Dọn dẹp nhà cửa đón Tết: 19 vật dụng phải “xử lý” ngay lập tức
Những ngày cận Tết, mệt mỏi nhất vẫn là dọn dẹp nhà cửa!
Có rất nhiều món đồ đã cũ, hư hỏng hoặc không còn giá trị sử dụng mà các bà, các mẹ vẫn thường “tích trữ” trong nhà như một thói quen. Điều này gây nên không ít phiền toái mỗi khi dọn dẹp. Hãy học cách tái chế, thậm chí vứt bỏ những thứ “vô dụng” sau đây để công cuộc dọn nhà ngày Tết có hiệu quả và hợp lý hơn.
1. Móc treo quần áo cũ
Các móc treo rẻ tiền thực sự gây hại cho quần áo. Móc treo bằng kim loại mỏng như nhôm, sắt dễ bị biến dạng sau một thời gian sử dụng, dễ tuột hoặc rơi đồ, đồng thời khiến cho lớp vải bị xù xì hoặc dính các mảng gỉ sét. Còn móc nhựa kém chất lượng thì mau giòn, gãy và rơi vụn nhựa lên quần áo. Đừng ngần ngại “bán đồng nát” đống móc treo cũ và thay bằng móc gỗ, nhựa cao cấp hoặc inox để sử dụng được lâu và an toàn hơn.
2. Giày dép cũ
Giày cũ không những khó đi, gây ảnh hưởng đến gan bàn chân mà trong giày còn tích tụ nhiều vi khuẩn, để lâu ngày sẽ không tốt cho bạn. Hãy thay giày thể thao ngay khi nhận ra dấu hiệu mòn cũ để bảo vệ cho đôi chân bạn.
3. Chai lọ rỗng
Tuyệt đối không tái sử dụng chai lọ bằng nhựa để đựng thức ăn vì các hạt vi nhựa có thể phơi nhiễm và lẫn vào thức ăn. Thay vào đó, bạn có thể dùng chai lọ nhựa để đựng đồ khô hoặc trồng cây.
Chai lọ bằng thủy tinh có thể tái sử dụng để đựng thực phẩm, nước uống… Nếu khéo tay một chút, bạn cũng có thể tận dụng chúng để làm lọ cắm hoa hoặc trang trí nhà cửa cùng với đèn.
Một mẹo nhỏ dành cho bạn là hãy tái sử dụng các loại chai lọ có kiểu dáng đẹp, kích thước, màu sắc đồng đều. Còn lại, đừng ngần ngại tẩu tán đống chai lọ cũ. Chai lọ cũ để trong nhà sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và hơn thế, chúng sẽ khiến cho không gian nhà bạn thêm chật chội.
4. Quần áo cũ mà bạn chẳng bao giờ động đến
Hãy soạn lại tủ quần áo. Có bao nhiêu quần áo mà bạn chẳng bao giờ mặc đến? Quyên góp chính là một cách hợp lý để không lãng phí những món đồ mà nhiều người vẫn cần. Nếu quần áo đã quá cũ, bạn có thể cắt nhỏ để làm khăn lau bếp, bện thành thảm chùi chân hoặc lót ổ cho thú cưng.
5. Đồ chơi cũ
Cũng giống quần áo, hãy mang chúng làm từ thiện hoặc để dành cho những đứa trẻ họ hàng cần chúng hơn. Nếu không, bạn cũng có thể “biến hóa” một chút để chúng trở thành món đồ decor độc đáo.
6. Mỹ phẩm hết hạn
Đa số chị em thường có thói quen giữ mỹ phẩm mãi trong tủ dù ít dùng đến, ngay cả khi chúng đã hết hạn. Đừng tiếc rẻ bởi mỹ phẩm không còn hạn sử dụng thực sự gây hại cho làn da của bạn.
7. Thuốc hết hạn
Hẳn nhiên, những loại thuốc đã qua hạn sử dụng chắc chắn sẽ khiến cho sức khỏe của bạn tổn hại thêm nữa. Hãy dọn dẹp lại ngăn tủ và vứt ngay những lọ thuốc hết hạn. Nếu có mua mới, hãy cân nhắc số lượng vừa đủ dùng.
