Lifestyle / Bí quyết sống

Ngày Môi trường Thế giới và chiến dịch hạn chế chất thải nhựa trên phạm vi toàn cầu

Với chủ đề hạn chế chất thải nhựa, Ngày Môi trường Thế giới năm nay (5/6) mong muốn thay đổi ý thức người dùng, trả lại môi trường sống trong lành cho thiên nhiên và con người

Chất thải nhựa – mối đe dọa đến hành tinh xanh của chúng ta

Hằng ngày, chúng ta có thể sử dụng nhiều đồ vật làm từ nhựa nhưng không phải ai cũng có ý thức về tác hại to lớn của chất thải này. Chất thải nhựa không thực sự phân hủy mà nó chỉ phân rã thành các hạt cực nhỏ và cuối cùng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Hay nói cách khác, một chai nhựa hoặc một túi nylon bạn vứt ra hôm nay sẽ quay trở lại bàn ăn của chính bạn. Không chỉ vậy, chất thải nhựa còn làm ô nhiễm đất, nước – môi trường sinh sống của nhiều loài động vật. Nhận thấy mối đe dọa to lớn của chất thải nhựa, ngày Môi trường Thế giới năm nay, với chủ đề “Giải quyết chất thải nhựa và nylon”, các tổ chức về môi trường đã cùng nhau tiến hành nhiều chiến dịch nhằm nâng cao ý thức người dùng và hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa mỗi năm.

Đôi nét về chiến dịch “Planet or plastic?”

Chiến dịch Planet or plastic? (Hành tinh hay nhựa?) của tạp chí National Geographic đang nhận được nhiều sự chú ý bởi cách tiếp cận mới mẻ và trực quan. Không đi sâu vào việc đưa ra những số liệu thống kê hay lý thuyết khô khan, chiến dịch này tác động mạnh đến ý thức của mỗi người thông qua các tác phẩm từ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Qua mỗi bức ảnh, chúng ta sẽ hình dung được độ nguy hiểm của 9 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm đối với môi trường sống của các loài sinh vật và của chính chúng ta.

Trong 130 năm, National Geographic đã ghi lại câu chuyện về hành tinh của chúng ta, cung cấp cho mọi người trên khắp thế giới hình ảnh đẹp tuyệt của Trái Đất cũng như mối đe dọa mà nó phải đối mặt. Mỗi ngày, các nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu và nhiếp ảnh gia của chúng tôi đều chứng kiến ​​tận mắt tác động tàn phá khủng khiếp của nhựa lên đại dương của chúng ta, và tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn”, Gary E. Knell, CEO của National Geographic Partners nói với tờ Daily mail.

Hạn chế chất thải nhựa 1
Hằng năm, có đến 9 triệu tấn chất thải nhựa thải ra biển nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. (Ảnh: National Geographic)

Dưới đây là một vài bức ảnh đáng chú ý của chiến dịch:

