Duy trì một tình yêu xa, những thử thách và cơ hội
Trong xã hội hiện đại với guồng quay của học hành, công việc, sự nghiệp và các mối quan hệ, với tư tưởng mở thông thoáng về tự do quan hệ yêu đương không ràng buộc, rất nhiều người không tin vào tình yêu xa.
Nhất là với những cá nhân có lối sống gấp, vội và tự do, tình yêu trong xa cách tưởng như không có thật hoặc không thể tồn tại lâu và lại càng không thể đi đến đích. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu thực tế của các cặp đôi có mối quan hệ lãng mạn với khoảng cách xa về địa lý lại có những mối quan hệ rất lâu bền, rất đẹp và ý nghĩa. Bí quyết nằm trong chính việc người trong cuộc đã vượt qua những thử thách và biến thành cơ hội tuyệt vời để phát triển bản thân và vun đắp tình yêu của mình.
Thử thách trong tình yêu xa rất khác mối quan hệ bình thường khác bởi không có nhiều va chạm, không có sự nhàm chán, ít cãi cọ và ít có sự phức tạp trong các mối quan hệ xung quanh khác. Phần lớn những thử thách của những người yêu xa lại nằm trong chính tư duy và xúc cảm của người trong cuộc. Vượt qua những trạng thái cảm xúc gian nan đó, các đôi thường mạnh mẽ hơn và tình yêu cũng nồng nàn, bền chặt hơn.
Cô đơn
Thử thách đầu tiên phải nói đến là sự cô đơn, sự thiếu thốn tình cảm, thiếu vắng đi sự gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu từ người mình yêu thương. Sự cô đơn có thể khiến cho người trong cuộc có những cảm giác hẫng hụt, mất cân bằng tâm sinh lý, mất đi sự hồn nhiên, yêu đời tự tin.
Tuy nhiên, nếu người trong cuộc thực sự nghiêm túc với mối quan hệ này, chúng ta có thể biến nỗi cô đơn thành cơ hội tuyệt vời để tập trung công việc, sự nghiệp, thậm chí để khám phá bản thân, cuộc sống xung quanh và phát triển các mối quan hệ xã hội phù hợp. Sự cô đơn cũng tăng thêm động lực cho hai người cố gắng hết mình để tiến lại gần nhau hơn.
Lo lắng
Khi ta yêu thương nghiêm túc một người và mong muốn xây dựng tương lai với người đó nhưng lại không được thường xuyên gặp mặt, chuyện trò, tìm hiểu chăm sóc cho nhau, rõ ràng tâm lý lo lắng sẽ thường xuyên xuất hiện cùng những câu hỏi thường trực: Hôm nay người ấy đang làm gì? Ở đâu? Gặp gỡ những ai? Liệu ngưới ấy có bị phân tán cảm xúc với người khác ngoài mình không?
Khi tâm lý lo lắng xuất hiện, nếu hai người thực sự mong muốn ở bên nhau, họ sẽ tự động phát triển cho bản thân sự bản linh và lòng dũng cảm hơn. Bản lĩnh để vượt qua những băn khoăn không có thực, dũng cảm để chống lại nỗi lo lắng ẩn giấu và hình thành nên sự chấp nhận nghịch cảnh và nghị lực phi thường để duy trì tình yêu xa.
Suy diễn
Tâm lý suy diễn chắc chắn luôn xảy ra trong xúc cảm của những người yêu xa. Nó xuất phát từ sự lo lắng mơ hồ về những điều không có thật hoặc chỉ xảy ra với những mối quan hệ khác khiến người trong cuộc nhiều khi vin vào mình và thêm lo lắng nhiều hơn. Bên cạnh đó, do không được gặp nhau hay giao tiếp thường xuyên, một bức ảnh hay một dòng status trên mạng xã hội cũng có thể khiến người trong cuộc tưởng người mình thương ám chỉ về mối quan hệ của mình và từ đó dễ có những phản ứng không tương thích. Tâm lý suy diễn dễ dàng tạo ra sự hiểu lầm, căng thẳng gây mất tập trung và mất ổn định tâm lý
Mặt tích cực của tâm lý suy diễn là từ sự hiểu lầm, căng thẳng, hai bên lại có động lực để luôn cố gắng giao tiếp tích cực, để hiểu nhau nhiều hơn, và từ đó cũng xích lại gần nhau hơn.
