Giữa hai thế hệ
Từ xưa tới giờ, dòng sống của con người nối tiếp nhau miên man qua bao thế hệ, tạo nên bao dòng chảy triền miên không dứt. Giữa các thế hệ, tuồng như vẫn nổi chìm những cách ngăn, hoặc hữu hình hoặc vô hình nào đó. Song, ở chính diện, thực tế cuộc sống vẫn cho thấy sự kết nối không thể nào thiếu vắng giữa các thế hệ – như chiếc cấu nối, làm liền mạch giữa hai bờ một con sông… Có anh chàng bức xúc kể rằng: “Tôi đã ngoài 40 mà vẫn bị ba mẹ coi như con nít, cái gì cũng uốn nắn, cũng chăm lo, nhắc nhở từng chút, la rầy từng chuyện nhỏ…” . Câu chuyện của chàng trai cho thấy không ít điều về mối dây ràng buộc cùng những gút mắc tự nhiên giữa các thế hệ trước và sau.
Các nhân tố tác động
Mỗi thế hệ, thông thường cách nhau từ 20 tới 30 năm – đó là quãng thời gian đủ cho một lớp người trưởng thành, hình thành thế hệ mới. Quãng cách thời gian khiến những lớp người có độ tuổi khác nhau, tự hình thành một cách tự nhiên và đương nhiên, những khác biệt về các mặt: nhận thức, quan niệm, tâm sinh lý, thói quen ứng xử, hành động… tạo nên những khuôn mẫu, những đặc điểm, màu sắc riêng của thế hệ mình. Tuy nhiên, thực tế đó hoàn toàn không có nghĩa rằng thế hệ là lưỡi kéo khắc nghiệt cắt đứt mối quan hệ giữa lớp tuổi trước với lớp tuổi sau vốn cùng tồn tại trên một dòng chảy huyết thống, một nền tảng văn hóa của chung một xã hội, một dân tộc.
Vậy sự khác biệt giữa hai thế hệ mang hình thù thế nào trong đời sống con người? Trước hết, nó hiện hình ở thái độ sống. Do sinh trưởng trong các thời gian khác nhau với những điều kiện, hoàn cảnh xã hội khác nhau, lại thiếu gắn kết quan hệ hiện hữu khiến hai thế hệ dễ có nguy cơ không có chung một phương pháp xác định bản chất sự kiện, và theo đó là không có chung một thái độ ứng xử đối với sự kiện ấy. Thái độ sống khác nhau xuất phát từ sự khác nhau của nhận thức, của lối suy tư, của mục tiêu quan tâm cùng cách ứng xử, hành động của mỗi lứa tuổi.
Mức độ và bản chất khác biệt thế hệ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài của mối quan hệ này. Đó là những chuẩn mục, quan niệm, kinh nghiệm cùng thói quen sống của mỗi con người. Đó còn là các yếu tố thuộc về không gian sống, như mức độ thấm nhuần văn hóa dân tộc hay ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, những khác biệt về đặc điểm sống ở các vùng, miền khác nhau; cũng như các yếu tố về thời gian sống, theo giai đoạn thời gian và thể chế xã hội khác nhau… Chúng ta hiện đang có một thời kỳ hiếm thấy: thời kỳ xây dựng đất nước triệt để và toàn diện nhất sau thời gian dài bị chiến tranh khốc liệt hủy diệt.
Thời kỳ chuyển đổi tận gốc cách nghĩ, cách làm, cách sống từ cơ chế bao cấp (mọi hoạt động cơ bản của xã hội đều được Nhà nước bao) sang cơ chế thị trường có định hướng (mọi sinh hoạt cơ bản của các thành phần xã hội đều do mình tự liệu, theo chỉ dẫn chung của Nhà nước). Đây cũng là thời kỳ chuyển đổi từ nền khoa học kỹ thuật lạc hậu, sản xuất trì trệ sang thời đại đột phá của khoa học – công nghệ, đem lại cho đời sống xã hội những biến chuyển to lớn, nhanh chóng và tận gốc. Do vậy, mức khác biệt giữa các thế hệ người Việt hôm nay khác rất xa so với mức khác biệt của các thế hệ người Việt những thời kỳ trước, kể cả tính chất lẫn nội dung.
Trong xã hội có nền văn hóa truyền thống lâu đời như nước ta, việc lớp già chăm lo lớp trẻ, và lớp trẻ kính trọng quan tâm lớp già là một đạo lý truyền kiếp quý báu, hợp lẽ đời. Nó tạo nên sức mạnh rộng rãi, cố kết các mối quan hệ gia đình cũng như xã hội – thứ sức mạnh thiêng liêng của văn hóa phương Đông mà giờ đây, nhiều học giả phương Tây đang lớn tiếng kêu gọi đề cao. Vậy mà, trong vài thập niên qua, do nhiều biến động rung chuyển, mang tính quy luật của thời đại – nổi bật là dòng thác hội nhập toàn cầu, đã lay động ráo riết hệ thống rường cột, vốn rất vững chắc của cấu trúc gia đình truyền thống Việt; thay đổi đáng kể cấu trúc quan hệ vốn gắn bó chặt chẽ giữa các thế hệ người Việt chúng ta.
