Hiểu về sự hài hước vượt quá “giới hạn”
Sự hài hước mang đến tiếng cười và giúp giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, lời nói đùa thái quá đôi khi lại biến thành lưỡi dao găm vào nỗi đau của người khác.
Ranh giới giữa “hài hước” và “kém duyên” rất mỏng manh. Giới hạn này, theo theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Rod Martin và các cộng sự (2003), có thể được hiểu dựa trên phong cách hài hước (humor styles) mà một người có xu hướng áp dụng theo mục đích riêng của mình, chẳng hạn như gây ấn tượng tốt về bản thân hay mở rộng mối quan hệ. Do đó, để không đi quá giới hạn hay bị tổn thương bởi những lời nói đùa, việc hiểu rõ về các phong cách tạo tiếng cười sẽ giúp ích cho bạn.
Các phong cách hài hước (humor styles)
Trong tâm lý học, phong cách hài hước là cách một cá nhân thể hiện tính dí dỏm của mình trong tương tác với mọi người và giải tỏa căng thẳng.
Nghiên cứu của Rod Martin phân loại sự hài hước thành 4 kiểu chính:
- Hài hước kết nối (affiliative humor): đây là phong cách được nghĩ đến nhiều nhất khi nói về một người có khiếu kể chuyện đùa. Mục đích của kiểu hài này là kết nối mọi người lại với nhau, tạo không khí dễ chịu và rộn ràng tiếng cười bằng những câu chuyện châm biếm không mang tính công kích cá nhân, đem đến sự lành mạnh, tích cực.
- Hài hước công kích (aggressive humor): bao gồm việc trêu chọc, chế giễu, mỉa mai và thậm chí hạ thấp người khác. Phong cách này phần lớn gây tổn thương và có thể được sử dụng để thao túng hoặc xa lánh người khác.
- Hài hước tự cường (self-enhancing humor): mục đích của phong cách đùa tự cường là khuyến khích sự lạc quan và rèn luyện khả năng đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Cá nhân mang đến tiếng cười bằng cách đặt bản thân vào những tình huống tiêu cực có thật (hoặc giả lập), từ đó tạo tiếng cười bằng thái độ vui vẻ, tích cực.
- Hài hước kiểu tự hạ thấp bản thân (self-defeating humor): người có xu hướng tạo không khí vui vẻ theo kiểu này thường sử dụng bản thân, ngay cả khi bị khinh thường, để tạo tiếng cười. Điều này có thể gây tác động tiêu cực cho tâm lý về lâu dài.
Mặc dù mục đích chính của sự hài hước là mang lại tiếng cười theo một cách tích cực, có thể thấy xu hướng tạo sự vui vẻ bằng cách công kích cá nhân và hạ thấp bản thân ít có khả năng mang lại kết quả hài lòng cho cả hai phía.
Theo một nghiên cứu của các học giả đến từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh (MingZhu Wang và các cộng sự, 2018), trong hầu hết các trường hợp, việc một người sử dụng lời nói đùa theo hai hướng này (công kích và tự hạ thấp bản thân) chính là người đó đang vượt qua giới hạn của sự hài hước – điều đáng lẽ phải mang lại niềm vui cho người nghe.
Bí quyết giữ sự hài hước không vượt quá giới hạn
Nghiên cứu của Mingzhu Wang cho rằng, phong cách hài hước tự cường (self-enhancing humor) và kết nối (affiliative humor) mang lại hiệu quả hơn trong việc tránh công kích, gây thương tổn cho người khác, giúp bạn giữ cho sự vui đùa của mình trong “vùng an toàn” và xây dựng các mối quan hệ hài hòa, từ đó mang lại cảm giác hài lòng và hạnh phúc hơn.
Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người sở hữu chỉ số trí tuệ cảm xúc cao (EQ – khả năng nhận thức, kiểm soát và diễn giải cảm xúc) có khả năng biết rõ thời điểm để tạo ra tiếng cười mà không làm tổn thương cảm xúc của người khác. Trùng hợp là những người này cũng có xu hướng thể hiện tính vui vẻ của mình thông qua kiểu hài hước kết nối và tự cường.
Sự hài hước mang lại niềm vui, sự tích cực và giúp bạn mở rộng các mối quan hệ của mình. Từ nghiên cứu của MingZhu Wang, việc hạn chế sử dụng hai phong cách hài hước mang tính công kích và tự hạ thấp bản thân sẽ giúp những lời nói đùa được giữ trong giới hạn của sự vui vẻ, thoải mái.
Lược dịch: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: psychologytoday