ELLE lắng nghe bạn: Khi niềm tin đặt sai chỗ

Đăng ngày:

Thông minh, hiện đại, nhưng đôi lúc vẫn hoang mang “Tôi phải làm gì?”. Đó là lý do bạn chọn Q&A của ELLE làm trang mục yêu thích nhất của mình.

1. Tôi có bạn trai, hay chưa có, tôi cũng không biết nữa. Người đó là bạn từ thời cấp ba, sau đó chúng tôi lại cùng du học chung một trường đại học. Dù không hẹn hò nhưng do sống xa nhà, chúng tôi cũng trở nên đặc biệt thân thiết hơn. Trở lại Việt Nam, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, và dần có những cử chỉ thân mật như những người yêu nhau. Tuy nhiên, đã ba năm qua, người đó chưa bao giờ xem tôi như một người bạn gái chính thức. Anh không giới thiệu tôi với bố mẹ, cũng không đưa tôi cùng đến những sự kiện đặc biệt. Gần đây, anh nhận công việc cần đi công tác nước ngoài thường xuyên. Mỗi khi trở lại, anh vẫn hẹn hò và gặp tôi mỗi ngày. Nhưng lúc ở xa, anh cũng chẳng ngại ôm vai bá cổ các cô gái khác và đưa lên Facebook như anh đã làm với tôi. Tôi ấm ức, nhưng tôi lại sợ nếu vặn hỏi thì lại gây ra bất hòa không cần thiết. Có phải tôi đang thiếu kiên nhẫn?

Không! Bạn không hề thiếu kiên nhẫn. Người bạn trai kia mới cần xem lại bản thân. Qua những gì bạn nói, ELLE lắng nghe có thể thấy rằng cả hai bạn đều ở độ tuổi dưới 30, và có thể anh ấy cho rằng mình vẫn có quyền sống một cuộc đời tự do, có những mối quan hệ lãng mạn nhưng không ràng buộc. Chính vì bạn không phản ứng gì, anh lầm tưởng rằng bạn cũng đồng ý với điều đó. Cách duy nhất để chấm dứt tình trạng hoang mang, ấm ức của bạn chính là hỏi thẳng, nói thật, và chấp nhận câu trả lời dù nó có như thế nào. Đôi khi việc này cũng sẽ giúp người bạn trai ấy sực tỉnh và tự vấn lại bản thân, để xác định chính xác bạn là ai trong trái tim anh ấy, và liệu anh ấy đã sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc chưa.

ELLE lắng nghe 1

2. Tôi là trợ lý giám đốc điều hành, và vị sếp (giờ đã cũ) của tôi là một người đàn ông nước ngoài ở độ tuổi gần 50, từng ly dị, là bố đơn thân với hai con nhỏ. Vì cha mẹ mất sớm, chẳng có anh chị em, tôi thừa nhận là lúc nào tôi cũng có xu hướng coi công ty là nhà, sếp là cha chú của mình. Vì thế, ngoài việc công ty, tôi còn dành thời gian giúp đỡ những việc của gia đình sếp. Mọi chuyện vốn đã như vậy suốt 5 năm qua, nhưng khi sếp tái hôn, đột nhiên mọi thứ bị đảo lộn. Người vợ mới của sếp báo lên bộ phận nhân sự là tôi có tư tình, chia rẽ tình mẹ kế con chồng. Và như vậy, phòng nhân sự đề nghị chuyển tôi sang làm việc với người khác mà không cần biết sự thật là gì, khiến đồng nghiệp xì xào bàn tán. Và vị sếp cũ cũng chẳng hề bênh vực tôi. Tôi cảm thấy vừa bị oan ức, vừa bị phản bội lòng tin. Liệu tôi có nên bỏ việc, hay viết thư khiếu kiện đòi lại danh dự cho mình và gọi người vợ vào ba mặt một lời?

Tận Tụy thân mến, chẳng có gì đáng giận hơn là khi chúng ta đã hết lòng với một người, coi họ như gia đình, để rồi họ thờ ơ, quay lưng khi chúng ta gặp oan ức. Tuy nhiên, cũng có một sự thật là khi phải chọn một người trợ lý và vợ (người có thể sẽ sống bên mình tới cuối đời), người ta thường sẽ bênh vợ với hy vọng là yên ổn nhà cửa. Nhưng điều đáng giận nhất ở đây chính là việc công ty đã không buồn lắng nghe từ phía bạn và đã khiến những lời đồn thổi phát sinh gây tổn thương danh dự, tinh thần của bạn. Dù bạn muốn đi hay ở lại, điều đầu tiên là phải kiến nghị lên bất kỳ ai ở vị trí phù hợp để chấn chỉnh, hóa giải các tin đồn và trả lại danh dự cho bạn. Nếu không quyết liệt, điều đó có thể gây bất lợi cho bạn trong tương lai. Dù thấu hiểu, ELLE lắng nghe vẫn muốn khuyên bạn rằng công việc không nên là gia đình của mình. Hãy trao tình cảm tận tụy cho những ai không có tiềm năng xung đột lợi ích với bạn, vừa tốt cho hình ảnh làm việc chuyên nghiệp, vừa tránh những tổn thương không cần thiết, bạn nhé.

Nhóm thực hiện

Ảnh: Rex Leung

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more