Lifestyle / Bí quyết sống

Đừng chủ quan khi sếp bạn nói câu này nơi công sở

Ở bất cứ môi trường làm việc nào, bạn đều có thể gặp tình huống khi sếp nói “Cứ xem mà làm đi”, câu nói này khiến không ít người đinh ninh rằng sếp hoàn toàn giao phó quyền xử lý vấn đề cho mình.

Kỳ thực, rất nhiều trường hợp không hề như bạn nghĩ. Đọc – hiểu được “ý đồ” thật sự trong câu nói của sếp nơi công sở là chuyện không hề dễ dàng, nếu không đủ tinh ý và khéo léo, bạn sẽ dễ phạm sai lầm nghiêm trọng sau câu nói này đấy. 

“Anh/chị cứ xem mà làm” không đồng nghĩa “Hãy làm theo cách của anh/chị”

Kỳ thực, không có vị lãnh đạo nào lại muốn lãng phí sức lực và thời gian để “đùa” với bạn khi nói ra những câu nói mang nhiều hàm ý. Nếu câu nói này thốt ra từ miệng sếp và bạn không hiểu được ý muốn thật sự trong đó thì vấn đề không phải xuất phát từ sếp mà là bạn không đủ khả năng thấu hiểu. Nếu sếp thật sự tán thành cách nghĩ của bạn thì ngay khi bạn đề xuất kiến nghị hay giải pháp cho công việc, chắc chắn sếp sẽ nói trực tiếp, chẳng hạn như: “Ý kiến của anh/chị rất hay, vậy thì hãy theo cách đó mà xử lý vấn đề nhé”. Còn khi sếp phải nói câu: “Anh/chị cứ xem mà làm” thì gần như lại mang ý “Chuyện đó phải làm như thế nào là do anh/chị tự cân nhắc để xử lý cho phù hợp”.

Đừng chủ quan khi sếp bạn nói câu này nơi công sở

Hãy thật thận trọng khi nghe câu này từ sếp

Nếu sếp đã nói rằng bạn cần cân nhắc để tìm giải pháp giải quyết vấn đề có nghĩa là lãnh đạo yêu cầu bạn phải tự nỗ lực động não để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ và có giao phó tốt nhất cho sếp. Nếu ngay khi nghe câu nói này mà bạn lập tức dạ dạ vâng vâng rồi cứ ngang nhiên làm việc theo ý chủ quan của mình, chắc chắn kết quả sẽ cực kỳ bất lợi cho bạn. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật kỹ công việc mà bạn đang nắm giữ, xem xét vấn đề nan giải nằm ở đâu và phải giải quyết thế nào cho tốt đẹp nhất, điều này đòi hỏi bạn phải bỏ ra rất nhiều tư duy và công sức chứ không hề đơn giản như câu “Anh/chị cứ xem mà làm”.

Đối diện với câu nói “Anh/chị cứ xem mà làm” cần phân tích tình huống để tìm đối sách:

Tình huống thứ 1

Chuyện mà bạn thỉnh thị ý sếp vốn là chuyện lúc bình thường vẫn hay gặp phải và trước đó cũng đã từng xảy ra, có thể nói là vấn đề không hề xa lạ với bạn. Vì vậy, tuy có thể chiếu theo thường lệ mà giải quyết nhưng tốt nhất bạn vẫn nên hỏi lại sếp, chẳng hạn như khi sếp đã nói “Anh/chị cứ xem mà làm”, bạn có thể hỏi them rằng: “Thưa sếp, vậy tôi xử lý công việc như cách trước đây có được không?”. Nếu lãnh đạo gật đầu thì bạn hoàn toàn yên tâm mà thực hiện.

Tình huống thứ 2

Ở tình huống này, vấn đề có thể sẽ có độ khó nhất định, bạn chưa từng xử lý công việc này một cách độc lập trước đó, vì vậy một khi sếp nói câu “Anh/chị cứ xem mà làm” kỳ thực cũng đã suy xét đến năng lực của bạn. Lãnh đạo phán đoán bạn có thể đủ khả năng giải quyết vấn đề này nên mới nói như vậy. Lúc này, bạn cần nỗ lực và tích cực phát huy tài năng, nhưng cho dù đã tìm ra giải pháp thì vẫn nên tiếp tục chủ động thỉnh thị sếp để có thêm phương hướng và dễ dàng nắm bắt được ý đồ trong câu nói của sếp, từ đó hoàn thành nhiệm xuất sắc. Bạn có thể trình lên giải pháp cụ thể trước khi bắt tay hành động, nếu sếp nói ổn thì cứ thực hiện nhưng nếu sếp chau mày đắn đo thì bạn nên tiếp tục nhờ sếp chỉ thị thêm.

Tình huống thứ 3

Đây là vấn đề hoàn toàn mới hoặc là một vấn đề khó, sếp nhất thời khó định đoạt nên nói câu mang ý hòa hoãn như “Anh/chị cứ xem mà làm”. Kỳ thực, trong tình huống này, bạn không được hấp tấp hành động, tốt nhất là quay về vị trí chủ động suy nghĩ giải pháp, một thời gian không lâu sau đó chắc chắn sếp sẽ cho gọi bạn để đưa ra chỉ thị. Nếu lúc đó sếp chỉ rõ bạn phải làm thế nào thì không có gì phải đắn đo nữa, nhưng nếu sếp lại hỏi đại loại như “Anh/chị nghĩ vấn đề này nên giải quyết thế nào?” thì đây là lúc bạn đưa ra giải pháp đã suy nghĩ trước đó. Thái độ chủ động và tích cực này sẽ giúp bạn được sếp đánh giá cao hơn.

Tình huống thứ 4

Khi đó, sếp đang thật sự rất bận và không có thời gian cho bạn giải pháp nên mới vội nói câu “Anh/chị cứ xem mà làm”. Lúc này, bạn nên suy xét xem sự tình có gấp hay không, thời gian bạn thỉnh thị ý sếp đã phù hợp chưa. Nếu không cần gấp, bạn có thể chờ sếp xong việc rồi lại xin chỉ thị. Nếu quá gấp thì bạn phải trong thời gian ngắn xác định được ý đồ của sếp, sau đó cho sếp những giải pháp mà bạn nghĩ ra để chờ quyết sách cuối cùng từ sếp.

— 

Xem thêm 

ELLE lắng nghe bạn: Quan hệ đồng nghiệp nơi công sở

Cách giải quyết mâu thuẫn thông minh nơi công sở

5 câu nói thiếu khôn ngoan nơi công sở

Nhóm thực hiện

Tạ Lê Phương (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)