Sự khác biệt giữa hai thế hệ còn biểu lộ qua quan niệm về mục tiêu sống cũng như nội dung sống được mỗi thế hệ quan tâm. Thế hệ lớn tuổi, với thói quen từ xưa để lại, và vẫn thấm nhuần tinh thần gắn bó gia đình, và với quán tính thương yêu, luôn có xu hướng muốn tiếp tục kiểm soát, bao bọc như khi con cháu còn thơ ấu. Họ luôn mang tâm trạng có nghĩa vụ giáo huấn, truyền đạt, hướng dẫn con cháu làm điều hay, tránh điều dở theo quan niệm của mình, nhằm giúp chúng vào đời thuận lợi nhất. Ngoài ra, tâm lý kế tục danh dự gia đình, dòng họ cũng khiến thế hệ trước lo lắng, chú tâm rèn giũa cháu con, mong chúng noi gương mình mà thành đạt vẹn toàn.
Trong khi đó, thế hệ đi sau đang trong độ tuổi và tư thế sung sức, hăng hái dấn thân. Kỹ năng sống của họ tuy còn mỏng, song được hấp thụ nhanh chóng và đa diện các kiến thức mới do nhiều nguồn thông tin hiện đại đem lại. Là lớp người dám nghĩ dám làm, luôn chứa nhiều ước mơ hoài bão, không thỏa mãn với những gì đã đạt được và có xu hướng nhìn về tương lai hơn là quá khứ. Tuy nhiên, lớp người trẻ, vì chưa đủ thời gian kinh quá, thử thách thực tế, nên không ít người dễ rơi vào tự tin thái quá, thờ ơ với các nghi thức cùng tình cảm gia đình, quê hương, cội nguồn dân tộc, đặc biệt là lịch sử dân tộc.
Nỗ lực hàn gắn những khoảng cách
Trong thực trạng nêu trên, những “trục trặc” không đáng có giữa các thế hệ đã và đang diễn ra, cả ngầm ẩn, cả công khai. Chẳng hạn, trong khi người già chăm chỉ nhắc nhở, khuyên răn thì có những người trẻ lảng tránh hoặc bất cần, vì cho rằng người già lạc hậu, cũ kỹ, hay“xía” vô cớ vào đời tư của họ. Trong khi người già, theo những bài học đường đời đã trải qua, luôn nghĩ xa về mai sau từ những việc làm hiện tại thì người trẻ không coi đấy là chuyện lớn đáng quan tâm. Lại, trong khi người già đắm đuối với quá khứ qua những kỷ niệm xưa, có xu hướng hướng nội; thì người trẻ thường có xu hướng hướng ngoại, hòa nhập mạnh mẽ…
Qua bao chi tiết đó, có thể nhận ra rằng, bằng cách áp đặt, người già có thể đã rơi vào chủ quan, bảo thủ, do không thấu hiểu thực tế sự tình. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm mất đi nguyện ước đáng quý cùng tấm lòng chân thành của họ. Còn với ngưới trẻ, sự “phớt lờ” kia là minh chứng cho ý chí tự tin trong họ, đồng thời cũng minh chứng về trạng thái thiếu kinh nghiệm và thiếu khôn ngoan cần có nơi họ.
Sự thể đã là vậy, nhưng không phải mọi khác biệt thế hệ đều trở thành mối xung khắc không thể điều hòa. Sự thật là giữa các thế hệ khác nhau, luôn có mối quan hệ tương hỗ không thể rời xa, đặc biệt ở lĩnh vực tình cảm. Bởi lẽ, gia đình, dòng họ, xã hội là những chiếc nôi ấm áp nuôi dưỡng, gắn bó con người qua thời gian. Sự khác biệt chỉ trở nên gay cấn khi ai đó thực sự kém hiểu biết, hoặc cố ý bất chấp tình cảm gia đình, truyền thống văn hóa dân tộc.
Do vậy, giải pháp phải lẽ và khả thi là không một ai nên coi sự khác biệt thế hệ có tính đương nhiên theo quy luật của đời sống kia, là mâu thuẫn cản ngại hòa hợp gia đình cũng như xã hội. Đời sống là bản giao hưởng nhiều bè, có trầm – bổng, già – trẻ, tốt – xấu. Hãy thông hiểu, thích nghi và chấp nhận nhau để có thể tận dụng ưu thế vốn có của mỗi thế hệ. Trân trọng những thay đổi và sẵn sàng đón nhận cái mới là điều cần thiết.
Mặt khác, chúng ta ai cũng cần tìm hiểu và tôn trọng truyền thống gia đình, thấu hiểu nguồn cội và biết ơn cội nguồn. Bởi ai cũng vậy, lúc này là cha mẹ thì trước kia đã từng làm con, và lúc này làm con thì mai sau cũng sẽ trở thành cha mẹ – đó là cái vòng tuần hoàn sống, được tạo hóa sinh ra từ bao kiếp người. Với thế hệ già, cần cảm thông, hỗ trợ, nâng đỡ lớp trẻ trong tinh thần trách nhiệm cùng tình cảm ruột thịt. Nếu họ tạo điều kiện rộng mở thì giới trẻ sẽ bay cao bay xa trong bầu trời mênh mông của thời đại công nghệ mới.
Cải hoán cách biệt thế hệ thành kết nối thế hệ, gắn kết già với trẻ, truyền thống với hiện đại để tạo nên sức mạnh nội sinh của mỗi con người cũng như của cả cộng đồng, lưu dấu xứng đáng trên các chặng thời gian đi qua; là thiên chức làm người, là trọng trách thiêng liêng của mọi thế hệ trên cõi đời. Điều đó hoàn toàn trong tay ta, bởi cho dù ta không thể kiểm soát được mọi diễn biến trong đời, song ta hoàn toàn có thể làm chủ suy nghĩ cũng như hành động của chính mình.
Nhóm thực hiện
Bài: PGS.TS Trần Luân Kim