Góc riêng
(Phái đẹp – ELLE) Nếu công việc hàng ngày là nguyên liệu chính thì sở thích là những chất gia vị phụ trợ làm phong phú cuộc sống, làm ta sống một cách trọn vẹn nhất.
Tôi vừa đọc xong một cuốn sách có tên là “Những sinh vật phi thường” của nhà văn Tracy Chevalier. Đây là một cuốn tiểu thuyết dựa trên cuộc đời của nhà sưu tầm hóa thạch, nhà cổ sinh vật học người Anh Mary Anning (1799-1847).
Thành quả vĩ đại từ một sỏ thích riêng
Mary Anning là một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, tìm kiếm sinh học thời tiền sử. Bà là một trong những nhà sưu tầm đầu tiên tìm thấy hóa thạch của các loại khủng long. “Những sinh vật phi thường” kể về thú vui riêng, dần dần trở thành niềm đam mê của Anning: tìm kiếm các hóa thạch trên bờ biển Lyme Regis, về tình bạn giữa bà, một thành phần của giới thượng lưu, với một cô bé nhà nghèo có cùng chung sở thích mang tên Elizabeth Philpot, về những khám phá hóa thạch lớn của họ, về những đinh kiến xã hội, giai cấp cũng như giới tính họ phải vượt qua để khẳng đinh với giới khoa học vào đầu thế kỷ XIX về tầm quan trọng và sự vĩ đại những hóa thạch mà họ sưu tầm.
Chuyện kể về hai phụ nữ thuộc hai thế hệ khác nhau, hai tầng lớp khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau, nhưng có chung một sở thích đi thu lượm hóa thạch. Sở thích của họ là chất keo gắn kết họ với nhau, là động lực để họ luôn mưu cầu học hỏi thêm về thế giới của hóa thạch, của sinh vật học, và là đam mê để họ đắm mình trong đó để vượt qua những hỷ nộ ái ố của cuộc sống riêng. Câu chuyện kết thúc với một tình bạn trung thành được hình thành từ sở thích chung và những ước mơ dường như là ảo vọng: sự chấp thuận của giới khoa học mà đàn ông chiếm đa phần. Câu chuyện là hư cấu nhưng Mary Anning là nhân vật thật và những đóng góp của bà cho ngành cổ sinh vật học là thật. Những thành quả vĩ đại được bắt đầu từ sở thích tưởng như đơn giản: thu nhặt hóa thạch.
Hãy nói cho tôi biết sở thích của bạn là gì, tôi sẽ nói bạn là ai
Sở thích là những gì ta thích làm trong lúc nhàn rỗi, những gì làm ta thật quan tâm, làm thỏa thích những xúc cảm trong ta. Hơn thế nữa, sở thích còn là những giây phút giúp ta sắp xếp lại cuộc sống trong ý nghĩ, giúp ta khám phá lại mình và giúp ta duy trì một đời sống tinh thần lành mạnh. Sở thích của một người phản chiếu cuộc sống tinh thần và nội tâm của người đó: những gì ta yêu hoặc ghét, những điểm mạnh và điểm yếu. Chính vì lý do này mà những nhà tuyển dụng thường quan tâm đến sở thích của người xin việc để xem tính cách, bản thân họ có hợp với vị trí đang được tuyển không.
Hiếm thấy phụ nữ hiện đại có sở thích giống những người bà, người mẹ trước đây như đan, thêu, nấu ăn, làm bánh, chơi đàn dân tộc… Có lẽ vì những sở thích ấy liên quan đến việc tạo ra những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Nay ta may mắn hơn, giàu có hơn, có thể có những sở thích đắt tiền hơn. Thấy thương thương các thế hệ trước.
Nuôi dưỡng óc sáng tạo từ những niềm đam mê
Hướng cho con trẻ có sở thích ngay từ nhỏ là điều cần thiết trong việc nuôi dạy trẻ. Thế giới hiện đại rất dễ lôi kéo cả người lớn lẫn trẻ con ngồi hàng giờ trước máy tính với những trò trơi điện tử, các website, mạng xã hội… Ngồi trước những màn hình hàng giờ không phải là sở thích, hoặc là một sở thích rất có hại. Gần đây, tôi có dự một buổi thuyết trình của nhà giáo lỗi lạc người Anh Sue Palmer. Bà đã bỏ ra gần 20 năm nghiên cứu để chỉ ra cho các bậc phụ huynh thấy hậu quả của việc cho trẻ con tiếp xúc nhiều với thế giới điện tử quá sớm, quá nhiều. Tỉ lệ trẻ có vấn đề tiếp thu kiến thức trong trường học, có vấn đề về cư xử, trẻ tự kỷ, trẻ thiểu năng đã tăng lên rất nhiều trong 20 năm gần đây. Bà khuyến khích các bậc phụ huynh giảm thời gian cho các em tiếp xúc với điện tử và tăng thời gian chơi ngoài trời, hướng các em tiếp cận các sở thích lành mạnh như thể thao, thủ công, sưu tầm, đọc sách… Với con trẻ, phát triển sở thích dạy các em cách hình thành và đạt mục đích, cách tháo gỡ vấn đề, và cách đưa ra quyết định ngay từ nhỏ. Do vậy, uốn nắn các em phát triển trí óc lành mạnh.
Tất nhiên, điều quan trọng của sở thích là giúp chúng ta khám phá tiềm năng của mình, châm ngòi cho sự sáng tạo trí óc hoặc sức mạnh cơ thể, học hỏi về người, về đời, về tri thức của nhân loại. Và sở thích có thể thay đổi theo giai đoạn, theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, sức khỏe. Sống có đam mê, có sở thích làm cuộc sống của chúng ta giàu có hơn, cộng hưởng thêm vào bề dày kinh nghiệm sống của mỗi người. Tôi hay nghĩ trong cuộc sống, nếu công việc hàng ngày của chúng ta là nguyên liệu chính, thì các sở thích là những chất gia vị phụ trợ làm phong phú cuộc sống, làm ta sống một cách trọn vẹn nhất có thể.
Bài: Vũ Phương Nhu
Phái đẹp – ELLE
ELLE.VN