Hạn chế chất thải nhựa 2
Các nhiếp ảnh gia đã giải phóng chú cò này từ một túi nhựa tại bãi rác ở Tây Ban Nha. Nếu tình huống xấu xảy ra, dù phần xác của chú cò có bị phân hủy thì bịch nylon này vẫn sẽ ở đó và tiếp tục “bẫy” một chú cò đáng thương khác. (Ảnh: John Cancalosi)
Hạn chế chất thải nhựa 3
Dưới một cây cầu trên nhánh sông Buriganga, Bangladesh, một gia đình đang gỡ bỏ nhãn trên chai nhựa, phân loại chúng và bán cho một đại lý phế liệu. (Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 4
Thị trường nhựa lớn nhất hiện nay là vật liệu đóng gói. Chất thải nhựa hiện chiếm gần một nửa lượng rác thải được tạo ra trên toàn cầu – không bao gồm những chiếc túi đã được tái chế hoặc đốt. (Ảnh: Jayed Hasen)
Hạn chế chất thải nhựa 5
Những chai nhựa bị vứt ở đài phun nước Cibeles, bên ngoài tòa thị chính ở trung tâm Madrid. Một nhóm hoạt động nghệ thuật với tên gọi Luzinterruptus đã lắp đầy hai đài phun nước Madrid với 60.000 chai nhựa như một cách kêu gọi sự chú ý của mọi người. (Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 6
Một lưới đánh cá bằng nhựa cũ đã “bẫy” một chú rùa ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Tây Ban Nha. Chú rùa này vốn có thể duỗi cổ trên mặt nước để thở nhưng nó lại bị mắc kẹt vào lưới. Nếu nhiếp ảnh gia không đến giải cứu, có thể chú rùa này đã chết. (Ảnh: Jordi Chias)
Hạn chế chất thải nhựa 7
Ở Okinawa, Nhật Bản, một con cua phải ẩn mình trong nắp chai nhựa để bảo vệ phần thân mềm của nó – một điều nghe có vẻ khá kỳ lạ nhưng bức ảnh trên đã nói lên tất cả. Những du khách đến đây đã nhặt vỏ cua và đây là thứ họ bỏ lại. (Ảnh: Shawn Miller)
Hạn chế chất thải nhựa 8
Để di chuyển, loài cá ngựa biển thường bám vào một mảnh vụn có trong nước. Ở vùng biển ô nhiễm ngoài khơi đảo Sumbawa của Indonesia, con cá ngựa này phải bám vào một cây tăm bông bằng nhựa – “một bức ảnh mà tôi ước không tồn tại”, nhiếp ảnh gia Justin Hofman nói. (Ảnh: Justin Hofman)
Hạn chế chất thải nhựa 9
Trên toàn thế giới, gần một triệu chai nước giải khát bằng nhựa được bán mỗi phút. (Ảnh: David Higgins)
Hạn chế chất thải nhựa 10
Một số loài động vật hiện đang sống trong một “thế giới nhựa”. Như những con linh cẩu ở bãi rác Harar, Ethiopia này vậy. Chúng lắng nghe tiếng xe chở rác đến và vây quanh để tìm kiếm thức ăn bị bỏ đi.(Ảnh: Brian Lehmann)
Hạn chế chất thải nhựa 11
Theo một báo cáo, có khoảng 700 loài động vật biển đã ăn hoặc bị vướng vào nhựa. (Ảnh: David Jones)
Hạn chế chất thải nhựa 12
(Ảnh: Ohn Jonhson)
Hạn chế chất thải nhựa 13
Với tình hình chất thải nhựa như hiện tại, tính đến năm 2050, hầu như mọi loài chim biển trên hành tinh sẽ ăn phải nhựa. (Ảnh: Praveen Balasubramanian)
Hạn chế chất thải nhựa 14
Tính đến năm 2015, hơn 6,9 tỷ tấn chất thải nhựa được thải ra môi trường. Khoảng 9% trong số đó đã được tái chế, 12% đã được đốt, và 79% được tích lũy trong các bãi chôn lấp hoặc ngoài môi trường. (Ảnh: Abdul Hakim)
Hạn chế chất thải nhựa 15
Ngay sau khi bình minh ló dạng ở Kalyan, ngoại ô Mumbai, Ấn Độ, những người thu gom rác sẽ bắt đầu công việc của mình. Xe chở rác từ trung tâm thành phố đến các thung lũng rác. Nhiều người đã phải gắn bó với bãi rác này đến suốt đời. (Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 16
Sau khi các túi nhựa được rửa sạch ở sông Buriganga, ở Dhaka, Bangladesh, bà Noorjahan trải chúng ra để phơi khô và được bán cho một người tái chế. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là chỉ có ít hơn 1% chất thải nhựa trên toàn cầu được tái chế. (Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 17
Những mảnh nhựa màu được nhặt về, rửa sạch, phơi khô trên bờ Buriganga. Khoảng 120.000 người làm việc trong ngành công nghiệp tái chế trong và xung quanh Dhaka, nơi có 18 triệu dân sinh sống và khoảng 11.000 tấn chất thải mỗi ngày. (Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 18
Nhà máy tái chế San Francisco lớn nhất của Recology xử lý từ 500 đến 600 tấn rác thải mỗi ngày. Đây là một trong số ít các nhà máy ở Mỹ chấp nhận thu gom túi nhựa mua sắm. Kể từ đó, nơi đây đã tăng gấp đôi trọng tải tái chế trong 20 năm qua. (Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 19
Xe tải chở đầy chai nhựa được nhặt từ Manila và đưa vào một cơ sở tái chế ở Valenzuela, Philippines. Các chai và nắp nhựa sẽ được nghiền nhỏ, bán cho chuỗi tái chế và xuất khẩu. (Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 20
(Ảnh: Randy Olson)
Hạn chế chất thải nhựa 21
(Ảnh: Richard John Seymour)
Hạn chế chất thải nhựa 22
Trung Quốc là nước sản xuất nhựa lớn nhất – chiếm hơn một phần tư tổng số trên toàn cầu – phần lớn xuất khẩu ra thế giới. (Ảnh: Richard John Seymour)

Những bức ảnh trên chỉ có thể phản ứng phần nào sự nguy hiểm của chất thải nhựa đối với môi trường sống. Đừng đổ lỗi cũng đừng chờ đợi sự thay đổi từ phía các nhà sản xuất. Chính chúng ta mới là người có thể gây ảnh hưởng đến họ. Nếu chúng ta có thể hạn chế dùng vật liệu bằng nhựa, các công ty sản xuất sẽ phải tìm chất liệu thay thế và giảm số lượng nhựa làm ra. Mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm hơn với những gì mình làm, không chỉ vì chúng ta mà còn vì một thế giới không ô nhiễm cho thế hệ mai sau.

Xem thêm:

“GAP for Good”: Thời trang GAP và thông điệp phát triển bền vững cùng môi trường

Các thương hiệu thời trang và xu hướng công nghệ thân thiện môi trường

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Boredpanda)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)