Lifestyle / Bí quyết sống

Hành trình đối mặt ung thư vú: Thật may khi luôn có những người thân yêu bên cạnh

Chị Nguyễn Minh Anh, 42 tuổi, hiện đang là chuyên gia về truyền thông và đào tạo kỹ năng. Mặc dù đang trong quá trình điều trị ung thư vú, chị vẫn nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực và tin tưởng vào tương lai. Trên hành trình chông gai ấy, chị may mắn có những người thân yêu luôn đồng hành, trở thành chỗ dựa tinh thần, tiếp thêm cho chị sức mạnh, niềm vui và cả sự lạc quan.

câu chuyện của chị Nguyễn Minh Anh

Tôi sinh bé thứ hai khi đã 39 tuổi. Cuộc sống bận rộn của mẹ bỉm sữa cộng với áp lực công việc cũ khiến tôi lơ là việc khám sức khỏe định kỳ trong suốt hơn 3 năm sau khi sinh. Trong giai đoạn cho con bú, tôi hay bị tắc sữa bên phải nhưng lại không xem đó là biểu hiện bất thường. Đến giữa năm 2019, khi sờ thấy một cục hạch nhỏ ở đúng vị trí trước đây vẫn hay tắc sữa, tôi nghĩ rằng không thể tiếp tục lơ là sức khỏe của mình nữa. Tôi quyết định mua gói dịch vụ tầm soát ung thư vú – chuyên khoa tầm soát phổ biến nhất theo khuyến cáo dành cho phụ nữ. Sau khi tầm soát, tôi nhận được kết luận đó là khối u ác tính.

Cảm xúc của tôi lúc đó là một quá trình có thể so sánh với cảm xúc của người thua cuộc khi chơi gameshow – khi tất cả quyền trợ giúp là những tia hy vọng dần dần tuột mất sau mỗi quy trình kiểm tra xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của bác sĩ. Những cảm xúc ấy có thể mô tả bằng một từ “khó chịu”. Khó chịu vì thời gian tầm soát diễn ra lâu hơn dự định. Khó chịu vì phải chờ đợi làm xét nghiệm rồi chờ kết quả. Khó chịu vì trạng thái suy nghĩ “sao trường hợp của tôi phức tạp thế?”…

Có một điều tôi cảm thấy biết ơn trong suốt quãng thời gian tầm soát đó là bác sĩ của tôi đã không tạo cho tôi bất kì cảm xúc tiêu cực nào, dù chỉ là suy nghĩ xác nhận khối u trong ngực tôi là một khối u ung thư. Cô ấy đã luôn nói với tôi mỗi khi yêu cầu làm thêm xét nghiệm rằng đây là những xét nghiệm bình thường và cần thiết trước khi đưa ra kết quả. Có thể nói, cô ấy đã giúp tôi có được niềm tin rằng, càng xét nghiệm cẩn thận thì nếu kết quả có làm sao, việc chữa trị sẽ càng thêm thuận lợi. Dòng suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi khi đó luôn là: “Nếu có ra sao thì mọi việc cũng sẽ ổn thôi, chắc chắn bây giờ vẫn còn sớm”. Thời gian này cũng là lúc tôi tìm kiếm nhiều nhất những thông tin mô tả biểu hiện các giai đoạn ung thư vú để cố gắng hiểu được cặn kẽ tình trạng khối u của mình khi đọc các chỉ số thông tin trong kết quả y tế.

Cũng nhờ bác sĩ rất biết cách trấn an bệnh nhân nên khi nhận được kết quả cuối cùng qua điện thoại, dù có cảm giác trắng tay vì tất cả hy vọng đã biến mất, tôi vẫn bình tĩnh trao đổi với bác sĩ, lắng nghe lời khuyên của cô ấy để có thể hình dung ra hướng điều trị, nhờ cô ấy tư vấn thêm một số thông tin chuyên khoa, cảm ơn cô ấy rồi cúp máy. Lúc này, tôi không muốn các con nhận ra cảm xúc buồn bã tột độ của tôi. Tôi cố giấu nó đi và nhắn tin cho 2 trong 3 cô bạn duy nhất biết chuyện tôi đi tầm soát ung thư vú. Hai người bạn ấy đã ngay lập tức chia sẻ và trấn an tôi, giúp tôi ngăn những giọt nước mắt đang chực trào khỏi khóe mắt vì các con đang chơi bên cạnh. Nhìn các con hồn nhiên chơi đùa, tôi buồn vì hiểu rằng trong tương lai, một số cam kết của tôi với chúng có thể sẽ không thực hiện được. Nhưng đồng thời, các con cũng là động lực để tôi quyết tâm tìm cách chữa bệnh thật nhanh, càng sớm càng tốt.