8. Bàn chải đánh răng mòn cũ
Nhiều người thường sử dụng bàn chải đánh răng cho đến khi bàn chải tòe đầu và không thể sử dụng được nữa. Điều ấy vô cùng bất lợi cho sức khoẻ răng miệng, bởi nhà vệ sinh là nơi vi khuẩn rất dễ sinh sôi, đồng thời bàn chải cũ mòn không còn tác dụng làm sạch nữa. Theo khuyến cáo từ nha sĩ, bạn nên thay bàn chải 3 tháng một lần. Bàn chải cũ có thể tận dụng để chà các kẽ nhỏ trên bồn rửa mặt hoặc các ngóc ngách trong nhà tắm.
9. Đồ ăn thừa trong tủ lạnh
Với những thực phẩm dễ hỏng có nguồn gốc động vật, nguyên tắc hàng đầu là phải ăn, vứt, hoặc cấp đông sau 3 ngày. Vi khuẩn Listeria có thể gây ra nhiều hậu quả đáng sợ như viêm màng não, sảy thai và thậm chí là chết người. Vi khuẩn này có thể sinh sôi nảy nở lên tới hàng triệu trong một tuần ở nhiệt độ của ngăn mát tủ lạnh. Nhớ dọn dẹp tủ lạnh thường xuyên vì đây chính là nơi lưu trữ thực phẩm của cả gia đình.
10. Băng đĩa cũ
Mặc dù không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng băng đĩa không dùng từ lâu có thể khiến cho căn phòng của bạn bừa bộn và chật hẹp. Năm 2018, hãy dọn dẹp và vứt chúng đi nếu thấy không cần thiết nhé!
11. Miếng mút rửa chén
Nghiên cứu cho thấy miếng mút trong bếp là thứ chứa nhiều mầm bệnh nhất trong nhà. Tốt nhất là hãy giặt miếng mút thật sạch và phơi khô sau khỉ rửa chén và thay miếng mới sau khoảng từ 1 – 2 tháng sử dụng.
12. Bình đựng nước
Bình nước để lâu sẽ đóng cặn ở đáy và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Bạn nên thường xuyên lau rửa bình nước và thay bình mới ngay khi thấy dấu hiệu lạ. Bình thủy tinh hoặc inox sẽ có tuổi thọ lâu hơn và cũng an toàn cho sức khỏe hơn bình nhựa. Hãy thử tái chế chúng trước khi quyết định có vứt đi hay không nhé.
13. Những tấm card cũ
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy card visit, danh thiếp nhà hàng, khách sạn, thẻ học viên, thẻ ngân hàng cũ, và hằng hà sa số các loại thẻ mà bạn đã không còn để ý từ lâu… chất đống trong tủ, trên kệ. Nhân dịp này, hãy lọc lại các loại thẻ còn cần thiết và dọn dẹp những cái còn lại đi nhé!
14. Dây sạc điện thoại cũ và hư hỏng
Nhiều người thường hay cất giữ những dây sạc đã cũ dù chẳng còn mục đích sử dụng. Lẽ dĩ nhiên là bạn không thể sạc chiếc điện thoại Iphone mới nhất với dây sạc Nokia cũ mèm đúng không?
15. Báo cũ
Trừ khi bạn cần lưu trữ những thông tin cần thiết, còn không hãy tái chế hoặc dọn dẹp chúng đi để làm sạch không gian của bạn.
16. Tất và đồ lót cũ
Bạn nên thay tất và đồ lót thường xuyên bởi chúng dễ dàng gây bệnh cho bạn, đặc biệt những chiếc tất hay đồ lót đã sờn cũ.
17. Hóa đơn
Không hiểu sao các bà các mẹ thường gom các loại hóa đơn thành từng xấp và giữ mãi trong tủ. Để làm gì nhỉ, bạn sẽ không cần phải chi trả cho các loại hóa đơn hai lần? Vậy tại sao không dọn dẹp chúng đi?
18. Túi nilon hoặc túi đựng đã qua sử dụng nhiều lần
Tất nhiên, tái chế thì thuyết phục hơn là lưu trữ chúng trong nhà hàng năm trời. Không nên tái sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm, thay vào đó, bạn có thể dùng để phân loại rác. Tuy nhiên, trong năm mới, hãy đặt mục tiêu hạn chế sử dụng túi nilon và thay bằng túi vải, túi cói để thân thiện với môi trường hơn nhé!
Xem thêm:
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/Ảnh: Tổng hợp)