1. Ba tôi mất sớm, mình mẹ tôi lo lắng cho hai chị em. Tôi may mắn có học bổng, đi du học, học xong tìm được việc làm tốt. Trong suốt thời gian đi học rồi đi làm và kể cả khi lập gia đình, tôi vẫn tiết kiệm một phần tiền đỡ đần mẹ. Tuy nhiên, hôm qua, khi thấy tôi chuẩn bị gửi tiền cho mẹ, chồng tôi đã tiết lộ cho tôi biết: Thật ra bao nhiêu tiền tôi gửi, mẹ tôi đều đem cho cậu em trai, và vì thói quen được cho tiền này, em tôi chẳng có trách nhiệm gì, đổ hết vào cá độ. Chuyện ấy ai cũng biết, nhưng mẹ tôi bắt mọi người im lặng, cho đến khi chồng tôi biết. Bao nhiêu năm qua, tôi cho rằng mẹ chẳng sắm sửa gì cho bản thân là vì tính tiết kiệm, không ngờ hóa ra là bởi em trai. Giờ tôi biết mẹ vẫn cố trả nốt nợ cho em, tôi vừa giận, vừa thương. Tôi không muốn tiếp tay cho cái sai của em, nhưng không biết nên nói với bà thế nào đây!
Hiếu Thảo thân mến, ELLE đoán đa số những người trong trường hợp của bạn đã nổi trận lôi đình và ngay lập tức gọi cả mẹ, em trai lại để xả giận. Tuy nhiên, bạn vẫn cố gắng kiềm chế và nghĩ cách để nói chuyện với mẹ, điều đó nói lên cả sự điềm đạm và tấm lòng của bạn dành cho mẹ. Tình mẫu tử bao la khiến người ta có thể tha thứ mọi lỗi lầm của con, hy sinh hết vì con, cố gắng nhắm mắt trước những cái sai con gây ra. Bạn cũng may mắn là có người chồng thấu hiểu và chân thật với bạn. Dẫu vậy, tự bạn cũng biết rồi đấy, việc bạn cứ cho mẹ tiền, để mẹ lại cho em trai tiền, thực ra chỉ khiến em trai bạn ngày càng dựa dẫm, lún sâu vào cái sai của mình. Đã tới lúc bạn nên làm người đánh thức cả mẹ và em trai. Chuyện bạn chấm dứt cung cấp tiền có thể nhất thời khiến cả mẹ và em bạn đều sốc, có thể em bạn sẽ tìm cách tác động tiêu cực lên mẹ để bà oán trách bạn. Hãy nói với mẹ điều đó, hãy chuẩn bị tinh thần cho bà, hãy tạm thời tách mẹ khỏi em. Chồng bạn nếu đủ thân thiết, có thể đóng vai người anh lớn để góp ý với em trai bạn. Gia đình không phải chỉ là chuyện nuôi nhau lớn lên bằng vật chất hay tình yêu bất tận, mà còn là kỷ luật và trách nhiệm. Chúc bạn may mắn.
BÀI LIÊN QUAN
2. Tôi là trợ lý của sếp và đang được cất nhắc vào vị trí trưởng nhóm. Tuy nhiên, gần đây, sếp không nhắc đến việc đó nữa. Và bỗng một ngày, một người đàn ông được tuyển vào vị trí đó. Tôi lần lữa mãi mới dám hỏi thì sếp trả lời: “Nhóm ấy phải giao tiếp với nhiều khách hàng nam giới, anh nghĩ để đàn ông làm thì sẽ đỡ rắc rối hơn. Anh đang cân nhắc cho em làm phó nhóm. Em không phải đi giao đãi nhiều mà chủ yếu quản lý tiến độ và chất lượng tại văn phòng”. Lời anh nói không phải không có lý. Chỉ có điều, tôi cảm thấy mất lòng tin với sếp và nghĩ rằng việc là phụ nữ khiến mình mãi mãi chỉ là người quản lý dưới quyền ai đó. Có phải tôi đang nghĩ quá nhiều?
Bạn thân mến, bất bình đẳng giới vẫn còn là một vấn đề lớn, và hẳn nhiều người đã và đang ở trong hoàn cảnh của bạn. Người có thể trả lời chính xác cho câu hỏi của bạn lúc này chỉ là bản thân bạn mà thôi. Sếp của bạn có thể lo lắng khách hàng sẽ có hành vi khiếm nhã với bạn hoặc cho rằng bạn chưa sẵn sàng với vị trí trưởng… Mọi giả thuyết đều có thể là nguyên nhân. Bạn hãy tạm thời dẹp bỏ cảm giác tổn thương, ngồi xuống và liệt kê ra tất cả những điều hợp và không hợp giữa công việc đó và bạn, khi đó bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất.
—
Xem thêm:
ELLE lắng nghe bạn: Học cách chia sẻ với chồng về công việc và tình yêu
ELLE lắng nghe bạn: Khi đứng trước nhiều lựa chọn, phải luôn tỉnh táo
Nhóm thực hiện
Ảnh: Alex Bramall Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE