Khoa học chứng minh: Giấc ngủ ngon sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Do môi trường sống và áp lực công việc ngày một nhiều, bệnh Alzheimer đang có xu hướng trẻ hóa. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế căn bệnh ngay từ bây giờ bằng một việc làm “lợi trăm bề”: đầu tư cho giấc ngủ.
Ngày nay, các nhà khoa học thực hiện rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu về giấc ngủ con người cũng như sự ảnh hưởng của thời gian nghỉ ngơi đến sức khỏe thể chất, tinh thần, khả năng làm việc, ghi nhớ của não bộ. Đặc biệt là mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ với bệnh Alzheimer – bệnh thoái hóa não và mất trí nhớ thường xảy ra ở người già nhưng đang ngày càng được trẻ hóa.
Mối liên hệ giữa giấc ngủ và hoạt động của não bộ
Các nhà nghiên cứu não bộ tin rằng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các chất độc hại của não. Lúc ngủ, hệ thống dịch tủy não hoạt động sẽ đẩy chất độc xuống gan và đào thải ra ngoài. Vì vậy, khi chúng ta ngủ, bộ não sẽ giúp cơ thể phục hồi năng lượng và đưa thông tin quan trọng vào bộ nhớ dài hạn. Một giấc ngủ chất lượng sẽ giúp tăng khả năng ghi nhớ và sự tập trung.
Adam Spira – giáo sư tại Khoa sức khỏe tâm thần tại Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg chia sẻ:
“Không nên xem giấc ngủ ngon là điều xa xỉ hoặc lãng phí thời gian. Bởi chúng ta có thể sẽ chết sớm nếu không ngủ đủ giấc” .
Thế nào là giấc ngủ chất lượng?
Các chuyên gia y tế đưa ra khuyến nghị ngủ từ 7 đến 8 giờ một ngày, đặc biệt là ngủ đủ vào ban đêm. Một giấc ngủ chất lượng sẽ trải qua 4 giai đoạn: giai đoạn ru ngủ, giai đoạn ngủ nông, giai đoạn ngủ sâu và REM (chuyển động mắt nhanh). Chính nhờ vậy, hệ thần kinh mới có đủ thời gian tái tạo, nạp năng lượng và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.
Mối liên hệ giữa thiếu ngủ và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là gì?
Alzheimer là bệnh gây ra những thay đổi bất thường trong não, ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng trí tuệ. Triệu chứng đầu tiên là mất trí nhớ, khi tiến triển sẽ dẫn đến mất khả năng ngôn ngữ và năng lực tư duy. Khi nặng hơn, bệnh nhân rất khó kiểm soát được cuộc sống cá nhân và rất cần sự giúp đỡ từ gia đình.
Thiếu ngủ sẽ Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Trong não của người mắc Alzheimer sẽ tồn tại các mảng thoái hóa amyloid bên ngoài tế bào thần kinh và những xoắn sợi thần kinh do protein Tau tạo ra. Khối protein amyloid tích tụ sẽ bóp nghẹt và giết chết các tế bào thần kinh, đặc biệt là vùng ghi nhớ của não.
Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu tiến hành quét não của 70 người trưởng thành khỏe mạnh. Các chuyên gia đưa ra kết luận: những người ít ngủ hoặc có giấc ngủ không sâu sẽ có mức độ amyloid cao hơn so với những người có giấc ngủ ngon. Điều đó giải thích cho lý do tại sao ngủ ít sẽ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.
Tiến sĩ Maiken Nedergaard – đồng giám đốc Trung tâm dịch thần kinh học tại Đại học Rochester – phát hiện khi ngủ, trong não người có hệ thống glymphatic. Đó là hệ thống hoạt động tạo đường dẫn đẩy chất lỏng vào hoặc ra khỏi não, giúp tái tạo năng lượng, loại bỏ protein độc hại và amyloid.
Nhà tâm thần học Nora Volkow đã tiến hành đo nồng độ amyloid trong não của 20 người có sức khỏe ổn định từ 22 đến 71 tuổi. Lần thứ nhất, nghiên cứu đo lượng amyloid trong não mỗi người khi họ vừa có giấc ngủ ngon. Lần thứ hai đo khi họ thức liên tục 31 giờ đồng hồ. Kết quả cho thấy, khi không ngủ, mức độ amyloid của họ cao hơn 5% so với khi được ngủ đủ giấc. Vì vậy, nếu không có giấc ngủ ngon, các tế bào thần kinh sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến mắc một số bệnh như Alzheimer.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng phát hiện rằng mức độ amyloid sẽ tăng nhanh vào ban ngày và giảm khi con người có giấc ngủ chất lượng; giấc ngủ bị gián đoạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và khi ngủ ngon, những người mắc Alzheimer hoặc có nguy cơ mắc bệnh sẽ được cải thiện tình trạng trí nhớ.
Các giải pháp để cải thiện giấc ngủ
Trường hợp những người mắc chứng rối loạn ngừng thở khi ngủ, người làm việc ca đêm, lịch trình không ổn định đều nằm trong nhóm có nguy cơ bị mắc bệnh Alzheimer rất cao.
Để có giấc ngủ ngon, bạn nên bắt đầu rèn luyện các thói quen sau:
- Ngủ đúng giờ, ngủ sâu để cơ thể theo nhịp đồng hồ sinh học
- Tạo tâm trạng thoải mái trước khi ngủ
- Nên đi ngủ ngay khi cơ thể cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi
- Không dùng chất kích thích, caffeine trước khi ngủ
- Không ăn quá no, nếu đói hãy uống ly sữa ấm hoặc ăn nhẹ
- Thiền là phương pháp giúp cơ thể thư giãn và mang đến giấc ngủ ngon.
Bài: My Phan
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Time