6 mẹo hữu ích để dọn dẹp những vật dụng không cần thiết
Bỏ đi những vật dụng không cần thiết là một trong những cách dọn dẹp nhà cửa hiệu quả, giúp không gian sạch sẽ, gọn gàng hơn.
Ngoài thư giãn và dành thời gian nghỉ ngơi, việc dọn dẹp và thanh lọc không gian sống sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc giảm bớt căng thẳng và nâng cao chất lượng sống.
Cách đơn giản nhất là hãy bắt đầu với việc loại bỏ những vật không cần thiết. Theo nhiều chuyên gia, việc này mang lại vô số lợi ích từ thể chất đến tinh thần. Giảm số lượng đồ đạc không những giúp bạn hạnh phúc hơn, giảm bớt suy nghĩ mà còn giúp không gian sống trở nên gọn gàng và sạch sẽ hơn.
Dưới đây là 6 mẹo hữu ích để loại bỏ đồ đạc mà bạn có thể tham khảo.
1. Lên kế hoạch cho việc dọn dẹp
Lên kế hoạch dọn dẹp và phân chia thời gian hợp lý là một trong những mẹo cơ bản giúp bạn dọn dẹp nhà cửa dễ dàng hơn. Trong công việc hằng ngày, nếu có danh sách những công việc cần phải hoàn thành, bạn sẽ có động lực để thực hiện nhiều hơn và dễ dàng kiểm soát tiến độ làm việc. Tương tự như vậy, nếu lên kế hoạch chi tiết những nơi cần xử lý, sắp xếp thứ tự ưu tiên, bạn sẽ nắm được bức tranh toàn cảnh, hình dung rõ đâu là việc mình nên làm.
2. Vứt bỏ những vật dụng không cần thiết
Hãy bắt đầu dọn dẹp nhà cửa bằng việc loại bỏ các sản phẩm hết hạn sử dụng, giấy tờ, biên lai cũ, đồ vật bị hư hỏng, rác… Đây là bước cơ bản nhất để giảm bớt số lượng đồ dùng tích trữ trong không gian sống của bạn. Những món đồ nêu trên đều là những vật đương nhiên phải bỏ đi, bạn sẽ dễ dàng ra quyết định và tạo tiền đề để thực hiện những bước tiếp theo. Việc này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về những vật dụng bạn đang có và khiến không gian trở nên ngăn nắp, rộng rãi hơn.
3. Phân loại
Có rất nhiều cách phân loại khác nhau mà bạn có thể tham khảo. Để tối ưu việc dọn dẹp, phân loại đồ đạc theo tần suất sử dụng sẽ giúp bạn nắm rõ được số lượng hiện có và nhận ra tầm quan trọng của mỗi món đồ. Bạn có thể chia như sau: nhóm cần thiết và sử dụng hàng ngày, nhóm ít sử dụng, nhóm hầu như không sử dụng. Việc lấy tất cả đồ đạc có trong tủ và sắp xếp lại theo một trình tự nhất định sẽ khiến mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng hơn, tạo nhiều không gian trống. Thông qua đó, bạn sẽ phải đưa ra lựa chọn nhiều hơn và cũng hiểu rõ hơn về thói quen sống, cách sinh hoạt của bản thân. Bên cạnh đó, việc phân loại theo chức năng, kiểu dáng cũng là một cách giúp bạn chia nhỏ nhiều phần đồ để dễ dàng chọn lọc.
4. Mạnh tay loại bỏ
Sau khi phân loại, bạn nên lọc tiếp một lần nữa với từng món đồ. Nếu bạn có tâm lý dự phòng như “một lúc nào đó mình sẽ cần…” thì hãy mạnh tay vứt bỏ, đặc biệt là với quần áo. Có những sản phẩm bạn sẽ không sử dụng nhiều như bạn nghĩ. Để tránh lãng phí, bạn có thể tái sử dụng bằng cách đem quần áo tới các cửa hàng thanh lý, ký gửi hoặc những tổ chức từ thiện. Làm như vậy sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của quần áo và hạn chế rác thải ra ngoài môi trường. Tập thói quen bỏ bớt đồ đạc và chỉ giữ lại các vật dụng cơ bản sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong phong cách sống cũng như suy nghĩ.
5. Thay đổi suy nghĩ
Nhiều người thường lầm tưởng việc loại bỏ đồ đạc là việc làm cực đoan, loại bỏ mọi thiết bị ra khỏi không gian sống. Thế nhưng, bỏ bớt đi những vật dụng không cần thiết chỉ đơn giản là việc tối ưu những đồ vật thực sự cần thiết và giữ cho nhà cửa luôn gọn gàng, ngăn nắp. Bên cạnh đó, nếu việc vứt bỏ quá nhiều đồ cùng một lúc có đôi chút khó khăn với bạn, hãy tập thói quen sau trong 30 ngày. Mỗi ngày bạn hãy cố gắng loại bỏ một món đồ bạn không còn thực sự dùng. Sau một thời gian, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng trong phong cách sống và suy nghĩ. Mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều.
6. Tập thói quen quản lý chi tiêu
Khi biết cách quản lý tài chính cá nhân một cách logic và rõ ràng, cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chia nhỏ nguồn thu nhập, đưa ra hạn mức và cam kết với bản thân là một trong những cách tiết kiệm chi tiêu hiệu quả. Đây là một trong những kỹ năng cần thiết và thói quen lâu dài giúp bạn duy trì được số lượng đồ vật hiện có, đồng thời hạn chế việc mua sắm nhiều vật dụng không cần thiết.
Bài: Bich Ngoc Hoang
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Marketwatch