Thú thực, tôi không hề sợ hãi khi biết mình mắc bệnh. Có lẽ đó là hệ quả tốt từ quyết định chủ động đi khám tầm soát. Nên gọi cảm giác lúc đó là lo lắng thì đúng hơn. Tôi lo việc nằm viện phẫu thuật và điều trị sẽ lấy đi những khoảng thời gian mà tôi thường dùng để đưa bọn trẻ đi chơi. Tôi lo việc điều trị hóa chất làm cho tóc tôi bị rụng và các con sẽ khiếp sợ… Nhưng rồi tôi cũng mau chóng tìm ra giải pháp, lên kế hoạch để giải quyết những nỗi lo lắng và chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai chữa bệnh sắp tới. Hiện tại, tôi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u và đang điều trị hóa chất. Các bác sĩ cho biết những chỉ số kiểm tra giữa kỳ của tôi, đến thời điểm này, là tạm ổn.

câu chuyện của bệnh nhân ung thư vú
Tôi vốn tin rằng, ở một chừng mực nào đó, năng lượng tích cực từ những người xung quanh, đặc biệt là từ những người bạn thân yêu của tôi, sẽ luôn mang lại cho tôi sức mạnh vượt lên giới hạn bình thường của bản thân.

Trong quá trình điều trị, có một người luôn đồng hành cùng tôi, luôn mang đến cho tôi chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần, luôn tạo cho tôi sự an tâm tuyệt đối mang tên “Con đừng lo, đã có bố đây”. Bố là người đầu tiên trong gia đình mà tôi gọi điện báo tin chẳng lành. Bố tôi vốn là một nhà nghiên cứu về công nghệ sinh học trong lĩnh vực dược liệu. Tôi gọi điện cho bố vì tin rằng bố sẽ có thể giúp tôi tìm được lời khuyên tốt nhất từ các mối quan hệ công việc của ông và vì một lý do quan trọng hơn, bố sẽ chọn được cách báo tin phù hợp nhất cho mẹ tôi, điều tôi không thể làm được ở thời điểm đó. Cách ông trả lời cuộc điện thoại của tôi khi ấy còn góp phần làm tôi yên tâm hơn, ông nói, mọi việc dù có thể nào cũng có hướng giải quyết và mọi người trong gia đình sẽ luôn bên cạnh tôi. Tôi cảm thấy mình may mắn vì có người thân luôn đồng hành, luôn tạo cho tôi một niềm tin chắc chắn sẽ chiến thắng chỉ cần tôi bền bỉ… Tất cả những điều đó đã giúp tôi có được sự lạc quan và suy nghĩ  tích cực – điều này vô cùng quan trọng

Trong quá trình nằm viện sau khi mổ, một người bạn đã tặng tôi cuốn sách Nhân tố Enzyme của bác sỹ Hiromi Shinya. Trong đó, có một đoạn tôi rất tâm đắc: “Việc điều trị bệnh ung thư không khó như chúng ta vẫn tưởng. Nếu người đó thật lòng tin tưởng mình có thể chữa khỏi bệnh và nhận ra rằng mình yêu thương ai đó từ tận đáy lòng thì việc khỏi bệnh là không khó…”.

Tôi vốn tin rằng, ở một chừng mực nào đó, năng lượng tích cực từ những người xung quanh, đặc biệt là từ những người bạn thân yêu của tôi, sẽ luôn mang lại cho tôi sức mạnh vượt lên giới hạn bình thường của bản thân. Tôi có những người bạn rất tuyệt vời. Việc được chia sẻ với họ về vấn đề của mình, nhận được sự thăm hỏi, yêu thương của họ đã mang lại cho tôi nguồn năng lượng mạnh mẽ mà đến chính tôi cũng phải ngạc nhiên. Tôi có thể vượt qua cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng và nhanh chóng hồi phục. Đến bây giờ, các bạn vẫn luôn ở bên tôi, động viên, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh, mang đến cho tôi niềm vui và sự lạc quan. Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì điều đó.

bệnh nhân ung thư vú
Với tôi, ung thư vú không những giúp tôi mở lòng hơn trước những lựa chọn của cuộc đời mà còn cho tôi cơ hội để bắt đầu một cuộc sống tốt hơn, cả về chế độ dinh dưỡng, niềm tin và các mối quan hệ xã hội.

