Lifestyle / Bí quyết sống

Chuyện ngày cuối năm: Giữ tinh thần ổn định trong công việc

Những ngày cuối năm, chúng ta lại được nhắc về những kế hoạch và ước muốn cần thực hiện. Đặc biệt, cuối năm có vẻ là thời cơ thuận lợi để dân công sở đề xuất tăng lương, thăng chức hay tìm kiếm một công việc lý tưởng hơn.

cuối năm

Vì vậy, đây cũng là nguyên nhân sinh ra áp lực không nhỏ vào những ngày cuối năm, nếu không cẩn thận điều chỉnh sẽ khiến tâm trạng lo lắng, bất an, ảnh hưởng mọi kế hoạch.

1. Muốn nhảy việc hãy nên hòa hoãn

ngày cuối năm 3 - elle vietnam

Những ngày cuối năm không thích hợp cho bạn làm một cuộc chuyển đổi lớn.

Lời khuyên cho người đang có ý định thay đổi công việc chính là hãy “chậm rãi”. Thời điểm cuối năm không thích hợp để bạn thực hiện một cuộc chuyển đổi lớn. Lúc này, vị trí ứng tuyển thường không nhiều, mạo hiểm lớn (không ai thay đổi cơ cấu công ty hoặc tuyển nhân viên mới vào dịp cuối năm hoặc đầu năm cả), nếu không nắm bắt tốt rất có thể bạn sẽ phải mất thêm vài tháng tiếp theo để có được công việc ổn định. Thậm chí, bạn sẽ chẳng còn lòng dạ nào ăn Tết nếu tự dưng trở thành kẻ thất nghiệp. Thay vì vậy, hãy tập trung thật tốt cho công việc hiện tại và chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc, chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi mới trong năm sau.

2. Lên kế hoạch cho công việc càng chi tiết càng tốt

ngày cuối năm 5 - elle vietnam Lập bảng kế hoạch cho năm mới ở mọi phương diện.

Cho dù năm vừa qua công việc và cuộc sống của bạn thuận lợi hay trắc trở thì khi bắt đầu năm mới, bạn cũng phải “bước đi” thật tốt, muốn vậy, trước hết cần có kế hoạch rõ ràng và hợp lý. Dành thời gian nhất định để kiểm điểm và nhìn nhận lại bản thân, liệt kê ra những gì đã làm được và chưa làm được, sau đó có thể lập bảng kế hoạch cho năm mới ở mọi phương diện như sau:

– Con số mục tiêu: Thời gian, số lượng công việc, số tiền lương, tài sản…

– Hành động cụ thể: Làm sao chấp hành nghiêm túc kế hoạch đề ra, phương pháp thực hiện từng việc, tình huống có thể phát sinh và giải pháp.

– Kế hoạch học tập: Bản thân còn thiếu gì, khóa học ngắn hạn và dài hạn, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm…

– Xây dựng các mối quan hệ: Học cách giao tiếp, tạo vòng tròn các mối quan hệ xã hội, nghệ thuật cư xử với cấp trên, đồng nghiệp và những người có liên quan trong cuộc sống.

3. Tận dụng thời cơ bổ sung kiến thức

cuối năm

Bất luận bạn làm ở vị trí nào, ngành nghề gì thì việc không ngừng học hỏi đều cần thiết. Bạn có thể tìm hiểu bản thân còn thiếu điều gì, chọn nơi đào tạo phù hợp để đăng ký khóa học khi năm mới bắt đầu. Thông thường, mùa Xuân khiến tâm trạng con người vui vẻ và phấn chấn hơn, vì vậy nó sẽ tiếp thêm động lực cho việc hoàn thiện tri thức lẫn kỹ năng cho bạn.

4. Làm bảng tổng kết của năm

cuối năm

 

Tự làm một bản báo cáo ngày cuối năm cho chính mình để nhận thức rõ thành tựu và thiếu sót trong năm qua. Bao gồm:

– Mục đích và ý nghĩa của bảng tổng kết này (ngắn gọn).

– Tự hỏi đáp các vấn đề xảy ra liên quan đến công việc trong năm qua (dùng cách đối thoại bằng thực tế, thành tích và các số liệu cụ thể).

– Phân tích nguyên nhân đạt được thành tích (nhớ là tính cả sự hợp tác của tập thể, chứ không tự quy hết công trạng cho mình).

– Phân tích những vấn đề và sai lầm khiến mục tiêu công việc chưa hoàn thành (hãy ghi thật chi tiết, đầy đủ và có cả đối sách cho sau này.)

– Những mong đợi phát triển tương lai (nên liệt kê bằng hành động cụ thể, không nói suông)

– Kế hoạch và sắp xếp cho công việc của năm mới (cần thực tế, chia từng hạng mục và giai đoạn rõ ràng, phải có thêm tính sáng tạo)

5. Lưu ý những biến động và giữ vững vị trí

cuối năm

 

Những ngày cuối năm cũng là lúc các công ty thường có chính sách tăng giảm lao động cho phù hợp, vì vậy bạn cần lưu ý hơn đến tình hình chung của nơi làm việc, tích cực phát huy năng lực để hoàn thành xuất sắc công việc, nâng cao sự tín nhiệm và trọng dụng từ lãnh đạo, giữ vừng vị trí của mình và tăng thêm cơ hội thưởng cuối năm.

6. Trao đổi và xã giao nhiều hơn với các bộ phận khác ở chỗ làm

cuối năm

 

Hãy dành thời gian chia sẻ cởi mở với cấp trên, đồng nghiệp và các bộ phận khác để tiếp thu nhìn nhận của mọi người về công việc cũng như cách cư xử của bạn trong năm qua. Tư duy của những người xung quanh rất có thể sẽ trở thành bài học kinh nghiệm và giúp bạn nhìn rõ được ưu lẫn khuyết điểm của mình, từ đó có hướng cải thiện và phát huy.

Nhóm thực hiện

Bài viết: Tạ Lê Minh Thư (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Ảnh: Shutter Stock)  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)