Chuẩn mực của hạnh phúc là do mỗi cá nhân đặt định nhưng nhìn chung, đạt được hạnh phúc thật sự là điều không hề dễ dàng. Nếu bạn muốn hạnh phúc là một dạng thức của quá trình chọn lựa thì trước tiên, phải biết được điều gì ngăn cản bạn đến với sự chọn lựa ấy và làm thế nào chúng ta có thể khắc phục những trở ngại này.
Hạnh phúc có phải là một dạng cảm xúc?
Hạnh phúc là một phạm trù của cảm xúc nhưng lại không thể lý giải chính xác một cách dễ dàng. Nó không phải là một cảm xúc độc lập mà là phức hợp của những trạng thái tích cực, thỏa mãn, từ vui thích, phấn khích cực độ cho đến hài lòng, mãn nguyện từ những điều nhỏ nhặt. Và một khi nhận định rõ từng loại cảm xúc riêng biệt ấy, chúng ta sẽ có thể gỡ rối nếu rơi vào bế tắc trong cuộc sống.
Một điều nữa cần phải được khẳng định là cảm xúc mang tính nhất thời. Những điều chúng ta cho là mãi mãi thực chất được hình thành từ chuỗi những cảm xúc nối dài, tạo cho con người ảo tưởng rằng có một thứ cảm giác trường tồn như yêu, hận, buồn, vui… Nếu sáng suốt nhìn lại, hẳn mỗi người sẽ nhận ra rằng không hề có một loại cảm xúc nào trong bạn có thể duy trì suốt ngày cả. Một ngày của bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều là đan xen của những xúc cảm buồn vui lẫn lộn, thích thú có mà chán nản cũng len lỏi đâu đó. Giả chăng, điều làm con người ta lầm tưởng việc ai đó vui vẻ hay buồn chán cả ngày là hệ quả của việc duy trì sắc thái những cảm xúc ấy tương đối liên tục.
Thế nên, để biến hạnh phúc thành một nhân tố có thể chọn lựa, chúng ta cần học cách nhận biết và thấu hiểu dấu hiệu của những cảm xúc thuộc phạm trù của hạnh phúc. Niềm vui, sự ham thích, mức độ hài lòng, cảm giác phấn chấn chỉ đến một khi chính chúng ta ý thức được mình đang trải qua cảm giác ấy. Chính ý thức là thứ quyết định việc bản thân mình có hạnh phúc hay không chứ không phải là do người khác xác định thay bạn hoặc số phận an bài.
Có phải ai cũng có thể quyết định hạnh phúc?
Hạnh phúc được cảm nhận qua cách mà chúng ta ý thức về nó. Tuy nhiên, phải chăng ai cũng có thể tự nhận biết các xúc cảm của mình để đi đến quyết định hạnh phúc hay không? Thực tế đã chứng minh có rất nhiều người không thể kết nối mình với phạm trù của hạnh phúc cũng như duy trì cảm giác hạnh phúc của riêng mình một cách đều đặn. Vậy thì điều gì đã cản bước bạn trên con đường đi đến cánh cổng mở ra cảm xúc mà mọi người vẫn mong muốn đạt được ấy?
Đầu tiên, chính là sự suy giảm của thể chất và tinh thần. Đối với những ai đang và có nguy cơ rơi vào trầm cảm, bạn sẽ khó khăn trong việc liên kết những cảm xúc đang có với trạng thái của hạnh phúc. Việc tầm soát trầm cảm và có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, không bao giờ được xem nhẹ. Cách chúng ta nghĩ về “mình” đôi khi sẽ bó hẹp chính ta trong những suy nghĩ tiêu cực. Tìm đến chuyên gia với những trị liệu thích hợp sẽ giúp bạn không đơn độc trong cuộc chiến chống lại trầm cảm và làm sống dậy những cảm xúc tích cực.
Không chỉ đến khi trầm cảm, con người ta mới không có khả năng cảm nhận được hạnh phúc. Một khi bạn thấy mình thường xuyên bị căng thẳng, mệt mỏi hay lo âu, những suy nghĩ tiêu cực sẽ hiện diện và che khuất cơ hội tìm đến những tư duy tích cực, thoải mái hơn trong bạn. Thể trạng không tốt cũng khiến đầu óc chúng ta khó khăn trong việc định hình cảm xúc. Đôi khi bạn thấy ta bỏ mặc cảm xúc của chính mình và rơi vào vô định của lối tư duy lơ đễnh.
Một lần nữa, chúng ta sẽ phải khẳng định rằng vai trò của nhận thức và sự thấu hiểu cảm xúc chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa của sự làm chủ và kiểm soát hạnh phúc. Vì lẽ ấy, hiển nhiên, hạnh phúc cũng sẽ do bạn quyết định và chọn lựa. Sức mạnh của con người đến từ sự hiểu biết. Ý thức rõ bản thân thấu đáo sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn một cách sáng suốt. Chẳng phải hạnh phúc chính là khi bạn đạt được trạng thái cảm xúc mà mình mong muốn đó sao.
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì ngăn cản bạn lựa chọn?
Vậy sẽ ra sao nếu chúng ta rơi vào buồn chán nhưng lại chưa phải là tuyệt vọng? Ra sao nếu chúng ta thường xuyên cảm thấy thất vọng về điều gì đó nhưng không hẳn là mức độ của trầm cảm? Cảm giác khi chúng ta vẫn đang có một đời sống bình dị, đủ đầy nhưng không làm bản thân thỏa mãn vẫn đang ngự trị. Liệu đó có phải là tham lam? Tham lam trong cảm xúc khiến chúng ta đánh mất hạnh phúc nội tại?
Rick Hanson đã đề cập đến một hiện tượng lạ thường của não bộ trong tác phẩm Hardwiring Happiness (tạm dịch: Hạnh phúc khó khăn) của mình, rằng não bộ chúng ta có xu hướng tìm kiếm những điều không mấy tích cực, những cảm xúc bất an, lo lắng. Hiện tượng “nghiện” những điều tiêu cực khiến não bộ chúng ta trông như xoắn hết cả lên và với những trải nghiệm ngược lại thì chúng trông trơn tuột chẳng khác gì chiếc ống nước.
Điều đó cho thấy não chúng ta có vẻ dễ kích động và phản ứng mạnh mẽ khi đối diện với những cảm xúc tiêu cực hơn là phần cảm xúc dễ chịu, yên bình. Theo thời gian, nó có thể trở thành thói quen và tất nhiên là một thói quen không tốt chút nào. Nhưng đừng lo, bạn vẫn có thể điều chỉnh phản ứng này bằng cách tập cho não bộ chúng ta hướng đến những điều tích cực. Bằng cách xoay chiều hướng suy nghĩ, lặp lại những tư tưởng tốt đẹp nhuần nhuyễn dù là nhỏ nhặt sẽ giúp chúng ta phấn chấn hơn và “phản kích”, trở thành người có thiên hướng suy nghĩ tích cực.
Hạnh phúc có là định mệnh hay không, bạn sẽ là người quyết định. Nếu bạn cho đó là định mệnh, hẳn suy nghĩ ấy sẽ khiến mọi bất hạnh hay hạnh phúc của bản thân đều trở thành lý lẽ của số phận. Còn nếu như tỉnh táo nhận định và sáng suốt trong cảm xúc, khi ấy, chính bạn đã cho mình quyền lựa chọn hạnh phúc.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: themindsjournal