Lifestyle / Bí quyết sống

6 lời khuyên sự nghiệp hữu ích cho Gen Z từ thế hệ Millennials 

Mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều biến động trong thị trường việc làm, điều không thay đổi chính là nỗi lo lắng và căng thẳng mỗi khi bắt đầu con đường sự nghiệp của mình, đặc biệt là đối với thế hệ Z. 

Không chỉ riêng Gen Z, sự nghiệp luôn là một vấn đề hệ trọng vì có lẽ nó là thứ gắn bó với ta hơn nửa cuộc đời. Do vậy, việc định hướng ngành nghề mình muốn theo đuổi chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng, đặc biệt với những người sinh ra trong thời đại kỹ thuật số với độ cạnh tranh cao. Gen Z có thể dễ thích nghi với nhiều công việc nhưng cũng dễ gặp những vấn đề về tinh thần, từ đó rơi vào tình trạng khủng hoảng, “nhảy việc” nhiều.

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề tương tự, hãy tham khảo những lời khuyên dành cho Gen Z từ Erin Lowry (tác giả của cuốn sách Kiệt quệ Tài chính thế hệ Y – Tiến hành đầu tư, 2020) nhé. 

1. Khởi nghề hay khởi nghiệp? 

nhóm người cười bàn sự nghiệp gen z
Ảnh: Unsplash/Brooke Cagle

Một trong những điều đầu tiên cần xem xét khi bắt đầu sự nghiệp của bản thân là tự hỏi liệu mình muốn khởi nghề hay khởi nghiệp. Một cuộc khảo sát năm 2020 của Girls With Impact (chương trình khởi nghiệp online dành cho các bạn nữ trẻ) cho thấy 53% Gen Z mong muốn được mở công ty riêng. Tuy nhiên, bắt đầu sự nghiệp với vị trí nhân viên sẽ đem lại nhiều lợi thế hơn cho bạn. 

Khi trở thành nhân viên chính thức của một công ty, doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, bạn sẽ không phải lo về các vấn đề đi kèm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Một khoản lương đều đặn hằng tháng cũng phần nào giúp bạn đỡ lo lắng về tiền học phí (nếu bạn còn đi học) hay các chi tiêu hằng ngày khác. Ngoài ra, làm việc dưới sự quản lý của công ty giúp bạn nâng cao các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp với sếp, đồng nghiệp hay khách hàng, cũng như xác định và cải thiện điểm yếu của bản thân. 

Bạn có thể đọc được ở đâu đó câu chuyện về các doanh nhân đi lên từ hai bàn tay trắng. Đừng để bị đánh lừa nhé. Bạn phải biết rằng hầu hết những người khởi nghiệp thành công không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực khổng lồ mà họ còn phải có một nền tảng kiến thức vững chắc, và đương nhiên là tiền vốn. Vì vậy, nếu vẫn muốn thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh, bạn nên có một khoản tiền nhất định và một quyết tâm lớn. 

2. Nên chọn ngành học nào? 

ba người cười vui vẻ gen z
Ảnh: Unsplash/Brooke Cagle

Theo các nghiên cứu từ Third Way (một nhóm chuyên gia về chính sách công tại Washington, DC, được thành lập năm 2005), trang web tuyển dụng việc làm Indeed.com và Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (U.S. Bureau of Labor Statistics), những ngành học luôn dẫn đầu về mức lương và nhu cầu tuyển dụng cao là các ngành thuộc chương trình giáo dục STEM (viết tắt của các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên cảm thấy hụt hẫng nếu như mình theo đuổi lĩnh vực khác. Khi bắt đầu sự nghiệp của mình, hãy giữ một suy nghĩ cởi mở về phạm vi công việc bạn mong muốn. Chuyên ngành của bạn có thể không giống với công việc hiện tại bạn có, nhưng bạn vẫn đi làm và có tiền lương. 

Nếu có ý định đổi việc hay không chắc về ngành nghề bạn đang theo đuổi, bạn có thể theo dõi và tìm hiểu công việc của các công ty thuộc những lĩnh vực đang phát triển mạnh, chẳng hạn như công ty công nghệ vẫn cần những người làm công tác truyền thông, tiếp thị hay nhân sự. Từ đó, bạn có thể trau dồi các kỹ năng mềm, nâng cao kiến thức bằng cách học thêm các khóa học online để không phải ngỡ ngàng và căng thẳng khi nhảy việc, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh cao ngày nay. 

