Giải mã giấc mơ: Tại sao chúng ta lại có những giấc mơ khi ngủ?

Đăng ngày:

Khi chúng ta ngủ, những giấc mơ kỳ diệu hay những cơn ác mộng thường xuyên xuất hiện. Bạn có muốn giải mã giấc mơ xem tại sao chúng lại tồn tại trong khoảng thời gian mà cơ thể nghỉ ngơi không?

Con người dành một phần ba cuộc đời để ngủ, và trong giấc ngủ, chúng ta lại gặp những giấc mơ. Bạn có thể nhìn thấy một khung cảnh đẹp, một câu chuyện vui hay một số thứ đáng sợ, kỳ lạ. Nhờ vào sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại, ngày nay, các nhà khoa học và nhà tâm lý học trên khắp thế giới đã có thể nghiên cứu, giải mã giấc mơ cũng như khám phá sự ra đời của chúng.

GIẢI MÃ SỰ XUẤT HIỆN CỦA NHỮNG GIẤC MƠ

Mỗi người đều có những giấc mơ độc đáo của riêng mình bởi vì chúng ta trải nghiệm nhiều sự kiện và cảm xúc khác nhau mỗi ngày. Khi ngủ sâu, bộ não tiếp tục làm việc chăm chỉ, phân phối những khoảnh khắc vào trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Nó so sánh các sự kiện đã xảy ra gần đây với những sự kiện đã xảy ra từ lâu. Đó là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy những thứ từ thời thơ ấu của mình, ví dụ như việc chơi cùng với một con thú cưng cũ ở một nơi mới như nơi bạn đang sống.

Giấc mơ là ảo giác xảy ra trong giai đoạn “giấc ngủ chuyển động mắt nhanh” kéo dài 10 – 20 phút và lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Giai đoạn này có sự tương đồng với trạng thái thức giấc của một người nên tất cả các phần của bộ não sẽ hoạt động, ngoại trừ phần chịu trách nhiệm về tính logic. Nồng độ serotonin và norepinephrine – những chất dẫn truyền thần kinh điều khiển tính logic và sự chú ý – bị giảm trong khi ngủ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi giấc mơ của chúng ta thường rất kỳ lạ.

giải mã giấc mơ

Ảnh: Unsplash

VAI TRÒ CỦA những GIẤC MƠ

ĐỐI MẶT VỚI CẢM XÚC

Giấc mơ có thể là cách giúp bạn đối mặt với những thay đổi cảm xúc trong cuộc sống vì khi ngủ, bộ não sẽ tạo ra các kết nối liên quan đến những cảm xúc tồn tại sâu trong tiềm thức và khiến chúng hiện lên một cách rõ rệt. Vậy nên, việc giải mã và hiểu về giấc mơ sẽ giúp bạn phát hiện những cảm xúc ẩn giấu bên trong mình.

TĂNG KHẢ NĂNG sáng tạo

Giấc mơ chắc chắn sẽ giúp chúng ta phát huy tối đa sự sáng tạo. Khi mơ, bạn không sử dụng tư duy logic, do vậy, các suy nghĩ và ý tưởng hiện lên vô cùng đa dạng mà không có giới hạn nào chi phối. Những khoảnh khắc rất kỳ lạ trong giấc mơ có thể trở thành nguồn cảm hứng bất tận để bạn viết nên một câu chuyện hư cấu hay lên ý tưởng cho tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.

tăng khả năng ghi nhớ

Một trong những tác dụng tuyệt vời của giấc mơ chính là giúp lưu giữ những ký ức quan trọng. Nếu học thuộc lòng xong và đi ngủ ngay sau đó, bạn có khả năng sẽ ghi nhớ thông tin lâu hơn.

cô gái có một giấc mơ

Ảnh: Unplash

Làm thế nào để nhớ những giấc mơ?

Trong vòng 5 phút đầu tiên sau khi thức dậy, chúng ta sẽ quên mất 50% giấc mơ. Sau 5 phút nữa, chúng ta quên đi hầu hết những điều đã thấy. Nhà tâm lý học Sigmund Freud tin rằng đây là hiện tượng bộ não cố gắng loại bỏ mọi thứ khỏi bộ nhớ bởi vì giấc mơ là những suy nghĩ tiềm ẩn.