Trước khi bước vào quá trình điều trị, không riêng gì tôi, mọi bệnh nhân ung thư vú đều cần có sự chuẩn bị kỹ càng.

Thứ nhất và quan trọng nhất, bạn cần đủ tỉnh táo để tìm ra những nguồn thông tin đúng và đáng tin cậy trong hàng vạn thông tin về chữa trị ung thư tràn lan trên internet.

Thứ hai, bạn phải chọn điều trị ở bệnh viện chuyên khoa ung bướu uy tín và cần đặt niềm tin vào bác sĩ chuyên khoa. Điều trị ung thư vú là một con đường dài. Bạn sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn điều trị chuyên biệt, vì thế mà sẽ có nhiều bác sĩ cùng tham gia như: ngoại khoa, hóa chất, xạ trị, nội tiết, giảm nhẹ, phục hồi, tâm lý, dinh dưỡng… Các bác sĩ mà bạn gặp và xin tư vấn có thể đến từ nhiều mỗi quan hệ xã hội và điều kiện của bản thân, nhưng cần chắc chắn rằng họ là những bác sĩ uy tín trong lĩnh vực điều trị ung bướu.

Điều quan trọng thứ ba là bạn nên chủ động chuyển bản thân sang một chế độ dinh dưỡng đủ chất, dễ hấp thu, sạch, hợp khẩu vị. Để khi bạn đang ở trong giai đoạn điều trị, ngay cả lúc chán ăn nhất, bạn vẫn nạp đủ dinh dưỡng, giữ cho cơ thể đủ khỏe để đáp ứng được phác đồ điều trị thay vì thụ động để mọi người khuyên/ép ăn cái này cái kia.

Mọi người thường có suy nghĩ sai lầm rằng bệnh nhân khi đang điều trị ung thư thì phải ăn chay hay kiêng một số thực phẩm để bỏ đói tế bào ung thư. Hiện nay, bác sĩ điều trị vẫn dặn tôi không cần phải kiêng gì cả, hãy cứ ăn uống bình thường, đủ chất để cơ thể luôn khỏe mạnh, bền bỉ trong suốt quá trình điều trị. Nhờ vậy mà những đợt truyền hóa chất của tôi diễn ra tương đối nhẹ nhàng, ít tác dụng phụ. Chỉ có điều, nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ điều chỉnh lối sống của mình sớm hơn. Một trong những thói quen mà tôi chắc chắn sẽ thay đổi là từ bỏ thực phẩm đóng hộp.

Ung thư vú là căn bệnh phổ biến nhất đối với nữ giới, nhưng vẫn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Vì vậy, bạn hãy chủ động lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân, tầm soát định kỳ theo khuyến cáo y tế cộng đồng. Nếu bạn đang đối mặt với ung thư, hãy xem đó là một cơ hội để điều chỉnh lại lối sống, để tiếp tục một cuộc đời mới, tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Với tôi, ung thư vú không những giúp tôi mở lòng hơn trước những lựa chọn của cuộc đời mà còn cho tôi cơ hội để bắt đầu một cuộc sống tốt hơn, cả về chế độ dinh dưỡng, niềm tin và các mối quan hệ xã hội.

Để tìm hiểu sâu hơn và được lắng nghe những chia sẻ về ung thư vú, mời các bạn tham gia hội thảo ELLE Women in Society tháng 10/2019, chủ đề SỨC MẠNH NƠ HỒNG – CHIẾN THẮNG UNG THƯ TỪ HY VỌNG, diễn ra vào ngày 26/10/2019 tại GEM Center, 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM.

Dresscode: Trắng, hồng

EWIS Ung thư vú

Vì số lượng tham gia có hạn, các bạn vui lòng đăng ký trước tại ĐÂY.

100 độc giả ELLE đăng ký đầu tiên và có xác nhận bằng email sẽ nhận được một phiếu quà tặng trị giá 500.000 VNĐ khi check-in tại sự kiện. Thẻ quà tặng được áp dụng trực tiếp cho các mặt hàng thuộc BST CALVIN KLEIN PERFORMANCE và CALVIN KLEIN INDERWEAR, với tổng giá trị đơn hàng từ 1.500.000 VNĐ trở lên.

Cảm ơn thương hiệu CALVIN KLEIN đã đồng hành cùng ELLE trong sự kiện lần này.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Đoàn Trúc Ảnh: Chu Lân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)