3. Làm sao để xác định lời mời nhận việc có lợi cho bạn hay không?

cô gái suy nghĩ sự nghiệp gen z
Ảnh: Unsplash/Andrew Neel

Khi cân nhắc những lợi ích một công việc mang lại, bạn và nhà tuyển dụng đương nhiên sẽ có cách nhìn khác nhau. Đối với Gen Z, nhảy việc dường như không còn là điều xa lạ. Các nghiên cứu của ADP (nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ quản lý nguồn nhân lực của Mỹ) cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi công việc có thể tăng mức lương tốt hơn là dành thời gian thương lượng mức lương cao chỉ với một vị trí. 

Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc nhiều điều khác ngoài tiền lương, chẳng hạn như hợp đồng lao động, chính sách bảo hiểm, ngày nghỉ, tính ổn định của công việc… Bằng cách nghiên cứu kỹ về công việc bạn đảm nhận và văn hóa của công ty, doanh nghiệp… bạn sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về những lợi ích mà công việc đem tới cho bạn hay những gì bạn phải đánh đổi. 

Trong khi đó, nếu chọn khởi nghiệp, bạn sẽ phải tìm cách tự cân bằng mọi thứ, từ việc tự trả thuế doanh nghiệp đến thuế cá nhân, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ…  

4. Có nên ưu tiên cho một công việc trong thời gian dài?

cô gái dùng máy tính  gen z
Ảnh: Unsplash/Windows

Những người đi trước có thể khuyên bạn suy nghĩ về việc gắn bó lâu dài với một công việc. Tuy nhiên, không ai đoán trước được 100% thị trường việc làm sẽ thay đổi như thế nào, bằng chứng là đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các ngành công nghiệp phải đóng cửa trong nhiều tháng. Vì vậy, thay vì nghĩ về tiềm năng lâu dài của một công việc nhất định, hãy xem xét mức độ ổn định bạn cần và trau dồi kiến thức, kỹ năng có thể áp dụng cho nhiều ngành nghề. 

5. Có nên thương lượng tiền lương với công việc đầu tiên không? 

cô gái cầm bút viết về sự nghiệp gen z
Ảnh: Unsplash/ThisisEngineering RAEng

Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể là kinh nghiệm hay vị trí bạn muốn ứng tuyển. Nếu là một thực tập sinh, bạn có thể thương lượng với nhà tuyển dụng về khoản trợ cấp đi lại hay ăn uống. Tuy nhiên, câu hỏi về việc nên trả lương cho thực tập sinh hay không vẫn còn nhiều tranh cãi, bạn có thể tham khảo thêm từ bạn bè đã đi làm hay những người đi trước. 

Đối với những người đã có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nhất định hay nhảy việc, bạn có thể tự tin đề cập đến vấn đề tiền lương với nhà tuyển dụng. Bạn cũng có thể sử dụng những chiến lược đàm phán khác nhau để đạt được mức lương mong muốn. 

6. Làm gì để tận dụng tối đa cơ hội với công việc đầu tiên?

cô gái cầm máy tính công nghệ  gen z
Ảnh: Unsplash/Brooke Cagle

Trong những tháng đầu tiên khi bắt đầu một công việc, bạn có thể cảm thấy vô cùng phấn khởi. Vì vậy, hãy nắm bắt nguồn năng lượng này để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về công việc của mình, đặt câu hỏi và năng nổ làm việc, tìm hiểu văn hóa công ty và phát triển các mối quan hệ (với đồng nghiệp, cố vấn hay sếp) giúp bạn phát triển sau này. 

Khi sự phấn khích ban đầu dần hạ nhiệt, hãy ngồi xuống và ngẫm nghĩ về con đường sự nghiệp bạn luôn mong muốn, chẳng hạn như thăng chức hay đơn giản là ổn định với vị trí hiện tại. Cũng đừng quên đón chờ những cơ hội bất ngờ (thay đổi công ty, tự khởi nghiệp trong tương lai…) nhé.   

Những lời khuyên này được tổng hợp để dành cho các bạn trẻ Gen Z đang bước những bước đầu trên con đường xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, đây chỉ là những lời khuyên giúp bạn định hướng con đường sự nghiệp, và bạn luôn có quyền được lựa chọn nhé. 

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: seattletimes

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)