Để không quên những giấc mơ, trong lúc ngủ, bạn nên tự nhủ với mình rằng bạn muốn nhớ lại tất cả những gì đã thấy. Nếu đó là suy nghĩ cuối cùng trước lúc mở mắt, bạn có thể sẽ thức dậy với một giấc mơ vẫn còn mới mẻ trong đầu.

Việc khôi phục lại giấc mơ có thể bị gián đoạn bởi những điều gây xao lãng nhỏ nhất, vì vậy, bạn nên ghi lại chi tiết những thứ nhớ được ngay khi thức dậy. Đừng ra khỏi giường hoặc nghĩ về bất cứ điều gì khác, đồng thời cố gắng nắm bắt bất kỳ hình ảnh hoặc ký ức nào liên quan đến giấc mơ rồi viết chúng ra giấy hoặc lưu vào điện thoại. Dần dần, bạn sẽ hình thành thói quen ghi nhớ giấc mơ.

ác mộng từ đâu mà có?

Còn ác mộng thì sao? Tại sao chúng ta thấy ngày tận thế, thây ma, bị truy đuổi hoặc những “kịch bản” không mấy dễ chịu khác trong giấc mơ? Các nhà khoa học Thụy Sĩ và Mỹ đã tổ chức một thí nghiệm để tìm lời đáp cho câu hỏi này. Theo ý kiến ​​của họ, ác mộng là một loại đào tạo của hệ thống thần kinh, có chức năng giúp chúng ta giải quyết áp lực cảm xúc trong cuộc sống thực và sẵn sàng cho những căng thẳng có thể xảy ra trong tương lai.

cô gái có một giấc mơ trên cỏ

Ảnh: Pexels

Các nhà khoa học đã giải mã giấc mơ bằng cách nghiên cứu hoạt động của các bộ phận khác nhau trong não khi giấc ngủ diễn ra thông qua điện não đồ. 18 tình nguyện viên đã thức dậy nhiều lần trong đêm và họ sẽ phải báo cáo việc mình đang gặp những giấc mơ nào và liệu chúng có phải là ác mộng hay không. Nhờ phản ứng của họ và kết quả phân tích hoạt động của não, các nhà nghiên cứu đã xác định được hai khu vực chịu trách nhiệm cho những cơn ác mộng, đó là các insula và vỏ não trung gian.

Hai phần não này kích hoạt trong cùng một tình huống khi sự sợ hãi xuất hiện trong cuộc sống thực. Insula chịu trách nhiệm đánh giá cảm xúc và tự khởi động ngay khi một người cảm thấy lo lắng. Vỏ não trung gian chuẩn bị cho người đó phản ứng thích hợp và kiểm soát cách hành xử khi nguy hiểm diễn ra. Vì vậy, nếu bạn từng trải nghiệm một sự kiện đáng sợ gây sang chấn tâm lý, chẳng hạn như bị tai nạn, bị tấn công, bị bỏ rơi… insula và phần não trung gian sẽ ghi nhớ mọi hình ảnh và cảm xúc tiêu cực, sau đó, chúng sẽ tự động tái hiện lại khi bạn ngủ.

chúng ta nên làm gì để hạn chế những cơn ác mộng?

Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến giấc mơ chính là việc đảm bảo giấc ngủ. Mất ngủ trong một hoặc hai đêm (hoặc nhiều hơn) có thể khiến các bộ phận trong não hoạt động mạnh, từ đó các giấc mơ cũng xuất hiện nhiều hơn. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp hạn chế những giấc mơ, từ đó làm giảm tối đa khả năng xuất hiện các cơn ác mộng. Bạn nên tránh làm việc quá sức, thường xuyên rơi vào những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền… Ngoài ra, thay vì sử dụng quá nhiều loại thực phẩm chứa chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá… bạn nên ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn khuya, đồng thời chăm chỉ vận động, thư giãn cơ thể bằng cách chạy bộ, nhảy dây, tập yoga, thiền…

tập thể dục ngủ ngon

Ảnh: Unsplash

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Brightside

Lược dịch: Thu Trang

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more