Tạo ấn tượng ban đầu “khó phai” chỉ với các mẹo giao tiếp sau

Đăng ngày:

Thông thường, chỉ mất khoảng 34 đến 100 mili giây để bạn tạo dựng ấn tượng ban đầu cho người đối diện. Vậy, làm sao để làm được điều đó qua giao tiếp?

Đôi khi, không mất nhiều thời gian để đưa ra nhận xét về một người. Chỉ cần vài phút trong buổi gặp đầu tiên của bạn với họ, bạn đã có thể hình thành tổng quát cái nhìn của bản thân về đối phương. Hơn nữa, ấn tượng ban đầu khi gặp mặt thường được ghi nhớ nhiều hơn, nên chắc chắn ai cũng muốn xây dựng một hình ảnh thật tốt trước mặt những người họ tình cờ gặp lần đầu tiên. Hãy cùng ELLE tìm hiểu cách xây dựng ấn tượng ban đầu thông qua giao tiếp nhé!

Giới thiệu bản thân

Tất nhiên việc đầu tiên bạn thực hiện khi gặp gỡ ai đó là giới thiệu về bản thân mình. Thông thường, mọi người sẽ đề cập đến tên tuổi và việc làm của họ. Tuy nhiên, nếu bạn thử giải thoát bản thân khỏi cách giới thiệu có phần nhàm chán này, chắc chắn cuộc đối thoại sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Việc tạo dựng sự hấp dẫn ngay từ cách bạn giới thiệu bản thân sẽ kích thích sự tò mò của người đối diện và khiến họ muốn nói chuyện với bạn nhiều hơn. Tốt nhất, khi đang giới thiệu bản thân, hãy tạo cơ hội cho người khác được hỏi và tìm hiểu sâu hơn về bạn, từ đó dẫn dắt cuộc nói chuyện của cả hai.

Giao tiếp 1

Ảnh: Quickbooks

Ví dụ, nếu bạn được tham dự một buổi lễ ra mắt công ty ở một nơi khác chỗ bạn sinh sống, bạn có thể giới thiệu bản thân như sau: “Xin chào, tôi là Carolyn. Tôi ở New York nhưng thật tuyệt khi được đến Chicago tham dự buổi lễ vào cuối tuần này”.

Hoặc, nếu bạn định giới thiệu về công việc của bản thân, bạn có thể chọn đề cập đến đặc điểm nào đó đặc biệt hoặc thú vị trong công việc đó trước – như công dụng, lợi ích của nó chẳng hạn. Khi bạn nói về công dụng trong công việc của bạn, bạn cũng đang cho đối phương cơ hội được đặt câu hỏi thêm về mình. Nếu có thời gian, hãy cố gắng chuẩn bị trước trong đầu mình một đoạn giới thiệu ngắn khoảng 7 – 9 giây.

Hỏi lại đối phương: “Còn bạn thì sao?”

Sau khi bạn đã giới thiệu xong về bản thân, và có thể đã gợi ra được kha khá các mẩu chuyện nho nhỏ rồi, hãy hỏi ngược lại đối phương. Thay vì chọn câu hỏi như: “Bạn đang làm việc gì?”, bạn hãy chọn câu hỏi cởi mở hơn, ví dụ: “Còn bạn thì sao?”. Điều này sẽ khiến người đối diện nói về bản thân mình, và dẫn họ vào chủ đề mà họ yêu thích.

Giao tiếp 2

Ảnh: Carwad

Việc dùng cách hỏi như vậy sẽ giúp bạn tránh khỏi những tình huống lúng túng, gượng gạo sau đó. Chẳng hạn như nếu người bạn nói chuyện cùng đang trong tình trạng thất nghiệp, hoặc họ không yêu thích công việc hiện tại cho lắm và có hứng thú với việc chia sẻ về sở thích nhiều hơn, câu hỏi mở về con người họ nghe sẽ tử tế hơn là việc đào sâu vào cách họ kiếm tiền và trang trải cuộc sống.

Đừng ngần ngại khen ngợi người đối diện

Khen ngợi người khác cũng là một cách thông minh để bạn xây dựng ấn tượng ban đầu. Mọi người ai cũng thích được khen cả, nhưng hãy đảm bảo lời khen của bạn không bị thiếu thực tế hay phóng đại quá mức. Và dù bạn có làm gì đi nữa, bạn nên giữ cho những lời khen của mình nghe tế nhị một chút.

Giao tiếp 3

Ảnh: Creating WE Institute

Bạn có thể khen ngợi họ về trang phục hoặc đôi giày mà họ đã diện ngày hôm đó. Để không khí được thoải mái hơn, bạn có thể hỏi họ thêm thông tin về đôi giày đó, rằng bạn rất thích chúng và cũng muốn tìm một đôi giống vậy. Khi bạn quan sát đối phương để khen ngợi họ, hãy chèn thêm một câu hỏi hoặc một lời nhận xét để họ có thể nói chuyện với bạn nhiều hơn. Mọi người thường sẽ không nhớ bạn đã nói gì, nhưng họ chắc chắn sẽ nhớ cảm giác bạn đem lại cho họ khi lần đầu tiên gặp mặt. Vậy nên, hãy cố gắng thành thật và giản dị trong cách bạn đưa ra lời khen.

