi khả năng thích ứng linh hoạt sẽ giúp bạn cân bằng cuộc sống, cải thiện mối quan hệ và thành công trong sự nghiệp. Để thực hành nunchi, tất cả những điều bạn cần là cặp mắt tinh anh, đôi tai nhạy bén và tâm trí tĩnh lặng.
Với triết lý quan sát, lắng nghe người khác thay vì chăm chăm khẳng định bản thân, nunchi nhắc nhở chúng ta chú tâm hơn vào bầu không khí chung của cuộc trò chuyện. Kiên nhẫn lắng nghe là một trong những yếu tố quan trọng của nghệ thuật nunchi. Nếu chờ đợi đủ lâu, bạn sẽ biết được đáp án mà không cần mở lời.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên bình tĩnh quan sát và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Theo một nghiên cứu từ Đại học California tại Los Angeles, việc gọi tên các cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta hạn chế tác động của sự giận dữ, bất mãn, uất ức, chán nản, buồn bã… lên cách cư xử của mình. Điều này giúp bạn tập trung hơn vào cảm nhận của những người xung quanh.
8 quy tắc nunchi của người Hàn Quốc trong một cuộc gặp gỡ
1. Giữ gìn tâm trí khách quan và tĩnh lặng
Khi giao tiếp, chúng ta nên tự dọn sạch tâm trí của mình. Những định kiến cố hữu có thể khiến góc nhìn của bạn trở nên phiến diện và lệch lạc. Vì vậy, hãy lùi lại một bước, hít thở thật sâu để đầu óc được thư giãn và sáng suốt nhé!
2. Ghi nhớ tầm quan trọng của sự quan sát
Khi bước vào một căn phòng, bạn đang làm nơi đó thay đổi. Sự hiện diện của bạn có thể chi phối và thay đổi không gian dù bạn không làm bất cứ điều gì. Do đó, bạn nên cảm nhận ảnh hưởng của mình đối với môi trường xung quanh bằng cách quan sát kỹ lưỡng.
3. Nhìn quanh căn phòng
Khi bước vào một căn phòng, chúng ta nên xác định rõ căn phòng này bao gồm những ai, bối cảnh như thế nào, ai đang nói chuyện, ai đang lắng nghe, ai đang tự tin, ai đang rụt rè. Từ đó, chúng ta có thể đánh giá tương đối chính xác thứ bậc cũng như mối quan hệ thân sơ giữa nhóm người đó để đưa ra quyết định hành xử phù hợp. Ví dụ, nếu mọi người đang trò chuyện vui vẻ, hãy mỉm cười tiếp lời. Nếu họ đang căng thẳng, bạn nên giữ im lặng hoặc thận trọng trong lời ăn tiếng nói.
4. Giữ im lặng khi có thể
Nếu chờ đợi đủ lâu, bạn sẽ nhận được câu trả lời mong muốn. Đây chính là bí quyết của các cuộc đàm phán thành công mà người Hàn Quốc truyền tải thông qua nghệ thuật nunchi. Ví dụ, nếu bạn đang bàn bạc công việc với khách hàng và nhận được lời đề nghị chưa ưng ý, đừng nói gì cả, hãy cứ kiên nhẫn lắng nghe.
5. Cư xử khéo léo
Để rèn giũa nunchi, chúng ta nên suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động, hay “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” theo cách nói dân gian của người Việt. Ví dụ, trên bàn tiệc, nếu muốn dùng ly nước bên phải thay vì bên trái, hãy đảm bảo rằng bạn không lấy nhầm ly nước của người bên cạnh nhé!
6. Đọc vị suy nghĩ
Trong văn hóa giao tiếp Á Đông, không phải ai cũng thẳng thắn bộc lộ những điều họ nghĩ. Vì một số lý do tế nhị, nhiều người thường kín đáo thể hiện mong muốn thông qua ngôn ngữ cơ thể. Đây chính là lúc bạn vận dụng nunchi của mình để “thu phục lòng người”. Hãy đặt mình vào vị trí của họ, xem xét bối cảnh cuộc trò chuyện và chú ý mọi cử chỉ của đối phương để đưa ra phán đoán chính xác.
7. Không gây ra những tình huống khó xử
Bằng trực giác cũng như khả năng quan sát của mình, lúc phát hiện ra các thông điệp ngầm từ người đối diện, bạn nên xử lý tình huống thật khôn ngoan. Khi ghé thăm một người họ hàng, nếu cảm thấy không được chào đón thì bạn nên tìm lý do chính đáng rồi nhanh chóng rời đi. Có lẽ, đây không phải là thời điểm phù hợp. Trong trường hợp này, nếu bạn tiếp tục ở lại thì cuộc trò chuyện sẽ trở nên rất khó xử và ngượng ngùng.
8. Phản ứng nhanh chóng
Sau khi thu thập đầy đủ thông tin và xác định hướng giải quyết vấn đề, bạn nên phản ứng thật nhanh chóng, linh hoạt. Ví dụ, trong một buổi họp lớp, lúc bạn bè nhắc đến những hiềm khích xưa cũ và có xu hướng tranh cãi, bạn nên chủ động thay đổi đề tài để hạn chế mâu thuẫn không đáng có.
Lược dịch: Xuân Mai
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Mind Body Green