Giai đoạn trăng mật – Sự ngọt ngào thoáng qua
Giai đoạn trăng mật là giai đoạn hạnh phúc và ngọt ngào nhất của một mối quan hệ, nhưng cũng giống với tên gọi, sự lãng mạn này đến và đi như sự thay hình đổi dạng của Mặt Trăng.
Giai đoạn trăng mật là giai đoạn đầu (hoặc một cột mốc mới) của mối quan hệ, đặc biệt thường xảy ra với các cặp đôi mới kết hôn. Trong khoảng thời gian này, mọi thứ đối phương làm, từ những câu chuyện họ kể hay cách họ ăn uống, đều quyến rũ, mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ, thỏa mãn, cứ như thể không điều gì có thể phá vỡ sự kết nối mạnh mẽ, đầy thân mật của hai bạn.
Dẫu vậy, đây cũng chỉ là một giai đoạn và nó sẽ kết thúc. Khi đó, cả hai bạn đều phải điều chỉnh lại mối quan hệ của mình.
Để giúp bạn đọc hiểu hơn và tận hưởng một cách trọn vẹn nhất giai đoạn trăng mật, nhà trị liệu và huấn luyện viên mối quan hệ – Michelle Mouhtis – đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích về khoảng thời gian lãng mạn nhanh qua này.
Giai đoạn trăng mật thường kéo dài bao lâu?
Không có khoảng thời gian cố định cho giai đoạn trăng mật. Tuy nhiên, tên gọi của khái niệm này đã ám chỉ thời gian ngọt ngào ngắn ngủi mà một cặp đôi có thể trải nghiệm, thường từ 6 tháng đến 2 năm.
Mouhtis chia sẻ: “Lý do lớn nhất khiến giai đoạn này thú vị có lẽ là vì lúc này chưa phải thời điểm thích hợp để tìm hiểu kỹ về đối phương, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực”.
Cách để biết liệu mình có đang trong giai đoạn trăng mật hay không là chú ý đến cảm xúc của bản thân và cách bạn hiểu người mình thương. “Dấu hiệu lớn nhất là khi bạn cảm thấy đối phương chính là bạn tâm giao của mình, mọi điều ở người ấy đều hoàn hảo và bạn nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc mọi lúc nếu hai bạn bên nhau”.
Có phải tất cả mọi người đều trải qua giai đoạn trăng mật không?
Một số cặp đôi có thể trải qua giai đoạn trăng mật sau khi dọn về sống chung hoặc sau đính hôn, nhưng sự “nồng cháy” này có thể dần nguội đi.
Tuy nhiên, cũng có những mối quan hệ không hề bước vào giai đoạn ngọt ngào thoáng qua từ lúc đầu. Điều này đôi khi lại giúp cho một mối quan hệ thêm lành mạnh và bền vững. Mouhtis giải thích: “Tình yêu sét đánh” có thể khiến bạn ngập tràn trong sự say đắm, nhưng nếu sự lãng mạn này không có dấu hiệu phát triển, nó sẽ dần mai một bởi ngay từ đầu bạn đã không hiểu rõ đối phương. Trong khi đó, một mối quan hệ không bị áp đảo bởi “cái nhìn đầu tiên” lại có thể khiến hai người đi cùng nhau lâu hơn, với sự ngọt ngào, gắn kết dần được “dệt” theo thời gian”.
Bạn có thể làm gì để tận hưởng sự ngọt ngào thoáng qua này?
Giai đoạn trăng mật trong một mối quan hệ giống như một câu chuyện cổ tích vậy. Mọi thứ đều vui vẻ, bình yên và thỏa mãn. Đây cũng là thời điểm thích hợp để khám phá về nhau nhiều hơn. Do đó, hãy tận hưởng từng giây phút lãng mạn bạn có nhé.
Dẫu vậy, do khoảng thời gian ngọt ngào này mang tính chóng vánh, Mouhtis vẫn khuyên những cặp đôi chưa tiến tới hôn nhân không nên đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào trong giai đoạn này, chẳng hạn như sống chung hay đính hôn.
Làm sao để biết giai đoạn trăng mật đã kết thúc?
Khi sự lãng mạn ban biến mất, bạn sẽ cảm thấy như ở trong một quả bóng bay bị nổ vậy. Vị ngọt của tuần trăng mật dần bị thay thế bởi vị đắng của thực tế. Bạn bắt đầu nhận ra những điểm không hoàn hảo ở đối phương và những xung đột bắt đầu len lỏi vào cuộc tình của hai bạn. Bạn có thể bắt đầu đặt câu hỏi về mối quan hệ của mình.
Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn bình thường. Bước quan trọng trong một mối quan hệ là sự tiến triển tình cảm theo thời gian. Sự kết thúc của giai đoạn trăng mật là lúc cuộc sống thực tế trở lại để bạn xây dựng mối quan hệ dài lâu.
Điều gì xảy ra khi giai đoạn lãng mạn qua đi?
Sau giai đoạn trăng mật, các cặp đôi sẽ bắt đầu trải qua những khó khăn. Hai bạn có thể bất đồng quan điểm, thậm chí là cãi vã nhiều hơn. Những điều từng mang lại sự thú vị như đi chợ hoặc nấu ăn có thể trở nên nhàm chán. Câu hỏi có nên đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ hay không cũng thường xuất hiện hơn.
Tuy nhiên, những thử thách này, theo Mouhtis, chính là sức mạnh tạo nên một tình yêu bền vững. Nếu có thể vượt qua giai đoạn này, những chướng ngại trong tương lai sẽ không làm khó được hai bạn.
Cuối cùng, “tuần trăng mật kết thúc không có nghĩa là mối quan hệ của bạn đã kết thúc”, Mouhtis nói. Nhà trị liệu khuyến khích các cặp đôi hãy xem giai đoạn trăng mật chỉ là một trong rất nhiều giai đoạn thăng và trầm của một mối quan hệ. Vì vậy, hãy tận hưởng nó, từ đó cùng nhau xây dựng một tình yêu bền vững, có sự thấu hiểu và sẻ chia.
Bài: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: brides.com