Luôn duy trì giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp 4

Ảnh: Odyssey

Hãy nhớ rằng giao tiếp bằng mắt rất quan trọng trong giao tiếp. Nó sẽ khiến bạn trở thành một người tự tin trong mắt người đối diện. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc nhìn trực diện vào mắt đối phương khi đang nói chuyện cũng khiến bạn trông thông minh và lịch sự hơn. Tuy nhiên, bạn nên duy trì nó một cách vừa phải. Nếu bạn nhìn họ quá thường xuyên, họ sẽ nghĩ bạn kỳ lạ đấy!  

Tìm cách cân bằng giữa việc đưa ra những lời bình luận mang tính quan sát, đặt câu hỏi và tiết lộ về bản thân

Cách cân bằng này là chìa khóa để trở thành một chuyên gia giao tiếp. Nếu bạn chỉ thuần quan sát sau đó đưa ra bình luận, bạn sẽ như đang thuyết giảng cho người đối diện. Nếu bạn luôn đặt câu hỏi cho họ, bạn có thể bị xem là người tò mò, tọc mạch. Còn nếu bạn chỉ thao thao mọi thứ về bản thân mình, khả năng là bạn đang chia sẻ quá nhiều thông tin không cần thiết về đời sống cá nhân (chưa kể đến trường hợp đối phương sẽ cảm thấy nặng nề về lượng thông tin quá tải này). Vậy nên, việc hòa hợp giữa 3 cách nói trên chính là ma thuật của giao tiếp.

Giao tiếp 5

Ảnh: Pictoxo

Các ví dụ điển hình của 3 cách nói trên có thể được tóm gọn như sau:

Cách nói mang tính quan sát: Ồ, khách sạn này đã được tu sửa lại rồi này. Trông nó thật đẹp!

Câu hỏi: Bạn có nhớ nơi này từng trông như thế nào không?

Tiết lộ về bản thân: Tôi đã từng đến đây năm ngoái rồi, trước khi nó được sửa lại.

Khi giao tiếp, hãy hoàn toàn chú ý vào người đối diện

Khi bạn đang nói chuyện với ai đó, hãy đảm bảo rằng bạn luôn dành trọn sự chú ý cho người đối diện. Ai cũng muốn nhận được đủ sự quan tâm khi họ đang nói chuyện với bạn. Đừng mắc sai lầm nhìn vào điện thoại hoặc quan sát người khác khi bạn đang nói chuyện với đối phương. Bằng cách này, ấn tượng ban đầu của người đó về bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Giao tiếp 6

Ảnh: 123rf

Ngoài lợi ích trên, nó cũng giúp cuộc trò chuyện của cả hai được mượt mà hơn. Người khác sẽ trò chuyện với bạn về những gì họ thích, nếu bạn chịu lắng nghe. Nhưng nếu trong lúc đó bạn lại đang lên danh sách những đồ bạn cần mua trong đầu thì bạn có khả năng sẽ bỏ lỡ những gợi ý nhỏ về sở thích hoặc những chủ đề làm họ cảm thấy chán đấy!

Đa dạng hóa chủ đề giao tiếp

Cách duy nhất để làm được chuyện này là bạn hãy đọc sách và thu thập kiến thức càng nhiều càng tốt. Điều này không có nghĩa là bạn phải tìm hiểu về những thứ cao siêu. Bạn có thể chỉ đọc tin tức hàng ngày thôi cũng được, nhưng phải đảm bảo rằng bạn biết điều gì đang xảy ra xung quanh mình để có thể khơi gợi cuộc trò chuyện về nó dễ dàng. Đặc biệt nếu bạn muốn gây ấn tượng trong vài phút đầu tiên gặp gỡ ngắn ngủi, trang bị vốn kiến thức thông thường là cần thiết nếu bạn rơi vào tình huống thảo luận về vấn đề nào đó.

Giao tiếp 7

Ảnh: Shutterstock

Lấy ví dụ, bạn không quan tâm đến việc Taylor Swift vừa ra mắt một album mới và nó rất tuyệt vời. Nhưng ít nhất bạn cũng nên biết chuyện như vậy đã diễn ra, vì có khả năng người đối diện có hứng thú về nó và muốn trò chuyện cùng bạn.   

Kết thúc cuộc nói chuyện một cách thanh lịch

Bạn có thể áp dụng các mẹo nhỏ sau để kết thúc cuộc trò chuyện của cả hai

1. Tự làm gián đoạn chính mình, không phải người đối diện

2. Mỉm cười và nói với họ bạn cảm thấy vui vẻ và vinh dự như thế nào khi được trò chuyện với họ về chủ đề nào đó và bạn rất muốn được ngồi lại nhiều hơn nữa

3. Hãy nói một cách tế nhị: “Xin thứ lỗi, nhưng tôi cần phải …”. Sau đó, đưa ra lý do của bạn. Bạn cũng có thể bắt tay với họ như một lời tạm biệt.

Giao tiếp 8

Ảnh: Unsplash

Vấn đề nằm ở chỗ bạn hãy rời khỏi cuộc nói chuyện trong tâm thế bạn đã khiến người đối diện cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn. Hãy làm rõ là bạn đã tập trung hết sức, thật sự thích cuộc nói chuyện này và phải rời đi vì lý do cá nhân. Chắc chắn, bạn sẽ để lại ấn tượng ban đầu khá tích cực cho người đối diện.

Xem thêm:

Bước qua tuổi 20, điều gì khiến bạn cảm thấy hối tiếc nhất?

7 lý do vì sao bạn đang thu hút nhầm đối tượng

Nhóm thực hiện

Bài: Như Trần

Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ Buzzfeed, WiseStep

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more