5 điều nhà lãnh đạo cần hiểu rõ khi làm việc với Gen Z
Không thể phủ nhận việc Gen Z đang dần trở thành lực lượng lao động chính trong xã hội, tuy nhiên, khoảng cách giữa các thế hệ đặt ra nhiều thách thức cho người sử dụng lao động.
Sinh ra trong thời kỳ công nghệ đã tác động nhiều đến nhận thức, hành vi và tính cách của Gen Z. Đặc điểm chung của những người thuộc thế hệ này là sự cởi mở, tự chủ trong suy nghĩ, nhanh nhạy với sự đổi mới và khả năng sử dụng công nghệ một cách dễ dàng. Điều này đem đến nhiều lợi ích cho người sử dụng lao động, nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn nếu doanh nghiệp không nắm rõ được nhu cầu và mong muốn của Gen Z khi làm việc.
Tại thời điểm này, thế hệ Z cũng đã bắt đầu hành trình sự nghiệp của mình rồi. Hãy cùng ELLE lắng nghe nỗi niềm mà Gen Z muốn gửi đến sếp của mình nhé.
1. Minh bạch
Thế hệ Z luôn muốn hướng tới sự chân thực và cởi mở, điều này được phản ánh trong thói quen mua sắm của họ. Họ sẽ chọn mua những thương hiệu công khai về quy trình và đội ngũ sản xuất hay đọc những bình luận, review chân thật thay vì nghe theo lời quảng cáo từ người nổi tiếng.
Tương tự với công việc, sự cởi mở và minh bạch từ người sử dụng lao động giúp Gen Z biết được họ đã đóng góp gì cho công ty và cần cải thiện ở điểm nào. Điều này rất quan trọng vì họ cảm thấy không thoải mái khi làm việc mà không biết mục đích mình đang hướng tới. Tính minh bạch không chỉ giúp người chủ lao động cải thiện giao tiếp và sự tin cậy với Gen Z, việc xem họ như một phần quan trọng trong định hướng và hoạt động của công ty sẽ thu hút ứng viên gắn bó lâu dài hơn.
2. Làm việc thoải mái và linh hoạt
Theo nghiên cứu, sự linh hoạt và tự do cá nhân là một trong những ưu tiên khi làm việc của Gen Z. Một môi trường quá khắt khe sẽ khiến họ cảm thấy ngột ngạt, từ đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Sự linh hoạt có thể được thể hiện thông qua lịch trình làm việc tại nhà (hoặc 1-2 ngày làm việc từ xa). Do đại dịch COVID-19, một lựa chọn phổ biến được các doanh nghiệp lớn áp dụng là hybrid working (nhân viên có thể chủ động lựa chọn làm việc tại bất cứ nơi đâu và chỉ lên văn phòng khi cần thiết). Cách thức làm việc này giúp nhân viên có thể lựa chọn khung giờ làm việc đạt hiệu suất tốt nhất với mình, đồng thời giảm áp lực tinh thần của nhân viên do dịch bệnh.
Ngoài ra, tính linh hoạt còn được thể hiện thông qua việc cho phép và khuyến khích sự sáng tạo. Không muốn sự gò bó, Gen Z có xu hướng đi tìm những cách mới thay vì cách làm việc truyền thống. Vì vậy, các nhà lãnh đạo nên tạo cơ hội cho họ không gian để sáng tạo, nếu có thể, hãy để họ tự mắc lỗi và rút kinh nghiệm.
3. Mức lương xứng đáng
Được tiếp cận với công nghệ và kiến thức từ sớm, không khó để Gen Z sở hữu khối kiến thức về tài chính. Các cuộc khảo sát cho thấy tiền lương rất quan trọng với Gen Z và họ cũng cảnh giác với việc mắc nợ và tiết kiệm nhiều hơn những người tiền nhiệm (một số chuyên gia cho rằng điều này là do thế hệ Z trên toàn thế giới, từ châu Phi đến châu Mỹ, đã chứng kiến thời kỳ khó khăn về tài chính mà anh chị em và cha mẹ của họ đã trải qua, từ đó rút kinh nghiệm).
Vì vậy, Gen Z sẽ tìm cách làm việc ở những nơi có thể đưa ra mức lương phù hợp với kỹ năng của họ. Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, họ vẫn sẵn sàng học hỏi và muốn được tiến xa hơn, như thăng chức chẳng hạn, để từng bước đạt được mức lương mình mong muốn. Trong trường hợp không thể chấp nhận thương lượng mức lương với Gen Z, người sử dụng lao động có thể đưa ra các đặc quyền công việc và đề xuất khoản phụ cấp, giúp họ giảm bớt gánh lo về chi phí cá nhân.
4. Áp dụng công nghệ
Sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, Gen Z không hề cảm thấy khó khăn khi sử dụng và thậm chí không thể rời xa các công cụ điện tử. Tình yêu dành cho công nghệ cũng gắn liền với nhu cầu về sự linh hoạt trong công việc, cho phép Gen Z làm việc ở mọi nơi. Điều này có nghĩa là họ sẽ phát triển tốt trong môi trường làm việc với các quy trình tự động hay các thiết bị luôn được cập nhật mới nhất. Các khóa đào tạo qua video, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc sẽ thu hút nguồn năng lực trẻ này hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc các lãnh đạo cân nhắc áp dụng công nghệ vào công việc sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng không nên lơ là việc trang bị cho Gen Z những kỹ năng về con người khi sử dụng các thiết bị công nghệ, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng.
5. GEN Z VÀ Trách nhiệm xã hội
Theo Deloitte.com (một trong những tổ chức “Big Four” thuộc lĩnh vực kế toán và mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất trên thế giới), ý thức xã hội chiếm vị trí cao trong danh sách ưu tiên của nhân viên thế hệ Z. Họ xem mình là công dân toàn cầu, do đó, cảm thấy cần phải tham gia vào công cuộc biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Greta Thunberg và Vanessa Nakate (nhà hoạt động môi trường) là những đại diện tiêu biểu cho lý tưởng này của Gen Z.
Vì vậy, lực lượng lao động tiềm năng này sẽ bị thu hút và cảm thấy có động lực làm việc hơn với các doanh nghiệp, tổ chức đang tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng và trên toàn thế giới, cho dù đó là những hành động nhỏ như hiến máu, hỗ trợ người khó khăn, không sử dụng sản phẩm từ nhựa ở nơi làm việc… Trách nhiệm với xã hội này sẽ thúc đẩy tinh thần và sự quý mến của các nhân viên thế hệ Z với công ty của họ.
Mặc dù còn nhiều thiếu sót, Gen Z là nguồn lao động năng động, ham học hỏi và ẩn chứa nhiều tiềm năng có ích cho xã hội. Nếu người sử dụng lao động có thể đưa những điều trên vào các chính sách quản lý nhân viên, họ có thể mong đợi Gen Z đem đến sự hiệu quả về chất và lượng.
Bài: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: gethppy