Sự nhạy cảm
Tình yêu trong xa cách rõ ràng tạo nên tâm lý nhạy cảm, xuất hiện từ tâm lý cô đơn và lo lắng mà ra. Khi cô đơn và lo lắng nhiều, các cặp đôi thường nghĩ ngợi nhiều hơn và khi quan sát thấy những biểu hiện thay đổi nhỏ của người thương như chậm trả lời tin nhắn, điện thoại không liên lạc được, quá bận rộn trong công việc, chúng ta thường để trí tưởng tượng đi xa với những lo lắng không đâu về việc người yêu có thể không trung thực, không hết lòng hoặc dễ bị “say nắng”
Tuy nhiên, tâm lý nhạy cảm lại là một tấm áo giáp rất tuyệt vời để bảo vệ tình yêu của mình. Khi nhạy cảm các đôi thường quan sát tỉ mỉ, phản ứng mạnh mẽ về những dấu hiệu thay đổi khác thường trong ứng xử giao tiếp của người mình thương. Từ đó tạo ra những phản ứng có điều kiện mỗi khí các đôi ở xa hay ở gần bên nhau, họ thường tích cực bảo vệ mối quan hệ của mình nhiều hơn tránh khỏi sự cám dỗ và hấp dẫn của những đối tượng khác.
Hoang mang
Không ai nói các đôi yêu xa hoàn toàn tự tin vào mối quan hệ của mình bởi có quá nhiều ngăn trở về địa lý, thời gian, cảm xúc và nhiều yếu tố khác. Từ đó, người trong cuộc có tâm lý hoang mang, mâu thuẫn với những câu hỏi thường diễn ra độc thoại như: Liệu tình yêu này sẽ đi về đâu? Liệu chúng ta có đủ sâu đậm để chờ đợi nhau? Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để vượt qua những rào cản về thời gian, địa lý và xúc cảm không? Liệu mối quan hệ này có thật hay không?
Tâm lý hoang mang, mâu thuẫn ban đầu nghe có vẻ đáng lo và không tự tin. Tuy nhiên, đây lại là giải pháp tuyệt vời để giảm tốc độ phát triển quá nhanh của mối quan hệ tránh sự vội vã, áp lực hay sai lầm, tránh kiểu yêu cuồng, sống vội, kết hôn nhanh rồi li dị cũng vội. Tâm lý hoang mang có lợi ích để hai bên suy nghĩ kỹ hơn về tình cảm, sự hòa hợp, gắn bó và không vội vã hứa hẹn tương lai cho mối quan hệ của hai người. Từ đó hình thành nên đức tính kiên nhẫn và khả năng chờ đợi phi thường của những người trong cuộc. Tâm lý hoang mang không chắc chắn cũng tạo nên động lực để cả hai người cùng cải thiện bản thân, chất lượng sống, sự hòa hợp để tiến gần nhau hơn để xây dựng và phát triển mối quan hệ bền vững và chắc chắn hơn.
Nhớ thương
Nhớ thương là cảm giác vô cùng khó khăn với những người yêu xa. Những lúc mệt mỏi, căng thẳng, cô đơn và lo lắng, họ chỉ mong có người mình thương ở bên để gần gũi, vỗ về, chia sẻ và cùng nhau vượt qua những gian khó của cuộc sống mà không gặp được và tâm lý nhớ thương có thể khiến những người trong cuộc trăn trở, vật lộn với xúc cảm của mình.
Tuy nhiên, cảm xúc nhớ thương là cảm xúc rất nhân văn, rất thật của tình yêu, nó tạo ra tâm lý trân trọng và bảo vệ của những người trong cuộc. Bởi xa nhau nhiều nên khi được gần nhau, cả hai đều trân trọng nhau từng giây phút, từng hơi ấm và từng lời sẽ chia. Từ đó mối quan hệ trở nên sâu đậm và bền chặt hơn. Cảm xúc nhớ thương sẽ luôn đọng mãi trong tâm hồn người đang yêu nhắc họ vượt qua những sóng gió thường nhật khi đã đến được gần nhau hơn.
Trên đây chỉ là một vài thử thách tâm lý cơ bản của tình yêu xa. Mỗi cá nhân, mỗi hoàn cảnh mỗi mối quan hệ sẽ có thể trải qua những trải nghiệm và cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, không có gì là không thể nếu chúng ta thực sự mong muốn và cố gắng, tình yêu xa cũng không ngoại lệ, nếu các bạn thực sự yêu và thực sự muốn, không có thử thách nào ngăn cản trái tim các bạn hòa nhập và tâm hồn các bạn tìm đến nhau. Khi địa lý, thời gian và những cách ngăn xúc cảm cũng không thể chia cắt các bạn, khi trở về bên nhau, các bạn có thể tin tưởng hơn rằng không gì sẽ chia cắt các bạn được nữa. Chúc bạn yêu xa thêm nghị lực, tinh thần để chờ đợi và sớm được gần nhau.
—
Xem thêm
Tình yêu xuyên biên giới, thử thách hay cơ hội?
Thanh Phạm (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE, tham khảo marieclaire, askmen, huffingtonpost.com)